Friday, March 29, 2024

Giải ảo danh xưng hải đăng Kê Gà ‘kỷ lục nhất Đông Nam Á’

Quốc Việt

BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – Vài chục năm qua, hải đăng Kê Gà ở tỉnh Bình Thuận được đề cao như một cổ vật quý, tổ chức Kỷ Lục Việt Nam phong cho hai kỷ lục… Báo chí rầm rộ quảng bá Mũi Kê Gà. Làng chài nghèo bị bao dự án làm xáo động. Thế nhưng đất lại bỏ hoang, dân cư vẫn bám biển long đong.

Toàn cảnh Hòn Bà và hải đăng Kê Gà. (Hình: Quốc Việt)

Trang web chính thức của tổ chức Kỷ Lục Việt Nam ghi nhận: Ngọn hải đăng Kê Gà nằm trên Mũi Điện được kỹ sư người Pháp Chnavat thiết kế, nổi tiếng là ngọn hải đăng cao và lâu nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Được xây dựng vào Tháng Hai, 1897, tháp đèn xây bằng đá cao 35 mét, độ cao toàn bộ từ tầm ngọn đèn đến mặt biển là 65 mét. Tra cứu trên mạng Google, người ta đọc thấy hàng ngàn bài báo với những thông tin na ná nhau về hải đăng Kê Gà với các con số kỷ lục Đông Nam Á.

Sau Vũng Tàu 28 năm

Tuy nhiên tra cứu về niên biểu xây dựng và chiều cao các ngọn hải đăng chỉ riêng ở Việt Nam thì những kỷ lục này chưa vững chắc lắm.

Về thời gian, hải đăng Kê Gà xây dựng từ năm 1888 đến 1889 mới hoàn thành và bắt đầu hoạt động từ năm 1900. Cùng thời điểm này, từ Bắc xuống Nam cũng có nhiều hải đăng khác được đồng loạt xây dựng và thời điểm bắt đầu được sử dụng cũng sít soát nhau.

So với các hải đăng ở những cửa biển, những cửa ngõ của các thành phố quan trọng như Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng, liệu người Pháp có đặt ra mục tiêu xây dựng hải đăng đầu tiên ở vùng hẻo lánh như Bình Thuận? Chắc chắn ưu tiên hàng đầu phải là Sài Gòn, thương cảng quan trọng nhất và là thủ phủ của Đông Dương.

Những hòn đá đẹp độc đáo tạo thành hang động dưới chân Hòn Bà nơi đặt hải đăng Kê Gà. (Hình: Quốc Việt)

Quả nhiên là như vậy, hải đăng Vũng Tàu (cửa ngõ vào Sài Gòn) được người Pháp xây dựng trên núi nhỏ vào năm 1862. Như vậy về thời gian hải đăng Vũng Tàu có trước Kê Gà 28 năm.

Kế đó là hải đăng Hòn Dấu ở Hải Phòng được người Pháp xây dựng từ năm 1892, hoàn thành năm 1898.

Hải đăng Đại Lãnh thuộc thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, xây năm 1890.

Theo tài liệu của Cảnh Sát Biển Việt Nam và từ điển mở Wikipedia thì còn rất nhiều hải đăng khác được xây dựng trong thập niên 1880-1890 như Cô Tô ở Quảng Ninh; Long Châu ở Cát Bà, Hải Phòng; Lý Sơn ở Quảng Ngãi… Có thể hình dung rằng, sau hòa ước Patenotre năm 1885, áp đặt quyền cai trị, bảo hộ lên toàn cõi Việt Nam và Đông Dương, người Pháp đã rảnh tay để bắt đầu chương trình khai thác thuộc địa lâu dài và bắt đầu chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Chính từ đó hàng loạt những công trình cảng, cầu, hải đăng đã ra đời trong đó có cảng Kê Gà.

Số tuổi đời trên 100 năm là con số chung của những công trình thế hệ này chứ không riêng hải đăng Kê Gà. Theo chiều dài lịch sử 120 năm thì sự ra đời sớm hơn, chậm hơn một vài tháng tuổi liệu có ý nghĩa gì để đánh giá là cổ nhất hay cổ nhì nên cớ sao phải tạo ra kỷ lục không đúng thật và đề cao nó?

Hàng cây sứ cổ thụ có cùng tuổi đời với hải đăng. (Hình: Quốc Việt)

Thấp hơn Lý Sơn 10 mét

Kỷ lục về độ cao nhất Đông Nam Á của hải đăng Kê Gà cũng khá đáng ngờ và khó hiểu. Không rõ khái niệm độ cao nhất này được xét theo tiêu chuẩn nào. Thông thường, xét độ cao một vật, một công trình, người ta lấy điểm cao nhất của công trình so với mặt biển. Thí dụ điểm cao của đỉnh núi Everest hay các tòa nhà cao nhất thế giới đều tính từ điểm cao nhất của công trình so với mặt biển.

Theo tài liệu của Cảnh Sát Biển Việt Nam thì với hải đăng có hai con số chiều cao. Số thứ nhất gọi là tâm sáng, tính khoảng cách từ đèn đến mặt biển. Chỉ số thứ hai là chiều cao thuần của tháp đèn.

Xây trên Hòn Bà có chiều cao 30 mét so với mặt nước biển, cộng với chiều cao ròng của tháp hải đăng là 35 mét, hải đăng Kê Gà cao tổng cộng là 65 mét. Đối chiếu với chiều cao (tâm sáng) của các hải đăng khác ở Việt Nam thì hải đăng Kê Gà khá thấp so với hàng chục hải đăng có độ cao trên 100 mét như Vũng Tàu 193 mét, Đại Lãnh 110 mét… thậm chí hải đăng Hòn Khoai cao đến 300 mét.

Nếu tính chiều cao thuần của công trình xây dựng tháp là 35 mét thì hải đăng Kê Gà cũng thấp hơn Lý Sơn 45 mét.

Như vậy xét cả hai tiêu chuẩn tâm sáng và tháp đèn, hải đăng Kê Gà chưa phải đã cao nhất Việt Nam thì sao có thể cao nhất Đông Nam Á?

Mặt sau Hòn Bà là vùng biển đẹp. (Hình: Quốc Việt)

Những thông tin trên cho thấy hai con số kỷ lục của hải đăng Kê Gà là bất ổn.

Vì sao người ta phong kỷ lục cho hải đăng Kê Gà một cách khiên cưỡng và vì sao những thông tin ấy lại tràn ngập trên mạng và dư luận báo chí nói chung? Người ta còn tạo ra cuộc tranh luận cái tên Mũi Kê Gà từ đâu mà có. Người thì cho rằng đọc trại từ tên tiếng Pháp ghi trên bản đồ là Kega. Người thì cho rằng phải đọc đúng là Khê Gà vì theo Đại Nam Nhất Thống Chí ghi nhận nơi đây có con suối có đàn gà quý.

Kỷ lục để nâng giá đất

Trước năm 2000, Mũi Kê Gà chỉ là làng chài ven biển Hàm Thuận Nam. Thật sự, Mũi Kê Gà hàng trăm năm qua bị chìm khuất trên bản đồ địa lý. Nhiều người Việt, có tuổi, có hiểu biết vẫn không biết đến tên tuổi Mũi Kê Gà, không biết nó nằm ở đâu. Cứ nghĩ đây là địa danh nổi tiếng, tôi đưa chùm ảnh mưu sinh trên Mũi Kê Gà lên trang Facebook cá nhân mà không chú thích chỉ dẫn địa lý thì được một số thầy cô giáo lớn tuổi hỏi thăm xem nó nằm ở đâu.

Nhưng sau năm 2000, sự chuyển mình của Mũi Né từ làng chài ven biển trở thành khu du lịch trù phú đã kích thích một tham vọng mới: người ta muốn biến Mũi Kê Gà thành Mũi Né thứ hai. Hải đăng Kê Gà được phủ lên danh hiệu “kỷ lục” và những huyền thoại để thu hút du khách và làn sóng đầu tư. Nói cách khác, hải đăng phải gồng mình ôm kỷ lục để nâng giá đất Mũi Kê Gà.

Nhóm du khách trẻ bơi từ đất liền ra Hòn Bà. (Hình: Quốc Việt)

Đầu thập niên 2000, nhiều nhà đầu tư ở Hà Nội, Sài Gòn… đổ hàng trăm tỷ đồng vào xây các khu resort nghỉ dưỡng cao cấp nằm ven biển. Nhiều dự án được cấp phép đầu tư đã xây dựng và hoạt động, bắt đầu đón khách. Khi đó, Mũi Kê Gà được kỳ vọng trở thành “thủ đô resort” để đón khách du lịch khắp thế giới đến nghỉ dưỡng.

Trong đất nước mà tầm nhìn của nhà quản lý bị lợi ích nhóm và quyền lợi dẫn dụ, quyền lực quốc gia bị các nhóm lợi ích lũng đoạn thì miếng bánh Mũi Kê Gà quá hấp dẫn, không thể dành riêng cho Bình Thuận.

Chết vì bô xít

Dự án bô xít ở Lâm Đồng bị giới trí thức, người dân nói chung phản ứng dữ dội và chứng minh rõ sự bế tắc về hiệu quả kinh tế, sự nguy hại về môi trường và tiềm ẩn về an ninh quốc phòng… Thế nhưng bất chấp, thậm chí còn đàn áp, bắt bớ những người phản đối, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vẫn đẩy mạnh thực hiện. Ăn theo dự án bô xít, Bộ Giao Thông Vận Tải đưa ra kế hoạch xây cảng biển ở Mũi Kê Gà và mở đường từ Lâm Đồng về Bình Thuận để vận chuyển bô xít.

Dự án cảng biển này có tổng mức đầu tư ban đầu là $550 triệu, sau đó nâng lên $1 tỷ và thi công vào năm 2009. Để có đất khai triển dự án cảng biển, hàng loạt resort nghỉ dưỡng buộc phải dừng hoạt động kinh doanh để nhường đất cho dự án. Kết quả là bô xít thua lỗ ngàn tỷ mỗi năm, cảng, đường vận chuyển bô xít không có tiền thực hiện, giấc mơ thiên đường resort của Mũi Kê Gà cũng tan hoang.

Toàn cảnh hải đăng Kê Gà. (Hình: Quốc Việt)

Không chỉ 12 dự án phải ngừng hoạt động, gần 10 năm qua, các khu resort liền kề nằm trên trục đường 719 đi qua các xã Tiến Thành (thành phố Phan Thiết), Thuận Quý, Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam) cũng bị ảnh hưởng của dự án phải ngừng xây dựng, nhiều biệt thự xây xong để vậy, trơ khung trong nắng mưa.

Đến năm 2013, chính phủ yêu cầu dừng khai triển dự án cảng biển Kê Gà vì không hiệu quả. Tỉnh Bình Thuận được giao phối hợp cùng các bộ ngành giải quyết hậu quả thiệt hại cho các nhà đầu tư. Có chín dự án đủ điều kiện nhận bồi thường với tổng số tiền gần $86 tỷ đồng (khoảng $3.7 triệu) chỉ là hạt cát so với những giá trị đã đầu tư. Đến nay, Bình Thuận đã nhiều lần chào mời kêu gọi. Tỉnh cũng thúc ép, thậm chí rút giấy phép tám dự án không có khả năng khai triển.

Những đại gia bất động sản cũng chực chờ tung chiêu trò tìm cơ hội nhưng thực tế Mũi Kê Gà vẫn chỉ là làng chài bị những “dự án ma” băm nát. Nhiều công trình thi công dở dang bị đình hoãn, nhiều dự án phân lô bán lẻ đất đai. Triển vọng thực hiện ước mơ Mũi Né thứ hai xem ra còn xa vời.

Với quốc sách đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý, quyền giao, thu hồi đất nằm trong tay chính quyền thì qua những cuộc chơi, những lần thay bậc đổi ngôi ấy người dân địa phương vẫn bị thiệt thòi nhất. Bị cướp đất giao cho dự án, bị thất nghiệp, nghèo khó khi kinh tế toàn vùng bị xáo trộn đình đốn.

Người dân nhọc nhằn mưu sinh dưới chân Mũi Kê Gà. (Hình: Quốc Việt)

Cái đẹp phải thật và lương thiện

Hải đăng Kê Gà trên 120 năm tuổi vẫn kiên cường đứng trên Hòn Bà nghinh phong đón gió xứng đáng là điểm đến du lịch mà không cần kỷ lục. Cảnh quan thiên nhiên quanh Hòn Bà với những hòn đá dựng và sóng vỗ quanh năm đủ mê hồn du khách. Những hàng cây sứ cổ thụ trên 100 năm tuổi đủ quyến rũ người già đến trẻ.

Lịch sử hơn một thế kỷ soi đường cho biển cả và những thắng cảnh thiên nhiên chung quanh nó như nhắn nhủ người đời rằng, cuộc sống phải được xây dựng trên giá trị thật vì lợi ích cộng đồng. Mọi toan tính nhỏ nhen giả dối đều tan vỡ và phải trả giá.

Ngay dự án du lịch trên Mũi Kê Gà hay những vùng đất khác muốn bền vững cũng phải tính đến lợi ích của người dân địa phương, môi trường, cảnh quan và lịch sử.

Không thể cứ resort là có du khách. Phải bảo tồn nét đẹp của Hòn Bà, của hải đăng, phải phục hồi những làng chài truyền thống, phải tái tạo Mũi Kê Gà với những cảnh quan thiên nhiên sẵn có mới là kế lâu bền cho tương lai vùng đất thiêng này. (Quốc Việt) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT