Monday, March 18, 2024

Di chúc và tín mục cho vợ chồng

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật Sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080, website: www.lylylaw.com.

Trong cuộc sống hôn nhân một vấn đề được nhiều cặp vợ chồng quan tâm đến là lập di chúc hoặc tín mục để an bài tài sản trong tương lai nếu chẳng may mệnh hệ nào qua đời sớm. Tuy nhiên lập các phương cách này sao có lợi cho người thành hôn đều khác nhau tùy theo tuổi tác và hoàn cảnh từng gia đình.

Thông thường nhiều gia đình có mức tài sản nhỏ hoặc trung bình chỉ cần lập một di chúc đơn giản theo đó người nào chết trước sẽ để lại tất cả của cải chung cho vợ hoặc chồng còn sống. Điều này rất đúng nếu cặp vợ chồng này đã vượt qua thời kỳ mưu sinh căn bản, hoặc một người còn dựa vào người kia, hoặc có con đã trưởng thành ra đời kiếm được tiền không cần bám vào cha mẹ. Tuy nhiên dầu cho tài sản không quá sung túc nhưng cách khôn ngoan nhất vẫn là lập tín mục. Như đã trình bày trong nhiều bài trước đây, lợi điểm đặc biệt của tín mục là bảo vệ được tài sản trong trường hợp bị mất năng lực tâm trí hay thể chất, đồng thời tránh được thủ tục “giải quyết di sản” (probate) của tòa án và nhất là bảo vệ đời tư được kín đáo. Dùng kế hoạch này có thể lập tín mục chung (joint trust) cho cả hai vợ chồng hoặc lập riêng rẽ cho từng người kết quả đều như nhau. Tài sản chung của vợ chồng thường luôn thay đổi theo thời gian do nhiều yếu tố, thí dụ như dành dụm được thêm vốn liếng, sinh thêm con cái, thay đổi công ăn việc làm, hay tình trạng sức khỏe suy yếu khiến một người có cơ ra đi vĩnh viễn trước người kia. Để có ý niệm về khác biệt theo hoàn cảnh từng gia đình, chúng tôi xin đan cử sau đây vài trường hợp điển hình của gia đình vợ chồng trẻ tuổi lẫn vợ chồng có tuổi với giả thiết mỗi gia đình đều có một hoặc cả hai người cùng đi làm.

Trước hết là một cặp vợ chồng rất trẻ, cô Hoa và cậu Tú cùng ở lứa tuổi trên dưới ba mươi. Hai người mới thành hôn với nhau cách đây vài năm và đã có hai con nhỏ. Cả hai đều rất thương con nên cùng đồng lòng muốn lo cho các con sau này đủ sống và có tiền ăn học nếu không may cha mẹ cùng chết bất đắc kỳ tử. Ngoài ra vợ chồng này cũng tính trường hợp một trong hai người chết sớm thì để của sao cho người còn lại đủ tiền sinh sống mà nuôi con. Hai người vừa mới mua nhà không lâu nên còn nợ lớn, do đó họ có mua bảo hiểm nhân thọ bao che nợ nhà. Các món nợ khác cũng được dàn xếp trả góp và cũng có bảo hiểm để lỡ một người chết sớm thì bớt hẳn gánh nặng cho người còn sống. Hai vợ chồng này vì còn quá trẻ, vốn liếng chưa có bao nhiêu nên không cần lập kế hoạch dự trù tài sản nào cả. Cả hai chỉ cần lập mỗi người một di chúc hoặc tín mục đơn giản theo đó nếu người nào bất ngờ chết trước sẽ để lại mọi thứ cho người kia để đạt mục tiêu chính yếu là cung cấp đầy đủ tiền bạc cho người còn lại có thể sống thêm vài chục năm nữa mà nuôi con. Thêm vào đó cả hai chỉ định lẫn nhau làm người thụ hưởng trong bảo hiểm nhân thọ của từng người và những chương trình tương tự. Sau khi đã thi hành như vậy cả hai vợ chồng cô Hoa và cậu Tú đều yên tâm vui sống không lo nghĩ gì nữa ngoài việc lưu ý cập nhật di chúc mỗi khi có thay đổi gia cảnh quan trọng.

Một cặp vợ chồng khác, bà Phương và ông Hoàng đều ở tuổi trung niên trên dưới bốn mươi. Hai người thành hôn trên mười mấy năm nên có tài sản tương đối khá hơn kể cả một cửa hàng buôn bán nhỏ. Vợ chồng nhà này lập một “tín mục sinh thời thay đổi được” (a revocable living trust) và ủy thác cho tín viên trường hợp chẳng may một người chết đi thì sẽ đứng ra cai quản gia sản cho phúc lợi của người vợ hoặc chồng còn sống. Tín mục này trước nhất có lợi là tránh không để tài sản bị lôi ra tòa theo thủ tục “giải quyết di sản,” vừa đỡ tốn tiền tòa án và đỡ rắc rối lôi thôi. Vợ chồng này cũng có mua bảo hiểm để thanh toán nợ nần nếu chết, và sau hết bà Phương và ông Hoàng cũng lập thêm di chúc để thâu góp tất cả các tài sản ngoài di chúc và phần tiền còn lại sau khi trả nợ sẽ đem vào tín mục để người còn sống được hưởng suốt đời còn lại.

Bây giờ đến hai thí dụ trường hợp vợ chồng lớn tuổi. Trước hết là ông bà Thành tuổi tác khoảng giữa năm mươi, sáu mươi; hai người mua nhà từ lâu và đã trả xong nợ nhà. Hơn thế ông bà còn có được một tài sản đáng kể tuy chưa đến mức phải đóng thuế. Thấy ngày về hưu cũng không xa lắm nên cả hai ông bà đều tính làm sao cho người ở lại được đầy đủ tiền an hưởng cuộc sống thoải mái một khi người kia từ giã cõi trần. Cũng như hầu hết các cặp vợ chồng đứng tuổi khác, họ muốn truyền lại tất cả tất cả tài sản cho người sống sót cùng dự tính sau này khi chết nốt thì tới lượt cho con cháu thừa hưởng.

Trường hợp sau là hai cụ Lân xấp xỉ bảy mươi và cùng đã về hưu. Các cụ may mắn có lũ con trưởng thành từ lâu nên dĩ nhiên đâu cần lo gì về con cái nữa. Thay vào đó hai cụ nghĩ đến việc khi chết đi sẽ để lại toàn bộ của cải cho lũ cháu nội ngoại và giao cho cha mẹ chúng quản trị đến sau này chúng lớn khôn. Cả hai cụ đều tuổi hạc đã cao cho nên nếu một cụ có ra đi thì cụ còn lại chắc chắn cũng chẳng “thọ” được bao lâu. Có thể vài tháng hay vài năm sau cụ bà cảm thấy “nhung nhớ” cụ ông (hay ngược lại) thế rồi một ngày đẹp trời nào đó cụ cũng “thăng” luôn để diễn một màn “tìm nhau nơi thiên đường.” Nghĩ đến tương lai sáng sủa đó nên mỗi cụ bèn lập một “tín mục hôn nhân” (a marital trust) có hiệu lực ngay khi qua đời. Cụ nào còn lại sẽ sống bằng lợi tức do chính tín mục của mình, còn nếu không đủ chi tiêu thì sẽ rút vốn tín mục do “điều khoản xâm phạm vào vốn” (encroachment provisions) đã định trước. Lúc chết luôn thì số vốn còn lại trong tín mục sẽ về tay con cháu và lợi điểm của “tín mục hôn nhân” là được giảm thuế.

Khác với trường hợp trên, vợ chồng ông bà Mẫn khá giàu nên ông bà rất lo về khoản tiền thuế khổng lồ đánh trên tài sản đáng giá hàng chục triệu của mình. Nhằm mục đích giảm thuế ông bà lập ra tín mục riêng rẽ từng người hoặc đứng chung, khi một người chết đi sẽ trở thành “tín mục hôn nhân” có tác dụng né thuế (bypass). Lối dàn xếp này có tác dụng tránh được thủ tục “giải quyết di sản” của tòa án đồng thời được giảm thuế theo “tín mục hôn nhân.” Làm như vậy khi một người qua đời thì vợ hoặc chồng còn sống sẽ hưởng lợi tức do tín mục sinh ra, nếu không đủ thì rút vốn theo “điều khoản xâm phạm vào vốn” như đã nêu trên cho đến hết đời mình. Cuối cùng khi người còn lại chết luôn thì vốn trong tín mục sẽ sang tay con cháu. Khi lập tín mục có thể chỉ định con cái làm người kế vị. Nếu tài sản quá lớn thì có thể mướn một tín viên chuyên nghiệp (professional trustee) có khả năng quản trị tài sản cho phúc lợi của các cháu. Dĩ nhiên lập loại tín mục này cần tham khảo và nhờ luật sư chuyên môn đảm trách.

Đúng ra cuộc sống vợ chồng nào cũng ngọt ngào như nước suối mùa xuân, nhưng trên thực tế không thiếu gì những gia đình “cơm không lành, canh không ngọt.” Dĩ nhiên không ai đợi đến lúc đua nhau ra tòa ly dị rồi mới tính đến phân chia tài sản. Trong cuộc đời có nhiều người bị cú “sốc” bất ngờ khi khám phá ra rằng cô vợ hoặc ông chồng yêu quí của mình đã gạt nhẹ tên mình ra khỏi di chúc không nhắc nhở gì đến mà lại còn để của cho những người xa xôi khác. Tuy nhiên luật pháp không để xảy ra những cảnh oái oăm như vậy vì thời buổi bây giờ nếu có người vợ nào đang sống tùy thuộc vào chồng mà gặp cảnh này chắc chắn cuộc đời bà ấy sẽ đen tối như đêm ba mươi. Mặc dù luật pháp có ý bênh các bà quả phụ nhưng cũng công bằng bảo vệ luôn các ông góa bụa vì theo luật phụ nữ cũng không có quyền gạt tên chồng ra khỏi di chúc. Nếu ông chồng hoặc bà vợ chết đi nhưng di chúc không để tên người còn lại làm kế thừa, hay có tên nhưng được ít hơn số phần trăm theo luật định (phần trăm này thay đổi tùy theo luật từng tiểu bang) thì người ấy có quyền “chống di chúc” (take against the will) để đòi phần mình chia theo luật định. Phần này thường là một nửa hoặc một phần ba thay vì phần trăm ít ỏi hay không có gì trong di chúc. Dĩ nhiên nếu người ấy cam phận bằng lòng nhận ít thì khỏi cần chống báng gì cứ thế mà thi hành theo di chúc.

Luật pháp còn có “điều khoản chia phần bắt buộc” (forced share provision) làm nhiều người muốn tái hôn trễ phải e dè vì họ không muốn chỉ sau vài năm chung sống lỡ chết đi thì nửa phần gia tài sẽ về tay người vợ hoặc chồng mới lấy thay vì để cho cha mẹ hay con riêng. Gần đây có tu chính của bộ “Luật Giải Quyết Di Sản Đồng Nhất” (Uniform Probate Code) có ấn định tỷ lệ chia phần cho người quả phụ tùy theo số năm chung sống, có nghĩa là càng sống chung lâu bao nhiêu thì càng được chia phần nhiều bấy nhiêu. Luật này đã cất đi mối lo cho nhiều tay tỷ phú dù già vẫn hăng hái đòi cưới vợ trẻ, nay không còn sợ chết sớm của cải về hết tay người “góa phụ trẻ thơ” như tin trên báo vẫn thường đăng về các tài tử giai nhân nổi tiếng. Đối với những người lập tín mục thay vì di chúc, người hôn phối sẽ không bị chi phối vì “điều khoản chia phần bắt buộc” tài sản để trong tín mục. Dĩ nhiên tại các tiểu bang theo luật này một trong hai vợ chồng có quyền “tước” quyền hưởng gia tài của người kia do đó cần tham khảo luật sư chuyên môn chi tiết về vấn đề này.

Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.(Luật Sư LyLy Nguyễn)

MỚI CẬP NHẬT