Monday, May 20, 2024

Những điều cần viết trong di chúc

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080, website: www.lylylaw.com.

Tại Hoa Kỳ trên khía cạnh pháp lý thật ra không có một công thức tiêu chuẩn nào ấn định nội dung một bản chúc thư. Tuy nhiên có những mục phải lưu ý tới khi viết di chúc tùy theo gia cảnh của từng người lập.

Sau đây là những chi tiết quan trọng thường đề cập trong nội dung di chúc:

Thanh toán chi phí mai táng và ưu tiên các khoản nợ phải trả vì nợ nần tiền bạc không bao giờ chết theo người mang nợ may ra chỉ có nợ tình mới hòng đợi trả kiếp sau. Nếu mắc nợ tiền thì khi chết đi tài sản để lại sẽ được lấy ra trang trải trước khi truyền cho ai vì người thi hành di chúc (executor) có trách nhiệm và thẩm quyền đứng ra thanh toán những món nợ chính thức có hiệu lực ràng buộc. Nếu nợ nhiều hơn di sản thì sẽ trả từng món theo thứ tự ưu tiên do luật tiểu bang ấn định. Thông thường chi phí mai táng và các khoản lệ phí hành chánh được trả trước nhất. Thứ đến là trả những khoản chi phí gia đình, tiền nợ thuế và những tiền chạy chữa sau cùng. Nếu muốn trả dứt trước món nợ nào khác thì cần tham khảo với luật sư để tránh phạm luật tiểu bang.

Ý muốn về tang lễ hay hiến tặng thi hài cho y khoa mặc dầu có thể ghi trong di chúc nhưng cần nhớ rằng di chúc thường được tòa chấp nhận và cho thi hành sau khi đã an táng, do đó nên viết những nguyện vọng này vào một văn kiện riêng biệt. Có vài tiểu bang đặt giới hạn số tiền chi phí tang lễ mà người thi hành di chúc có quyền trả, nếu số tiền lớn hơn phải có phép tòa án. Những ai không muốn để gia đình phải xin tòa chấp thuận chi phí tang lễ thì phải ghi trong di chúc khước từ giới hạn này.

Nếu muốn tha nợ cho ai thì cũng cần ghi rõ trong di chúc vì những món tiền nợ lớn chưa đòi cũng kể như tài sản nên phải đóng thuế, do đó nếu tha nợ thì cũng xóa luôn thuế trên khoản tiền chưa thâu đó. Khi viết di chúc luôn luôn cần phải đặt giả thiết nếu xẩy ra sự kiện hay biến cố gì có thể làm đảo lộn dự tính, thí dụ nếu người kế thừa chết trước mình thì sẽ giải quyết ra sao. Trường hợp một kế thừa chết trước thì phần gia tài cho người này kể như hủy bỏ (lapse) và phần di sản đó sẽ tùy tiện để lại cho thừa kế khác. Tuy nhiên một số tiểu bang có “điều luật chống hủy bỏ” (antilapse) theo đó nếu một thừa kế nào chết trước người để gia tài thì phần di sản đáng lẽ được hưởng sẽ truyền lại cho con cháu của người thừa kế chết chứ không hoàn lại tài sản nguyên thủy. Phần di sản này bao gồm cả bất động sản lẫn tài sản cá nhân. Tại các tiểu bang không áp dụng “điều luật chống hủy bỏ” thì người lập di chúc muốn để phần này cho người nào khác tùy ý.

Điều quan trọng trong di chúc phải ghi chú rõ ràng chi tiết lý lịch các người cho hưởng gia tài kể cả địa chỉ và quan hệ ra sao. Nếu muốn chia đều gia tài cho con cái hoặc thân quyến cùng nhóm (anh em, anh em họ, vv…) theo luật một số tiểu bang phải ghi rõ là để lại chung cho các thân nhân cùng loại đó còn sống hoặc ghi tên họ từng người. Lý do ghi như vậy để nếu một trong những người đó chết thì toàn bộ gia tài sẽ chỉ chia cho các người còn lại chứ không chia cho con cháu người chết đó. Dĩ nhiên điều khoản này không áp dụng nơi có “điều luật chống hủy bỏ” theo đó con cháu người ấy sẽ được hưởng phần này. Tại một số tiểu bang có thể viết “thư dự định” (letter of intent) ủy thác trách nhiệm chia gia tài cho một vài người thân tín nhưng văn bản này có thể không được vài tiểu bang nhìn nhận, do đó chỉ dùng thư này với kẻ thật thân cận mà thôi. Cấu trúc một gia đình thời nay có thể phức tạp bao gồm nhiều người có huyết thống hoặc liên hệ khác nhau do đó cần phải nêu rõ đích danh những ai được kể chia phần trong di chúc; thí dụ như con riêng của vợ hoặc chồng (stepchildren), con thừa nhận (adopted children), những người sống cùng trong gia đình nhưng không thừa nhận. Nói tóm lại trong di chúc có thể truyền lại hay từ khước gia tài cho bất cứ một ai nhưng cần phải xác định rõ lý lịch người thừa kế trong di chúc. Sau hết nếu chia phần gia tài cho nhiều người thụ hưởng thì cần cẩn thận ấn định rõ bao nhiêu phần trăm quyền sở hữu. Nếu không xác định trong di chúc thì tòa án sẽ giả thiết chia đồng đều cho tất cả thừa kế liệt kê trong di chúc. Phần đông các luật sư cố vấn không nên để chia đồng đều vì sẽ gây trở ngại nếu những kế thừa muốn sử dụng chung một món tài sản mà có người không đồng ý sẽ đưa dến tình trạng bắt buộc phải bán đi để chia. Trên thực tế có rất nhiều món không chia được thí dụ như một ngôi nhà chẳng hạn, do đó cần họp chung các thừa kế để thảo luận tìm cách sử dụng chung. Cũng đừng quên chỉ định người thụ hưởng thay thế (alternative beneficiary) trong trường hợp người chính bị chết trước. Ngoài ra có thể bớt được thuế nếu biết để lại gia tài một cách khéo léo.

Nếu di sản để lại gồm nhiều món tài vật thì có thể đính kèm theo di chúc một phụ bản gọi là “bản tài sản hữu hình” (tangible personal property memoranda gọi tắt là TPPM). Đây là một văn bản viết tay riêng biệt liệt kê các món tài vật truyền lại, có ghi ngày tháng và tên họ thừa kế từng món. Muốn được hợp lệ thì phải viết rõ di chúc có đính kèm văn bản TPPM và đặt điều khoản trường hợp người thụ hưởng chết trước thì món đồ sẽ truyền lại cho người nào khác còn sống phòng trường hợp người lập quên không điều chỉnh di chúc. Để tránh khiếu nại hay tranh tụng giữa các thừa kế về sau thông thường nên ghi rõ chi tiết mô tả món di vật và viết rõ tên người thụ hưởng.

Nhiều người muốn khi chết để lại ngôi nhà đang ở cho người vợ hoặc chồng mà không cùng đứng tên làm chủ thì cũng phải ghi rõ trong di chúc. Nếu muốn cho người hôn phối quyền sử dụng ngôi nhà trọn đời cho tới khi mãn phần rồi truyền lại cho các con hay người nào khác thì trong di chúc phải ghi là “tài sản sống” (life estate). Lấy thí dụ ông Năm cưới bà vợ sau nhưng không có con và ông cũng có một người con riêng với đời vợ trước; do đó ông viết di chúc để lại ngôi nhà là “tài sản sống”cho bà vợ sau. Khi ông Năm quá cố thì bà này có quyền sống ở ngôi nhà đó suốt đời cho đến lúc bà chết thì ngôi nhà mới truyền lại cho người con riêng.

Nếu khéo viết di chúc thì sẽ bớt được nhiều tốn kém về sau. Trong di chúc nếu ủy nhiệm cho người thi hành di chúc được toàn quyền để thủ tục “giải quyết di sản” (probate) của tòa án đến mức tối thiểu thì đương nhiên tránh cho gia đình khỏi một số tiền lệ phí khá lớn. Nếu người lập di chúc đang có doanh nghiệp điều cần thiết phải ủy nhiệm cho người thi hành quyền hạn tiếp tục điều khiển nghiệp vụ hoặc quyền mở ra doanh nghiệp khác. Nếu trong di chúc không ủy thác rõ ràng như vậy thì tòa án có thể bắt đóng cửa cơ sở để thanh toán hay bán đi.

Sau cùng cần viết một điều khoản bao chót theo luật gọi là “điều khoản dư” (residuary clause) để bao gồm những món di sản nào khác mà không kể ra trong di chúc. Đây là một khoản rất quan trọng vì những món di sản nào không liệt kê sẽ bị tòa xử theo luật kế thừa của người “chết không trăng trối”. Thủ tục này thường do tòa án giải quyết và kéo dài rất lâu.

Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị. (Luật Sư LyLy Nguyễn)

Cuộc thi viết “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm”

MỚI CẬP NHẬT