Thursday, April 18, 2024

Thượng Viện Mỹ chống chiến tranh Yemen

Nguyễn Đạt Thịnh

Hôm 13 Tháng Ba, 2019, Thượng Viện Mỹ biểu quyết lần thứ nhì chấm dứt mọi viện trợ quân sự của Mỹ cho Saudi Arabia, và không tham dự vào cuộc chiến tranh chống Yemen với túc số 54 chống 46; 7 nghị sĩ Cộng Hòa bỏ phiếu chống.

Bảy nghị sĩ đó là Mike Lee (Utah); Susan Collins (Maine); Steve Daines (Montana); Jerry Moran (Kansas); Lisa Murkowski (Alaska); Rand Paul (Kentucky); và Todd Young (Indiana).

Một trong hai nguyên nhân tạo bất mãn nội bộ của các nghị sĩ Cộng Hòa là việc Thái Tử Mohammed giết ký giả đối lập Jamal Khashoggi; nguyên nhân thứ nhì là tổng thống lạm dụng quyền tổng tư lệnh quân đội, không tuân hành quyết định của giới lập pháp.

Qua cuộc biểu quyết này, Thượng Viện còn lên án cuộc chiến tranh vô nhân đạo Saudi-Yemen, do tình trạng tác chiến một chiều – Saudi sử dụng phi cơ mua của Mỹ oanh tạc Yemen mà không gặp một sức chống trả nào cả, tàn sát hàng ngàn thường dân; phá đường giao thông, đoạn lương hàng chục ngàn sơn nhân sống trên núi, tạo ra cảnh chết vì đói.

Giới quan sát cho là tổng thống sẽ dùng quyền phủ quyết để tiếp tục giúp Saudi; trong lúc Nghị Sĩ Bernie Sanders (Độc Lập-Vermont) kêu gọi các bạn đồng viện khẳng định tinh thần trách nhiệm của Quốc Hội.

Ông Sanders nói, “Tổng thống đã đoạt quyền Quốc Hội trong việc tham chiến, nghị sĩ lưỡng đảng cần tỏ thái độ bảo vệ hiến quyền đó.”

Cuộc biểu quyết lần thứ nhì được ấn định thực hiện ngay ngày hôm sau, 14 Tháng Ba, 2019, trong đó thượng viện sẽ hủy bỏ cả sắc lệnh của tổng thống tuyên bố “tình trạng khẩn trương” để lấy tiền xây tường biên giới.

Nghị Sĩ Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) trưởng khối đa số Cộng Hòa kêu gọi các nghị sĩ Cộng Hòa không tham gia vào nghị quyết Yemen mà ông đánh giá là “không phù hợp và phản tác dụng”; McConnell còn cảnh cáo các nghị sĩ Cộng Hòa là đừng vì việc ký giả Khashoggi bị chính phủ Saudi giết mà có thái độ chống Saudi.

Nghị Sĩ Dân Chủ Christopher S. Murphy, bang Connecticut tỏ thái độ thận trọng, cho là con số 7 nghị sĩ cộng hòa chống tổng thống vẫn còn quá ít.

Nghị quyết không tham chiến tại Yemen đã được thông qua một lần  -vào Tháng Chạp năm ngoái với tỉ số 56 chống 41, nhưng không qua được Hạ Viện vì chủ tịch Hạ Viện lúc đó – Dân Biểu Paul D. Ryan – từ chối không đưa ra thảo luận.

Lần này, với Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, hạ viện đã nhanh chóng thông qua nghị quyết “không tham chiến” từ tháng trước, khiến Thượng Viện phải chuyển đạt nghị quyết qua Tòa Bạch Ốc.

Nghị quyết này, nguyên là đạo luật Quyền Lực Chiến Tranh năm 1973 – cho phép Quốc Hội có quyền loại bỏ lực lượng quân sự trong những cuộc chiến tranh mà Mỹ không chính thức tuyên chiến – như chiến tranh Việt Nam. Tuy được ban hành trong lúc nửa triệu quân Mỹ còn có mặt trên chiến trường Việt Nam, nhưng quốc hội vẫn để hành pháp tự rút quân qua đường lối ngoại giao-thương thuyết với Bắc Việt.

Một trong 2 khác biệt lớn giữa chiến tranh Việt Nam và chiến tranh Yemen là, cho đến giờ này Mỹ chưa có một tổn thất nào cả; khác biệt thứ nhì là Saudi Arabia là một nước giàu, tự mua chiến cụ của Mỹ, chứ không xin viện trợ như Nam Việt.

Thái Tử Mohammed bin Salman của Saudi lại giao du thân mật với cậu Jared Corey Kushner, cố vấn tối cao của chính phủ Mỹ, kín đáo giúp gia đình cậu Kushner bạc tỉ để giải quyết một bế tắc thương mại, do việc cậu mua lầm một cao ốc tại New York mà không có người mướn. Kushner lại là con rể của tổng thống; cậu đang giúp Mohammed mua 40 lò nguyên tử của Mỹ.

Những liên hệ lằng nhằng đó khiến tổng thống khó buông bỏ Saudi, như Mỹ tháo chạy tại Việt Nam năm 1973.

Việc một số nghị sĩ Cộng Hòa đòi tổng thống chấm dứt yểm trợ Saudi chỉ là thái độ của họ bày tỏ bất mãn đối với việc tổng thống quyết định tham chiến tại Yemen mà không đếm xỉa đến quan điểm của họ.

Thái độ của Thượng Viện chống việc tổng thống rút quân tại Syria, Afghanistan, và không tham dự Minh Ước Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), đang mỗi ngày một nghiêm trọng hơn.

Việc chính phủ Saudi giết ký giả ly khai Khashoggi được coi như nguyên cớ quan trọng khiến các chính khách Mỹ tẩy chay Thái Tử Mohammed bin Salman, và chống việc tổng thống và gia đình ông liên quan thân mật với Mohammed là như vậy.

Cho đến giờ này, tổng thống vẫn làm ngơ trước thái độ bất mãn của Thượng Viện, vì ông còn thủ được đòn veto-phủ quyết. Dù Thượng Viện có chuyển đến Tòa Bạch Ốc đạo luật “cấm tham chiến,” ông vẫn còn có thể dùng quyền phủ quyết để bác đi, và chắc chắn không bao giờ Thượng Viện vận động đủ túc số cần thiết để chống phủ quyết.

Tuy nhiên, tổng thống cũng không để tình trạng chống đối tại Thượng Viện gia tăng tới mức độ nguy hiểm; ông phái 2 phụ tá, thuộc Bộ Ngoại Giao và Bộ Ngân Khố, xuống trình bày tình hình Trước Tiểu Ban Ngoại Giao Thượng Viện.

Những lý luận của 2 vị phụ tá đó chỉ tạo thêm bất mãn cho các nghị sĩ khiến nhiều người kêu gọi toàn thể thành viên Thượng Viện phải có thái độ chung về việc Mỹ tham chiến tại Yemen.

Nghị sĩ Cộng Hòa tại Florida Marco Rubio kêu gọi, “Thượng Viện cần sử dụng đến quyền trừng phạt để bảo vệ Hoa Kỳ.”

Nhưng trưởng tiểu ban Ngoại Giao Thượng Viện vừa được chỉ định lại là Nghị Sĩ Jim Risch đại diện bang Idaho, một nghị sĩ trung thành với tổng thống, nên việc tỏ thái độ cực lực chống đường lối ngoại giao của tổng thống cũng không dễ thực hiện.

Từ Tháng Mười Một năm ngoái, tổng thống đã có thái độ bênh vực Thái Tử Mohammed của Saudi, bất chấp việc CIA xác nhận việc Mohammed chủ trương việc giết ký giả Khashoggi, thì giờ này Thượng Viện có làm gì tổng thống cũng không thay đổi thái độ.

Chính tổng thống ca tụng số tiền $100 tỉ Saudi bỏ ra để mua chiến cụ của Mỹ là mối hàng lớn chưa từng thấy trên thị trường bom, đạn.

Nói theo lối xử thế của doanh nhân, “đồng bạc đâm toạc tờ giấy.” (Nguyễn Đạt Thịnh)\

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT