Friday, March 29, 2024

Tổng thống A Phú Hãn hốt hoảng

Nguyễn Đạt Thịnh

Ông Ashraf Ghani, tổng thống A Phú Hãn, hốt hoảng đến mức ông viết cho Tổng Thống Trump một lá thư riêng đề nghị Mỹ thích rút quân thì cứ rút, nhưng xin đừng rút hết, mà chỉ rút 11,000 trong số 14,000 quân Mỹ đang có mặt trên lãnh thổ A Phú Hãn.

Nhiều người không hiểu cho là ông khiếp sợ trước ngày sắp sụp đổ của chế độ dân chủ A Phú Hãn, nên nói bậy; nhưng người lính VNCH – những người đã đánh bật quân VC ra khỏi lãnh thổ Nam Việt trong trận tổng tấn công 1972 biết là ông Ghani không nói bậy; họ đã chứng kiến việc chỉ cần 2 chiếc AC-130 trang bị mỗi chiếc một khẩu đại bác bay trên bầu trời An Lộc trong 2 tiếng đồng hồ là đã đủ hỏa lực để bắn cháy trên 40 chiếc T-54 của VC; trên hai chục chiếc còn lại, lủi được vào căn cứ phòng thủ An Lộc để bị xạ thủ M72 của Sư Đoàn 5 bộ binh VNCH bắn cháy.

Những trận đánh oai hùng đó chỉ là tin chiến sự thông thường người Nam Việt đọc hàng ngày trên báo.

Đã từng chứng kiến sức mạnh khiếp đảm của hỏa lực không yểm Mỹ nên người lính VNCH biết là tổng thống A Phú Hãn không lầm khi ông xin tổng thống Mỹ cứ rút những ông “cố vấn Mỹ” về nước, chỉ cần để lại chiến trường một không đoàn khu trục cơ để yểm trợ người lính bộ binh A Phú Hãn.

Ông Ghani, biết cái tài “nói đi cũng xuôi, nói lại cũng thuận” của tổng thống Mỹ, nên ông không nhắc gì đến lời hứa Trump nói với ông về tinh thần trách nhiệm của Mỹ đối với cuộc sống của 35 triệu dân A Phú Hãn.

Trong bức thư tay gửi cho Tổng Thống Mỹ,  ông Ghani còn xin ông Trump cắt cử Tướng John W. Nicholson làm tư lệnh lực lượng Mỹ tại APH; có lẽ ông Ghani nhận xét là Tướng Nicholson hiểu rõ tình hình A Phú Hãn hơn quý vị tướng lãnh khác đã từng chỉ huy chiến trường này.

Nhiều viên chức A Phú Hãn trách người Mỹ không tổ chức cuộc hòa đàm A Phú Hãn dưới hình thức tay ba, vì chính phủ A Phú Hãn và 35 triệu dân sống trong vùng che chở của chính phủ đó cũng là một trong 3 thành phần tham chiến.

Tổng Thống Afghanistan Ashraf Ghani (trái) và Tổng Thống Donald Trump (phải) trong cuộc gặp gỡ thượng đỉnh tại New York năm 2017. (Hình: Brendan Smialowski/Getty Images)

Đặc sứ Mỹ Zalmay Khalilzad, đang thương thuyết với phe nổi dậy Taliban tại Qatar -1,200 miles bên ngoài lãnh thổ A Phú Hãn – trả lời tổng thống A Phú Hãn là Mỹ chỉ lâm chiến với Taliban, nên cuộc thương thuyết đình chiến không liên quan gì đến A Phú Hãn.

Lập trường ngang ngược đó được miệng kẻ sang Hoa Kỳ nói ra, nên vẫn xuôi rót. Cuộc hòa đàm tay đôi Mỹ-Taliban vẫn tiếp diễn, và sắp chấm dứt bằng một thỏa ước ngưng chiến.

Chắc chắn ông Ghani cũng biết cảnh ba3 triệu người Nam Việt phải nhảy xuống biển vì ngoại trưởng Mỹ Henry Kissiger bắt tay chủ tịch Mao Trạch Đông, khiến đại sứ Mỹ tại Việt Nam ra lệnh cho tổng thống Việt Nam không được để phi công Việt Nam cất cánh tiếp chiến với hải quân Việt Nam trong cuộc giao tranh với hải quân TC bên đảo Hoàng Sa. Cái bắt tay diễn ra ngày 17 Tháng Hai, 1973, Mỹ bắt đầu rút quân cuối năm đó, và hai năm sau, Nam Việt thất thủ.

Chuyện máu và nước mắt Việt Nam đã cũ đến trên 44 năm, chuyện mới là chuyện ông Ghani cuống cuồng khiếp sợ về thái độ Mỹ nhẩy vào đánh Taliban, rủ người Taliban tiếp tay đánh phụ, đánh suốt 17 năm mà không thắng, Mỹ đang sắp sửa nhẩy ra, không đếm xỉa gì đến cảnh tắm máu – máu trắng khổ sai, cải tạo, lạc hậu, tham nhũng kéo dài gần nửa thế kỷ tại Việt Nam.

Người A Phú Hãn không rơi vào địa ngục cộng sản đỏ, nhưng cái địa ngục cuồng tín Hồi Giáo còn khiếp đảm hơn.

Trong lúc cuống cuồng lo sợ, ông Ghani còn chạy sang Thụy Sĩ, chạy đến thành phố Davos, nơi đang diễn ra cuộc Thảo Luận Kinh Tế Toàn Thế Giới World Economic Forum để thét lên là, “Tôi biết Mỹ là một cường quốc có chủ quyền, là một siêu cường trên thế giới, do đó họ thích đến A Phú Hãn là cứ đến, không thích A Phú Hãn nữa thì cứ đi. Nhưng họ đến A Phú Hãn với mục đích gì? Đã hoàn thành mục đích chưa, mà đã bỏ đi. Tôi hoàn toàn ý thức được là họ tốn kém nặng nề; nhưng không cần tốn kém nhiều mà chả làm được trò trống gì, có thể tốn ít hơn, mà lại hiệu quả hơn.”

Khẩu khí của ông và việc ông đến dự cuộc Thảo Luận Kinh Tế  mà chỉ nói chuyện “tình nghĩa” Hoa Kỳ quả là không ổn; tuy nhiên những quốc gia tham dự hội thảo vẫn có thái độ thông cảm, thấu hiểu ngôn ngữ điên dại của ông.

Tòa đại sứ Mỹ tại Kabul, thủ đô A Phú Hãn, từ chối không nhận xét về thái độ của tổng thống A Phú Hãn; họ cũng thoái thác không trả lời lá thư tay mà ông Ghani nhờ bà Alice Wells, phụ tá bí thư của tổ chức Nam và Trung Á nhận chuyển cho Tổng Thống Trump.

Hai năm trước Tổng Thống Ghani đã về Nữu Ước triều kiến Tổng Thống Trump, hy vọng ông Trump chưa quên, và ông Ghani sẽ được biệt đãi, sau ngày Taliban tiếp thu Kabul, như Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã được biệt đãi.

Tác giả bài báo này thương Tổng Thống Ashraf Ghani, nhưng không thương Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, vì ông Thiệu không điên khùng trong cảnh sắp mất nước. Thiếu tướng Nguyễn Văn Phú trách ông ra lệnh cho QĐ 2 phải rút quân bằng tỉnh lộ 7 để phải tan vỡ khi bị pháo bịnh cộng sản tấn công trên con đường không còn một cây cầu nào nữa từ vài chục năm trước; tướng Phú nói với tôi như vậy tại Quân Y Viện Cộng Hòa, chỗ ông bị ông Thiệu giam cho đến ngày Sài Gòn thất thủ.

Trong cuộc sống buồn tủi của người lính thất trận, tôi lái tắc xi tại Hawaii, và được Trung Tướng Ngô Quang Trưởng ra đó thăm; ông Trưởng kể cho tôi nghe thủ đoạn tàn độc của ông Thiệu, hóa giải sức chiến đấu của 5 sư đoàn VNCH đang có mặt tại QK I.

VNCH thất trận vì “đồng minh Mỹ tháo chạy” ra khỏi chiến trường, sau khi bắt tay với kẻ thù; A Phú Hãn sắp thất trận, cũng vì lý do đó. Người A Phú Hãn còn khốn khổ hơn chúng ta, vì họ không có Biển Đông để nhẩy vào tìm con đường hoặc làm mồi cho cá, hoặc được tiếp tục sống tự do. (Nguyễn Đạt Thịnh)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT