Tuesday, April 23, 2024

Thằng Bờm

Bùi Bích Hà

Kho truyện cổ tích dân gian của người Việt Nam lưu giữ hình ảnh của nhiều nhân vật đặc thù, mẫu mực, được coi là tấm gương sáng trong cách xử thế, ăn ở với người và với đời.

Một thanh niên trẻ mới nhập cư vào Mỹ, đã chọn một công việc tuy hết sức vất vả nhưng lương thiện là nghề bỏ báo. (Hình minh họa: Justin Sullivan/Getty Images)

Bên cạnh “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa, để trâu ăn lúa, gọi cha ời ời, cha còn cắt cỏ trên trời, mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên, ông thì cầm bút, cầm nghiên, ông thì cầm tiền đi chuộc lá đa,” vì những câu hát huyên thuyên của nó như thế, người đời bèn gán cho nó danh hiệu “Nói láo như Cuội.” Tiếng Việt dùng tên Cuội như một tĩnh từ chỉ tính nói láo: “Không hứa cuội nhé!” Người nói vô sở cứ, chẳng đâu vào đâu, bị cho là “nói nhăng, nói cuội.”

Thằng Bờm thì khác hẳn. Nếu được hỏi về gốc gác những cái tên này, tôi chịu, không giải thích được, chỉ biết rằng những cái tên ấy, qua thời gian, gợi lên từ chúng những mẫu người đi kèm: thằng Cuội là đứa dối trá tuy sự dối trá của nó vô hại, chả lừa được ai, chỉ không đáng tin cậy. Thằng Bờm, trái lại, vẻ ngoài ngây ngô mà bề trong khôn ngoan, không mơ mộng viển vông, không tham vọng thả mồi bắt bóng. Để mô tả loại người này, ca dao miền Trung có câu: “Rìm rịm vịm troi.” Ca dao miền Bắc có câu: “Tẩm ngẩm tầm ngầm, đá thầm chết voi.” Miền Nam thì: “Ngó dzậy mà hổng phải dzậy.” Cả ba câu đều ngụ ý “biển êm nhưng sóng sâu,” chớ coi thường hay đánh giá thấp kẻo lầm.

Mới đây, tôi thấy xuất hiện trên mạng xã hội một Facebooker ký tên là Thằng Bờm, tác giả nhiều câu chuyện lượm lặt, ghi lại từ thực tế cuộc sống mà tôi nghĩ là nhiều người đọc sẽ rất thích trong khung cảnh trận đại dịch COVID-19 đã kéo dài hơn mười tháng, ai nấy bị tù túng, ngột ngạt với cả rừng tin tức trái chiều trong ngôi nhà bị đóng cửa vì lệnh “Shelter-in-place” hay nhẹ hơn tí chút, “Stay-at-home.”

Trẻ con Việt Nam nay thuộc thế hệ trung niên có lẽ không ai không thuộc bài đồng dao

“Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi một xâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi Bờm ừ!”

Phú ông giàu có, tiền muôn lúa lẫm, thế mà lại thiếu cái quạt mo vài xu lúc trời nồng nực. Nóng quá, bức bối quá, có tiền mua tiên cũng được thật đấy nhưng tiền không mua được chút gió mát trong lúc cần kíp nhất. Hơn hẳn nhiều bậc đại phú khác không dám rộng tay, ông chịu trả giá thật cao để có cái quạt mo đem lại cho ông sự thoải mái giây lát nhưng vẫn không thuyết phục được Thằng Bờm.

Nó không cần trâu bò bởi vì nó vốn không có ruộng đất để cày cấy. Ông tìm kiếm trong trí khôn của ông xem cái gì có thể hấp dẫn nó hơn là lũ trâu bò mà ngay cả việc rao bán eo xèo mấy con vật, ấy cũng sẽ là nỗi phiền nhiễu mà nó đâu có muốn gánh vào thân? Ông nhử nó bằng xâu cá mè, chỉ quẹt mồi lửa dễ ợt là có ngay mấy con cá thơm phức chui vào bao tử nhưng nó cũng không màng.

Cá lớn nuốt cá bé đã là tệ huống chi nó đâu phải là cá? Đói cho sạch, rách cho thơm chứ sao lại thích tanh tưởi? Ông lại dụ nó đổi quạt lấy gỗ lim. Có gỗ tốt rồi, tha hồ xây nhà! Thế nhưng Thằng Bờm vẫn lắc đầu. Bắt chẹt người lúc cùng quẫn, gỗ kia nếu kêu được chắc sẽ thốt lời ai oán, có làm được nhà thì cũng lấy đâu ra phúc đức cho cột kèo đứng vững? Sau cùng, Phú ông đoán ra tâm thế thích tự do bay nhảy của Thằng Bờm nên đề nghị con chim đồi mồi cho nó làm bạn. Vậy mà nó vẫn lắc đầu. Chim cần Trời cao Đất rộng để tung cánh, chim đồi mồi tuy đắt giá nhưng là chim chết khô cho nhà giầu bày trong tủ kiếng, nó lấy làm gì?

Đoán mãi rồi cũng phải đúng. Trời đang trưa. Nắng chang chang như đổ lửa, lóa cả mắt. Muốn ngủ một chốc cho quên đời hẩm hiu cũng khó vì từ sáng đến lúc đó, nó cứ nằm vắt chân chữ ngũ dưới gốc cây mà phe phẩy quạt thì hẳn là bao tử rỗng, bụng cồn cào đói meo? Thấy là làm liền, Phú ông hỏi Bờm: “Nắm xôi nhé?” Được gãi đúng chỗ ngứa, Bờm nhận ngay. Thứ nhất, nó đói. Nắm xôi bỏ bụng là thứ nó đang cần. Thứ hai, tiền trao cháo múc. Nắm xôi trao tay là chắc ăn, giá cả cũng bằng cái quạt mo của nó. Thực tế và công bằng.

Với Phú ông, nắm xôi quá rẻ, quá tầm thường. Với Thằng Bờm, nó đi kiếm cái mo cau khác làm quạt, cũng dễ thôi. Nó thật sự nghèo nhưng không nhận của cho là những thứ nó không cần, không muốn, với nó chả có ý nghĩa gì. Nó cũng không bận tâm lợi dụng thời cơ trục lợi người khác mà cũng đã chắc gì nó sẽ có được những của cải mới là hứa hẹn của ai đó trong lúc khốn đốn thôi? Ở đời, thường Tham thì Thâm, cổ nhân đã dạy.

Một bài đồng dao cho trẻ thơ, tưởng như chuyện con nít vui đùa bông lông. Tuổi già có thời giờ nghe lại, đọc lại, suy ngẫm kỹ, cũng nghiệm ra nhiều bài học lý thú. Thời đại @ ngày nay đã rất khác với thời đại của những Thằng Bờm không bắt chẹt người lúc khó khăn để moi tiền (như trong bài đồng dao) nhưng tin tức loan truyền rộng rãi, nhanh chóng, qua thời gian, qua không gian, cho biết đó đây, không nhiều, nhưng vẫn có những câu chuyện xiển dương tinh thần “Thằng Bờm.” Điển hình là chúng ta thấy có một YouTuber đã chọn bút hiệu Thằng Bờm để gửi ra bốn phương những câu chuyện đời thường mang vẻ đẹp khó chối từ.

Chuyện một thanh niên trẻ mới nhập cư vào Mỹ, đã chọn một công việc tuy hết sức vất vả nhưng lương thiện là nghề bỏ báo. Mỗi ngày lao động cật lực từ lúc 2 giờ sáng cho tới 6 giờ sáng, xong lượt một cho tờ Los Angeles Times, chạy về nhà trên cái xe cà tàng, ăn chớp nhoáng, ngủ chớp nhoáng cho đến 2 giờ chiều lại chạy tới tòa soạn Register cho lượt bỏ báo chiều. Tương lai của cậu chỉ là cái lượt bỏ báo tới trước mắt. Cuộc sống của cậu chỉ là những khoảng khắc được lập trình theo kim đồng hồ nhưng không sao, vấn đề là cậu cần sống còn từng ngày với lợi tức đổ đồng mỗi ngày là $43 chưa trả thuế, miễn sao là đồng tiền lương thiện để còn cơ hội khác khá hơn, một cánh cửa khác sẽ mở ra cho cậu dù chưa biết lúc nào?

Cái “lúc nào” ấy đến với cậu vào một buổi sáng sớm sau lượt bỏ báo route thứ nhất, khi cậu đang thơ thới lái cái xe cà tàng về nhà với hình ảnh bữa điểm tâm cứu đói và giấc ngủ ngắn lấy lại sức cho route bỏ báo buổi chiều thì cậu chợt thấy đèn ngũ sắc trên mui chiếc xe cảnh sát lấp loáng chớp liên hồi theo sau xe cậu. Không chậm trễ, cậu tấp xe vào lề, để hai tay ngoan ngoãn trên bánh lái, chờ đợi. Viên cảnh sát làm công việc thường lệ: hỏi bằng lái, giấy đăng bộ xe và bảo hiểm. Kiểm soát xong, ông ta thò đầu nhìn khắp trong xe rồi đi vòng quanh xe. Tình trạng “nội thất” xe rách nát thê thảm cộng với hình dạng bên ngoài xe móp méo lung tung, ông dịu dàng phán rằng: “Xe này lẽ ra phải vào nghĩa địa lâu rồi vì nó không an toàn để lưu thông trên đường phố, anh biết chứ? Bây giờ mời anh bước ra để tôi giúp anh việc đó. Đây là biên phạt cũng sẽ gửi tới nhà cho anh.” Không đợi nghe cậu phân trần, ông ta gọi ngay dịch vụ câu xe.

Nhìn cái xe bị lôi đi, nhớ tới ca làm thường lệ buổi chiều không biết giải quyết thế nào, cậu nửa khóc, nửa cười ngước nhìn bầu trời sớm mai còn xám ngoét và không gian còn mờ mịt hơi sương, cậu như con thuyền mất hướng trôi dạt trên đại dương không bến bờ…

Nay, lúc ngồi xuống ôn lại và chia sẻ chuyện cũ 30 năm trước, khi vừa tới Mỹ trong cảnh ngộ tứ cố vô thân, cậu đã trở thành một người thành đạt trong xã hội Hoa Kỳ.

Bài học cậu cho tôi là: Khi lâm nguy, hãy bám lấy bất cứ cơ hội nào cho mình hy vọng thoát hiểm, không câu nệ. Thoát hiểm rồi, hãy tạ ơn và vinh danh sự cứu vớt. Chạm trán với cái chết trong gang tấc rồi, sẽ hiểu ra cuộc sống khuất tất, gian dối, áp bức người cô thế thật không bõ, không đáng với kinh nghiệm còn/mất đã trải qua.

Câu chuyện thứ hai cùng nguồn Thằng Bờm (còn nhớ đại khái): Một bé gái con lai từ trường hợp sinh nở ngoài ý muốn của bà mẹ. Dưới áp lực gia đình và xã hội, bà đành phải bỏ nó. Một người đàn ông xa lạ có vợ sinh con gái cùng lúc, cám cảnh thương xót con bé không được như con mình, bèn bàn với vợ xin nhận nuôi để nó khỏi phải vào viện mồ côi. Vợ hỏi lại: “Bà con, hàng xóm đàm tiếu thì sao?” Ông trả lời và thuyết phục được vợ bằng từ tâm hiếm có: “Sự thật luôn là sự thật em à! Tiếng thị phi đâu bằng cứu vớt một đứa bé chào đời trong oan nghiệt, tội nghiệp nó!” Và người mẹ vô phước kia vội vã trốn đi, không kịp ký giấy tờ giao con.

Biến cố 30 Tháng Tư, 1975 xảy ra, ông bố có lòng nhân đức phải vào trại cải tạo. Vợ con không một lần đoái hoài thăm hỏi, chỉ có mẹ già còm cõi tiếp tế nuôi ông. Hơn ba năm trôi qua, ông về, nhà chỉ còn mẹ và đứa con gái nuôi sống hẩm hút bên nhau. Hỏi, con bé trả lời: “Ba đi rồi thì ít lâu sau Má nói là đi thăm ngoại nhưng bữa đó má không cho con theo và Má không về nữa, con chỉ biết chừng đó thôi!” Mới tí tuổi đầu, lại là con lai bị xã hội phân biệt đối xử nhưng con bé gan dạ giúp bà nội chạy chợ lo cho cuộc sống gia đình và thăm nuôi người tù cải tạo, cả khi ông đã được tha trong hoàn cảnh sức tàn, lực kiệt. Mẹ ông lâm bệnh rồi qua đời. Khi được tin chính phủ Mỹ loan báo chương trình HO, ông nộp đơn cho hai cha con cùng đi.

