Friday, April 26, 2024

Dân luật: Luật Thương Mại (Kỳ 3)

Luật Sư tại California và Washington.  Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Ðịnh Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo Di Chúc và Tín Mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang.  Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. Website: www.lylylaw.com.

Luật Sư  LyLy Nguyễn

Ông Hai được cứu thoát chết do hành động tự nguyện của công nhân Bảy không có giao hẹn trước và cũng không hề có điều kiện bắt buộc đền ơn, do đó nếu ông Hai nuốt lời sau này không chu cấp nữa sẽ không phải tội. Luật Khế Ước xác định rằng những loại hứa hẹn như trường hợp này chỉ bị ràng buộc tinh thần chứ không theo luật pháp vì ở đây thực sự không có sự trao đổi. (Hình minh họa: Dimas Ardian/Getty Images)

Trong Luật Thương Mại Hoa Kỳ tính chất cốt yếu của luật khế ước dựa trên nguyên tắc trao đổi (consideration doctrine) theo đó một điều gì cho đi để đổi lại một điều gì nhận được từ người khác sẽ trở thành giao ước và được ràng buộc theo luật pháp như đã trình bày trong bài trước.

Với nguyên tắc này tất cả các cuộc trao đổi hai chiều đều có hiệu lực trừ những ngoại lệ với hứa hẹn không hẳn bị gắn theo luật mà tùy theo lương tâm (moral consideration). Lấy thí dụ ông Hai Giầu chủ nhân một công ty xây cất lớn trong lần thăm một công trường ở ngoại ô San Diego được anh Bảy thợ hồ cứu thoát chết khi ông đi ngang qua một tầng lầu đang xây đúng lúc một chồng gạch từ trên cao đổ xuống. Anh Bảy do phản ứng đẩy ông Hai sang bên thoát khỏi gạch rơi trúng đầu trong gang tấc, nhưng chính anh không may bị bị gạch rớt què chân trở thành tàn phế. Ông Hai cảm kích hành động can đảm của anh thợ hồ nên hứa cấp dưỡng Bảy suốt đời coi như đền ơn cứu mạng. Luật Khế Ước xác định rằng những loại hứa hẹn như trường hợp này chỉ bị ràng buộc tinh thần chứ không theo luật pháp vì ở đây thực sự không có sự trao đổi. Ông Hai được cứu thoát chết do hành động tự nguyện của công nhân Bảy không có giao hẹn trước và cũng không hề có điều kiện bắt buộc đền ơn, do đó nếu ông Hai nuốt lời sau này không chu cấp nữa sẽ không phải tội. Một ngoại lệ khác là Luật Bổn Phận (pre-existing duty rule) như trường hợp công nhân được công ty tăng lương thăng thưởng thường niên vì công lao mẫn cán (merit). Quyền lợi này không bắt buộc và tùy theo công ty vì đằng nào người ấy vẫn phải có bổn phận làm việc như đã định, hãng không nhận được gì thêm ở người công nhân do đó nếu không tăng lương thì cũng không đem ra tòa thưa được vì không có tính cách trao đổi.

Định nghĩa cứng nhắc của nguyên tắc trao đổi gây ra nhiều rắc rối lằng nhằng trong việc phân xử nhiều hợp đồng thương mại không rõ ràng. Để đạt được công bằng và mềm dẻo hơn tòa án đã du di biến cải nguyên tắc trên, do đó một lời hứa tuy không do trao đổi nhưng nếu lời hứa đó có lý do hợp lý gây tin tưởng cho người khác sẽ được hiệu lực pháp lý. Trở lại trường hợp ông Hai hứa cấp dưỡng đem lại niềm tin cho người công nhân tàn phế thì phải giữ lời mà thi hành. Một công ty hứa cấp tiền hưu cho nhân viên làm việc lâu năm khi hưu trí sẽ bắt buộc phải thi hành bất kể đến tình trạng tài chánh của công ty.

Nếu một giao kèo không công bằng thì có quyền hủy bỏ không? Trong Luật Khế Ước đây là một câu hỏi rất khó trả lời vì nguyên tắc trao đổi không cho phép tòa án dễ dàng lật ngược một hợp đồng đã ký kết cho dù có bất công đến mấy vì hai bên coi như tự nguyện cam kết với nhau nên khi không thuận buồm mát mái thì đành phải chịu kẹt. Trừ vài trường hợp quá đáng tòa cũng có cách gỡ tuy nhiên rất khó phân biệt thế nào là “bất công.” Có hai phương thức giúp tòa xác định nếu một giao kèo cần được xử lại. Thứ nhất, tòa xét xem trong khế ước có điều gì đáng nghi ngờ có sự ép buộc ký kết dù bất cứ bên nào. Thứ hai, khế ước có lợi nghiêng hẳn về một bên hoặc là chỉ có một bên được lợi một cách khác thường. Trong thực tế có thể một bên nắm thế thượng phong vì giàu kinh nghiệm hiểu biết hơn hay có vốn liếng cao hơn, việc giao kết chẳng qua chỉ là một hình thức cho họ chiếm càng nhiều lợi thế càng tốt. Nếu kẻ gian bắt cóc con nít rồi gọi tới cha mẹ dọa dẫm đòi tiền chuộc mới thả cho về, cha mẹ đứa bé ấy sợ con bị giết nên trả lời bằng lòng thì lời nói ấy có được kể như một sự ưng thuận không? Theo “nguyên tắc cưỡng bách” (duress doctrine) nếu ai phải cam kết điều gì dưới sự đe dọa của bên kia thì giao kết đó vô hiệu lực. Trong thương mại có nhiều vụ áp dụng nguyên tắc này, thí dụ trên một chiếc tàu đang đi đánh cá xa ngoài khơi thủy thủ đoàn đe dọa chủ tàu nếu không tăng lương thì không chạy tàu và đánh cá nữa. Người chủ đành chịu chấp thuận yêu sách vì đang ở giữa biển khơi làm thế nào để có thủy thủ đoàn thay thế; nhưng khi về đến bến người chủ có quyền hủy bỏ lời hứa tăng lương vì bị ép buộc. Tuy nhiên cũng trường hợp đòi tăng lương tương tự xảy ra trên bờ, công nhân một công ty nghỉ việc đòi chủ nhượng bộ thì không kể là cưỡng bách mà là đình công, chủ nhân có quyền cho nghỉ việc và mướn người thay thế. Tương tự còn có “nguyên tắc quá đáng” (doctrine of unconscionability) theo đó tòa không bênh những giao dịch mà một bên bị ép buộc quá thiệt thòi không đường lựa chọn. Thí dụ một hãng buôn mời khách hàng mua trả góp một món đồ đắt tiền nhưng đặt những điều kiện khắt khe in bằng chữ thật nhỏ ở mặt sau hóa đơn rao sẽ thu hồi món hàng nếu không trả đúng hạn (default). Khi người mua chậm một tháng tiền trả góp thì lấy cớ đòi lại món hàng dù đã được trả gần hết.

Một khi đã lập khế ước rồi có thể rút ra được không? Cách dễ nhất là thương lượng với phía bên kia vì đối phương dù có quyền pháp định nhưng chưa hẳn họ nhất quyết bắt phải thi hành. Phần đông giới thương nghiệp thường tỏ ra hiểu biết và hợp lý, họ muốn đối xử đúng không cần phải nhờ đến luật pháp giải quyết và cũng không muốn rắc rối cố tình bắt ép ai phải làm điều gì không muốn. Để duy trì hảo cảm giao dịch làm ăn lâu dài với nhau nên đôi khi họ có thể bỏ qua chỉ bất đắc dĩ miễn cưỡng lắm mới đưa ra tòa vì ngại tốn kém án phí không nhỏ. Phần nhiều khế ước tiên đoán sự việc trong tương lai, nhưng đoán sai thì phải chịu vậy, thí dụ điển hình nhất hơn hai năm qua nhiều người mua cổ phiếu của các hãng điện tử lớn với tiên đoán rằng giá sẽ lên như nhiều năm trước đó, nhưng ngược lại khi thấy xuống giá thê thảm sợ quá vội bán lỗ đến sạt nghiệp vì một khi đã mua bán đổi chác rồi thì không thay đổi được nữa, luật pháp không cứu vãn được hiểm họa tính toán sai lầm.

Theo “nguyên tắc cưỡng bách” (duress doctrine) nếu ai phải cam kết điều gì dưới sự đe dọa của bên kia thì giao kết đó vô hiệu lực, ví dụ vụ bắt cóc tống tiền. (Hình minh họa: GUILLERMO LEGARIA/AFP via Getty Images)

Luật Khế Ước còn kể  thêm trường hợp bất khả thi hành (impossibility), bất khả kháng (impracticability) và thất vọng (frustration) theo đó sự thi hành cam kết không thể thực hiện được đúng thời hạn giao ước. Án lệ Taylor v. Caldwell (1863) là thí dụ điển hình chủ một rạp hát ở Washington D.C. thỏa thuận cho một gánh hát thuê rạp trình diễn trong bốn đêm. Không may vài ngày trước đó rạp hát bị hỏa hoạn thiệt hại nặng không xử dụng được. Nội vụ đem ra tòa được xử rằng sự kiện rạp hát rủi ro bị cháy ngoài ý muốn của chủ rạp, bởi lẽ đó được ra khỏi khế ước mà không phải đền. Tuy nhiên có một chủ thuyết khác song hành gọi là “thất vọng có mục đích” (frustration of purpose) theo đó giao kết vẫn thi hành được vào thời gian ước hẹn nhưng sự việc liên quan không xảy ra theo mong muốn. Điển hình là vụ thưa kiện vào năm 1902 nhân ngày lễ đăng quang ở Luân Đôn của hoàng đế Edward VII lên ngôi có chương trình diễn hành rước vua về cung điện Buckingham Palace. Bao lơn trước những ngôi nhà hai bên dọc đường xe vua đi được cho thuê với giá rất đắt để khách chiêm ngưỡng tân vương. Không may đúng vào ngày ấy hoàng đế bị bệnh, lễ đăng quang được hoãn đến ngày khác. Những người thuê bao lơn đòi tiền lại không được nên kiện ra tòa. Tòa xử rằng việc cho thuê bao lơn vẫn thực hiện được đúng ngày giờ giao kết, người trả tiền thuê vẫn có thể đến ngồi ở bao lơn vào ngày giờ đã thuê dù có xe vua đi qua hay không. Sự kiện ngày lễ đăng quang hoãn lại vì vua bị bệnh không phải là lỗi của người cho mướn, do đó họ được giải trừ trách nhiệm thi hành khế ước, dĩ nhiên người thuê phải gánh chịu thiệt hại vì rủi ro của biến cố này.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu luật thương mại qua các khía cạnh khác của khế ước trong nhiều trường hợp trục trặc không thi hành được. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được xử dụng với tính cách thông tin (information) để giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. Website: www.lylylaw.com.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT