Friday, March 29, 2024

Luật Đại Lý Thương Mại

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật Sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo Di Chúc và Tín Mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080, website: www.lylylaw.com.

Lập đại lý (franchise) là một lối kinh doanh thông dụng cho nhiều người muốn khởi sự dấn thân vào đường thương mại. Đặc biệt với những người mới chân ướt chân ráo bước vào nghề, đại lý là một lối bắt đầu tương đối dễ dàng nhất mà không cần tốn công nghiên cứu phát triển thị trường, vẽ nhãn hiệu trình tòa, tạo sản phẩm hay dịch vụ cũng như đăng ký môn bài.

Tại Hoa Kỳ theo luật đại lý (franchise law) một cá nhân hoặc công ty cấp quyền cho người khác hoạt động thương mại dưới bảng hiệu của mình gọi là “the franchisor” tạm dịch là “người cấp đại lý.” Ngược lại một cá nhân hay công ty được phép hoạt động thương mại dưới bảng hiệu của công ty cấp quyền đại lý cho mình thì gọi là “the franchisee” tạm dịch là “người nhận đại lý.” Cả hai bên cùng nỗ lực đồng lòng đầu tư khá nhiều thời gian, tiền bạc và năng lực vào mối liên hệ thương mại này. Tuy nhiên làm đại lý không hẳn dễ dàng và hoàn toàn không rắc rối. Ngay chính các tay buôn bán thành thạo cũng có thể nhầm lẫn ước lượng quá cao khả năng sinh lợi của một cơ sở đại lý mới hoặc ước tính thiếu chính xác mức giúp đỡ hoạt động cần thiết trông mong từ người cấp đại lý.

Luật đại lý có hai lãnh vực gây nhiều tranh chấp nhất, đó là cống hiến cấp đại lý lúc đầu và quyết định chấm dứt đại lý về sau. Do đó cả hai bên, người cấp lẫn người nhận đại lý, nếu muốn luôn luôn giữ được tính cách hợp pháp và giữ được giao tình tốt đẹp làm vừa lòng nhau thì đều nên am tường rõ ràng mọi luật lệ về đại lý theo cả luật liên bang lẫn luật tiểu bang. Những đạo luật này qui định rằng người cấp đại lý phải “tiết lộ” (disclose) phô bày rõ ràng những điều kiện chính yếu trong việc lập giao kết đại lý với nhau; đồng thời luật pháp cũng áp đặt những hình phạt nặng nề cho những kẻ không theo đúng “luật tiết lộ” (disclosure law). Cả người cấp đại lý lẫn người nhận đại lý đều phải lưu ý tới các thủ tục luật định rắc rối chung quanh vấn đề chấm dứt quyền đại lý. Trên thương trường khi muốn cấp đại lý hoặc nhận đại lý mà không hiểu rõ ràng những hiểm họa tiềm ẩn trong việc làm đại lý thì đôi khi có thể trở thành lỗi lầm phải trả giá quá đắt. Mấu chốt giúp hiểu rõ luật lệ điều hành đại lý là cần nhận thức rằng luật pháp không có mục đích giúp giảm bớt hiểm họa thất bại cho người đầu tư. Để phù hợp với quan niệm kinh tế tư bản lý tưởng, luật pháp không tìm cách ngăn ngừa các thương gia khỏi quyết định sai lầm trong công cuộc làm ăn buôn bán. Ngược lại luật pháp tìm cách bảo đảm các doanh gia đều được người cấp tiết lộ phô bày mọi yếu tố khúc mắc về công cuộc kinh doanh, thông báo rõ ràng mọi điều tốt xấu, lợi hại trước khi quyết định chọn cơ hội làm đại lý. Nếu sau khi đã biết hết mọi yếu tố mà người đầu tư vẫn muốn chấp nhận may rủi trước những hiểm họa cố hữu trong việc mở đại lý thì người ấy hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn.

Qui định của luật liên bang – Một ủy ban mang tên là “Ủy Ban Giao Thương Liên Bang” (“Federal Trade Commission” gọi tắt là FTC) thực thi luật liên bang cùng các đạo luật khác liên quan đến đại lý. Những đạo luật này chỉ áp dụng riêng cho các đại lý thương mại có ảnh hưởng liên tiểu bang. Muốn luật đại lý liên bang có hiệu lực thì giao kèo viết ra sao không thành vấn đề, chỉ cần liên hệ giữa hai bên ký kết phải phù hợp theo định nghĩa trong luật liên bang. Lấy thí dụ một thương nghiệp gia nhập vào một “tổ hợp trách nhiệm hữu hạn” thì thương nghiệp đó cũng phải lập bản hợp đồng ký kết về đại lý (franchise agreement) cho mục đích hợp lệ với luật FTC. Theo điều luật của FTC thì đại lý được định nghĩa là một mối “quan hệ thương mại liên tục” giữa hai hay nhiều thành phần.

Có ba loại “quan hệ thương mại liên tục” căn bản đặt dưới sự chi phối của luật FTC. Đó là:

Đại lý mối hàng (package franchises) hay là đại lý theo “hình thức thương nghiệp” (“business format” franchise), theo đó toàn bộ kế hoạch và thi hành thương vụ đều do chính người cấp đại lý phát triển và thành lập ra. Các nhà bán đồ ăn có liền như McDonald, Burger King, Kentucky Fried Chicken… là điển hình của loại đại lý này.

Đại lý sản phẩm (product franchises), theo đó người cấp đại lý bán cho người nhận đại lý những hàng hóa mang nhãn hiệu cầu chứng của họ để bán lại cho công chúng dưới cùng một tên hiệu. Theo lối thỏa thuận này thì người cấp đại lý có thể duy trì được một phần kiểm soát trong việc bán sản phẩm.

Cơ hội thử thách kinh doanh (business opportunity ventures), được định nghĩa là những ký kết theo đó người nhận đại lý bắt buộc phải mua và bán những hàng hóa hay dịch vụ của người cấp đại lý hoặc của một nghiệp vụ chỉ định khác. Người cấp đại lý sẽ thu xếp địa điểm buôn bán, tìm lập chi nhánh và đôi khi còn cung cấp cả nhân viên làm việc. Một thí dụ loại này là công ty dùng “máy bán hàng” (vending machine). Người cấp đại lý tìm địa điểm đặt máy rồi bán bánh kẹo cho người nhận đại lý nhưng để cho người này tự đi thu thập lấy tiền về rồi tự tiếp tế thêm vào máy những đồ đã bán ra.

Ủy Ban FTC có ấn định rằng người cấp đại lý và những người bán “cơ hội kinh doanh” phải tiết lộ phô bày rõ ràng mọi sự kiện và tin tức liên quan đến công cuộc làm ăn ấy trước khi hoàn tất cuộc bán. Những điều luật bắt buộc tiết lộ chính thức này có tiêu đề rất dài là “Disclosure Requirements and Prohibition Concerning Franchising and Business Opportunity Ventures” – tạm dịch là “Những điều bắt buộc phải tiết lộ và những điều cấm kỵ liên quan đến đại lý và cơ hội thử thách kinh doanh” – thường được giới thương gia quen gọi ngắn là “Luật FTC” (FTC Rule). Luật FTC bao che nhiều lãnh vực rất rộng tuy nhiên cũng sẵn nhiều biệt lệ thu hẹp bớt lại. Thí dụ tại các triển lãm thương mại (trade shows) có một vài cuộc thuyết trình được đặc biệt miễn khỏi vi phạm điều cấm theo luật FTC và một số đại lý cũng được miễn trừ qui định của luật này do những ý kiến cố vấn không chính thức của giới chức FTC.

Có hai loại mẫu chính thức mà người cấp đại lý có thể sử dụng cho phù hợp luật FTC, đó là “FTC Disclosure Document” (“FTC document”) và mới hơn hết là mẫu “Uniform Franchise Offering Circular” (“UFOC”). Mặc dầu cả hai mẫu này đều được chấp nhận hợp lệ theo luật FTC nhưng mẫu thứ nhất “FTC document” không phù hợp với “luật tiết lộ” của nhiều tiểu bang. Về hình thức cả hai mẫu đều có các tiết mục giống nhau, nhưng người cấp đại lý không có quyền chọn riêng từng mục của mỗi mẫu mà phải điền trọn vẹn một trong hai mẫu “FTC document” hoặc “UFOC.”

Mẫu “FTC document” đòi hỏi tin tức về lai lịch của người cấp đại lý và người nhận đại lý, chi tiết về những thỏa thuận hợp đồng đại lý và những yếu tố chứng minh lợi tức mà người cấp đại lý công bố.

Về lai lịch của người cấp đại lý mẫu “FTC document” phải gồm những tin tức sau đây:

-Quá trình buôn bán (business history) của người cấp đại lý.

-Quá trình làm việc (employment history) của giới chức trong công ty hay những người điều hành.

-Quá trình kiện tụng (litigation history) của các giới chức trong công ty hay những người điều hành.

-Lịch sử của công ty và quá trình của những nhân vật cốt cán nếu đã từng khai phá sản.

-Bản xác nhận tình trạng tài chánh (financial statements).

Về lai lịch của nghiệp vụ đại lý mẫu “FTC document” phải gồm những tin tức sau đây:

-Mô tả chi tiết về hoạt động của nghiệp vụ đại lý.

-Số vốn đầu tư đầu tiên của người nhận đại lý.

-Những điều kiện bắt buộc nếu có về việc phải mua hàng hoặc dùng nguồn cung cấp đặc biệt đã ký kết.

-Chi tiết về những khoản tài trợ do người cấp đại lý cung cấp nếu có.

-Chi tiết về những dịch vụ mà người cấp đại lý cam kết sẽ thi hành dưới danh nghĩa của người nhận đại lý.

-Quyền sử dụng nhãn hiệu cầu chứng, môn bài và bản quyền.

-Những đề mục linh tinh khác về chọn lựa địa điểm, huấn luyện nhân viên, giới hạn bán hàng,…

Bản hợp đồng ký kết về đại lý phải gồm những chi tiết sau đây:

-Lệ phí trả cho người cấp đại lý.

-Quyền hạn buôn bán hay phục vụ độc quyền trong vùng.

-Quyến nới rộng nghiệp vụ của chính cá nhân người nhận đại lý

-Quyền hạn và trách nhiệm đôi bên trong trường hợp tái ký kết gia hạn, mua lại, hay chấm dứt giao kèo.

-Điều khoản về cải biến hay thay đổi hợp đồng.

-Giao ước cấm cạnh tranh.

-Thời hạn của hợp đồng và điều khoản giải quyết trong trường hợp người nhận đại lý qua đời.

Kỳ tới chúng tôi sẽ tiếp tục trình bày thêm chi tiết về luật đại lý. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị. (Luật Sư LyLy Nguyễn)

MỚI CẬP NHẬT