Qua Mỹ, giai đoạn đầu, nhờ trợ cấp xã hội, con bé nay đã thành người lớn, học lái xe, học nghề móng tay rồi nhanh chóng ra đi làm đền ơn dưỡng phụ. Cô chăm nom cha nuôi, của ngon vật lạ hằng ngày, tận tụy hơn cả con đẻ không biết giờ đây liêu xiêu nơi nào? Tới tuổi lập thân, ông bố nuôi hối thúc con gái nuôi tìm bạn trăm năm cho ông yên tâm lỡ có phải nhắm mắt lìa đời. Câu trả lời của cô: “Ba ơi, con lấy chồng không khó, khó là vì con đòi hỏi ai cưới con thì phải chấp nhận ở với Ba, chừng nào Ba về Trời mới thôi.”

Lòng thiện và biết ơn sâu xa của cô đã động tới Thiên Tào nên rồi cô cũng tìm được người bạn trăm năm như ý muốn, cho cô một gia đình đông người và ấm áp với thương yêu tràn đầy, chan chứa. Ba nuôi cô về già, ốm đau, yếu ớt, ngỏ ý xin cô đưa ông vào viện dưỡng lão để không làm phiền vợ chồng cô và các cháu ngoại nhưng cô nhất định không chịu. Cô nói với ông: “Để con đưa ba đi thăm bác Bảy đang sống trong nhà già nha, coi Ba có thật ưng ý không rồi tính.”

Vài hôm sau chuyến đi thăm nhà già, một buổi chiều con gái nuôi đi làm về, hào hứng kể lại: “Ba ơi, có một bà cũng sống trong viện dưỡng lão của bác Bảy, hỏi bác coi có phải ba là ông Hải, trong Hải Quân VNCH không? Có khi nào bả là bồ cũ của Ba nên bây giờ còn nhận ra Ba không dzậy Ba?” Nghe con gái nuôi tí ta tí tửng hỏi, ông lặng người giây lát, trong đầu thoáng liên tưởng tới mẹ ruột con bé, liệu có phải bà ta không? Không thể là vợ tào khang năm xưa vì nếu thế, họ đã nhận ra nhau? Nếu thế bà ấy đã chào hỏi. Không chào hỏi thì cũng sẽ không đặt vấn đề muốn biết lai lịch ông làm gì!

Câu chuyện ngừng ở đây, để không gian cho người đọc khám phá.

Với tôi, câu chuyện cho vài bài học đáng suy ngẫm:

-Lòng Biết Ơn: Tôi nghiệm ra Biết Ơn và Trả Ơn là đầu mối đưa tới nhiều thành tựu tốt đẹp trong cuộc đời một người. Trở thành người tốt. Có trách nhiệm. Có ý thức công bằng, Có lương tâm an vui, thanh thản. Có trái tim mẫn cảm thương người bắt đầu từ thương thân.

-Tính Lương Thiện: Của báu thuộc về người, không thuộc về ta. Dù đã bao lâu quen với ý niệm là của ta nhưng thực tế đó là của người khác. Phải làm sao? Trong hoàn cảnh ông Hải, trung thực thì mất đứa con nuôi (hay ít nhiều mất nó), là nơi dựa dẫm, là nguồn an ủi lúc ông tay trắng không còn gì, lúc ông đơn chiếc không còn ai. Giấu nhẹm thì được gì ngoài tự biết mình không công bằng, không lương thiện, hẳn không tránh khỏi vừa hổ thẹn vừa thắc thỏm lo âu những tháng ngày lê thê còn lại?

Sự chọn lựa luôn là cuộc chiến khó khăn, dai dẳng của mỗi phận người. Nó là hạnh phúc hay khổ đau. Là tư cách hiện hữu xứng hay bất xứng của bất cứ ai trong kiếp đời phù thế. Chỉ một tích tắc thôi, niềm “vui phút giây hay ý sầu mưa xuống đời?” Chưa có quyết định nào thương tâm và quan trọng bằng một chọn lựa, đúng hay sai! [qd]

MỚI CẬP NHẬT