Monday, April 29, 2024

Sổ Tay: Nghề làm báo hạnh phúc lắm!

Kiều Mỹ Duyên

Ở Việt Nam, tôi đã viết báo lúc 11 tuổi, cô giáo đem bài của tôi đăng báo thiếu nhi, tôi được lãnh nhuận bút. Từ đó, tôi tiếp tục viết báo. Những bài luận văn nào hay nhất được đọc trong lớp, những học trò xuất sắc của trường được chọn đi Vũng Tàu. Mỗi lần có những chuyến đi như vậy, về viết bài và được đăng báo, lãnh nhuận bút. Từ tiểu học lên trung học, học trung học đệ nhất cấp ở trường trung học Lý Thường Kiệt chuyển về Sài Gòn, học trung học Trưng Vương đệ tam chọn ban C, là ban văn chương.

Ký giả Kiều Mỹ Duyên thời còn làm báo. (Hình: Nhân vật cung cấp)

Sau này, lên đại học, học văn khoa và luật khoa, làm việc cho nhật báo Công Luận, chủ nhiệm là Trung Tướng Tôn Thất Đính, tôi giữ mục “Người Yêu Của Lính,” và từ đó viết mãi như một sự đam mê. Sau đó, tôi làm cho nhật báo Hòa Bình, du học với học bổng Columbo, trở về tiếp tục làm cho báo Hòa Bình. Lúc đó, đại học văn khoa không có khoa báo chí, sau này đại học Vạn Hạnh có phân khoa báo chí, thì tôi đã làm báo gần 15 năm rồi.

Năm 1976, vượt biên đến trại tị nạn Philippines, vì được tàu Mỹ vớt nên được định cư ở Mỹ. Trong trại tị nạn, tôi vẫn viết về cuộc vượt biển và viết về những sinh hoạt trong trại. Tôi viết cho báo Trắng Đen của ông bà Việt Định Phương, là chủ báo ở Glendale, Los Angeles County. Ở Việt Nam, trước năm 1975, nhật báo Hòa Bình bị đóng cửa, tôi làm cho báo Trắng Đen của ông bà Việt Định Phương. Khi ở trại tị nạn, tôi liên lạc được với ông bà Việt Định Phương, ông bà bảo lãnh cho tôi về Glendale. Vừa đến Mỹ 2 giờ sáng, 8 giờ sáng đến làm việc tại tòa soạn của tuần báo Trắng Đen.

Sau đó, tôi chuyển về Orange County, học báo chí ở Fullerton College, được bầu làm chủ tịch Hội Sinh Viên Việt Nam, làm biên tập viên cho tờ báo Hornet, thành lập gần 50 năm.

Suốt ngày tôi ở trong trường, tối ở nhà. Tôi ở nhà ông bà Pat Ducray, chồng là người Pháp, vợ là người Anh. Ông bà giúp những sinh viên tị nạn. Sau khi rời Fullerton College, tôi chuyển lên Cal State Fullerton. Ở đây, tôi cũng là biên tập viên của nhật báo Titans. Mỗi tuần, phải có ít nhất từ ba đến bốn bài, nếu không có bài thường xuyên cho báo này thì khỏi ra trường.

Sinh viên báo chí rất vất vả, thức dậy từ 6 giờ sáng, giờ của California, để xem tin tức có việc gì gây cấn xảy ra hay không? Vừa viết cho nhật báo Titans, vừa viết cho báo Trắng Đen của ông bà Việt Định Phương về những tin tức sinh hoạt cộng đồng người Việt tị nạn.

Một hôm, chúng tôi đi biểu tình chống các quốc gia Đông Nam Á (trừ Philippines) không nhận người tị nạn.

Lúc đó, chúng tôi gặp ông Đỗ Ngọc Yến, ông tặng cho chúng tôi tờ Người Việt chừng 4 trang. Ông học đại học văn khoa cùng với chúng tôi thuở nào.

Ông Yến mời tôi viết cho tờ báo Người Việt. Bài đầu tiên đó là số 3. Sau này, tờ báo phát triển hơn, tôi được giữ mục “Người Di Tản Buồn,” và cộng tác với tờ báo thường xuyên hơn.

Năm 1993, tôi được đi dự một cuộc họp báo, diễn giả có cựu Tổng Thống Gerald Ford của Mỹ và cựu Tổng Bí Thư Mikhail Gorbachev của đảng Cộng Sản Liên Xô. Tòa soạn ghi danh cho tôi tham dự, nhưng tôi không có thẻ báo chí. Chín giờ tối, tôi đến tòa soạn, ông Nguyễn Thiện Cơ chụp hình cho tôi và làm thẻ cho tôi, để sáng hôm sau khi vào cửa, tôi đưa thẻ báo chí có tên của tôi cho cảnh sát gác cửa. Dù trong danh sách ký giả tham dự có tên tôi, nhưng phải có thẻ báo chí mới vào cửa được. Đó cũng là kỷ niệm đáng nhớ.

Cái nghề là cái nghiệp, vào nghề làm báo rồi say mê, nhưng thường thì chủ báo không viết báo, chủ báo chi tiền, và làm sao có đủ tiền để in báo, để trả tiền cho nhân viên, chủ bút cũng ít viết báo, chỉ lo bài vở, làm sao cho báo ra đúng ngày, đúng giờ, đừng để độc giả mong đợi.

Làm báo vui nhưng vất vả, phải để hết tim óc vào công việc làm hàng ngày. Làm báo có cơ hội gặp những vị lãnh đạo tinh thần, gặp các nguyên thủ quốc gia, gặp gỡ từ người lính đến tướng lãnh, từ người dân đến tổng thống, thủ tướng.

Làm báo vui lắm, nhưng luật báo chí cũng rất gắt gao. Học ngành báo chí phải học miệt mài bốn năm. Trong lúc học cũng phải viết báo, viết về tin tức của thành phố, sinh hoạt hàng tuần, hàng ngày. Có lúc năm hoặc sáu sinh viên được tòa báo cử đi viết một đề tài, rồi sau đó được chọn một bài, bài đó phải có điều gì đặc biệt. Không học về ngành báo chí, không biết luật lệ về truyền thông, dễ bị kiện tụng, mà không có chủ báo nào muốn bị ra hầu tòa. Báo nào cũng có luật sư cố vấn, bài nào thấy không ổn, trước khi đăng phải hỏi ý kiến luật sư chuyên nghiệp về ngành đó.

Làm báo ở đâu cũng vui lắm. Ở Việt Nam, trước năm 1975, hay ra hải ngoại cũng vui, nhưng vất vả lắm. Làm báo không giàu như những ngành nghề khác, nhưng được quen những người có địa vị trong xã hội. Nếu không làm báo thì tôi đâu có cơ hội tham dự Đại Hội Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Nếu không làm báo chúng tôi đâu có cơ hội gặp gỡ Đức Đạt Lai Đạt Ma. Nếu không làm báo chúng tôi không có cơ hội gặp gỡ các lãnh đạo Mỹ như Tổng Thống Jimmy Carter, Tổng Thống Gerald Ford, Tổng Thống Ronald Reagan, Tổng Thống George H.W. Bush, Tổng Bí Thư Mikhail Gorbachev, Đức Ông Nguyễn Văn Phương, v.v…

Không chỉ gặp gỡ nhiều vị lãnh đạo tôn giáo, lãnh đạo quốc gia, mà làm báo còn có cơ hội đi khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, làm báo phải thực tập nhiều, phải đọc sách nhiều, phải theo dõi tin tức thế giới hàng ngày, nghĩa là về chính trị, kinh tế, xã hội, … ngành nào cũng phải biết, phải học.

Ký giả Kiều Mỹ Duyên (phải) và Đức Đạt Lai Lạt Ma. (Hình: Kiều Mỹ Duyên cung cấp)

Tóm lại, làm báo có nhiều cơ hội để gặp các vị nổi tiếng nhất thế giới nhưng phải học, phải trung thực, phải nói lên sự thật, và người phóng viên lúc nào cũng nói lên sự thật và sự thật, không thiên kiến, không đảng phái chính trị, viết về người thật, việc thật sẽ có nhiều độc giả, sẽ được nhiều người thương mến, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc. Làm báo được nhiều đặc ân, đi nhiều, quen nhiều, có cơ hội nói lên tiếng nói của những người không được nói.

Nghề là cái nghiệp, ở xứ nào cũng vậy. Làm báo không thể giàu chỉ trừ làm chủ báo, có nhà in, có cơ sở thương mại thì mới giàu. Mỗi người chúng ta đều có sự chọn lựa, một là giàu về tinh thần, hai là giàu về tiền bạc, người nào thích làm việc gì thì làm việc đó. Hạnh phúc là trong công việc làm, hạnh phúc ở trong tầm tay của chính mình, hạnh phúc là do mình chọn lựa. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT