Friday, March 29, 2024

Luật An Sinh Xã Hội-Trợ Cấp Tàn Phế

Luật sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo Di Chúc và Tín Mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, điện thoại (714) 531-7080, website www.lylylaw.com.

Cơ Quan Quản Trị An Sinh Xã Hội (Social Security Administration) của chính phủ liên bang Hoa Kỳ hiện điều hành hai chương trình giúp đỡ cho công chúng nào không may bị tàn phế về sức khỏe hay tâm thần khiến không còn khả năng làm việc được để mưu sinh.

Đó là các chương trình trợ cấp “Hưu Trí, Thân Nhân Sống Sót, và Bảo Hiểm Sức Khỏe Tàn Phế” (Retirement Survivors, and Disability Health Insurance, viết tắt là RSDHI) và chương trình trợ cấp “Lợi Tức An Sinh Phụ Trội” (Supplemental Social Income, viết tắt là SSI). Cả hai chương trình này đều có nhiều điểm tương tự và được thi hành dưới cùng một đạo luật. Tuy nhiên có điểm đặc biệt đôi khi một cá nhân hội đủ điều kiện hưởng trợ cấp của một chương trình cũng có thể đồng thời được hưởng song hành luôn trợ cấp của chương trình thứ hai.

Cả hai trợ cấp RSDHI và SSI đều định nghĩa từ ngữ “tàn phế” (disability) khi một cá nhân ở trong tình trạng “không có khả năng tham gia bất cứ một hoạt động có lợi quan trọng nào vì lý do kiểm nhận y khoa có xác định rõ người ấy bị hư hại về thể xác hay tâm thần; và tình trạng này có tác dụng kéo dài liên tục trong một thời kỳ ít nhất từ 12 tháng trở lên.” Sự tàn phế về thể chất và tâm thần phải ở mức độ trầm trọng khiến đương sự không những chỉ không làm được công việc đã làm trước đây, mà không còn khả năng làm nổi bất cứ công việc sinh lợi nào khác.

Người xin các loại trợ cấp kể trên phải có trách nhiệm dẫn chứng bằng cớ giám định y khoa xác nhận rằng mình đang bị tàn phế thể chất hoặc tâm thần hay bị mù lòa. Phần lớn các đương đơn phải đợi trọn năm tháng mới bắt đầu được hưởng trợ cấp. Hồ sơ mỗi vụ đều được tái xét trên căn bản định kỳ để xác định xem tình trạng sức khỏe của đương sự có tiến triển khả quan hồi phục năng lực trở lại tiếp tục làm việc được như cũ hay không.

“Bảo Hiểm Tàn Phế RSDHI” (RSDHI Disability Insurance): Loại trợ cấp này cung cấp phúc lợi cho người “công nhân viên” (worker) có quá trình làm việc trong loại “việc làm được bao che” nhưng nay không tiếp tục thi hành công việc được nữa vì sức khỏe hay tâm thần bị hư hao khiến người ấy trở thành tàn phế trước khi đáo hạn tuổi 25. Như đã đề cập trước đây, danh từ “việc làm được bao che” (covered employment) được định nghĩa là các loại việc làm có tính tín chỉ làm việc (work credit) là điều kiện để hưởng trợ cấp RSI bao gồm hầu hết các công ăn việc làm toàn phần hay một phần thời gian (full-or part time), dù tính lương tháng hay lương giờ, dù làm cho hãng xưởng hay nghề tự do, dù phục vụ trong các cơ quan của chính quyền liên bang, tiểu bang, địa phương hay quân đội và cảnh sát, dù làm việc cho các cơ quan bất vụ lợi của tư nhân hay các hoạt động tôn giáo hoặc bất cứ việc làm nào khác có khai thuế. Người công nhân viên bị tàn phế và thân nhân lệ thuộc của mình thông thường đều đủ điều kiện hưởng phúc lợi của bảo hiểm tàn phế RSDHI. Trong vài trường hợp đặc biệt thân nhân còn sống của người công nhân viên có bảo hành cũng được hưởng loại trợ cấp này.

“Lợi Tức An Sinh Phụ Trội” (Supplemental Social Income, viết tắt là SSI): Loại trợ cấp này là một chương trình đặc biệt được đặt ra để giúp những người nghèo có lợi tức giới hạn và làm chủ rất ít tài sản riêng đồng thời lại bị già nua, mù lòa, hoặc bị tàn phế. Mặc dù trợ cấp SSI do “Cơ Quan Quản Trị An Sinh Xã Hội” điều hành nhưng ngân khoản sử dụng cho chương trình này lại không lấy từ tài khoản của thuế an sinh xã hội. Khác với các loại trợ cấp an sinh khác, SSI được chấp thuận theo “nhu cầu,” có nghĩa là không dính dáng gì đến việc làm của người xin. Do đó việc cứu xét chấp thuận trợ cấp SSI không đòi hỏi phải nộp hồ sơ quá trình làm việc. Thí dụ một người dưới 65 tuổi bị tàn phế, tuy làm việc chưa đủ thời gian tính tín chỉ cần thiết để xin trợ cấp tàn phế RSHDI thì vẫn có thể xin được trợ cấp SSI. Đồng hương Việt Nam thường gọi nôm na loại trợ cấp này là “tiền bệnh.”

Muốn nhận trợ cấp SSI người nộp đơn xin phải từ 65 tuổi trở lên, hoặc bị mù lòa, hoặc bị tàn phế thể chất hay tâm thần, nhưng quan trọng nhất là phải nêu ra nhu cầu cần được giúp đỡ tiền bạc để sinh sống. Tiêu chuẩn dùng ấn định điều kiện cùng tính số tiền trợ cấp SSI cho đương sự gồm có lợi tức kiếm được lẫn tài sản hiện hữu của người ấy. Khi tính lợi tức cá nhân chính quyền kể hết tất cả mọi nguồn lợi tức mà người ấy đang nhận được như tiền lương, tiền trợ cấp an sinh xã hội, tiền hưu trí cùng mọi thứ không phải là tiền mặt (non-cash items) thí dụ như thực phẩm, quần áo và tất cả những món đồ khác đang sở hữu. Tuy nhiên có những tiết mục được đặc miễn khỏi tính đến, thí dụ như:

-Nhà ở, bất kể trị giá là bao nhiêu.

-Vật gia dụng (household goods) và vật dụng cá nhân có trị giá dưới $2,000.

-Một chiếc xe hơi trị giá dưới $4,500.

-Tiền thuế được trả lại (tax refund).

-Trị giá của phiếu thực phẩm (food stamps).

-Một phần tiền lương tháng.

Cá nhân nào hội đủ điều kiện hưởng trợ cấp SSI theo căn bản mù lòa hoặc tàn phế sẽ được giới thiệu đến một cơ quan phục hồi nghề nghiệp (vocational rehabilitation services). Nếu nguyên nhân tàn phế có dính dấp đến nghiện rượu hay ma túy thì đương sự bị bắt buộc phải ghi danh tham dự một chương trình cải tạo, nếu không sẽ bị mất hết mọi phúc lợi trợ cấp. Cá nhân nào đang lưu trú tại một cơ sở công thí dụ như nhà tù hoặc nhà thương thì không có quyền hưởng trợ cấp. Nếu người nào đang được trợ cấp SSI thì vẫn có quyền nhận thêm những phúc lợi khác của chính phủ thí dụ như phiếu thực phẩm hoặc nhận bảo hiểm y tế đặc biệt Medicaid.

Khi chính phủ liên bang Hoa Kỳ tạo ra chương trình trợ cấp “Lợi Tức An Sinh Phụ Trội” SSI là có ý thay thế nhiều loại phúc lợi của các tiểu bang cho các người già nua, mù lòa, hoặc tàn phế. Đặc biệt California còn có thêm một chương trình trợ cấp riêng bằng tiền của tiểu bang để phụ thêm vào trợ cấp SSI cho dân California mà các tiểu bang khác không có. Chương trình đặc biệt riêng California này được gọi là “Chương Trình Trợ Cấp Phụ Trội của Tiểu Bang” (California – State Supplemental Program, viết tắt là SSP). Trợ cấp SSP cung cấp trợ giúp thêm cho những người già cả, mù lòa, hay tàn phế về thể xác hay tâm thần, kể cả những người có lương bổng cao hơn tiêu chuẩn SSI. Mục tiêu của luật SSP là giúp những cư dân nghèo tại California mất đi khả năng làm việc và không đủ sinh sống bằng trợ cấp ít ỏi của những chương trình xã hội khác của cả liên bang lẫn tiểu bang.

Chúng tôi sẽ giải thích tiếp về chương trình trợ giúp y tế Medicare và thêm chi tiết về luật an sinh xã hội của tiểu bang California trong kỳ tới.

Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quý vị. (Luật Sư LyLy Nguyễn)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT