Sunday, May 19, 2024

Giám đốc văn phòng CISS giải đáp về di trú – bảo lãnh

WESTMISTER (NV) – Ông Hà Ngọc Cư, giám đốc điều hành trung tâm CISS chuyên về di dân và tị nạn, văn phòng tại Houston, Texas, sẽ giúp độc giả giải đáp những thắc mắc về các vấn đề liên quan đến di trú, bảo lãnh thân nhân hay an sinh xã hội.

Ông Hà Ngọc Cư nguyên là Giám đốc cơ quan di trú và tị nạn Lutheran, tiểu bang Texas và đã có hơn 30 năm kinh nghiệm về di trú và tị nạn, giúp đỡ, tư vấn và làm các dịch vụ liên quan đến di trú hay an sinh xã hội cho hàng ngàn đồng hương Việt Nam tại Houston, Texas và nhiều nơi khác. Ông còn là cộng tác viên có uy tín của nhiều tờ báo Việt ngữ và các cơ quan truyền thông quốc tế như Ngày Nay (Houston, Texas), Người Việt (California), RFI (Pháp), BBC London, VOA…

Quý độc giả có thể gởi câu hỏi về tòa soạn Người Việt Online bằng cách viết vào ô comments ngay phía cuối bài, và nếu có thể xin vui lòng viết tiếng Việt có dấu.

 

 

 

Ông  Hà Ngọc Cư tại văn phòng cơ quan CISS, Houston, Texas. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)

 

Câu hỏi: Kính Thưa Ông Hà Ngọc Cư !
Gần đây cháu có nghe tin về chương trình qua Mỹ làm việc và được cấp thẻ xanh 10 năm ( người đứng đơn + vợ ( chồng ) và con cái đều được định cư tại Mỹ nếu được chấp thuận . ) Ông cho cháu biết chương trình này nếu có thì nộp đơn ở đâu , và chi phí để nộp đơn này hết bao nhiêu và ai sẽ là người nhận đơn ? Mong Ông tư vấn giúp !Cám ơn Ông nhiều ! (MaiLan Thi Nguyen)

Trả lời: Đây là tin đồn hoàn toàn thất thiệt không có chương trình visa lao động nào cấp thẻ xanh 10 năm cho mình cả. Nhưng nếu chồng được vào Mỹ thì vợ con (độc thân dưới 21 tuổi) được đi theo. Thể thức xin vào Mỹ vào diện lao động rất phức tạp và lâu dài.

Câu hỏi: Kính gởi ông Hà Ngọc Cư. Thưa ông cháu sang mỹ theo diện vợ chồng đã được 6 năm rồi. Khi làm giấy tờ thì chỉ đăng kí kết hôn ở Việt nam thôi, khi sang mỹ rồi cháu không làm giấy kết hôn nữa vì sở di trú không có yêu cầu. Vậy câu hỏi của cháu là: cháu có được quyền hợp pháp là vợ không theo luật hôn nhân của mỹ? Hiện nay cháu đã có quốc tịch mỹ. Cháu xin cảm ơn ông. (Vivian Nguyễn)

Trả lời: Hôn thú hợp pháp cấp ở nước cấp cũng có giá trị như hôn thú cấp ở Mỹ.

Câu hỏi: Kính gửi ông, năm nay cháu 30 tuổi. Cháu hiện đã định cư sống tại Texas được 7 năm và đã vào quốc tịch. Cháu đang làm giấy tờ bảo lãnh cha mẹ cháu bên VN và hồ sơ đang đợi được phỏng vấn. Tuy nhiên, vợ chồng cháu dự định sẽ dọn sang tiểu bang khác để sinh sống trong 2 tháng tới đây. Nếu vậy tụi cháu sẽ đổi địa chỉ (living address), như vậy có ảnh hưởng đến việc bảo lãnh cha mẹ cháu không ông? Nhờ ông giúp cho ý kiến! Thành thật cám ơn ông. (Tín T Nguyễn).

Trả lời: Nếu cháu chỉ đi xa một hai tháng rồi trở lại Houston và nếu bố mẹ cháu có thể ở Houston thì không cần đổi địa chỉ. Nếu cháu muốn bố mẹ theo cháu thì khi đi phỏng vấn bố mẹ cho sứ quán biết địa chỉ mới của cháu, không có trở ngại gì cả.

Câu hỏi: Chào ông hà Ngọc Cư, tôi có người cậu có quốc tịch Mỹ và người vợ cũng đã pass interview và được cấp visa để đi Mỹ. Họ có một đứa con trai, nhưng chính phủ Mỹ chưa cấp passport cho cháu nhỏ 4 tuổi. Đã nộp giấy tờ đầy đủ, hiện tại đang chờ đợi gần 2 tháng, gia đình chỉ đổi passport của cháu để cả gia đình đi Mỹ. Ông có thể giúp để biết liên lạc cơ quan nào để được biết tình hình hồ sơ của cháu nhỏ. Cám ơn ông. (Lan Vo).

Trả lời:  Nếu cháu đã có quốc tịch Mỹ (khi cháu ra đời thì bố/mẹ đã có quốc tịch Mỹ) thì nơi cấp passport Mỹ cho cháu là Sứ Quán Mỹ nên chỉ có Sứ Quán mới trả lời ông được.

Câu hỏi: Thưa ông , Hồ sơ bảo lảnh gồm có giấy tờ gì và gởi ở đâu. Tiền chánh phủ đòi hỏi cho vợ chồng và 2 con bao nhiêu. Vợ chồng tôi thành thật cám ơn ông. (Xa Trần)

Trả lời: Ông muốn bảo lãnh cho gia đình cháu thì cần copy bằng quốc tịch của ông, giấy hôn thú của ông và mẹ các cháu, khai sinh của mọi người trong gia đình cháu và hôn thú của các cháu. Lệ phí của chính phủ là $420 cho cả gia đình.

Câu hỏi: Kính gởi ông Hà Ngọc Cư.Tôi bảo lãnh gia đình em trai ruột qua Mỹ diện F4 từ, 2003(receipt date),nay đã đáo hạn. Thưa ông gần đây tôi nhận được thư cho biết làm thủ tục visa từ NVC. Bên VN em trai tôi củng nhận 1 lá thư có cùng nội dung. NVC chi dẩn lên mang của họ làm thũ tuc gồm 6 mục (steps) Step 1. Choose an agent. .. tôi muốn biết bên mỷ tôi làm hết thũ tuc gồm 6 mục (steps) nầy, cộng với bảo trợ tài chính I-864, bên việt nam em tôi không cần phải làm 6 mục (steps) thưa ông có phải không ạ cám ơn ông. (Phước Mai)

Trả lời: Chỉ cần một bên làm các thủ tục này. Người bên Mỹ nên làm thì tốt hơn vì người bảo lãnh phải điền các mẫu I-864. Nếu người ở Việt Nam muốn tự làm thì ông/bà phải điền mẩu I-864 rồi gửi về Việt Nam kèm theo các supporting documents.

Câu hỏi: Thưa ông, con là con cả, ba cháu có quốc tịch và đã làm đơn bảo lãnh 2 em ở VN, nay cháu muốn add tên vô hồ sơ được không? Just in case ba cháu sau  này không bảo lãnh cho hai em. Hai em đã có gia đình và cháu đã có quốc tịch. Cám ơn bác nhiều (Hung)

Trả lời: Hồ sơ bảo lãnh chỉ cho phép một người là petitioner thôi. Nếu cháu sợ sau này bố cháu ngừng bảo lãnh thì cháu phải làm hồ sơ mới cho các em cháu ngay.

Câu hỏi: Kính thưa chú Cư, cháu đang là green card holder, và hiện đang bảo lãnh cho vợ cháu để được ở lại cư trú tại Mỹ. Cả hai chúng cháu cưới tại Mỹ và hiện đang sống ở Mỹ. Vợ cháu là du học sinh tại Mỹ nên hiện là có visa F1, mới cách đây 1 ngày cháu vừa nhận được thông báo I-797C là USCIS họ đã nhận được hồ sơ của cháu ( mẫu I-130) và cho cháu ngày Priority day. Nhưng hiện tại visa F1, và I 20 của vợ cháu sẽ hết hạn vào tháng 9 này. Cháu không biết là có nên làm thủ tục OPT để vợ cháu có thể ở lại làm ở mỹ trong thời gian chờ đợi họ xét hồ sơ không? Vợ cháu có cần maintain lawful status để có thể adjust status sau này thông qua chương trình post completion OPT của trường đại học không ? Và nếu không làm OPT , vợ cháu có thể sống và du lịch ở mỹ bình thường không ? Xin chú Cư cho cháu xin chỉ dẫn và lời khuyên. Cháu cám ơn nhiều. (Dustin Le)

Trả lời: Thời gian được ở lại Mỹ của F1 không căn cứ trên visa mà căn cứ vào I-945 hoặc con dấu đóng trên passport thường thì họ cho D/S có nghĩa là duration of study, nghĩa là còn đi học là còn được ở lại Mỹ. Nếu học xong thì hãy xin OPT. Vợ cháu phải giữ student status khi chưa được nộp đơn xin thẻ xanh.

Câu hỏi: Chào chú Hà Ngọc Cư cho cháu hỏi bài phỏng vấn trên là thế nào? ai đúng ai sai? biết tin ai đây?vì nếu chương trình này có thật thì đây là cứu cánh cho những ai không đủ tiền đi theo diện EB5. nếu là tin đồn thất thiệt thì làm sao chứng minh họ lừa mình? để những người dân thường không bị lừa nữa mong chú chỉ giúp cách, vô cùng cảm ơn chú!!! (Son Ngocw)

Trả lời: Visa EB dành cho người vào Mỹ làm việc, không có EB nào cấp thẻ xanh vĩnh viễn ngay khi tới Mỹ cả. Muốn biết rõ điều kiện và quyền lợi của visa EB-3 thì xin vào Google rồi đánh các chữ EB-3 là rõ hết. Có dịp tôi sẽ viết bài về EB-3.

Câu hỏi: Kính thưa chú Hà Ngọc Cư xin chú tư vấn giúp cháu trường hợp của cháu:
1.Cháu có visa du lịch qua mỹ và có làm giấy kết hôn(kết hôn ngày 06 thang 08 2015) với vợ cháu,cũng chưa làm giấy tờ để bảo lãnh cháu ở lại Mỹ nhưng trong thời gian này cháu mới biết vợ cháu cón cuộc hôn nhân bảo lãnh vn cánh đây 10 năm nhưng do phỏng vấn của anh ta tại LSQ my ởVn không đậu do khai gian là có con chung với nhau nên vợ cháu thấy gian dối và ko đi thử DNA do phía mỹ yêu cầu nên từ đó 2 người không liên lạc cho nhau và cũng ko biết là cuộc hôn nhân đó có hiệu lưc cho đến khi làm giấy tờ kết hôn với cháu hiện tại và cũng tại CITY HAll vẫn cấp giấy kết hôn hợp pháp cho cháu với vợ cháu và vậy nếu như nộp hs bảo lãnh cho cháu ở lại mỹ là không hợp pháp phải không chú? sỡ di trú mỹ sẽ không chấp nhận cuộc hôn nhân của cháu và người vợ hiện tại đúng không Chú?
2- bây giờ cháu muốn li di với người vợ hiên giờ để quay về Vn nhưng trong thời gian để giải quyết hs lidi với người vợ ở đây cháu đã ỡ Mỹ quá thời gian cho phép visa du lich ( hết hạn visa ngày 07 tháng 09 2015) vậy cháu phạm luật di trú của mỹ không ? và nếu phạm luật cháu phải làm gì để cho mẹ của cháu bảo lãnh cháu sau này hợp pháp?
3- XIn hỏi là Mẹ cháu là thường trú nhân nếu bảo lãnh cho cháu đã 35 tuổi đã lidi vợ và cháu có quyền nuôi 2 con rất nhỏ tuổi vậy cháu rơi vào trường hợp là đôc thân và thời gian để đủ điều kiên sang mỹ là bao nhiêu năm? và với những vấn đề nêu ở trên cháu có gặp rắc rối gì khi đi bảo lãnh diên như thế này không ạ?
Mong chú tư vấn giúp cháu vì hiên tại cháu rất hoảng loạn vì không biết tương lai có đươc sang mỹ nưa hay không để cho 2 đứa con cháu hưởng thụ nền giáo duc của mỹ sớm cho tương lai tốt đẹp hơn, xin chú tư vấn giúp chau và chân thành cảm ơn chú rất nhiều. (Nguyên)

Trả lời: Luật pháp Mỹ không công nhận song hôn. Nên ông phải ly dị với người này. Để tránh bị vi phạm ở quá hạn thì ông nên về Việt Nam xin ly dị tại Việt Nam. Thẻ xanh có quyền bảo lãnh cho con độc thân hay đã ly dị theo ưu tiên F-2B, thời gian cho visa khoảng 6 năm, nếu 6 năm sau ngày nộp đơn mà cháu vẫn dưới 21 tuổi thì chắc chắn được theo anh vào Mỹ.

Câu hỏi: Kính gửi .Ô Hà Ngọc Cư
Tôi tên Ngôn Nguyễn ,cư dân Maryland.Xin ông vui lòng giải đáp giúp những câu hỏi sau:
Tôi bảo lảnh con gái ,gồm 5 người với hồ sơ HCM ..2005
Đã lập mẫu DS ngày 7/17/2015
Dóng AOS fee ngày 8/8/2014
IV fee payment 5/19/2015
Như vậy hồ sơ đến tháng nào mới đủ 1 năm ?vì hiện tại tôi đã retire,không đủ income,đang tìm người co-sign.
Nếu con gái tôi ,sống tại TX. income khoảng $30,000.00 thì thiếu bao nhiêu và nhờ thêm người co-sign nữa có được không ?và phải lập mẩu 864 nào?
Vợ chồng tôi khai thuế chung thì mẫu 864 riêng hay chung ?
Và câu cuối cùng là trách nhiệm của người co-sign là gì ? có hại gì đối với luật pháp hay không ?vì hiện giờ nhiều người thân trong gia đình tôi rất sợ phải co-sign .
Thành thật cảm ơn ông .chúc ông vui khỏe. (Ngoc Nguyen)

Trả lời: Ngày đáo hạn của F3 bây giờ mới tới tháng 5/2004. Độc thân có thu nhập $30,000 thì có thể bảo lãnh được 3 người.
Hai vợ chồng khai thuế chung thì ông điền mẫu I-864, bà điền mẫu I-864A. Ông có thể hai hoặc nhiều người đồng bảo trợ cho gia đình cháu. Trách nhiệm của người đồng bảo trợ giống như trách nhiệm của ông. Xin ông đọc mẫu I-864 thì rõ trách nhiệm như thế nào vì quá dài dòng nên không thể đưa ra trả lời ngắn gọn được. Xin ông thứ lỗi.

Câu hỏi: Kính gửi anh Hà Ngọc Cư, tôi 56t, tôi có thương một người Mỹ đã hơn 10 năm, thỉnh thoảng nghỉ phép, tôi cũng đi du lịch sang thăm. Anh ấy ( 53t, tài xế xe container, có 1 con gái 17t) luôn muốn kết hôn và bảo lãnh tôi qua nhưng tôi còn chần chờ vì tôi sợ nếu ở Mỹ tôi sẽ bị thất nghiệp ( tôi nghe nói người Mỹ tiền ai nấy xài dù anh ấy nói sẽ chịu trách nhiệm tài chính cho gia đình, tôi sẽ tìm việc làm sau) Nay anh ấy bị đau khớp, chuẩn bị mỗ lại quá buồn vì tôi không chịu kết hôn và ở lại Mỹ. Nếu tôi kết hôn, ở lại Mỹ và nếu tôi không tìm được việc làm ( vì tôi quá lớn tuổi) trong trường hợp anh ấy không đủ sức khỏe để làm việc tiếp thì tôi có thể xin được trợ cấp gì không? ( nếu có, mỗi tháng khoảng bao nhiêu?) nếu anh ấy có thể làm việc tiếp, tôi vẫn thất nghiệp thì tôi có được trợ cấp của nhà nước không?( tôi không muốn phụ thuộc tài chính vào chồng) và sau cùng, khi cần tôi có thể liên lạc bằng cách nào với văn phòng của Anh ( địa chỉ, điện thoại hay email?). Kính mong nhận được sự trả lời của anh, Chân thành cảm ơn. (Kim Phú Nguyễn)

Trả lời: Thưa bà, muốn bảo lãnh cho bà thì ông phải ký mẫu I-864, cam kết sẽ cấp dưỡng cho bà cho đến khi bà có quốc tịch hoặc đã làm việc được 40 quarters (khoảng 10 năm). Trước thời hạn này bà không thể xin được bất cứ trợ cấp nào cả.

Câu hỏi: Thưa ông, chồng dùng tên bảo lãnh cho các con, nay chồng tôi bị bệnh qua đời nên tôi làm lại đơn xin bảo lãnh cho các con vậy các con tôi có được tiếp tục với ngày ưu tiên của hồ sơ cũ không? Kính mong được sự trả lời của ông. Xin cảm ơn. (Lan Nguyễn).

Trả lời: Mặc dầu có luật Family Sponsor Immigration Act cho phép thay thế người bảo lãnh qua đời nhưng chỉ có những trường hợp thật đặc biệt mới được cho phép. Tôi nghĩ trường hợp của bà rất khó được chấp thuận.

Câu hỏi: Kính chào ông Hà Ngọc Cư. Thưa ông tôi có nộp đơn bảo lãnh cho người anh đã 8 năm (có receipt) nhưng không nhận được giấy approve của Sở Di trú! Tôi có check trên USCIS.gov thì được biết hồ sơ bị deny vào năm 2010 nhưng không cho biết lý do. Vậy tôi phải làm gì để hồ sơ được approve ? Cám ơn ông. (Peter Trinh)

Trả lời: Lẽ ra ông phải nhận được denial letter trong đó ghi rõ lý do họ deny hồ sơ của mình. Bây giờ đã quá muộn để xin appeal quyết định của họ. Muốn thử thì ông vào website của INS là www.uscis.org rồi bấm vào Infopass để lấy hẹn đến Sở Di Trú.

Câu hỏi: Thưa ông Hà Ngọc Cư , trước hết xin chúc sức khỏe Ông và Gđ . Tôi chuẩn bị sang Mỹ ở với con theo diện con bảo lãnh , nên muốn biết một số vấn đề về an sinh xã hội sau khi đã định cư:
– khi qua Mỹ đã 65 tuổi thì có được hưởng chính sách phúc lợi gì của an sinh xã hội không?
– Về bảo hiểm y tế thì phải tự mua hay chính phủ cho và những phụ cấp khác cho người lớn tuổi như trường hợp chúng tôi. Rất mong Ông chỉ giúp , Xin cảm ơn Ông nhiều. (Nhân)

Trả lời: Muốn được hưởng tiền già (SSI) và medicare thì phải có quốc tịch Mỹ hoặc đã đi làm được 40 quarters (có đóng thuế) và từ 65 tuổi trở lên. Bà có thể mua bảo hiểm của Obamacare.

***

Câu hỏi: Thưa ông, năm 20078 tôi nộp hồ sơ bảo lãnh gia đình người con gái. Sau 7 năm chờ đợi, đến tháng 12 năm 2014 người con rể của tôi qua đời, tôi đã báo cáo và gởi giấy khai tử đến cơ quan US National Visa Center và đã được cơ quan này chấp nhận. Xin hỏi: hồ sơ bảo lãnh của con gái tôi (sau khi chồng chết) có được tự động chuyển qua thành  hồ sơ độc thân không và nếu được chuyển thì thời gian chờ đợi có được rút ngắn không? (Tran Dinh Nhi Hawaii)

Trả lời: Khi chồng cháu qua đời thì hồ sơ bảo lãnh của cháu được chuyển từ F-3 lên F-1 do thời gian cho visa đáo hạn rút ngắn được khoảng 3 năm. Visa cho F-1 hiện đã tới 15 Dec 2007.

Câu hỏi: Thưa ông Hà Ngọc Cư, làm cách nào để xin cộng thêm con nhỏ (2 tuổi) vào hồ sơ đang được mở (đang làm thủ tục đồng tiền) có form nào để điền không? Và phải gửi theo những giấy tờ gì ? Cảm ơn ông. Chúc ông luôn luôn được khỏe mạnh. (Thuc Do)

Trả lời: Xin gửi khai sinh của cháu bé và hôn thú của bố mẹ cháu (và bản dịch sang Anh Ngữ) cho NVC để xin đóng tiền cho cháu. Nhớ ghi rõ hồ sơ: HCM… Nếu đến ngày phỏng vấn mà họ vẫn không update kịp thì khi đi phỏng vấn mang theo khai sinh của cháu, sứ quán Mỹ sẽ cho đóng tiền tại VN.

Câu hỏi: Kính gửi ông Hà Ngọc Cư, tôi đã bảo lãnh 2 người em ruột đã 6 năm rồi nhưng không biết tại sao đến bây giờ chưa chấp thuận là chị em ruột thịt? Không biết phải khiếu nại làm sao? (Tony Dương).

Trả lời: Sở Di Trú có gửi yêu cầu ông cung cấp thêm bằng chứng quan hệ ruột thịt không? Họ có bắt thử DNA không? Nếu không thì ông lên website của USCIS là www.uscis.gov và bấm vào status inquiry để biết tình trạng của hồ sơ.

Câu hỏi: Kính thưa ông, tôi có quốc tịch Mỹ nhưng kết hôn với một người trong tình trạng order of supervision, chồng tôi trước kia qua Mỹ diện đoàn tụ đã có số social security và số Alian đang chờ thẻ xanh thì bị accident để rồi dính vào tình trạng trên. Chuyện xảy ra đã lâu trước khi kết hôn với tôi, như vậy tôi muốn bảo lãnh cho chồng tôi để có thẻ xanh được không? Xin ông chỉ dẫn dùm, thành thật mang ơn ông. (Leyna)

Trả lời: Chồng bà có bị án felony không? Nếu ông bị thu hồi thẻ xanh vi phạm tội hình sự (Felony) thì ông không thể xin lại thẻ xanh được dù kết hôn với một công dân Mỹ.

Câu hỏi: Kính chào Ông Cư
-1 năm trước tôi qua Mỹ với diện kết hôn (có người co-sign).Nay tôi muốn xin food stamp của Tiểu Bang California và medicaid có hợp pháp không?
-Sau mấy năm đến Mỹ tôi mới được nộp đơn xin thi vô Quốc tịch?
-Sao có người đến My được cấp Thẻ Permanent Resident (green card) đến 10 nam và có người chì được cấp 2 năm cung với diện bảo lãnh vợ chồng?
Chân thành cám ơn Ông. (Nguyễn Tiên)

Trả lời: Vì người bảo lãnh cho ông đã ký mẫu đơn bảo trợ tài chính I-864 nên ông không được xin bất cứ khoản trợ cấp thuộc loại means-test nào. (Means-test có nghĩa là trợ cấp được quyết định căn cứ vào khả năng tài chính). Food stamp và Medicaid là trợ cấp thuộc loại means-tested.
Người đến Mỹ do vợ/chồng bảo lãnh thì sau 3 năm
có quyền nộp đơn xin nhập tịch (nếu đã có thẻ xanh 10 năm). Có thể nộp đơn 3 tháng trước khi đủ 3 năm.
Khi được phỏng vấn lấy thẻ xanh mà hôn thú chưa đủ 2 năm thì chỉ được cấp thẻ xanh thuộc loại conditional resident chỉ có hiệu lực 2 năm. Nếu còn sống với người hôn phối thì được đổi sang thẻ thường trú có hiệu lực 10 năm. Nếu khi được phỏng vấn lấy thẻ xanh mà hôn thú đã qua 2 năm thì được cấp ngay thẻ permanent resident có hiệu lực 10 năm.

Câu hỏi: Kính gửi ông Hà Ngọc Cư
Tôi vừa nhận được thư yêu cầu của NVC đóng tiền để chuẩn bị form I864 cho gia đình em gái tôi đi theo diện F4, hiện này em tôi chưa quyết định đi Mỹ theo diện bảo lãnh, nhưng em tôi có thể xin đi du lịch Mỹ được không ?vì công việc có ấy chưa thể đi trong năm nầy được, cô này đã từng đi du lịch Mỹ cach đây 5 năm.
Xin ông cho biết vậy muốn làm visa du lịch thì phải huỷ bỏ hồ sơ bảo lãnh hay nếu để yên hồ sơ như vậy thì cô ta có được cấp visa theo diện du lịch không? (Phúc Hoàng)

 


Trả lời: Thông thường thì nếu đã được thân nhân bảo lãnh thì không xin được visa du lịch. Nhưng gần đây Sứ Quán Mỹ vẫn cấp visa du lịch cho những người đã được thân nhân bảo lãnh, nên ông không cần rút đơn bảo lãnh cho cô em. Vả lại ông có thể hoàn đóng tiền immigrant visa processing fees trong vòng 1 năm. Nếu cô em quyết định ở lại thì chỉ cần không đóng lệ phí trên là tự động hồ sơ bị đóng trong vòng hơn 1 năm.

Câu hỏi: Thưa ông Hà Ngọc Cư;
Tôi qua Mỹ năm 1991 theo diện H.O. Khi đi thì con gái tôi đã qúa 21 tuổi và có gia đình nên phải ở lại. Tới năm 2003 tôi mới bảo lãnh cho gia đình con gái tôi tới Mỹ nhưng lại kẹt đứa cháu gái (con của con gái tôi) qúa 20 tuổi và có gia đình không đi được. Nay, nghe nói có phán quyết của tòa án liên bang khu vực 9, cho phép các đứa con trong trường hợp này được quyền giữ “ngày ưu tiên” như khi cha mẹ nộp đơn xin bảo lãnh cho họ. Như vậy, phán quyết của toà án khu vực 9 nay có hiệu lực và được thực thi hay không? Tôi phải làm gì để gia đình cháu gái tôi được hưởng “ngày ưu tiên” của hồ sơ đã bảo lãnh cho cháu? Xin đa tạ. (Ngô Xuân Tâm).

 


Trả lời: Ngày 25 tháng 6 vừa qua Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết bác bỏ tất cả những phán quyết của các toà dưới nên việc xin hoán chuyển và lưu giữ ngày ưu tiên của đơn bảo lãnh đó ông làm cho con gái ông. Sở Di Trú đã có thư loan báo bác đơn nhưng đơn xin hoán chuyển và giữ ngày ưu tiên của đơn bảo lãnh như trên.

Câu hỏi: Kính gởi ông Hà Ngọc Cư,
Tôi làm bảo trợ tài chánh cho gia đình em tôi mẫu I-864. Income của tôi không đủ nên tôi dùng equity của căn nhà đang ở để bảo trợ (theo hướng dẫn của form I-864). Em tôi đã được cho ngày phỏng vấn. Theo ông thì như vậy có được không? Hay tôi phải kiếm người co-sponsor.? (Truong Nguyen)


Trả lời: Trên nguyên tắc ta có quyền dùng tài sản để bù khuyết cho sự thiếu lợi tức, nhưng trong thực tế Sứ Quán Mỹ ở Sài Gòn nhất định đợi phải có người đồng bảo trợ. Vậy để tránh hồ sơ bị đình hoãn, tôi đề nghị ông nên tìm người đồng bảo trợ tài chính.

Câu hỏi: Kính gởi Ô Hà N Cư
Trong câu trả lời cho Ô X Tran về việc bảo lãnh con nuôi,Ông có nói rằng con nuôi phải được “bảo lãnh trước khi tới 16 tuổi”
Theo tôi thì ông đã nhầm lẫn việc bảo lãnh (định cư ở Mỹ) và việc nhận làm con nuôi.Điều kiện để tiến hành thủ tục nhận làm con nuôi là đứa trẻ phải dưới 16 tuổi.
Nếu thủ tục nhận làm con nuôi là hợp pháp thì con nuôi cũng được xem như có đủ tư cách và quyền lợi như con ruột khi xét hồ sơ bảo lãnh.Sự hiểu biết của tôi có thể không đúng.Nếu sai xin Ô chỉ giáo cho. (Dat Pham).

Trả lời: Thưa ông, tôi trả lời cho việc nhận con nuôi nói chung. Có án lệnh con nuôi không có nghĩa là con nuôi có thẻ xanh ngay, mà phải nộp đơn bảo lãnh như con ruột với nhiều giấy tờ phiền phức hơn.

Câu hỏi: Thưa Ông. Diện hôn phu hôn thê, khi đến Mỹ sau khi đã kết hôn thi bao lâu sẽ nhận được thẻ xanh và số an sinh xã hội (Chi Nguyen).

Trả lời: Khi fiance tới Mỹ thì phải làm hôn thú trong vòng 3 tháng, có hôn thú rồi mới nộp đơn xin thẻ xanh. Khi làm đơn xin thẻ xanh thì điền luôn mẫu đơn xin EAD, tức thẻ được làm việc, khi có EAD thì có thể xin thẻ an sinh xã hội. Kể từ khi nộp đơn đến lú được phỏng vấn lấy thẻ xanh phải chờ từ 6 tháng đến 1 năm.

Câu hỏi: Cháu nộp đơn thi quốc tịch nhưng vì đổi địa chỉ nên bị fail interview, cháu gọi lên USCIS 5 lần và đi thẳng lên office gặp oficer ở los angeles luôn mà đến nay đã gần 3 năm kể từ ngày nộp đơn mà vẫn không thấy kêu gì hết, giờ cháu phải làm gì? (Vinh Vo)

Trả lời: Theo tôi nghĩ thì cháu nên nộp lại đơn từ đầu.

Câu hỏi: Kính chào ông Hà Ngọc Cư, tôi đã có quốc tịch trên 10 năm, tôi muốn làm giấy tờ bảo lãnh cho em trai tôi ở VN, nhưng em tôi không muốn đi, sau 10 năm, bây giờ em tôi muốn tôi bảo lãnh gia đình nó, tôi mới làm hồ sơ bảo lãnh được 1 năm, em tôi đã có 2 người con trên 21 tuổi, hiện đang học. Và 2 người con này muốn đi du học, vậy xin hỏi ông: 2 cháu có thể đi du học được không?
Và một câu hỏi nữa: em gái tôi ở VN đã có gia đình, chẳng may em tôi bị tai nạn qua đời, bỏ lại 2 đứa con, người chồng đã có vợ khác, các cháu đang sống với mẹ của tôi, 1 cháu đang học Đại học, 1 cháu dưới 21 tuổi. Hiện nay mẹ tôi đã già yếu (87 tuổi), tôi có thể giúp 2 cháu của tôi được đến Hoa Kỳ không và bằng cách nào? (Nhân Nguyễn).

Trả lời: 2 cháu có thể xin đi du học được. Khi mẹ cháu qua đời thì 2 cháu không được định cư nữa. Cháu có thể xin đi du học.

Câu hỏi: Dạ chào bác ! con và chồng qua du lịch ở Mỹ và ở lại Mỹ con gái làm thủ tục bảo lãnh tại Mỹ đã được Sở di trú approved vào 02/19/2015 , đến ngày 8/18/2015 đã mời chúng cháu cùng đi phỏng vấn nhưng đến ngày 8/24/2015 cháu nhận được thư của Sở di trú cancel ngày phỏng vấn nhưng không nói lý do . Vậy xin hỏi bác giúp cháu như vậy có trở ngại gì không . Thành thật cám ơn bác nhiều (Truoc Ly )

Trả lời: Họ cancel ngày phỏng vấn nhiều khi vì không đủ thời giờ, có thể họ sẽ gửi cho ông thư mời phỏng vấn khác. Nếu chờ lâu mà không nhận được thì có thể hỏi họ.

Câu hỏi: Thưa ông, Tôi sang Mỷ năm 1975 một mình, năm 1982 vợ tôi sang. Chúng tôi lập gia đình khg con, có xin 1 con người anh năm 1973. Năm 1975 tôi sang mỷ có khai 1 vợ 1 con. Nay chúng tôi retired và đủ tiền để bảo lành con. Xin ông cho biết tôi bảo lảnh con được không ? ( con tôi lập gia đình có 1 con ) Cám ơn ông nhiều. (Xa Trần).

Trả lời: Nếu người con nuôi của ông có giấy giao nhận con nuôi hợp pháp thì ông có thể bảo lãnh cho cháu.

Câu hỏi: Trong thư trả lời, ông viết “5 năm sau nhưng có quyền nộp đơn 3 tháng trước khi được 5 năm”. Như vậy thì đó là đơn gì? (Oanh).

Trả lời: Đó là đơn xin nhập tịch Hoa Kỳ, mẫu N-400.

Câu hỏi: Cho tôi xin hỏi luật sư trường hợp này :
1/ Được biết, thường trú nhân bảo lãnh cho con ruột dưới 21t thuộc diện visa F2A. Thời điểm 21t này được tính tới ‘Ngày ưu tiên’ hay ngày ‘Đáo hạn visa’ ? Hay nói cách khác, tới ngày đáo hạn visa ( theo lịch visa), nếu người được bảo lĩnh quá 21t thì có được đi không ?
2/ Tôi được con là công dân Mỹ, trên 21t bảo lĩnh định cư Mỹ. Tôi còn một đứa con 14t tại Việt Nam. Theo luật di trú thì đứa con 14t này không được đi cùng . Xin hỏi : Thực tế có trường hợp nào được Đại sứ quán giải quyết được đi cùng không ( giả sử vì lý do nhân đạo chẳng hạn). Nếu có thì cách làm hồ sơ hay cách thức trình bày như thế nào ?Chân thành cảm ơn ! (Hồ Sĩ Phú).

Trả lời: Tuổi CSPA được tính bằng cách lấy tuổi đời vào lúc visa đáo hạn trừ đi thời gian chờ đợi.
Không có trường hợp nào đặc biệt cả. Ông phải làm đơn bảo lãnh ngay cho cháu.

Câu hỏi: Chú cho con hỏi là trường hợp ba cháu đang bảo lãnh cho gia đình con trai thì ba cháu qua đời vì tai nạn. Sau khi ba cháu mất được vài ngày thì gia đình nhận được giấy approve của INS gởi ra cho ba cháu là gia đình anh cháu được approved. Vậy trường hợp này anh cháu có tiếp tục làm đươc hồ sơ bảo lãnh không ạ? cháu cảm ơn Chú rất nhiều. (Thu)

Trả lời: Trên nguyên tắc khi người bảo lãnh qua đời thì đơn bảo lãnh I130 tự động mất hiệu lực. Chỉ có trường hợp đặc biệt vì lý do nhân đạo thì Sở Di Trú mới cho phép hồ sơ này được tiếp tục.

Câu hỏi: Mẹ tôi đã có thẻ xanh nhưng đã về VN vì chuyện gia đình hơn 2 năm (trước khi đi không xin re-entry permit). Vậy nếu mẹ tôi muốn quay lại Mỹ, có thể dùng thẻ xanh đó được không? hay phải xin visa mới giống như đi du lịch?
Cám ơn ông. (Phuoc).

Trả lời: Cho dù có Re-Entry Permit mà ở ngoài nước Mý quá 2 năm cũng không trở lại Mỹ được. Nếu có lý do đặc biệt thì có thể đến Sứ Quán Mỹ xin giấy Returning Permanent Alien để trở lại Mỹ. (Phuoc)

Câu hỏi: Thưa ông tôi sang mỷ năm 1975(quân nhân) tôi khai có vợ và 1 con(con nuôi) đả có gia đình 2 con. Vợ tôi sang năm 1980 tôi bảo lảnh, hiện tại chúng tôi retired. Tôi có bảo lảnh con tôi sang Mỷ được không?. Cám ơn ông nhiều. (Xa Tran)

Trả lời: Bảo lãnh con nuôi được nhưng đòi hỏi rất nhiều bằng chứng về quan hệ cha con. Điều kiện tiên quyết là con nuôi phải được bảo lãnh trước khi tới 16 tuổi và phải ở với bố/mẹ nuôi ít nhất 2 năm. Nếu lợi tức không đủ thì ông có thể tìm người đóng bảo trợ tài chính (joint sponsor).

Câu hỏi: Thưa Bác, cháu làm đơn bảo lãnh gia đình người em từ năm 2006, bây giờ gia đình người em đổi chỗ ở khác, làm sao để khai báo cho trung tâm visa đị chỉ nơi ở mới, cảm ơn và chúc Bác mạnh khỏe. (Ken)

Trả lời: Nếu hồ sơ đã chuyển về NVC thì báo cho NVC, nếu còn ở Sở Di Trú thì báo cho Sở Di Trú.

Câu hỏi: Tôi có người em trai cùng cha khác mẹ, đây là con ngoài giá thú của ba tôi. Ba tôi đã mất rồi, vậy tôi có thể bảo lãnh em qua Mỹ được không? (Xì Trum).

Trả lời: Rất khó vì con ngoại hôn thì phải thử DNA hai cha con để xác định ruột thịt mà ông cụ qua đời rồi thì làm sao thử DNA được.

Câu hỏi: Xin ông cho biết tại sao ngày càng nhiều phụ nữ Á Châu, đặc biệt là Tàu, thích sang Mỹ sinh con. Ngoài việc đứa trẻ sinh ra có quốc tịch Mỹ, có thể bảo lãnh anh em, cha mẹ sau này. Nhưng đó là con đường dài 21 năm. Có ích lợi gì ngay trước mắt không, cho gia đình và cha mẹ, anh em? Xin cám ơn. (Mai).

Trả lời: Không chỉ có Tàu mà người Việt mình cũng tìm cách sinh con tại Mỹ để đứa con được tự động có quốc tịch Mỹ (birthright citizen), cái này ông Trump gọi là anchor baby, có ý nói rằng mẹ thả neo con ở Mỹ để sau này con bảo lãnh cho mình. Trăm năm trồng người còn được mà ông, 21 năm thì nhằm nhò gì!

Câu hỏi: Kính thưa ông . Xin ông vui lòng giải đáp cho tôi thắc mắc như sau : Tôi đã bảo lãnh 2 vợ chồng người em và 2 cháu từ 2005 , dự đoán khi qua Mỹ 2 cháu tôi đều dưới 18,tôi hưởng tiền hưu nên đã nhờ người co-sign nhưng người này lương rất cao, Vậy ngoài những vấn đề xã hội không được hưởng thì có trở ngại gì trong vấn đề về y tế và học đại học hay không . Xin cám ơn ông rất nhiều. (Minh Nhật).

Trả lời: Ngoài trách nhiệm về bảo trợ tài chính thì người bảo trợ chẳng có trách nhiệm gì khác. Nhưng xin đừng cho người được bảo lãnh xin trợ cấp tài chính từ chính phủ.

Câu hỏi: Thưa chú tôi đã điền đơn thi quốc tịch vào tháng 3/2015 đến tháng 4/2015 thì lăn tay nhưng đến nay là tháng 8/2015 vẫn chưa nhận được ngày thi, trong khi con tôi nộp đơn cùng thời gian đã thi xong khoảng 2 tháng , vậy có cách nào để check hồ sơ để biết có vấn đề gì không , cám ơn. (An Huỳnh).

Trả lời: Ông có thể vào website www.uscis và bấm vào status check để biết tình trạng hồ sơ, nếu không xong thì click vào infopass để trực tiếp gặp nhân viên Sở Di Trú địa phương. Thường thường thì thời gian cho 6-7 tháng là không có gì trục trặc.

Câu hỏi: Hai em gái tôi sẽ sang Mỹ theo diện chị em bảo lãnh vào năm 2018. Lúc đó tuổi của họ sẽ là 50 và 53 tuổi. Hiện nay tôi không có đi làm. Vào năm 2018, tôi được 60 tuổi và chồng tôi là 76 tuổi. Hiện nay lợi tức hằng năm của tôi (và chồng tôi- co-sign) chủ yếu là social security và pension của chồng tôi. Hằng năm chúng tôi có khai thuế lợi tức. Tôi có vài câu hỏi thắc mắc kính mong ông giải đáp.

1. Điều kiện tài chính để bảo lãnh hai em gái của tôi- lợi tức hằng năm của tôi (bây giờ tôi có cần phải đi làm không?), tiền trong nhà băng…

2. Lúc đó tôi có cần kiếm người để co-sign không?

3. Tôi còn một người em trai út còn độc thân. Tôi mới làm giấy tờ bảo lãnh cho nó vào năm 2012. Chừng nào em tôi mới đi? Nếu hai em gái của tôi qua Mỹ vào năm 2018, thì em trai tôi là người thân duy nhất của tôi còn ở Việt Nam. Có thể có cách nào để em trai tôi qua sớm không (sớm hơn thời hạn theo luật định của diện chị em bảo lãnh như hiện nay là 12 năm). Cảm ơn ông. Chúc ông nhiều sức khoẻ và và thăng tiến trong công việc (Oanh).

Trả lời:
1. Lợi tức tối thiểu để 1 người bảo lãnh cho 1 người là $20,000, cứ thêm một người thì cộng thêm $5,000.
2. Dĩ nhiên bà có thể kiếm người đóng bảo trợ cho mình (joint sponsor).
3. 5 năm sau nhưng có quyền nộp đơn 3 tháng trước khi được 5 năm.
4. Không ai có quyền đi sớm hơn luật định, nghĩa là ai sao thì mình vậy.

Câu hỏi: Thủ tục chi tiết nào để Cháu Ngoại trên 21 tuổi đựơc tham gia phỏng vấn cùng với Mẹ sau khi không có tên trong danh sách gọi phỏng vấn ? CISS có nhận giúp việc này không ? Chân thành cảm ơn. (Minh Phan).

 

Trả lời: Chỉ có Sứ Quán mới có quyền có quyết định chót. Khi đi phỏng vấn, thường thường họ cho. Không ai có quyền xin cả ngoại trừ bố mẹ đứa nhỏ xin với sứ quán Mỹ.

Câu hỏi: Kính gởi Ô. Hà Ngọc Cư.
Tôi định cư năm 2013 với diện độc thân. Năm 2014 tôi về VN cưới chồng và lập thủ tục bảo lãnh chồng. Nay National Visa Center đã approve và cho phép đóng tiền mỡ hồ sơ. Tôi đang chần chờ chưa đóng tiền để mỡ hồ sơ bởi vì sau khi mỡ hồ sơ thì phải làm hồ sơ bảo trợ tài chánh – Mẫu I-864. Theo điều kiện bảo trợ tài chánh thì phải chứng minh income 3 năm gần nhất. Tôi chỉ mới làm việc có đóng thuế hơn một năm, income thì không đủ cho 3 khẩu (vợ + chồng + con) tồi thiểu phải 25,000.00 USD. Nhờ người đứng phụ bảo trợ (co-sign) thì không biết nhờ ai. Do đó, tôi muốn hoãn lại một thời gian dến khi đủ điều kiện sẽ tiếp tục hồ sơ bảo lãnh có được không? Phải làm như thế nào? Kinh xin Ông vui lòng chỉ bảo. Thành kính ghi ơn. (Ngoc Minh).

 


Trả lời: NVC cho phép bà chờ trong vòng 1 năm để đóng tiền, bà chỉ nộp giấy khai thuế năm chót thôi. Việc nộp giấy khai thuế 3 năm là tự nguyện (optional), chứ không bắt buộc. Tôi đề nghị khi nào bà thu thập đủ giấy tờ và tìm được người đóng bảo trợ hãy đóng tiền cho NVC.

Câu hỏi: xin hỏi ông Hà Ngọc Cư: Làm khiếu nại về CSPA thì gửi về Địa chỉ nào của NVC? Xin cảm ơn. (Thục Do).

Trả lời: NVC không nhận khiếu nại về CSPA. Chỉ có Sứ Quán Mỹ mới có quyền quyết định ai được hưởng CSPA.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT