Thursday, March 28, 2024

Người mua nhà bây giờ phần đông muốn ở lâu năm



Ngô Ðồng


 


Xã hội Hoa Kỳ càng ngày có vẻ đang hướng về lối sống của gia đình Ðông phương. Cũng có thể hoàn cảnh kinh tế thay đổi khiến người ta đổi lối sống. Ðiều này thúc đẩy các chuyên gia kiến trúc và thiết kế nội thất nghĩ cách làm sao thích ứng với nhu cầu.



Hai mươi năm trước, theo các dữ liệu của Tổng Cục Thống Kê Hoa Kỳ, người dân đất nước này cứ 6 người thì có một người dọn nhà mỗi năm. Trung bình, người Mỹ dọn nhà 11 lần trong đời.


Những năm gần đây, sau sự suy thoái kinh tế và cuộc khủng hoảng địa ốc, rất nhiều thanh niên nam nữ thay vì thuê nhà sống riêng biệt đã dọn về ở với cha mẹ.


Tổng Cục Thống Kê nói, dựa theo thống kê năm 2010, khoảng 4.4 triệu căn nhà trên cả nước có tới 3 thế hệ cùng chung sống trong một mái nhà.


Ba thế hệ quây quần quanh bàn ăn buổi tối đối với người Việt Nam ở Mỹ không phải là chuyện lạ và cũng không phải chuyện hiếm hoi. Sự tiết kiệm tiền bạc, nâng đỡ nhau, chia sẻ với nhau mọi thứ đã đành, mối quan hệ thân tộc theo phong tục không mấy người muốn tách rời với con cái, cháu chắt. Dù là một ngày.


Khi mẹ tôi còn sống, tôi từng bồi hồi xúc động khi nghe bà cụ ru cháu ngủ trong nôi:


“Cái cò lặn lội bờ sông,


“Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”


Hoặc


“Bầu ơi thương lấy bí cùng,


“Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn…”


Nhưng với người Mỹ vốn quen sống độc lập, tập đời sống tự lập từ khi còn đi học đại học, thống kê nói trên là chiều hướng rất đáng để ý.


Theo cuộc khảo cứu của The Pew Research Center, tỉ lệ nghèo khó trong số nhiều gia đình nhiều thế hệ ở chung chỉ có 11.5% trong năm 2009 so với tỉ lệ 14.6% của những gia đình ở độc lập. Nhiều thế hệ ở chung trong một nhà, không những tiết kiệm được tiền bạc, mà chẳng may khi gặp khó khăn, ảnh hưởng cũng được giảm thiểu rất nhiều.


Một bản tin của CNNMoney hồi Tháng Tư vừa qua cho hay một số công ty xây nhà mới, trong đó có công ty Toll Brothers đã bắt đầu vẽ những kiểu nhà với ý tưởng thích hợp cho nhiều thế hệ cùng chung sống. Thí dụ, một phía nhà dành cho cha mẹ già muốn đôi chút riêng tư, có thể có cả cái bếp nhỏ riêng biệt, chỗ xem tivi hay tiếp khách riêng.


Dĩ nhiên, kiến trúc sư vẽ kiểu chỉ thêm những phần này nếu có sự yêu cầu của khách hàng.


Bây giờ, theo Hiệp Hội Người Mỹ Nghỉ Hưu (American Association of Retired Persons) phần lớn những người chủ nhà không muốn bán nhà dọn nhà đi đâu nữa, mà muốn sống luôn trong đó cho tới mãn đời. Họ không muốn bán nhà, dọn vào ở trong nhà dưỡng lão.


Từ chiều hướng xã hội thay đổi lối sống, các nhà vẽ kiểu nhà lại phải chạy theo thời thế, đưa ra các mẫu nhà “Forever Homes.” Tức là kiểu nhà người ta có thể cảm thấy thoải mái sống từ khi mua lúc còn sung sức đi làm, cho tới khi nghỉ hưu ở luôn. Không ít những căn nhà mới bây giờ, dù là nhà lầu, có phòng ngủ chính (master bedroom) của chủ nhà ở tầng trệt. Lớn tuổi, ai cũng ngại leo lên lầu.


Hoặc, tới một lúc nào đó, người chủ nhà có thể sửa lại căn nhà theo nhu cầu chỗ ở lúc tuổi già. Các chuyên viên kiến trúc, các nhà thầu xây dựng có thể, tùy theo nhu cầu và ý muốn của chủ nhà mà thay đổi từng phần của căn nhà.


Nới rộng hành lang trong nhà, bậc cửa lên xuống thích hợp cho cả xe lăn. Thí dụ như vậy. Ngay cả chuyện làm thêm một cái thang máy trong căn nhà lầu cũng là chuyện không phải không làm được. Chỉ là vấn đề tiền bạc mà thôi.


Ông bà cụ Raul và Mary Ann ở bên cạnh nhà tôi suốt gần 30 chục năm qua. Từ khi ông ấy còn khỏe, ngày cuối tuần, ông ấy cắt thảm cỏ nhà ông ấy đã đành. Ông còn “tiện tay” cắt luôn thảm còn bên cạnh là nhà tôi. Trả tiền nhất định không lấy. Bây giờ, ở tuổi 90, ông bà cụ ấy vẫn nhất định “cố thủ” trong căn nhà hai tầng lầu. Cậu con trai duy nhất nhiều lần càm ràm với tôi là muốn ông bà ấy dọn về ở với con, nhưng cả hai nhất định không chịu.


Có lẽ ông bà cụ này đã đi trước trào lưu xã hội.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT