Thursday, March 28, 2024

Bún thang Cô Chi, hương vị Hà Nội ở Sài Gòn

Nguyễn Đạt/Người Việt

SÀI GÒN (NV) – Bún thang cô Chi, với bảng hiệu ghi gọn “Bún Cô Chi,” đặt tại số 170/2 đường Hòa Hưng, phường 13, quận 10, là địa chỉ tin cậy đối với các thực khách ở Sài Gòn ưa chuộng món bún thang đặc sản của đất Hà thành.

Có thể xem bún thang là món bún ngon “số một” trong các món bún của người Việt Nam; việc chế biến món bún thang công phu, cầu kỳ, nên món ăn này không phổ biến rộng rãi. Tại Hà Nội cũng không có nhiều hàng quán chế biến món bún thang, món ăn từng được xem là của người giàu.

Trước 30 Tháng Tư, 1975, tại Sài Gòn, chúng tôi đã được thưởng thức món bún thang ở “Hẻm Casino,” con hẻm chạy theo hình vòng cung, phình rộng ở phía sau lưng rạp Casino, một trong vài rạp chiếu phim lớn của Sài Gòn, tọa lạc tại góc đường Pasteur-Lê Lợi, quận 1. Sau khi Sài Gòn bị cưỡng chiếm, món bún thang trong “Hẻm Casino” cũng không còn nữa.

Mỗi khi nhớ món bún thang, chúng tôi ghé quán Bún Cô Chi tại địa chỉ đường Hòa Hưng nêu trên. Quán Bún Cô Chi không chỉ chế biến món bún thang, mà còn chế biến nhiều món ăn đặc sản Hà Nội, với ít nhiều “biến tấu” để phù hợp với khẩu vị của người Sài Gòn nói riêng. Sau biến cố Tháng Tư Đen, hầu hết món ăn đặc sản của miền Bắc, trong đó chủ yếu là Hà Nội, ồ ạt tràn vào miền Nam: “nai đồng quê,” bún chả, bún riêu, bún ốc, bún đậu mẹt Hà thành, xôi vò chè đường, xôi khúc, bánh đúc, bánh giò… Riêng chả cá Lã Vọng và bún thang, hai món ăn đặc sản Hà Nội, là hai món ăn đặc sắc hơn cả, lại không phổ biến như các món ăn kể trên; lý do cũng là vì đây là hai món ăn không có tính cách “bình dân” như nhiều món ăn khác của Hà Nội và miền Bắc.

Quán Bún Cô Chi. (Hình: Nguyễn Đạt/Người Việt)

Tại Sài Gòn, hàng quán chế biến món chả cá Lã Vọng chỉ có 2 chi nhánh; món bún thang, theo chúng tôi biết, có quán Bún Cô Chi. Thời gian món bún thang phổ biến ở Hà Nội hơn cả, là từ những năm 1930 của thế kỷ trước. Theo những vị lão niên từng sống tại Hà Nội, món bún thang đã xuất hiện trước thời gian đó hàng chục năm, với quán bún thang đơn sơ trong chợ Đồng Xuân, nổi tiếng khắp Hà thành, thực khách thường xuyên có cả những “ông tây bà đầm” vào tận phía trong chợ để thưởng thức. Quán bún thang này do bà Tho mở ra để kinh doanh chế biến.

Về sau, con bà Tho là cô Ẩm, phụ trách chế biến món bún thang gia truyền. Vẫn là cái quán đơn sơ, gọi là quầy hàng thì đúng hơn, với cái chõng tre và mấy chiếc ghế gỗ dài để thực khách ngồi ăn bún thang. Thực khách lui tới tấp nập, có khi cả đoàn khách tới quầy bún thang này, xếp hàng dài chờ tới lượt mình ngồi ăn. Rất nhiều khách vãng lai, từ các nơi tới Hà Nội, đã tìm tới quầy hàng bún thang cô Ẩm trong chợ Đồng Xuân, để thưởng thức món bún thang đặc sản Hà Nội.

Ngày nay quầy hàng bún thang cô Ẩm trong chợ Đồng Xuân không còn nữa, hẳn vì cô Ẩm đã già yếu và không có ai kế nghiệp. Quán Bún Cô Chi được lập nên tại Sài Gòn, gia đình chủ nhân cũng từ Hà Nội dời chuyển vào đây. Quán là ngôi nhà cao tầng, khang trang rộng rãi, bàn ghế sạch sẽ tinh tươm. Ngoài chế biến các món ăn đặc sản Hà Nội, quán Bún Cô Chi còn chế biến giò lụa, giò thủ, cung cấp cho khách hàng có nhu cầu, nhất là trong dịp Tết.

Để chế biến món bún thang phải tốn nhiều công sức và chọn lọc nguyên liệu. Nồi nước dùng – nước lèo – được chế biến từ một tới hai con gà, tốt hơn cả là gà trống thiến, và tôm, thứ tôm he tươi sống. Luộc gà cùng tôm thật kỹ, hớt bọt liền tay cho nước dùng trong trẻo. Nước dùng là phần chủ yếu để tạo hương vị đặc trưng của tô bún thang, vừa có chất ngọt thanh, vừa có chất bổ dưỡng.

Tô bún thang trước mắt thực khách trông đẹp mắt: giò lụa thái chỉ; những miếng nhỏ của lườn gà – gọi là gà xé phay; trứng tráng mỏng rồi xắt đều miếng; tôm he giã tơi như ruốc… Tất cả bày trên mặt tô bún sợi nhỏ, giữa nước dùng nóng bốc khói. Ăn kèm với tô bún thang là mắm tôm, và chén nước mắm có pha giọt tinh dầu của bọng cay cà cuống

Về món ăn tinh tế này, Vũ Bằng có những dòng nhận xét đặc biệt trong sách Món Ngon Hà Nội. Nhà văn liên tưởng món bún thang với bức tranh phong cảnh: những mảng màu nguyên chất được sắp đặt gần nhau, không pha tạp lẫn lộn. (Nguyễn Đạt)

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Cách làm chè Thái hạt lựu”

MỚI CẬP NHẬT