Thursday, April 25, 2024

Tết Cô Vít

Bùi Bích Hà

Tôi đoán là sau này, Tết Tân Sửu trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21 sẽ còn được nhắc tới bằng cái tên “nick” của nó nữa, là Cô Vít (COVID-19).

Đi chợ hoa Phước Lộc Thọ trong Tết COVID-19. (Hình minh họa: Đằng-Giao/Người Việt)

Thường thì ngoài cái tên ghi trong giấy khai sinh, hay, đẹp, ý nghĩa, cái “nick name” của một người ngay từ lúc còn bé luôn nói lên một điều gì đặc thù, riêng biệt, dễ dàng phân biệt với các trẻ khác. Điển hình như tôi có thằng cháu gọi tôi bằng dì, khôi ngô tuấn tú hẳn hoi, chỉ phải cháu có làn da hơi đen, hai mắt to, cả nhà bèn gọi cháu là “tây đen” hay “thằng Oẳn.” May quá, ngày ấy cách nay gần thế kỷ, ở cái tỉnh lỵ nhỏ bé nơi gia đình tôi sinh sống, chưa ai biết đến hai chữ kỳ thị nên thằng cháu ung dung khôn lớn. Trưởng thành, cháu là đứa con duy nhất trong nhà nhận học bổng Colombo và xuất ngoại du học. Gặp lại nhau ở xứ người, cả cháu lẫn dì đều “tóc trắng như mây” nhưng cháu vẫn hồn nhiên hỏi tôi: “Dì có nhận ra cháu ‘tây đen’ không?” Tôi cũng có một cô con gái, nuôi cháu rất dễ từ lúc lọt lòng. Ở nhà bảo sanh về, cháu ngủ một mạch từ tối tới sáng, không khóc, không đòi ăn đêm. Mẹ mở mắt ra, ngực căng sữa, con vẫn ngủ ngoan trong khăn tã. Bà ngoại thương quá, gọi cháu là Bột Khoai. Lớn lên, cháu rất lành tính, vẫn vui vẻ giữ cái biệt danh bà ngoại đặt cho tuy chỉ còn gọi tắt một chữ Khoai thôi!

Cho nên, tôi nghĩ cái tên Cô Vít đủ để diễn tả một cái Tết lạ thường kết thúc một năm Canh Tý 2020 thật lạ thường, không ai có thể hình dung ra trước khi Cô Vít đến và sau khi Cô Vít đi, chỉ cái “nick name” này mới gợi ra, kể lại đủ hết mọi nỗi niềm thời Cô Vít giáng thế trên địa cầu loài người.

Di tản sang Mỹ sau hơn mười năm kẹt lại ở quê nhà, tôi may mắn định cư không những ở tiểu bang California hầu như quanh năm ấm áp mà còn ngay giữa lòng thủ đô tị nạn, mệnh danh là Little Saigon. Đơn thân nuôi các con còn đang ở tuổi đi học, nếu tôi không tự giác, biết là cần phải làm việc trong dòng chính để có quy chế lương bổng, ngày nghỉ, ngày bệnh và quan trọng nhất, bảo hiểm y tế cho các con mà tìm “job” thuận tiện ngay trong cộng đồng đồng hương thì quả thật, trên mỗi bước chân, từ trong nhà, hàng xóm đến phố phường, tôi thật không biết mình đang ở nước Mỹ.

Chùa chiền, nhà thờ, tiệm ăn, tiệm bánh, tiệm cà phê, tiệm nhậu, tiệm vàng, nhà sách, tòa báo, văn phòng dịch vụ luật sư, địa ốc, khai thuế, ngân hàng, du lịch, chợ búa, tiệm may, tiệm cắt tóc, tiệm đóng giày, tiệm tạp hóa, tiệm vải vóc tơ lụa, phòng mạch bác sĩ, phòng răng nha sĩ, tiệm thuốc tây, tất tật đều thuộc giới chủ nhân người Việt, nói tiếng Việt, ứng dụng văn hóa Việt, hệt như một Sài Gòn của tôi ngày xưa được nối dài, thu hẹp lại.

Nhiều đồng hương của tôi ở đây 45 năm, không có nhu cầu nói tiếng Anh. Điều này vừa là ưu vừa là khuyết điểm đáng tiếc của thế hệ di dân thứ nhất tới Mỹ trong tình cảnh khó khăn trăm bề cần phải xây dựng cuộc sống mới với những điều kiện họ có, không thể đòi hỏi hơn. Những ai có chút vốn liếng tiếng Anh từ lúc còn ở bên nhà thì mạnh dạn hơn, họ bung ngay vào những môi trường thuận tiện để tiến thân thay vì xúm xít quây quần với đồng hương trong những khu vực tự cô lập để nương tựa và bảo vệ nhau.

Tôi nói ưu điểm là vì đến lúc họ có cháu nội, cháu ngoại, đây là lúc cha mẹ các cháu muốn ông bà nội/ngoại trong khi “babysit” hay chơi đùa với các cháu, cũng dạy các cháu tiếng Việt thông qua các bài ca dao, đồng dao, các bài hát phổ thông mang đậm nét văn hóa dân tộc. Tuy rằng bước giáo dục hướng về cội nguồn này không lâu dài vì khi các cháu bắt đầu vào mẫu giáo, ảnh hưởng trực tiếp và cụ thể của môi trường xã hội Mỹ lập tức chiếm ưu thế. Nhưng dù sao, ít nhiều, tôi thấy các cháu sau này vẫn giữ lại trong ký ức tuổi thơ hình ảnh thằng Bờm, thằng Cuội, anh Trương Chi, Tấm Cám, Thạch Sanh Lý Thông và vài quan điểm mơ hồ về điều thiện, điều ác… So với ưu điểm không nhiều, khuyết điểm không nói tiếng Anh sẽ để lại cho những di dân người Việt thuộc thế hệ này một tuổi già ảm đạm, phiền muộn vì tình cảnh đơn chiếc và bất lực khi họ bắt buộc phải sống trong các viện dưỡng lão hay phải nằm bệnh trong các trung tâm an dưỡng ngắn hạn, dài hạn, không có người thân xung quanh mà cũng không có tiếng nói giữa những người xa lạ.

Bởi vì khu Tiểu Saigon tọa lạc ngay giữa trung tâm Orange County, Nam California, tên gọi quen là Quận Cam, cho tới nay, vẫn đậm đặc chất và mùi vị quê nhà nên những năm thanh bình cũ của nước Mỹ, cứ chập cuối tháng một đầu Tháng Chạp cho đến giữa Tháng Chạp Âm Lịch, các hè phố Bolsa, con đường xương sống của khu Tiểu Saigon, lại rộn rịp bước chân những đoàn du khách y phục xuề xòa, đi thành từng nhóm nguời lớn trẻ con nói cười hỷ hả với ít nhất một người đeo máy ảnh lủng lẳng trước ngực.

Họ là người Việt tị nạn ở các tiểu bang lạnh, thưa thớt đồng hương, Tết thì tìm về đây để sống lại hương vị những ngày Tết huê dạng thời còn ở quê nhà. Thưởng thức hàng hàng lớp lớp, kệ lớn kệ nhỏ trưng bày kỳ hoa dị thảo lộng lẫy, huy hoàng của chợ hoa xong thì quay gót dạo qua Phước Lộc Thọ nhìn ngắm quang cảnh sắm Tết lụa là, nữ trang quý giá của đồng hương và tự mình cũng mua sắm cho bõ cả năm làm lụng, gia đình nào cũng đề huề tay xách nách mang rồi trực chỉ các tiệm ăn quen thuộc từ năm trước hay mới biết năm nay qua quảng cáo ghi nhớ từ các đài truyền hình nói tiếng Việt. Gặp nhau trong tâm trạng đón Xuân nô nức, họ dễ tay bắt mặt mừng, chưa quen cũng coi như bạn cũ.

Đó là chuyện cổ tích trước khi Cô Vít ra đời lúc nào không ai biết, khôn lớn ra sao ở Vũ Hán không ai hay, mãi tuốt bên Tàu. Bỗng một hôm cô nổi điên quẩy hành trang sát thủ trên vai đi hành họa năm châu bốn biển, cướp đi hàng triệu triệu sinh mạng chẳng hề quen biết hay oán thù gì với cô.

Từ đầu năm Canh Tý, qua một Tháng Giêng vèo như chiếc lá vàng bay, qua nửa Tháng Hai chập chờn tin dữ, bước vào Tháng Ba là mây đen giăng kín bầu trời. Đóng cửa. Cách ly. Hạn chế ra đường. Hạn chế tụ họp. Trà thất, tửu quán, vũ trường, sân khấu và các nơi giải trí bế môn tạ khách theo lệnh chính quyền. Người quen kẻ lạ nhìn nhau gờm gờm sợ Cô Vít đa đoan đeo bám và lây lan. Công sở, tư sở, trường học ngưng hoạt động. Nhân viên làm việc ở nhà, trẻ con học hành ở nhà. Đường sá vắng hoe. Cả thành phố thường khi đông vui, náo nhiệt, từ tinh mơ hôm nay đến gần tinh mơ hôm sau nay đìu hiu, câm nín, lạnh lẽo đến lạ.

Vài ngày rồi vài tuần rồi vai tháng theo nhau qua, chỉ còn là cam chịu và cầu nguyện. Hết Hè, sang Thu. Đến một lúc hàng quán, chợ búa, dịch vụ được phép mở cửa từng phần, ngọn gió tự do đồng thời cũng thổi giá sinh hoạt lên cao ngất ngưởng, có lẽ để bù lỗ chi phí vận chuyển vật liệu gia tăng và tỷ lệ khách hàng giảm sút. Những ai còn có việc để làm thì đi lại, cười nói, hoạt động như robot, ngơ ngác, vô hồn, đầu óc lơ mơ với nỗi lo sợ trường kỳ không biết lệnh mở cửa/đóng cửa căn cứ trên cấp độ màu tím, màu cam, màu vàng nhấp nháy như đèn lưu thông bao giờ mới ổn định?

Sinh hoạt của cộng đồng người Việt vùng Little Saigon và phụ cận trở thành một hoạt cảnh thầm lặng chưa một lần nào thấy như trong cơn đại dịch Cô Vít, cũng không một quái nhân nào có thể vẽ ra trong tưởng tượng trước khi nó lừng lững xuất hiện với bộ mặt độc địa, gớm ghiếc.

May thay, gần Tết, có tin vui giữa giờ tuyệt vọng. Khi mà chợ hoa đã không thành hình hoặc chỉ ủ ê thu nhỏ ở một góc phố, chợ Xuân thường mở cửa ở mấy nơi đón khách tứ phương nhàn du, năm nay cũng mịt mù bóng chim tăm cá. Quảng cáo, mời gọi mọi khi ồn ào, ráo riết, rầm rộ trên các kênh truyền hình, đài phát thanh và báo chí thương mại từ Tháng Mười, Tháng Mười Một Âm Lịch, nay chỉ còn sự im ắng, buồn bã thì “bingo!,” lệnh tiểu bang cho mở cửa hạn chế.

Đại chúng, giới kinh doanh hay người tiêu dùng vốn mong mỏi đợi chờ giây phút hồi sinh huy hoàng này, giới hạn thế nào điều chỉnh sau tùy theo con nước triều dâng của lòng dân như vỡ bờ trước viễn ảnh năm Tân Sửu mới toanh đã tới bên thềm nhà.

Hàng quán dựng lều từ lần mở cửa trước, rộn rịp ít lâu rồi lại bỏ không cho gió lùa, giờ đây tưng bừng hân hoan đón khách. Chủ nhân và đội ngũ tiếp viên nhanh nhẹn phục vụ, đôi chân mỗi người như mọc cánh. Các chợ ở khu trung tâm không có chỗ len chân. Các cửa hàng bán quần áo may sẵn cho người lớn, trẻ con tuy ngoài cửa vẫn niêm yết luật giãn cách xã hội 6 ft, người vào mua vẫn nghiêm chỉnh đeo khẩu trang nhưng mọi người sát cánh chọn lựa, cầm lên đặt xuống các mặt hàng ưng ý hay chưa vừa ý.

Ca dao của ta có câu: “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới.” Thật xúc động nhớ lại tuổi thơ của tôi những ngày tháng đã rất xa, mẹ tôi tất bật vì phải lo Tết cho cả cái gia đình bề thế của bố tôi nên mãi chiều tối tháng cuối năm tôi còn nôn nao ngồi bên cạnh chị Chắc, nhìn chị đi nốt những mũi kim trên cái gấu quần xa tanh trắng cho tôi mặc Tết với áo dài hồng ngày nguyên đán. Giờ đây, xin muôn vàn cảm ơn các bậc ông/bà, cha/mẹ vẫn bền lòng giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc cho con em ở xứ người với tập quán mặc quần áo mới, đẹp khi Tết về, đón Xuân bằng niềm vui và hy vọng mở ra cùng phong bao đỏ.

Có thiếu món gì so với thành phố Huế là nơi tôi chào đời và khôn lớn, là mùi trầm hương lẫn với mùi khói pháo dưới bầu trời xuân ẩm ướt cơn mưa phùn như bụi phấn sáng Mùng Một; là tiếng chuông chùa thanh thoát từ hàng trăm ngôi cổ tự thâm nghiêm cùng lúc ngân nga như lời chúc từ bi, an lạc chào đón năm mới; là những cây mai vàng nở kín những cành nâu và tỏa hương trước hiên nhà hay trong những khu vườn vai kề vai nối từ nhà này sang nhà khác với cây cảnh cắt tỉa tinh tươm, gọn ghẽ.

Sự khác biệt lớn nhất có lẽ là nét sâu lắng, thanh tịnh của đất trời ở Huế và cái ồn ã sinh động của một thành phố Mỹ con người đi ngủ giờ giấc khác nhau, người này lên giường, người kia khua chân tìm đôi dép bắt đầu một ngày mới; những con đường xuyên qua nhiều thành phố phải di chuyển bằng xe chạy bằng động cơ và những con đường nhỏ, ngắn, dễ dàng tản bộ dưới hàng cây trên quê tôi; những ngôi nhà cửa luôn đóng im ỉm và những ngôi nhà quanh năm ban ngày mở toang hết mọi cửa…

Dẫu sao, dù sống ở đâu và trong hoàn cảnh nào, dân nước tôi nổi tiếng cần cù, chăm chỉ, chịu thương chịu khó, mỗi người ngậm nỗi buồn trong cõi lòng sâu kín, ngã xuống thì cắn răng đứng lên, nén tiếng thở dài để dồn hơi mà chạy việt dã con đường xa thẳm, biết ứng xử cách nào để nuôi niềm tin và hy vọng. Khi không còn có thể trao gởi tới ai thì tự vỗ về mình và dấn tới.

Tuần lễ cuối cùng của năm Canh Tý, một hiện tượng phải nói là hiếm hoi, giữa bối cảnh bán buôn ì xèo ở chợ Tết Bolsa, các bà nội trợ kháo nhau là bánh chưng/bánh tét hết sạch sành sanh sau ngày đưa ông Táo về Trời, những ai chậm chân đành ngửa cổ mếu máo than thở cho nốt một năm quá nhiều bất an và buồn phiền. Vú sữa $10 một trái bé bằng quả cam cỗi, mãng cầu xiêm $40 một quả cũng có người thỉnh ngay, không chút ngần ngại. Sầu riêng tươi thì khỏi cần mặc cả, chỉ việc mổ ra cho khách bốc tay nếm thử, phần còn lại cho vào hộp nhựa mang về. Người ta làm quà cho nhau, làm quà cho bản thân không bận tâm sự hợp lý, như thể biết có còn có ngày mai hay không?

Mặt tiêu cực của Cô Vít thấy đã nhiều qua một năm 2020 đầy ác mộng. Ngày mưa qua đi, ngày nắng sẽ tới, mặt tích cực theo sau. Mong sao thời hậu Cô Vít sẽ đem mọi người đến gần nhau hơn cùng với tâm trạng coi người là vàng của là ngải để biết chan hòa cho nhau hơn. [qd]

MỚI CẬP NHẬT