Đời Sống

Chân không chịu nghỉ

Hỏi:

Gần đây, em rất khó ngủ vì đôi chân có cảm giác rất khó chịu, rần rần, căng căng, phải nhúc nhích, hoặc phải ra khỏi giường, đi vòng vòng một lúc thì mới lên giường ngủ lại được. Xin cho biết đây là bệnh gì, nguyên nhân của bệnh, có cách gì chữa không?

Đáp:

Theo lời kể, có vẻ như là đây một vấn đề không phải ít gặp, tiếng Anh gọi là “restless legs syndrome,” tạm dịch là hội chứng đôi chân không (chịu) nghỉ (ngơi).

Hội chứng này có thể bắt đầu từ nhỏ, nhưng tuổi trung bình lúc bắt đầu có triệu chứng là khoảng 27 tuổi; càng lớn tuổi thì tỷ lệ bị chứng này càng cao; đàn bà bị nhiều hơn đàn ông. Tỷ lệ bị chứng này là từ 1% đến 10% dân số, tùy theo từng sắc dân. Có nghiên cứu thấy tới 24% các bệnh nhân của các bác sĩ gia đình có thể bị triệu chứng này ít nhất một lần mỗi tuần.

Về nguyên nhân, chứng này có hai dạng.

Dạng thường gặp nhất, chiếm đến 76% các trường hợp, không có nguyên nhân rõ ràng (tiếng Anh gọi là idiopathic). Ở dạng này, có tới 92% bệnh nhân có người trong gia đình cũng bị cùng vấn đề, tức là có tính cách di truyền.

Dạng thứ hai, chiếm 24%, là dạng có nguyên nhân. Các nguyên nhân có thể liên quan đến bệnh thận kinh niên, thiếu chất sắt, viêm đa thần kinh (polyneuropathy), có bầu (thai), đau bắp thịt (fibromyalgia), bệnh thấp khớp (rheumatoid arthritis), đau đường thần kinh (radiculopathy), thiếu vitamin B12, thiếu acid folic, hội chứng Sjogren (hội chứng thường gặp ở phụ nữ trung niên hoặc lớn tuổi làm khô miệng, khô mắt, sưng tuyến nước bọt và nhiều triệu chứng khác), rối loạn về sự tập trung và quá “sung” (Attention-Deficit Hyperactivity Disorder).

Hội chứng đôi chân không nghỉ ngơi này thường có các triệu chứng như là cảm giác khó chịu, không hẳn là đau, nhưng như kiến bò, tê tê, ngứa ngứa, căng căng… ở chân, thường gặp nhất là vùng từ mắt cá tới đầu gối, có khi cả chân, một bên hoặc cả hai bên, có khi cả ở tay. Người bệnh phải rung chân (có khi cả tay), đi lại, di chuyển, thì triệu chứng mới giảm bớt.

Nếu triệu chứng này xảy ra vào ban đêm, có thể làm cho mất giấc ngủ của mình và nhất là người ngủ cùng giường, thì lúc đó ta đã bị một rối loạn thường đi kèm với hội chứng chân không nghỉ ngơi. Rối loạn này được gọi là rối loạn chân tay quơ quào (nhúc nhích) từng chập (periodic limb movement disorder). Tám mươi phần trăm những người bị chứng rung chân cũng sẽ mắc phải rối loạn này.

Để chữa chứng này, đầu tiên phải có chẩn đoán chính xác. Một bệnh sử chi tiết có thể giúp bác sĩ chẩn đoán hội chứng đôi chân không nghỉ ngơi (restless legs syndrome), trong khi rối loạn chân tay quơ quào từng lúc (periodic limb movement disorder) cần phải được chẩn đoán bằng một xét nghiệm nhằm đo hoạt động của bắp thịt trong lúc ngủ, gọi là polysomnography.

Nếu chứng rung chân có nguyên nhân, chữa trị các nguyên nhân sẽ giúp giảm bệnh. Do đó bác sĩ sẽ thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết để tìm xem có nguyên nhân nào không, sau đó chữa nguyên nhân nếu có.

Nếu chứng rung chân không có nguyên nhân, có nhiều cách chữa rất công hiệu. Chữa trị nên bắt đầu bằng các phương pháp không dùng thuốc, sau đó dùng các thuốc mua không cần toa bác sĩ, sau đó là các thuốc do bác sĩ kê toa sau khi thăm khám cẩn thận và theo dõi các tác dụng phụ trong lúc dùng thuốc.

Các biện pháp không dùng thuốc bao gồm các phương pháp vệ sinh về giấc ngủ (sleep hygiene) như nên đi ngủ đúng giờ, không coi phim trong lúc ngủ, ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ, lành mạnh.

Vì thiếu sinh tố B12, folic acid có thể là nguyên nhân, dùng một viên B complex mỗi ngày có thể giúp ích và tương đối an toàn.

Ngoài ra cũng phải tránh các yếu tố làm cho triệu chứng trầm trọng (exacerbating factors):

-Uống rượu có thể làm tăng triệu chứng.

-Caffeine (có trong cà phê, trà, coca cola, vân vân) có thể làm tăng độ nhạy của các thần kinh xúc giác và làm tăng triệu chứng.

-Sự căng thẳng (stress), thay đổi công việc, hoạt động thể lực nặng (strenuous physical activities) gần giờ đi ngủ, cũng làm nặng thêm các triệu chứng.

-Một số thuốc chống trầm cảm (antidepressant) như fluoxetine, paroxetine, sertraline, mirtazapine, và mianserin; một số thuốc trị tâm thần (neuroleptics) như olanzapine, risperidone và một số thuốc khác như các thuốc beta-blockers, phenytoin, zonisamide, methsuximide, and lithium cũng có thể làm nặng thêm triệu chứng. Do đó nên thảo luận với bác sĩ, rà soát lại các thuốc đang dùng xem có thuốc nào có thể là nguyên nhân hay không.

Sau cùng, có nhiều thuốc trị hội chứng này rất hiệu quả, hầu như tức thì. Tuy nhiên, thuốc có các tác dụng phụ cần phải được theo dõi cẩn thận, và có thể phải tăng liều sau một thời gian, do đó cần phải hợp tác chặt chẽ với bác sĩ trong việc điều trị.

Thân mến



Mục này chỉ nhằm giải đáp các thắc mắc về sức khỏe có tính cách tổng quát, cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân. Xin liên lạc với bác sĩ để được thăm khám trực tiếp.

Nhiều thông tin thiết thực và bổ ích khác về sức khỏe cũng được phát trên đài Radio Chuyện Sáng Chủ Nhật ở vùng Orange County, California, vào mỗi sáng Chủ Nhật từ 6 giờ đến 9 giờ, trong chương trình “Câu Chuyện Sức Khỏe Sáng Chủ Nhật.”

Nhiều thông tin sức khỏe bổ ích khác cũng có thể tìm thấy trong mục “Điểm Tin Sức Khỏe” trên báo Việt Tide mỗi Thứ Sáu, và trên các website www.nguyentranhoang.comwww.radiochuyensangchunhat.com.

Mời độc giả xem phỏng vấn “Uống cafe với Á Hậu Băng Châu ở Little Saigon”(Phần 2)
Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • Little Saigon

Tưởng niệm 30 Tháng Tư gợi nỗi đau khó xóa nhòa

Những cư dân đến tham dự buổi tưởng niệm 3- Tháng Tư cùng tỏ lòng…

59 mins ago
  • Hoa Kỳ

California có 4 thành phố trong Top 100 Nơi Sinh Sống Tốt Nhất Nước Mỹ

Livability.com phân tích dữ liệu công cộng và tư nhân của thành phố cỡ nhỏ…

60 mins ago
  • Cựu Chiến Binh

Biệt Đội Văn Nghệ QLVNCH tưởng niệm 49 năm Quốc Hận

Đông đảo đồng hương dự buổi tưởng niệm 49 năm Quốc Hận, do Thư Viện…

1 hour ago
  • Little Saigon

‘Mối Tình Thiên Thu,’ triển lãm đầy lãng mạn của Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt

Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt có triển lãm “Mối Tình Thiên Thu” là…

1 hour ago
  • Little Saigon

Sinh viên Mỹ biểu tình chống quân viện Israel, người Việt nhớ về thời chiến trước 1975

Biểu tình tại đại học USC, chống chính sách của Mỹ đối với Israel và…

2 hours ago
  • Thể Thao

Ngôi sao trẻ 19 tuổi giúp Real Madrid tiến gần tới chức vô địch La Liga

Ngôi sao trẻ Arda Guler, 19 tuổi. đã ghi bàn ngay trận ra mắt, đưa…

2 hours ago

This website uses cookies.