Wednesday, May 1, 2024

Hồi hộp

Bác Sĩ Đặng Trần Hào

Nói đến hồi hộp là chúng ta nghĩ ngay tới mất quân bình của tạng tâm. Tâm là chủ hoạt động của cơ thể. Công năng chủ yếu của tâm biểu hiệu dưới hai điểm chính là tàng thần và chủ về huyết mạch.

Chúng ta đã cùng đi tìm hiểu về thận khí suy ảnh hưởng tới tâm khí suy gây ra hồi hộp. Dĩ nhiên hồi hộp do tâm mất quân bình mà gây ra, nhưng có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới mất quân bình tâm. Theo Y Khoa Đông Phương hồi hộp còn gây ra bởi những nguyên nhân sau:

– Tỳ khí suy gây ra thiếu máu
– Tâm thận bất giao (thận âm và gan âm suy)
– Gan hỏa vượng
– Tâm hỏa vượng
– Tâm khí suy

Chúng ta sẽ lần lượt đi tìm hiểu tùy từng trường hợp gây ra hồi hộp nêu trên:

1-Tỳ khí suy gây ra hồi hộp

Y Khoa Đông Phương coi tỳ là tạng chính góp phần vào sự kiện toàn tiêu hóa trong quá trình tiêu hóa, vận chuyển đồ ăn, để thành khí và huyết lưu thông trong kinh mạch. Cho nên thiếu khí và huyết trong cơ thể là do tỳ gây ra. Tỳ và tỳ khí còn có trách nhiệm biến hóa đồ ăn thành thanh và trọc huyết. Thanh huyết trở lên phế, phối hợp với oxy để thành máu đỏ về tim, đi nuôi cơ thể và trọc huyết thì đưa xuống thận, ruột non và ruột già để chuyển hóa một lần nữa và thanh lại trở lên phế, còn trọc được đưa ra ngoài bằng đường tiểu tiện và đại tiện. Trong quá trình tiêu hóa và biến đổi đồ ăn, tỳ và vị là hai tạng phủ quan trong để tạo huyết cần thiết cho cơ thể. Nếu vì bất cứ lý do gì mà tỳ và vị không tạo đủ huyết thì các tạng phủ khác sẽ bị ảnh hưởng và gây ra bệnh.

Nếu tỳ khí suy, thân hình thường ốm yếu, ăn không ngon, biếng ăn, đầy hơi, tay chân hay lạnh, mặt xanh xao… lâu ngày không sinh đủ máu cho cơ thể và chúng ta bị thiếu máu.

Tim cần có đủ máu để đi nuôi cơ thể, một khi thiếu máu thì tim phải đập nhanh hơn để cố gắng bơm máu khi cơ thể cần thiết, sẽ làm cho chúng ta hồi hộp, mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu.

Muốn trị bệnh hồi hộp này, trước tiên chúng ta phải chữa cho tỳ khí trở lại bình thường, ăn thấy ngon, chân tay hết lạnh, người hết xanh sao. Sau khi tỳ khí trở lại bình thường chỉ chừng bốn tuần lễ, chúng ta ăn uống sẽ sinh huyết đầy đủ cho cơ thể và không còn tình trạng chóng mặt, mất ngủ, mệt mỏi nữa.

Chúng ta có thể dùng bài thuốc:

Qui Tỳ Thang
1-Hoàng kỳ 4 grs
2-Bạch truật 6 grs
3-Đương qui 6 grs
4-Viễn trí 3 grs
5-Nhân sâm 9 grs
6-Toan táo nhân 9 grs
7-Can khương 3 grs
8-Cam Thảo 3 grs
9-Phục linh 9 grs
10-Long nhãn 9 grs
11-Mộc hương 3 grs
12-Đại táo 3 trái

Nhiệm vụ của từng vị:

Nhân sâm, hoàng kỳ, bạch truật, phục linh, đại táo, cam thảo: Bổ cho tỳ và vị.
Long nhãn, viễn trí, toan táo nhân, mộc hương: Bổ huyết, an thần.
Can khương: Ôn tỳ vị.
Đương qui: Bổ huyết.

2-Tâm thận bất giao gây ra hồi hộp

Hồi hộp loại này là do thận âm và tâm âm suy gây hồi hộp, bứt rứt, hay quên, ra mồ hôi đêm, ù tai, chóng mặt đôi khi thấy nhà cửa quay cuồng, đau lưng, miệng khô, tiểu đêm nhiều lần, xuất tinh sớm. Mạch vi và sác. Lưỡi đỏ, khô và không có rêu lưỡi.

Muốn chữa hồi hộp dùng Lục Vị Địa Hoàng Thang thêm: Toan táo nhân,viễn trí, liên tử tâm.

-Đi tiểu đêm nhiều lần thêm: Ích trí nhân, tang phiêu tiêu.
-Ăn đầy hơi thêm: Chỉ xác, hương phụ, bạch thược, sài hồ.

3-Hồi hộp do can hỏa vượng

Can thuộc hành mộc, mộc sinh hỏa. Tâm thuộc hành hỏa, cho nên khi gan hỏa vượng, gây tâm hỏa vượng và làm gia tăng nhịp đập của tim mà sinh ra hồi hộp, thường kèm theo các triệu chứng sau: nhức đầu, chóng mặt, đau hai bên giang sườn, dễ giận, miệng đắng. Lưỡi đỏ. Mạch huyền và hồng.

Muốn trị loại hồi hộp này dùng bài:

Long Ðởm Tả Can Thang
1-Long đởm thảo 3grs
2-Hoàng cầm 9 grs
3-Xa tiền tử 9 grs
4-Mộc thông 15 grs
5-Chi tử 3 grs
6-Thục địa 15 grs
7-Trạch tả 9 grs
8-Đương qui 15 grs
9-Cam thảo 3 grs
10-Sài hồ 9 grs

Nhiệm vụ của từng vị: Long đởm thảo thanh nhiệt trong gan và đởm. Sài hồ thanh nhiệt trong gan. Trạch tả, mộc thông và xa tiền tử gia tăng đường tiểu tiện và giảm nhiễm trùng bàng quang. Đương qui và thục địa sinh huyết và giảm đau. Chi tử, hoàng cầm và long đởm thảo giảm sưng, nhiễm trùng và giải độc. Cam thảo phối hợp các vị để cùng làm việc.

Muốn phòng ngừa chứng hồi hộp chúng ta phải:

-Giữ gìn cho thân tâm an lạc như thiền định, ăn uống điều hòa và nhiều rau trái.
-Không giận hờn và lo âu quá độ.
-Tập thể dục cho khí huyết lưu thông và giúp cho kiện toàn tiêu hóa. (BS Ðặng Trần Hào)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT