Friday, April 26, 2024

Luật Khánh Tận: Nợ thuế khi phá sản

Luật Sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Ðịnh Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo Di Chúc và Tín Mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. Website: www.lylylaw.com.

Luật Sư LyLy Nguyễn

Thuế ưu tiên gồm có các khoản thuế đã khai trong vòng 240 ngày hay các khoản nợ thuế đáo hạn trong vòng ba năm trước ngày khai phá sản. (Hình minh họa: wikipedia)

Trong những bài báo trước chúng tôi đã trình bày Luật Khánh Tận Hoa Kỳ với những loại nợ có thể và không thể giải được (hay xóa được). Trong tất cả các loại nợ thì nợ thuế có vẻ rắc rối hơn cả vì người khai phá sản gặp phải một chủ nợ đáng nể nhất đó là Cơ Quan Thuế Vụ Liên Bang IRS. Tuy nhiên dù nợ thuế có khó giải đến mấy trong nhiều trường hợp Luật Khánh Tận vẫn có thể trợ giúp cứu vớt người phá sản trên nhiều khía cạnh, trước hết với điều khoản “tự động đình chỉ” tòa án ngăn cản không cho cơ quan IRS dùng biện pháp mạnh để đòi nợ thuế kể cả việc xiết lương bổng và tịch thu nhà cửa. Có một vài loại thuế có thể được giải hẳn theo Chương 7 kể cả nợ chính lẫn tiền lãi cùng tiền phạt. Còn những loại thuế khác không được Chương 7 xóa thì được Chương 13 dàn xếp cho trả dần mà không bị đánh tiền lời.

Phương thức hữu hiệu giúp giải nợ thuế khi khai phá sản tùy thuộc vào nhiều yếu tố như nợ loại thuế nào, thời gian nợ thuế lâu mau, có khai thuế (tax return filed) hay không khai, và sau hết khai phá sản theo chương nào. Nói chung những loại nợ thuế lợi tức cá nhân không thế chấp đã kéo dài quá ba năm trước từ ngày khai thuế đến ngày khai phá sản trong điều kiện thuế khai đúng hạn hàng năm và không gian lận thì đều được xóa hoàn toàn dù khai theo Chương 7 hay Chương 13.

Trong các loại nợ thuế có một loại rõ rệt không bao giờ có thể giải hay xóa được gọi là thuế ưu tiên (priority taxes). Thuế ưu tiên gồm có các khoản thuế đã khai trong vòng 240 ngày hay các khoản nợ thuế đáo hạn trong vòng ba năm trước ngày khai phá sản. Ngoài ra những thuế tuy chưa xác nhận nhưng vẫn có thể ấn định được trong lúc khai phá sản cũng đều được xếp vào loại thuế ưu tiên do đó cũng không giải được. Thuế ưu tiên bao giờ cũng thoát không xóa theo Chương 7 cho đến độ nhiều khi tín viên tòa khánh tận sau khi thanh toán trọn tài sản của người khai cũng không đủ trả cho thuế ưu tiên, cuối cùng không còn lại gì hết để trả cho các chủ nợ khác. Nếu khai theo Chương 13 thuế ưu tiên cho trả góp hàng tháng và phải trả đủ trong suốt chương trình trả nợ không được bớt đi đồng nào. Tiền lãi đã tính trên số nợ thuế trước đó thì được kể như không có ưu tiên nên người khai chỉ phải trả một phần nhỏ giống như các món nợ không thế chấp và không bị tiếp tục chịu lãi mới sau thời gian đã khai phá sản. Khi chương trình trả nợ theo Chương 13 đã hoàn tất và chấm dứt thì phần tiền lãi chưa trả hết cũng được xóa luôn không còn ảnh hưởng gì nữa.

Đối với các trường hợp không khai thuế hay mới khai thuế trong vòng hai năm trước khi phá sản thì thuế này dĩ nhiên không xóa được theo Chương 7. Tuy nhiên có thể xóa nợ được theo Chương 13 nếu thời gian nợ tính từ lúc đầu tiên ngày thuế đáo hạn phải trả cho đến ngày khai phá sản mà quá ba năm và không bị ấn định số tiền thiếu thuế trong vòng 240 ngày. Thông thường IRS coi như mọi người ai cũng phải có bổn phận khai thuế mỗi năm một lần ít nhất trong vòng ba năm gần nhất của hạn thuế ưu tiên. Mỗi khi khai thuế tiền thuế phải đóng năm đó đương nhiên được xác định trong tờ khai thuế. Phải chú ý đến nhiều trường hợp khai thuế lâu trước cả năm thay vì có thể được giải theo Chương 13 nay vô tình bỗng trở thành nợ ưu tiên không xóa được vì lý do nằm trong vòng 240 ngày trước lúc phá sản, do đó nên thận trọng tham khảo luật sư chuyên môn để được hướng dẫn khai sao cho phù hợp với luật lệ để có thể giải nợ được.

Nên lưu ý rằng điều khoản kể trên có lợi điểm tạo cơ hội giúp cho những người trong tình trạng bất hợp pháp vì trốn khai thuế được dịp công khai trở lại hệ thống thuế Hoa Kỳ một cách hợp pháp bằng cách khai Chương 13, nhưng điều luật này sắp thay đổi vì Luật Khánh Tận đã được tu chính nhưng chưa được đem ra thi hành vì còn chờ Quốc Hội phê chuẩn. Chúng tôi sẽ trình bày những điều khoản thay đổi của luật khánh tận vào một dịp khác.

Trong các loại nợ thuế khác có một loại gọi là “tiền thuế ủy nhiệm” (trust fund taxes). Đó là tiền thuế lợi tức cá nhân của mọi nhân công trong một nghiệp vụ hay hãng xưởng hoặc công ty đóng cho cơ quan thuế vụ liên bang IRS. Số tiền này do chủ nhân trừ trong lương nhân viên mỗi kỳ phát lương được chính phủ ủy nhiệm cho giữ lại để gom đóng theo từng thời kỳ hàng tam cá nguyệt hay lục cá nguyệt. Các khoản nợ “tiền thuế ủy nhiệm” do nhân công đóng thì không bao giờ xóa đươc cho dù món nợ này có để lâu bao nhiêu chăng nữa. Nếu chủ nhân một nghiệp vụ hoặc người đứng trách nhiệm trong một công ty hay một cửa hàng hùn hạp không chịu trả “tiền thuế ủy nhiệm” thâu của nhân viên thì sẽ bị kết nợ coi như chính nợ cá nhân của người ấy.

Tuy nhiên nếu người ấy không may khánh tận mà còn trách nhiệm thiếu hụt “tiền thuế ủy nhiệm,” tuy không giải được theo Chương 7 thì vẫn có thể xin khai theo Chương 13 để trả dần cả vốn nợ lẫn lãi kèm thêm tiền phạt. Trường hợp làm ăn thua lỗ khai phá sản thì phải lưu ý tách riêng ra từng khoản nợ gồm những loại nợ liên hệ đến nghiệp vụ có thể giải được ngoại trừ hai món “tiền thuế ưu tiên” và “tiền thuế ủy nhiệm.” Theo luật riêng biệt của một vài tiểu bang thì thuế mua bán (sales taxes) thâu của khách hàng qua những dịch vụ cũng kể như nợ “tiền thuế ủy nhiệm” trong khi ở các tiểu bang khác thì kể như thuế môn bài. Thuế môn bài nếu lâu quá hạn thì có thể giải được còn nợ ‘tiền thuế ủy nhiệm’ thì vô phương xóa đi.

Tiền do IRS phạt vì đóng thuế chậm được xử liền với số nợ thuế chính có nghĩa là xóa được hay không tùy theo tính chất của món nợ đó. Nói rõ ràng hơn nếu khai theo Chương 7 nếu là tiền thuế ưu tiên không xóa được thì tiền phạt của nợ này cũng không xóa được, ngược lại nếu là tiền thuế không ưu tiên dĩ nhiên xóa được thì tiền phạt cũng được xóa theo. Đặc biệt tiền phạt của những món nợ thuế để lâu trên ba năm trước khi khai phá sản thì được xóa mặc dù có dính đến thuế không xóa được.

Nếu khai theo Chương 13 thì tất cả tiền phạt của nợ thuế không ưu tiên đều xóa được. Nợ tiền phạt thuế cũng tính giống như các khoản nợ không thế chấp do đó chỉ phải trả theo một tỷ lệ rất nhỏ vài phần trăm rồi xóa luôn. Kể từ lúc khai phá sản tiền phạt thuế phải ngưng không được tiếp tục tính thêm. Có vài biệt lệ theo luật lệ hiện hành khi khai theo Chương 13 tiền phạt của những thuế buộc (tax lien) trên các tài sản sẽ không giải được dù rằng đáng lẽ có thể được xóa nếu không thế chấp.

Điều đình thỏa thuận trả tượng trưng (offer in compromise) là một giải pháp tốt nhất khi bị nợ hai loại thuế không giải được đã đề cập ở trên là “tiền thuế ưu tiên” và “tiền thuế ủy nhiệm” nếu số tiền nợ quá lớn không trả dứt nổi theo Chương 13. Cơ quan thuế vụ IRS vẫn có khuynh hướng dễ dãi không muốn làm găng mà ngược lại sẵn sàng thỏa thuận các thương lượng trả tượng trưng với đề nghị xin trả dứt nợ thuế với một số tiền nhỏ hơn tổng số nợ trước khi khai khánh tận. Nên tham khảo với luật sư chuyên môn về thuế để đại diện điều đình với IRS.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu Luật Khánh Tận Hoa Kỳ với cách khai phá sản dành cho nghiệp vụ thương mại nhỏ (small business). Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được xử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quý độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quý độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quý vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080; website: www.lylylaw.com.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT