Thursday, March 28, 2024

Cuộc chiến xe điện nóng lên từ… cái ổ cắm

Tư Mỏ Lết

Xe hơi điện đang và sẽ tiếp tục là cuộc chiến nóng bỏng trong ngành công nghiệp xe hơi. Các nhà chế tạo xe hơi hàng đầu thế giới đều đang đầu tư tiền của, kỹ thuật vào cuộc chiến dành thị trường của chiếc xe tương lai này. Nhưng ít ai để ý rằng, cuộc chiến căng thẳng này hiện nay đang bắt đầu từ một chi tiết tưởng chừng như nhỏ nhặt: cái ổ cắm sạc điện.

Ai cũng biết tất cả những chiếc xe xăng, tất cả các miệng bình xăng đều chỉ là một cái lỗ, có thể đổ đầy xăng từ những cái vòi xăng giống nhau trên toàn thế giới. Nhưng đối với xe điện, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Cho đến đầu năm 2018, thống kê cho thấy có 6 loại ổ sạc điện khác nhau trên những chiếc xe điện đến từ các nhà sản xuất Âu, Mỹ, Á.

Có người sẽ thắc mắc: tại sao không làm giống nhau cho đỡ phiền? Những người hay đi du lịch qua nhiều quốc gia khác nhau sẽ dễ thấy câu trả lời. Nó tương tự như mỗi quốc gia có một hệ thống lỗ cắm điện khác nhau: 2 chấu, 3 chấu, chấu tròn, chấu dẹt, chấu thẳng, chấu xiên… Đó là tiêu chuẩn quốc gia. Bởi vậy cho nên dân du lịch phải thường xuyên mua các loại ổ cắm chuyền, để chuyển đổi ổ cắm của thiết bị điện tử mình mang theo cho phù hợp.

Hiện nay, hãng xe điện Tesla của Mỹ, các nhà sản xuất xe hơi Châu Âu, các nhà sản xuất xe Nhật, và Trung Quốc sử dụng những ổ cắm sạc dành cho xe điện khác nhau. Họ đang làm mọi cách để loại ổ cắm của mình được người tiêu dùng sử dụng rộng rãi nhất. Chi tiết nhỏ nhặt này hiện đang đóng vai trò quan trọng, để quyết định ai trở thành người dẫn đầu thị trường.

Xe sử dụng ổ cắm sạc thông dụng nhất thì đi đâu cũng có chỗ sạc, khách hàng sẽ yên tâm hơn. Số xe bán ra sẽ nhiều hơn. Còn những hãng xe với các loại ổ cắm ít phổ biến thì sẽ phải tìm cách chuyển đổi, để những chiếc xe điện của mình có thể sạc ở những ổ cắm thông dụng hơn. Sự thay đổi này chắc chắn sẽ tốn kém, gây phiền hà cho người sử dụng, dẫn đến việc số xe bán ra giảm đi. Cuộc chiến tranh thương mại giữa các loại ổ cắm sạc là thế!

Tuy nhiên, những công ty chuyên đi xây dựng các trạm sạc điện công cộng đang đề nghị phải giảm bớt số chủng loại ổ cắm, để giảm chi phí xây dựng. Điều này thật sự cần thiết để đưa xe điện trở nên ngày càng phổ biến hơn. Ngân hàng Thụy Sĩ UBS đã ước tính rằng trong 8 năm tới, chi phí đầu tư cho các trạm sạc nhanh trên toàn thế giới sẽ lên tới $360 tỷ, để đáp ứng cho tốc độ sản xuất xe điện ngày càng tăng. Việc giảm thiểu tối đa các loại ổ cắm sạc khác nhau sẽ tiết kiệm được khối tiền, và làm cho người sử dụng đỡ bối rối.

Hãy thử tưởng tượng, một người lái xe điện đi du hành xuyên bang Hoa Kỳ, thấy xe sắp hết bình. Nhưng trạm sạc công cộng gần nhất lại không có ổ cắm riêng của xe mình. Hoặc đến một trạm sạc mà không biết ổ nào là ổ sạc dành cho xe mình. Nhiêu khê quá, ai mà muốn mua xe điện!

Trong một nỗ lực “thống nhất để cùng tồn tại,” các hãng xe lớn của Châu Âu như BMW, Daimler, Volkswagen đã kết hợp với hãng Ford của Mỹ đã lên kế hoạch xây dựng 400 hệ thống trạm sạc nhanh kết hợp – Combined Charging System (CCS) – từ nay đến năm 2020, trên những xa lộ chính qua 18 quốc gia Châu Âu.

Bên cạnh CCS, còn có 3 kiểu hệ thống sạc điện nhanh nữa. Hãng Tesla có hệ thống sạc riêng của mình, Tesla Supercharger. Những hãng xe Nhật trong đó có Nissan và Mitsubishi xây dựng hệ thống CHAdeMO (hay là Charge de Move). Và Trung Quốc – thị trường xe hơi điện lớn nhất thế giới hiện nay- có hệ thống GB/T.

Hiện nay, trên toàn thế giới có khoảng 7,000 trạm sạc CCS. Hơn phân nửa trong số đó lắp đặt ở Châu Âu. EU ủng hộ việc đưa hệ thống này trở thành tiêu chuẩn cho hệ thống sạc nhanh trong tương lai trên toàn cõi Châu Âu, nhưng không ngăn cản các hệ thống khác lắp đặt.

Trong khi đó, tính đến Tháng Giêng, 2018, đã có 16,639 trạm sạc CHAdeMO (tiêu chuẩn Nhật), hầu hết là ở Nhật, và kế tới là Châu Âu. Tesla Supercharger có 8,496 trạm, hầu hết là ở Mỹ. Ở Trung Quốc, hiện nay đã có 127,434 trạm theo tiêu chuẩn GB/T.

Cũng giống như cuộc chiến trong kỹ thuật băng từ video trước đây giữa VHS và Betamax, mỗi kiểu trạm sạc kể trên đều có ưu, nhược điểm riêng của mình. Hệ thống của Tesla chỉ dành riêng cho khách hàng của mình. Trong khi hệ thống CCS có ổ cắm đôi, có thể sạc ở cả chế độ điện xoay chiều (AC) lẫn một chiều (DC), giúp người lái có nhiều trạm sạc để lựa chọn hơn. Còn CHAdeMO có ưu điểm là cho phép chiếc xe điện chuyển ngược điện năng tích lũy trong bình trở lại mạng lưới điện, tức là bán điện cho nhà đèn. Đây là một cách suy nghĩ rất thực tế đúng kiểu& Nhật. Có những lúc mạng lưới điện bị hụt công suất, thì đây là lúc chủ nhân các chiếc xe điện có thể bán điện để kiếm… ít tiền còm, nhưng cái chính là giúp ổn định mạng lưới điện quốc gia.

Xin được nhắc lại một chút về kỹ thuật sạc bình cho xe điện. Hiện nay, hầu hết các xe điện được sạc ở nhà bằng dòng điện xoay chiều (AC). Cách này tiện lợi, rẻ tiền, nhưng sạc chậm. Để sạc nhanh hơn phải sử dụng hệ thống sạc điện một chiều (DC) có cường độ cao. Thí dụ, trạm sạc điện DC nhanh nhất hiện nay có công suất lên đến 400 kW, có thể sạc đầy bình một chiếc xe điện chỉ trong 10 phút, so với từ 10-12 giờ nếu sạc ở nhà.

Cho đến giờ phút này, còn quá sớm để kết luận rằng hệ thống sạc nào sẽ chiếm ưu thế trong tương lai. Yếu tố kỹ thuật chỉ tạo ra một phần ưu thế. Yếu tố thị trường có khi lại là một ưu thế không nhỏ. Đó là trường hợp của hệ thống GB/T tại Trung Quốc. Quốc gia này từ lâu nay đã sử dụng thị trường khổng lồ của mình để ép các nhà sản xuất Âu Mỹ phải nhượng bộ đủ thứ, nếu muốn vào thị trường hơn 1 tỷ dân này. Nay trong lĩnh vực xe hơi điện cũng thế. Trung Quốc hiện nay chỉ sử dụng hệ thống GB/T trên đất nước của mình. Và không có nhà sản xuất xe điện nào muốn mất thị phần ở đây cả. Tesla, cũng như các nhà sản xuất xe của Âu- Mỹ-Nhật, đều điều chỉnh những chiếc xe của mình bán vào thị trường Trung Quốc, để cho hệ thống sạc tương thích với hệ thống GB/T. Nên nhớ rằng Trung Quốc sử dụng quota nhập cảng để kiểm soát lượng xe điện đưa vào thị trường nội địa. Bị cắt quota là… buồn lắm!

Tesla cũng đã có một số “nhân nhượng” nhất định, khi đã bán các bộ chuyển đổi (adapter) cho khách hàng sử dụng xe Tesla, để họ có thể sạc điện ở những hệ thống khác.

Nói tóm lại, mọi chuyện vẫn còn ở phía trước. Cuộc chiến “ổ cắm” hiện nay chỉ là “chuyện nhỏ,” trong “chuyện lớn” là tương lai của ngành công nghiệp xe điện hứa hẹn còn nhiều biến động trong thập niên tới. (Tư Mỏ Lết)

Mời độc giả xem phóng sự “Chợ đồ giả giữa Los Angeles”

MỚI CẬP NHẬT