Friday, May 10, 2024

Khi nào thường trú nhân cần reentry permit?

Luật Di Trú Hoa Kỳ là loại luật rất phức tạp, do đó, theo yêu cầu của đa số bạn đọc cần am tường và thấu hiểu về luật này, tòa soạn nhật báo Người Việt mời Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương của Tổ Hợp Luật Sư Nguyễn & Lưu, www.NguyenLuu.com, phụ trách mục “Tìm Hiểu Luật Di Trú,” đăng hằng tuần trên Người Việt. Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tại Orange County, California, được Luật Sư Đoàn Tiểu Bang California công nhận chuyên môn về ngành Luật Di Trú Hoa Kỳ. Hiện nay California có trên 190,000 luật sư nhưng chỉ có 235 luật sư có bằng chuyên môn về Luật Di Trú, trong số đó có Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương. Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương từng làm việc cho Sở Di Trú Hoa Kỳ (INS). Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết lập hồ sơ và bổ túc các tài liệu cần thiết để được Sở Di Trú chấp thuận.

Darren Nguyễn Ngọc Chương, Esq.

Nếu đi Việt Nam trên 6 tháng hoặc đi Việt Nam thường xuyên thì nên có reentry permit. (Hình minh họa: picbear.org)

*Hỏi: Tôi là thường trú nhân. Tôi muốn đi Việt Nam khoảng một tháng tôi có cần reentry permit không? Nếu tôi muốn ở Việt Nam lâu hơn, tôi có cần reentry permit không?

-Đáp: Theo luật di trú, thường trú nhân nhập cảnh Hoa Kỳ được chia ra làm hai loại. Loại thứ nhất là “thường trú nhân trở về” (tức là returning LPR) và loại thứ hai là “thường trú nhân xin nhập cảnh.”

Sự khác biệt của hai loại là “thường trú nhân trở về” được coi là không cần xin phép nhập cảnh cho nên những điều luật cấm nhập cảnh không thể được áp dụng. Nhưng “thường trú nhân xin nhập cảnh” vì đương đơn đang xin nhập cảnh, Sở Di Trú được quyền áp dụng những điều luật cấm nhập cảnh.

“Thường trú nhân xin nhập cảnh” là “thường trú nhân trở về” đã vi phạm một trong những trường hợp như: 1) Bỏ rơi sự thường trú của đương sự; 2) Đã vắng mặt ở Hoa Kỳ liên tục hơn 180 ngày; 3) Đã bị án những tội nêu trong phần 212(a)(2) của bộ luật di trú như:  ăn cắp (theft), gian lận (fraud), bạo động trong gia đình (domestic violence)…

Nếu đi Việt Nam khoảng 1 tháng thì không cần phải có reentry permit. Nếu đi Việt Nam trên 6 tháng hoặc đi Việt Nam thường xuyên thì nên có reentry permit. Nếu có tiền án thì nên tham khảo luật sư thực thụ chuyên về luật di trú để tránh bị trục xuất khi trở lại Hoa Kỳ.

*Hỏi: Có thể xin hủy bỏ lệnh trục xuất vì những lý do như: 1) Không hiểu rõ luật; 2) Luật sư cố vấn không đúng; 3) Có vợ, chồng, con cái có quốc tịch và đang sống ở Hoa Kỳ?

-Đáp: Khi tòa di trú đã ra lệnh trục xuất và đương sự muốn bãi bỏ lệnh trục xuất đó thì đương sự phải làm Motion to Reopen Removal Proceedings (tức là đơn xin tòa mở lại hồ sơ trục xuất để tái xét). Tùy theo từng trường hợp, vì đa số những hồ sơ của những người đã có lệnh trục xuất và được thả ra theo điều luật Order of Supervision thường là từ 3 đến 6 tháng.

Thông thường đơn xin mở lại hồ sơ trục xuất phải được nộp trong vòng 90 ngày sau khi có án lệnh trục xuất và chỉ có một vài trường hợp là có quyền nộp đơn xin mở lại hồ sơ và điều kiện 90 ngày không được áp dụng và một trong những trường hợp đó là ineffective assistance of counsel (tức là luật sư bất cẩn).

Ngoài ra còn những trường hợp khác, nhưng tùy theo chi tiết của mỗi hồ sơ cho nên quý vị nào muốn biết thêm chi tiết nên liên lạc với một luật sư di trú thực thụ để tham khảo. Khi tòa đồng ý mở lại hồ sơ, thì lúc đó đương sự có thể trình bày về vấn đề tình cảnh gia đình để yêu cầu tòa miễn trục xuất.

*Hỏi: Những người con dưới 21 tuổi hoặc chắc chắn sẽ được thụ hưởng quyền lợi CSPA, hiện các cháu đang du học ở Hoa Kỳ, vậy có thể xin được phỏng vấn tại Mỹ hay phải về lại Việt Nam?

-Đáp: Nếu các cháu đang du học ở Hoa Kỳ và vẫn còn ở trong tình trạng hợp lệ ở Hoa Kỳ, thì các cháu có thể xin được phỏng vấn tại Hoa Kỳ và không phải trở về Việt Nam hoặc có thể quay về Việt Nam để được phỏng vấn cùng gia đình.

*Hỏi: Tôi đã làm giấy tờ bảo lãnh cho gia đình của con trai tôi ở Việt Nam từ năm 2012. Nhưng cách đây mấy hôm, con trai tôi vừa mới qua đời. Vậy hồ sơ bảo lãnh cho gia đình con trai tôi sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Có cách nào để có thể mang các cháu cùng con dâu sang Hoa Kỳ được không?

-Đáp: Trong trường hợp “người bảo lãnh” chết, hồ sơ bảo lãnh có thể không bị hủy bỏ nếu Sở Di Trú USCIS quyết định sự hủy bỏ không thích đáng vì vấn đề nhân đạo. Khi đơn bảo lãnh được quyết định rằng sự hủy bỏ không thích đáng vì nhân đạo, thì đơn bảo lãnh sẽ được phục hồi (tức là reinstated). Lợi ích của sự phục hồi là đơn bảo lãnh vẫn được tiếp tục và ngày ưu tiên (tức là priority date) vẫn được giữ như cũ.

Còn trường hợp “người được bảo lãnh” mà qua đời thì hiện nay trong bộ luật di trú không có điều luật nào được miễn sự hủy bỏ đơn bảo lãnh nếu “người được bảo lãnh” mất. Nghĩa là nếu “người được bảo lãnh” mất thì vợ hoặc chồng và những người con độc thân dưới 21 tuổi của “người được bảo lãnh” (tức là những người được đi theo) sẽ không được tiếp tục di dân sang Hoa Kỳ dưới đơn bảo lãnh đó. Thêm vào đó, luật di trú không cho phép công dân hoặc thường trú nhân Hoa Kỳ bảo lãnh cho con dâu/con rể hoặc cháu nội/cháu ngoại. [qd]

Xếp hàng chờ phỏng vấn cấp visa trước Tổng Lãnh Sự Quán Mỹ tại Sài Gòn. (Hình minh họa: Trung Hiếu/Thanh Niên)

Bản tin chiếu khán

Theo yêu cầu của quý bạn đọc, sau đây là bản thông tin chiếu khán cho Tháng Hai, 2021.

Ưu tiên 1 – priority date là ngày 15 Tháng Chín, 2014, tức là ưu tiên được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa có gia đình của công dân Hoa Kỳ.

Ưu tiên 2A – priority date là hiện hành, tức là ưu tiên được dành cho vợ, chồng, hoặc con độc thân dưới 21 tuổi của thường trú nhân.

Ưu tiên 2B – priority date là ngày 15 Tháng Bảy, 2015, tức là ưu tiên được dành cho con độc thân trên 21 tuổi của thường trú nhân.

Ưu tiên 3 – priority date là ngày 15 Tháng Bảy, 2008, tức là ưu tiên được dành cho con đã có gia đình của công dân Hoa Kỳ.

Ưu tiên 4 – priority date là ngày 15 Tháng Mười, 2006, tức là ưu tiên được dành cho anh, chị hoặc em của công dân Hoa Kỳ.

Quý vị có thể tự theo dõi bản thông tin chiếu khán cho hằng tháng tại website của Tổ Hợp Luật Sư Nguyen & Luu, LLP tại: www.nguyenluu.com

Mọi thắc mắc xin liên lạc: Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương hoặc Luật Sư Lưu Trọng Cẩm Thương của Tổ Hợp Luật Sư Nguyễn & Lưu, LLP địa chỉ số 1120 Roosevelt, Irvine, CA 92620. Website www.nguyenluu.com/vietnamese.html. Điện thoại (949) 878-9888.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT