Friday, May 17, 2024

Những điều lý thú về hệ vi sinh vật

Hà Dương Cự/Người Việt

Người ta khi nói về vi khuẩn (hay vi trùng) thường nghĩ đến bệnh tật. Nhưng thật sự chỉ có một số ít vi khuẩn gây ra bệnh còn phần lớn là vô hại và một số lại rất có ích cho cuộc sống con người.

Từ khoảng hơn 10 năm nay các nhà khoa học đã khám phá ra những ảnh hưởng không ngờ của hệ vi sinh vật (microbiome) trong cơ thể đối với một số bệnh tật như Parkinson hay tiểu đường. Có những nghiên cứu chứng tỏ sự liên quan của hệ vi sinh vật với tính tình như sự lo âu hay bệnh béo phì. Những sự kiện này làm cho việc nghiên cứu hệ vi sinh vật là một đề tài nóng bỏng trong ngành y sinh (biomedical).

Hệ vi sinh vật là gì? 

Hệ vi sinh vật dùng để chỉ quần thể những vi sinh vật, không những là vi khuẩn mà còn bao gồm cả vi rút, nấm, ký sinh trùng và động vật nguyên sinh (protozoan, sinh vật chỉ có một tế bào). Con số vi sinh vật sống trên cơ thể một con người còn nhiều hơn số tế bào của người đó, nhưng chính xác là bao nhiêu thì không ai biết được.

Có nhiều ước tính, mỗi phương pháp ước tính đưa ra một số khác nhau. Theo ước tính của tờ National Geographic thì một con người có khoảng 39 ngàn tỷ (hay triệu triệu) vi sinh vật. Vi sinh vật trong ruột già chiếm tới 38 ngàn tỷ, phần mảng bám răng chứa 1 ngàn tỷ. Một số nhỏ ở trên da, trong nước bọt, dạ dày, ruột non, và những chỗ ẩm.

Hệ vi sinh vật trong con người 

Trước khi ra khỏi bụng mẹ thì bào thai sống trong một môi trường hoàn toàn không có vi khuẩn. Khi bắt đầu chui ra bụng mẹ thì vi sinh vật từ người mẹ bám vào và bắt đầu làm thành một hệ vi sinh vật trong người em bé.

Nếu em bé sinh ra bằng giải phẫu thì không tiếp xúc với các vi sinh vật của người mẹ một cách tự nhiên mà có các vi sinh vật truyền từ môi trường chung quanh. Hiện nay người ta nhận thấy các em bé sinh ra bằng giải phẫu dễ bị những bệnh về hệ thống miễn nhiễm như là dị ứng với thức ăn hơn là các em bé sinh ra một cách tự nhiên.

Khi lớn lên thì hệ vi sinh vật trong con người thay đổi theo môi trường chung quanh, cách ăn uống hay thuốc men.

Hệ vi sinh vật. (Hình: curemelanoma.org)

Hệ vi sinh vật ảnh hưởng tới cơ thể như thế nào? 

Trong hệ vi sinh vật đa số là vi sinh vật tốt và một số ít vi sinh vật xấu. Vi sinh vật tốt làm những điều lợi ích cho cơ thể và vi sinh vật xấu thì gây ra bệnh tật. Trong một cơ thể khỏe mạnh thì có sự thăng bằng giữa vi sinh vật tốt và vi sinh vật xấu. Nhưng nếu vì một lý do gì đó, thí dụ như uống thuốc trụ sinh quá nhiều hay thay đổi cách ăn uống, sự thăng bằng bị mất đi. Vi sinh vật xấu tăng lên làm con người sinh bệnh.

Vi sinh vật kích hoạt hệ thống miễn nhiễm, phân hủy những thực phẩm có tính độc hại, và tổng hợp một số sinh tố, như sinh tố B và K. Vi sinh vật còn phân hóa những thức ăn có tinh bột và có xơ với en zim tiêu hóa. Sự lên men của những thức ăn này sinh ra axit béo chuỗi ngắn (short chain fatty acid, viết tắt là SCFA). Chất SCFA là một nguồn dinh dưỡng cho cơ thể và đóng một vai trò quan trọng trong sự hoạt động của bắp thịt. Các nhà khoa học còn nghi rằng SCFA có liên hệ đến việc ngăn ngừa một số bệnh mãn tính như bệnh tiêu chảy kinh niên, bệnh viêm loét đại tràng.

Cách thức ăn uống có ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật? 

Ngoài vấn đề di truyền, môi trường và thuốc men, cách ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến hệ vi sinh vật. Những thực phẩm có nhiều xơ được vi sinh vật trong ruột già phân hóa và sinh ra SCFA. Chất này làm giảm độ pH trong ruột già. Điều này làm giảm số vi khuẩn độc hại như clostridium difficile (viết tắt là CDI). Nói chung những loại rau, trái cây, đậu và nhũ cốc nguyên hạt đều loại thực phẩm tốt cho hệ vi sinh vật.

Lợi khuẩn (probiotic) 

Vì vi khuẩn có lợi ích cho cơ thể nên nhiều công ty thương mại đã nghĩ ra cách chế tạo và bán các vi khuẩn có lợi ích đó, tiếng Anh là probiotic (tạm dịch là lợi khuẩn). Những lọ probiotic có bán đầy ở những tiệm thuốc. Tuy có nhiều người dùng viên lợi khuẩn, nhưng chưa một nghiên cứu nào chứng nhận một cách chính xác là những viên lợi khuẩn nhân tạo tốt cho cơ thể.

Những thực phẩm lên men là những thực phẩm lợi khuẩn một cách tự nhiên: sữa chua, dưa cải bắp (sauerkraut) của người Đức, dưa chua, kim chi.

Ăn thực phẩm lên men thì tốt hơn là uống những viên lợi khuẩn vì ngoài vi khuẩn thực phẩm còn có thêm nhiều chất tốt thí dụ như xơ và vi ta min.

Vi sinh vật trong bộ tiêu hóa. (Hình: leafscience.org)

Cấy phân 

Cấy phân là lấy phân của một người mạnh khỏe cho vào ruột già của người bệnh để giúp cho hệ vi sinh vật của người bệnh trở lại bình thường và làm khỏi bệnh. Vào năm 1978 có những thử nghiệm cấy phân vào những người bị một căn bệnh khó trị gọi là nhiễm trùng CDI. Những thử nghiệm đó đã chứng tỏ là phương pháp này rất hữu hiệu. Một bài khảo cứu trên báo Clinical Endoscopy báo cáo là dùng phương pháp cấy phân đã chữa khỏi bệnh CDI trên 90% trường hợp. Trong khi đó chữa bằng trụ sinh chỉ có khoảng 30% người khỏi bệnh.

Rất ít khi một phương pháp chữa bệnh mới lại có hiệu quả tới trên 90% như phương pháp cấy phân để chữa bệnh CDI. Sự kiện này được giới y khoa chú ý đặc biệt. Nhiều trung tâm khảo cứu y khoa cũng bắt chước và thử nghiệm theo. Kết quả đều tương tự. Hiện nay nhiều nhà khoa học đang thử nghiệm phương pháp này để chữa các bệnh khác.

Thật sự thì phương pháp cấy phân không phải là mới. Nó đã được mô tả trong sách thuốc Trung Quốc từ 1,700 năm trước và dùng để chữa ngộ độc và bệnh tiêu chảy cấp tính. Ở Âu Mỹ thì người đầu tiên dùng phương pháp cấy phân là ông Eiseman vào năm 1958.

Hệ vi sinh vật trong tương lai 

Vì hệ vi sinh vật mỗi một người đều có nét đặc biệt riêng, không ai giống ai, nên có thể dùng hệ vi sinh vật để nhận dạng người. Đây là một ngành mới trong môn khoa học pháp y. Khi một người sờ vào một vật gì thì vi sinh vật truyền từ tay người đó qua chỗ bị sờ, người thám tử có thể xem xét hệ vi sinh vật ở vật đó mà biết người nào đã ở đấy.

Trong mấy năm gần đây có nhiều nghiên cứu đã cho thấy là hệ vi sinh vật có thể có ảnh hưởng đến nhiều thứ bệnh từ tiểu đường tới tự kỷ. Các nhà khoa học có chứng cớ là các vi sinh vật có truyền tín hiệu lên óc để điều hòa những hoạt động của cơ thể và cũng có thể thay đổi tâm trạng của con người như sự lo âu. Cũng có những nghiên cứu cho thấy rằng hệ vi sinh vật có ảnh hưởng đến việc trị liệu ung thư bằng miễn dịch trị liệu (immunotherapy).

Vì ngành nghiên cứu hệ vi sinh vật tương đối còn rất mới, chỉ mới phát triển trong vòng 15 năm nay nên còn rất nhiều điều cần được khám phá và kiểm chứng. Phần lớn những thử nghiệm cho tới bây giờ là cho chuột, những gì đúng cho chuột chưa chắc đã đúng và áp dụng được cho con người. Nhưng muốn thử nghiệm trên con người thì phải cần rất nhiều biện pháp an toàn để người thử nghiệm không bị nguy hiểm. Chắc phải chờ 5 tới 10 năm nữa mới biết chắc cái nào tốt. (Hà Dương Cự)

Nguồn tài liệu: www.hsph.harvard.edu, www.nationalgeographic.com, www.ncbi.nlm.nih.gov

MỚI CẬP NHẬT