Friday, April 19, 2024

Thám hiểm Bắc Cực và Nam Cực

Hà Dương Cự

Tiếng Anh có hai chữ Arctic và North Pole mà tiếng Việt đều dịch là Bắc Cực. Thật ra hai chữ có nghĩa khác nhau. Chữ North Pole dùng để chỉ một điểm đỉnh trên phía Bắc, nên đúng là Bắc Cực. Nhưng chữ Arctic dùng để chỉ vùng rộng lớn chung quanh Bắc Cực. Như vậy tôi dịch Arctic là Vùng Bắc Cực. Vùng biển trên Bắc Cực được gọi là Biển Bắc Cực (Arctic Ocean).

Tương tự như vậy, tiếng Anh có hai chữ Antarctica và South Pole mà mình đều dịch là Nam Cực. Chữ South Pole dùng để chỉ một điểm cuối cùng phía Nam nên đúng là Nam Cực, nhưng chữ Antarctica dùng để chỉ phần đất chung quanh Nam Cực bao quanh bởi các đại dương, đó là một lục địa. Nên tôi dịch chữ Antarctica là Lục Địa Nam Cực.

Bắc Cực và Nam Cực chính xác là ở đâu

Thật ra có hai thứ Bắc Cực, một thứ gọi là Bắc Cực địa dư (geographic North Pole) và một thứ là Bắc Cực từ tính (magnetic North Pole). Và cũng có hai thứ Nam Cực, một là Nam Cực địa dư và một là Nam Cực từ tính.

Bắc Cực và Nam Cực địa dư

Chắc bạn cũng đã biết trái đất quay quanh một trục và làm cho có ngày và đêm. Bắc Cực chính là điểm tận cùng về phía Bắc trên trái đất của trục quay đó. Nam Cực là điểm trực đối của Bắc Cực và là điểm tận cùng về phía Nam của trục quay. Tuy nhiên trục quay của trái đất không cố định mà hơi nghiêng ngả, nên Bắc Cực và Nam Cực có thể bị di chuyển vài mét.

Khi đứng ở Bắc Cực thì mọi hướng đều là hướng Nam, ngược lại đứng ở Nam Cực thì mọi hướng đều là hướng Bắc.

Các nhà khoa học đã cố đánh dấu Bắc Cực nhưng không thể được. Lý do là Bắc Cực ở trên biển và những tảng băng đóng trên mặt biển ở Bắc Cực luôn luôn di động. Ngược lại Nam Cực là đất liền và tảng băng đóng trên đó chỉ di chuyển vài mét một năm nên người ta đã làm một mốc đánh dấu chỗ Nam Cực.

Bắc Cực và Nam Cực từ tính

Bắc Cực và Nam Cực từ tính hơi khác với Bắc Cực và Nam Cực địa dư. Kim của một la bàn luôn luôn chỉ về hướng Bắc Cực hay Nam Cực từ tính. Nếu trái đất là một thỏi nam châm khổng lồ thì thỏi nam châm này hơi lệch với trục quay của trái đất, khoảng 110. Đó là lý do Bắc Cực từ tính không trùng với Bắc Cực địa dư. Vào năm 2005 thì Bắc Cực từ tính cách Bắc Cực địa dư khoảng 819 km (503 dặm).

Từ tính của trái đất được tạo thành bởi lớp kim loại nóng chảy (molten metal) ở tầng vỏ ngoài trái đất. Lớp kim loại này là chất lỏng nên hay thay đổi và hai cực từ của trái đất cũng không ở yên. Do đó Bắc Cực và Nam Cực từ tính cũng không cố định.

Vùng Bắc Cực là vùng nào?

Có nhiều định nghĩa khác nhau của Vùng Bắc Cực (Arctic). Có nhà khoa học định nghĩa Vùng Bắc Cực là vùng ở phía Bắc của Vòng Bắc Cực (Arctic Circle). Vòng Bắc Cực là một đường vòng ở khoảng vĩ tuyến 660 34’ Bắc. Nếu bạn ở phía bắc của Vòng Bắc Cực thì vào ngày Hạ Chí (summer solstice) sẽ thấy mặt trời không lặn và vào ngày Đông Chí (winter solstice) thì sẽ không thấy mặt trời suốt ngày. Đó là đường vạch xanh lá cây trong hình dưới đây.

Có người thì cho rằng Vùng Bắc Cực là vùng Bắc của đường cây Bắc Cực (Arctic tree line). Phía Bắc của đường cây Bắc Cực thì không có cây, đó là đường xanh lá cây trong hình dưới đây. Nhiều nhà khoa học khác thì định nghĩa Vùng Bắc Cực là vùng chung quanh Bắc Cực mà nhiệt độ trung bình mùa Hè không lên trên 10 độ C (50 độ F). Đó là đường màu đỏ trong hình dưới đây.

Vùng Bắc Cực. (Hình: nsidc.org)

Lục Địa Nam Cực

Ở chung quanh Nam Cực không có vấn đề định ranh giới như ở Vùng Bắc Cực vì đó là một lục địa bao quanh bởi các đại dương. Lục Địa Nam Cực rộng 14 triệu cây số vuông, gần gấp đôi diện tích Úc Châu và 98% bị bao phủ bởi băng đá với độ dày trung bình là 1.9 km.

Có vài quốc gia tuyên bố một phần Lục ĐịaNam Cực là thuộc lãnh thổ của họ, nhưng không được các nước khác công nhận. Bây giờ thì Lục Địa Nam Cực được coi như là của chung và được nhiều nước ký vào một số các hiệp ước gọi là Hệ Thống Hiệp Ước Lục Địa Nam Cực (Antarctica Treaty System) để quản lý Lục Địa Nam Cực.

Tại sao hai cực lại lạnh hơn chỗ khác?

Nhiệt độ trung bình của Bắc Cực vào mùa Hè là 0 độ C (32 độ F) và mùa Đông là -40 độ C (-40 độ F). Nhiệt độ trung bình của Nam Cực vào mùa Hè là -28.2 độ C (-18 độ F) và mùa Đông là -60 độ C (-76 độ F). Sở dĩ hai cực bị lạnh là tại vì ít ánh sáng mặt trời. Ngay như mùa Hè mặt trời cũng ở dưới chân trời chứ không lên cao tới đỉnh đầu như ở những xứ nhiệt đới. Vào mùa Đông thì có nhiều ngày không có mặt trời.

Tại sao Nam Cực lại lạnh hơn Bắc Cực?

Nam Cực là đất liền và Bắc Cực là biển. Tuy nước biển ở Bắc Cực lạnh nhưng vẫn còn ấm hơn là băng đá và nước biển làm cho Bắc Cực ấm hơn Nam Cực.

Hiện tượng aurora trên hai vùng Cực Nam và Cực Bắc

Aurora còn gọi là Northern hay Southern Lights (Ánh Sáng Phía Bắc hay Ánh Sáng Phía Nam) là một hiện tượng đặc biệt chỉ xuất hiện ở gần Bắc Cực hay Nam Cực từ tính. Các hạt điện tử hay điện tử dương có mang điện (charged electron or proton) đi theo tuyến từ trường về hướng Bắc Cực hay Nam Cực từ tính. Khi những hạt này gặp không khí sẽ làm cho không khí có những màu sắc rất lạ.

Hiện tượng Aurora ở Alaska (hình: NASA)

Thám hiểm Bắc Cực

Người Âu Châu có đầu óc thích tìm tòi, phiêu lưu mạo hiểm, không sợ nguy hiểm nên đã tìm ra Mỹ Châu và lập nên nhiều quốc gia mới. Họ cũng là những người đầu tiên đặt chân lên Bắc Cực và Nam Cực. Tuy nhiên, vì thời tiết quá khắc nghiệt cũng có nhiều nhà thám hiểm đã bị thiệt mạng trong những hành trình đầy nguy hiểm này.

Từ năm 1890 đến năm 1922 đã có tới 15 đoàn thám hiểm cố đi tới Bắc Cực hay Nam Cực. Hai nhà thám hiểm người Hoa Kỳ, ông Robert E. Peary và Bác Sĩ Frederick A. Cook đều tuyên bố mình là người đầu tiên tới Bắc Cực. Ông Peary thì nói là tới Bắc Cực vào Tháng Tư, 1909, còn ông Cook thì tuyên bố tới Bắc Cực trước đó một năm, vào Tháng Tư, 1908.

Đã có nhiều cố gắng để kiểm chứng hành trình của hai ông Peary và Cook, nhưng không thành công. Lý do chính là Bắc Cực ở trên biển và những tảng băng trên đó luôn luôn di động.

Thám hiểm Nam Cực

Vào năm 1910, có hai đoàn thám hiểm đua nhau để xem ai tới Nam Cực trước. Một đoàn thám hiểm dẫn đầu bởi ông Robert Falcon Scott, một sĩ quan Hải Quân Anh. Đoàn khác dẫn đầu bởi nhà thám hiểm người Na Uy, ông Roald Amundsen.

Ngày 17 Tháng Giêng, năm 1911, đoàn của ông Scott tới được Nam Cực, nhưng đã thấy cờ của ông Amundsen cắm ở đó. Hóa ra là đoàn của ông Amundsen gồm có 5 người đã tới Nam Cực 5 tuần trước. Đoàn của ông Amundsen trở về bình an, nhưng ông Scott và cả đoàn của ông ta bị thiệt mạng trên đường trở về.

Bây giờ bạn muốn đi thăm Bắc Cực hay Nam Cực thì cũng dễ thôi. Chỉ phải chi tiền cho các cơ quan du lịch là đi được ngay. Bảo đảm an toàn. (Hà Dương Cự)

Nguồn tài liệu:
http://gisgeography.com
https://www.ngdc.noaa.gov
https://nsidc.org

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Năm, 1 tháng 3 năm 2018

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT