Monday, May 20, 2024

Đau bụng khi hành kinh

Bác Sĩ Đặng Trần Hào

Thống kinh là chứng bệnh phụ nữ bị đau bụng trước khi hành kinh, trong khi hành kinh hoặc trong thời kỳ hành kinh.

Nguyên nhân gây ra không ngoài hàn, nhiệt, hư, thực. Thí dụ, bị cảm do phong hàn tà, hoặc bị dương hư, hàn tà tụ ở trung tiêu và hàn làm ngưng trệ nơi mạch xung và mạch nhâm ứ trệ, bất thông mà gây ra thống (đau).

Có khi do một lý do nào đó mà hình thành huyết ứ. Huyết ứ đình tích ở mạch xung, nhâm và tử cung làm cản trở, trì trệ mạch lạc, đúng lúc huyết phải xuống, lại không xuống được, thành ra đau bụng. Có khi uất ức, phẫn nộ, can khí uất kết, can tì mất đi sự điều hòa, khí không thông và huyết hành không được mà thành bệnh.

Có nhiều nguyên nhân gây ra hành kinh bị đau.

Sau đây là những nguyên nhân chính thường gây ra trong khi hành kinh bị đau:

Đau bụng trước khi hành kinh thường là thực chứng

Thực hàn do cảm hàn, trước hay trong thời kỳ hành kinh vùng bụng lạnh, đau, kinh thủy như nước đậu đen. Lưỡi trắng lợt, rêu lưỡi trắng. Mạch trầm trì.

Phép trị: Ôn kinh, tán hàn, điều kinh, chỉ thống và phối hợp với châm cứu.

Bài thuốc:
-Quế chi 9 grs
-Bạch chỉ 9 grs
-Can khương 9 grs
-Bán hạ chế 9 grs
-Ngưu tất 12 grs
-Đan sâm 12 grs
-Ích mẫu 9 grs
-Cam thảo 3 grs

-Quế chi, can khương: Ôn kinh, tán hàn.
-Bạch chỉ, bán hạ: Trị nhức đầu.
-Ngưu tất, uất kim, ích mẫu, đan sâm: Điều kinh và trục huyết ứ gây đau khi hành kinh.
-Cam thảo: Phối hợp các vị thuốc.

Đau bụng sau khi hành kinh thường do hư chứng

Hư hàn: Sau khi hành kinh đau bụng liên miên, thích chườm nóng, toàn thân mệt mỏi, lạnh, đau thắt lưng. Rêu lưỡi trắng. Mạch tế và trì.

Phép trị: Ôn kinh và bổ hư hàn.

Bài thuốc:
-Nhục quế 9 grs
-Can khương 9 grs
-Ngải diệp 6 grs
-Đảng sâm 12 grs
-Hoài sơn 9 grs
-Hà thủ ô 12 grs
-Bạch truật 12 grs
-Kê huyết đằng 12 grs
-Cam thảo 3 grs

-Nhục quế, can khương: Ôn hư hàn.
-Bạch truật, đảng sâm: Bổ khí hư.
-Ngải diệp, hoài sơn, hà thủ ô, kê huyết đằng, ngưu tất: Bổ huyết, thông huyết và trị đau.
-Cam thảo: Phối hợp các vị đưa vào tạng phủ thụ bệnh.

Đau bụng do huyết hư (thiếu)

Sau khi hành kinh đau bụng liên miên, màu huyết nhạt, sắc mặt xanh trắng, môi nhợt nhạt, chóng mặt, mắt hoa, ngủ chập chờn, hồi hộp, bón. Lưỡi trắng lợt, không rêu lưỡi. Mạch nhu và vi.

Nếu kèm theo khí hư, tứ chi mỏi mệt, lạnh, ra huyết trắng.

Phép trị: Bổ khí và huyết.

Bài thuốc:
-Đảng sâm 9 grs
-Bạch truật 9 grs
-Bạch biển đậu 9 grs
-Hà thủ ô 9 grs
-Hoài sơn 12 grs
-Câu kỷ tử 12 grs
-Kê huyết đằng 12 grs
-Ngưu tất 12 grs
-Cam thảo 3 grs

-Bạch truật, đảng sâm, hoài sơn: Bổ khí.
-Hà thủ ô, kê huyết đằng, ngưu tất: Bổ huyết và thông huyết.
-Bạch biển đậu: Tiêu thấp và huyết trắng.
-Câu kỷ tử: Bổ gan huyết.
-Cam thảo phối hợp các vị thuốc.

Đau bụng do can thận hư

Sau khi hành kinh đau bụng dưới, mỏi lưng, hai bên cạnh sườn trướng đau, kinh nguyệt màu nhợt nhạt. Rêu lưỡi trắng mỏng. Mạch nhược và trầm.

Trị liệu: Bổ thận và can huyết.

Điều can thang
-Bạch thược 12 grs
-Đương qui 9 grs
-Sơn thù du 9 grs
-Bá kích thiên 12 grs
-Hoài sơn 12 grs
-A giao 9 grs
-Cam thảo 3 grs

Huyết ứ

Đau trước, hoặc khi mới hành kinh, bụng dưới đau như gò, kinh ít, màu tím đen, ra huyết cục. Khi hành kinh được đỡ đau. Nếu ứ huyết nhiều thì sắc mặt tím, da khô, miệng khô, không muốn uống nước. Lưỡi đỏ, có điểm tím. Mạch huyền.

Phép trị: Hoạt huyết, tiêu ứ.

Bài thuốc:
-Đương qui 9 grs
-Xuyên khung 9 grs
-Đào nhân 9 grs
-Hồng hoa 12 grs
-Ngưu tất 9 grs
-Chỉ xác 9 grs
-Hương phụ 9 grs
-Sài hồ 9 grs
-Ích mẫu 9 grs
-Cam thảo 3 grs

-Đương qui, xuyên khung: Bổ huyết.
-Đào nhân, hồng hoa, ngưu tất, ích mẫu: Phá ứ, thông huyết.
-Sài hồ: Điều huyết.
-Chỉ xác, hương phụ: Điều khí.
-Cam thảo phối hợp các vị thuốc.

Sau đây tôi xin đưa ra một vài điểm để quý vị biết được hành kinh đau là do nguyên nhân gì gây ra:

-Đau bụng trước khi hành kinh thuộc thực chứng.
-Đau bụng sau khi hành kinh thuộc hư chứng.
-Trước khi hành kinh mà bụng trướng đau là do huyết và khí ngưng trệ.
-Nếu trướng nhiều mà đau ít, thì do khí làm cho huyết không hành được.
-Nếu trướng ít mà đau nhiều, là do huyết làm khí ngưng.
-Nếu trướng mà thích dùng tay đè lên, đa số thuộc hư hàn. Trái lại không thích tay đè lên là do huyết trệ làm đau, đa số thuộc thực chứng, thuộc về nhiệt. (Bác Sĩ Đặng Trần Hào)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT