Saturday, April 27, 2024

Đức khám phá ngôi mộ tập thể chôn hơn 1,000 hài cốt

NUREMBERG, Đức (NV) – Các nhà khảo cổ cho biết họ khám phá ra ngôi mộ tập thể lớn nhất từ trước tới nay từng được khai quật ở Âu Châu thuộc miền Nam Đức Quốc.

Cho tới nay, khoảng 1,000 bộ hài cốt của nạn nhân bệnh dịch hạch được tìm thấy trong các ngôi mộ tập thể ở trung tâm thành phố Nuremberg, nơi mà các chuyên gia tin rằng có thể đã chôn tổng cộng hơn 1,500 người, theo một thông cáo báo chí được công bố hôm Thứ Ba, 5 Tháng Ba.

Các nhà khảo cổ khám phá ra ngôi mộ tập thể trong một cuộc khảo cổ trước khi xây cất các chung cư mới trong thành phố.

Các nhà khảo cổ học nghiên cứu một ngôi mộ tập thể với cả ngàn bộ hài cốt tìm thấy ở Đức Quốc (Hình: Terra Veritas)

Melanie Langbein, thuộc đơn vị bảo tồn di sản của Nuremberg, nói với CNN rằng họ xác định có tám hố chôn bệnh nhân dịch hạch, mỗi hố chứa hàng trăm thi thể.

“Những người quá cố không được chôn cất tại nghĩa trang thông thường mặc dù chúng tôi đã yêu cầu phân bổ các nghĩa trang dành riêng cho bệnh nhân dịch hạch ở Nuremberg,” Langbein cho hay.

“Điều này tức là có một số lượng lớn người chết cần được chôn cất trong một khoảng thời gian ngắn nhưng chẳng ai màng tới các phong tục chôn cất của Cơ Đốc Giáo,” bà nói.

Vì lý do này, một trận dịch bệnh như dịch hạch “rất có thể” là nguyên nhân dẫn tới các ngôi mộ tập thể, theo Langbein.

Nuremberg phải hứng chịu những đợt bùng nổ bệnh dịch hạch khoảng 10 năm một lần từ thế kỷ 14 trở đi, điều này cản trở việc xác định niên đại của hài cốt, Langbein cho biết.

Các nhà khảo cổ áp dụng phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ để kiểm chứng niên đại của một ngôi mộ tập thể vào khoảng cuối những năm 1400 tới đầu những năm 1600, đồng thời tìm thấy những mảnh gốm vụn và đồng xu có niên đại từ cuối thời kỳ đó tại hố chôn tập thể này.

Họ cũng phát giác ra một ghi chú từ năm 1634 mô tả chi tiết về đợt bùng nổ bệnh dịch hạch tước đi sinh mạng của hơn 15,000 người vào năm 1632-1633, trong đó gần 2,000 người được chôn cất gần St. Sebastian Spital, địa điểm vừa được khai quật, Langbein cho biết.

Bằng chứng này làm nhóm nghiên cứu kết luận rằng các bộ hài cốt cũ hơn có lẽ có niên đại từ trận dịch 1632-1633.

Julian Decker, người sở hữu công ty In Terra Veritas đang thực hiện cuộc khai quật, nói với CNN rằng ông rất ngạc nhiên trước khám phá này.

“Chúng tôi không nghĩ rằng có những ngôi mộ trên cánh đồng này,” ông nói, đồng thời ông cho biết thêm rằng khi những hài cốt đầu tiên được đào lên, ông nghĩ chúng có thể bắt nguồn từ các cuộc oanh tạc trong Đệ Nhị Thế Chiến.

Decker hiện tin rằng địa điểm này có thể chôn hơn 1,500 thi thể.

“Cá nhân tôi dự đoán con số này sẽ ở mức 2,000 hoặc thậm chí cao hơn, khiến đây trở thành ngôi mộ tập thể lớn nhất Âu Châu,” ông nói.

Langbein nói với CNN rằng trận dịch 1632-1633 còn tồi tệ hơn những trận trước đó do ảnh hưởng từ Chiến Tranh Ba Mươi Năm, gồm có hàng loạt xung đột do nhiều quốc gia Âu Châu gây ra từ 1618 tới 1648.

Các nhà nghiên cứu cho biết những ngôi mộ cũng như một hình mẫu đại diện cho xã hội vào thời điểm đó, cho phép họ kiểm tra các đặc điểm của dân số.

“Về mặt kỹ thuật, chúng tôi có thể tìm ra bao nhiêu phần trăm người thuận tay trái,” Decker nói thêm.

Tiếp theo đó là hoàn tất việc khai quật cũng như làm sạch và phân tích chất liệu xương, Langbein nói với CNN.

Nhóm khảo cổ cũng sẽ hợp tác với các tổ chức quan tâm tới vài khía cạnh cụ thể của khám phá này, gồm có phân tích bộ gene của bệnh dịch hạch và điều tra trứng ký sinh trùng trong đất, bà nói thêm. (TTHN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT