Thursday, April 25, 2024

Sỏi thận

Bác Sĩ Đặng Trần Hào

Sỏi thận, viêm bể thận thường là hội chứng của nhiều bệnh khác nhau kết tụ, kéo dài với thời gian hy vọng sẽ tự quân bình mà hết bệnh, hoặc sẽ đột biến mỗi lúc gia tăng rất khó tiên liệu.

Sỏi thận là tên gọi chung tình trạng hệ thống bài tiết gặp trở ngại, ngăn lấp đường đi của nước tiểu do sỏi gây ra. Sỏi thường gây ra ở những vị trí khác nhau. Nếu ở thận thì gọi là sỏi thận, ở bàng quang thì gọi sỏi bàng quang…

Sỏi thường được những loại khoáng chất khác nhau cấu tạo như sỏi calcium oxalate calculas, phostate calculus, ammonium magnesium phostate, uric acid calculus, và cystine calculus.

Khoảng 80% là do calcium oxalate calculus gây ra, còn 20% là do một trong bốn loại còn lại.

Bệnh sỏi tiết niệu là một bệnh thường xảy ra cho những người khoảng từ 30 tới 40 tuổi, và thường xảy ra cho nam giới nhiều gấp ba lần nữ giới ở cùng lứa tuổi.

Bệnh thường phụ thuộc vào thành phần lý hóa hiện diện trong nước tiểu nhiều hay ít, lâu hay mau mà kết thành thạch lớn hay nhỏ. Những viên sỏi này làm cản trở đường tiểu tiện nhiều hay ít, đồng thời làm viêm đường tiểu tiện, gây đau và ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh.

Nguyên nhân gây ra sỏi thận, Y Khoa Đông Phương xếp vào năm chứng “lâm,” nghĩa là đau do:

-Nhiệt lâm: Chứng tiểu gắt, tiểu són do nhiệt trong thận và bàng quang gây ra.

-Huyết lâm: Chứng tiểu ra máu, tiểu đỏ, tiểu rất rát và đau rất khó chịu.

-Cao lâm: Chứng tiểu ra nước đục như nước cơm, nổi váng như dầu.

-Sa lâm: Chứng tiểu ra cát sạn, nhỏ nát như bùn, đau bụng, đau lưng.

-Thạch lâm: Chứng tiểu ra sỏi to, đường tiểu đau, lưng đau dữ dội.

Thực ra, cả năm loại đau (lâm) đều liên quan tới sưng và viêm nhiễm đường niệu đạo, sỏi bàng quang, sỏi thận và chứng đái ra dưỡng trấp do y học hiện đại khám phá ra các loại sỏi trên.

Sỏi do thận hư, thấp nhiệt uất kết 

Đột nhiên đau lưng, cứ ngửa lên hay cúi xuống thì xương sống đau dữ dội không chịu nổi, mặt trắng bệch, ra nhiều mồ hôi, lưng đau từng cơn, đau lan xuống vùng bụng dưới tới háng, vì đường đi của thận đi qua vùng háng. Nước tiểu vàng đỏ, có lẫn máu. Rêu lưỡi vàng, dày và dơ. Mạch trầm huyền và hữu lực.

Chẩn đoán: Thận hư, thấp nhiệt gây sỏi thận.

Phép trị: Bổ thận, thanh thấp nhiệt, thông lâm, chỉ thống.

Bài thuốc
-Tang chi 30 grs
-Kim tiền thảo 40 grs
-Hải kim sa 30 grs
-Hoạt thạch 20 grs
-Kê nội kim 15 grs
-Vương bất lưu hành 9 grs
-Thạch vi 12 grs
-Tì giải 9 grs
-Lai phụ tử (sao vàng) 9 grs
-Mẫu đơn bì 9 grs
-Trạch tả 9 grs
-Thục địa 9 grs
-Tần giao 9 grs
-Tục đoạn 9 grs
-Bạch giới tử (sao vàng) 9 grs
-Đại táo 3 trái

Tác dụng:

-Tang chi, kim tiền thảo, hải kim sa, hoạt thạch, vương bất lưu hành, thạch vi, tì giải, trạch tả: Thanh nhiệt, thông lâm.

-Kê nội kim: Chỉ huyết.

-Lai phụ tử, bạch giới tử: Công dụng đặc biệt với ứ nước bể thận, thông điều, thủy đạo.

-Mẫu đơn bì, thục địa: Bổ huyết, thanh nhiệt thân và bàng quang.

-Tần giao, tục đoạn: Hóa thấp.

-Đại táo: Bổ huyết và phối hợp các vị thuốc.

Sỏi do thấp nhiệt uất kết 

Triệu chứng tiểu gắt, mót tiểu, tiểu đau, nước tiểu đục, người cảm nặng nề, đau bụng, đau lưng ê ẩm từ ngày nọ qua tháng kia, tinh thần không minh mẫn, đôi khi đau tứ chi, cổ, vai.

Chẩn đoán: Thấp nhiệt uất kết gây sỏi thận.

Phép trị: Thanh nhiệt, hóa thấp, thông lâm, trục thạch.

Bài thuốc “Trục Thạch Thang.”
-Kim tiền thảo 40 grs
-Hải kim sa 20 grs
-Sinh địa 12 grs
-Bạch thược 9 grs
-Hổ phách phần 3 grs
-Mộc hương 6 grs
-Kê nội kim 6 grs
-Độc hoạt 9 grs
-Tần giao 9 grs
-Cam thảo 3 grs

Tác dụng:

-Kim tiền thảo, hải kim sa: Thông lâm, trục thạch.

-Hổ phách, kê nội kim: Ngưng tiểu tiện ra huyết và tán ứ.

-Sinh địa, bạch thược: Thanh huyết nhiệt, dưỡng huyết, lợi tiểu, chỉ thống.

-Mộc hương: Tiêu thấp và tản khí.

-Độc hoạt, tần giao: Tiêu thấp.

-Cam thảo: Phối hợp các vị thuốc.

Nguyên nhân gây bệnh:

-Do di truyền: Sỏi cystine và sỏi uric acid thường thấy xuất hiện ở bệnh nhân có liên hệ với dòng họ đã bị bệnh này.

-Do dị ứng bẩm sinh: Đường tiết niệu phần lớn do hẹp chỗ nối bể thận niệu quản, hẹp niệu quản, phình niệu quản, hẹp cổ bàng quang, thận đa nang…

-Do tà khí thấp nhiệt uất kết ở hạ tiêu, khí hóa ở bàng quang bất lợi, lâu ngày chất dơ trong nước tiểu cô đặc lại hóa thạch (thạch lâm).

-Do chế độ ăn uống: Sỏi dễ thành lập khi thường xuyên ăn thực phẩm có chứa nhiều thành phần purine, oxalate, calcium, hoặc phosphate, rau mùng tơi Mỹ… là những loại thực phẩm tạo ra sỏi oxalate.

-Địa dư: Khí hậu nóng, hay khô ở vùng nhiệt đới hay sa mạc có ảnh hưởng tới sự phát sinh ra sỏi. Tuy nhiên điều này chưa có nghiên cứu nào rõ ràng mà chỉ phỏng đoán mà thôi.

Về phương pháp điều trị, theo Y Khoa Đông Phương dựa vào chứng và mạch qua lâm sàng để chọn pháp trị liệu thích hợp. Với sỏi đường tiết niệu, phương pháp trị thường được ứng dụng là thanh nhiệt, hóa thấp, thông lâm, trừ thạch. (Bác Sĩ Đặng Trần Hào)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT