Thursday, April 25, 2024

Chẩn đoán và điều trị ho do hen suyễn

 

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Suyễn dạng ho, là một loại suyễn mà triệu chứng chính là ho khan (không có đàm). Các bệnh nhân này thường không có các triệu chứng điển hình của suyễn như khò khè, khó thở.

Ho do hen suyễn có thể xảy ra ngày hay đêm. Nếu xảy ra ban đêm, nó có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. (Hình minh họa: United Nations COVID-19 Response/Unsplash)

Đây là một trong ba bệnh thường gặp nhất gây ra ho kéo dài (từ tám tuần trở lên):

-Bệnh trào ngược thực quản dạ dày (GERD).

-Dị ứng gây nước mũi chảy ngược vào cổ họng (post-nasal drips).

-Suyễn dạng ho (Cough-Variant Asthma).

Ho do hen suyễn có thể xảy ra ngày hay đêm. Nếu xảy ra ban đêm, nó có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Bệnh nhân ho do suyễn có thể có các triệu chứng như:

-Ho gia tăng hay xảy ra khi tập thể dục, được gọi là suyễn gây ra khi tập thể dục (exercise-induced asthma).

-Ho gia tăng hay xảy ra khi tiếp xúc với các chất kích hoạt cơn suyễn như bụi, không khí lạnh, nước hoa nặng mùi, lông chó mèo…

Nguyên nhân

Ai cũng có thể bị suyễn dạng ho vào bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời. Nhưng nó thường bắt đầu xuất hiện hơn ở tuổi thiếu niên, ở những trẻ đã bị suyễn lúc còn nhỏ.

Ho do suyễn, có thể dẫn tới sự phát triển của suyễn điển hình, với các triệu chứng khò khè, khó thở, hụt hơi.

Cho tới nay, người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân sâu xa của bệnh suyễn. Tuy nhiên, ho do suyễn có thể xảy ra, được kích hoạt sau khi bệnh nhân:

-Bị nhiễm trùng đường hô hấp trên (do virus hay vi trùng), ví dụ như cảm, viêm xoang…

-Hít thở không khí lạnh.

-Tiếp xúc với chất gây dị ứng như nước hoa, bụi, lông thú…

-Dùng một số thuốc có thể kích hoạt cơn suyễn trong nhóm thuốc được gọi là beta-blockers. Các thuốc thuộc nhóm này có thể được dùng để:

+Trị cao huyết áp, trị bệnh tim, trị suy tim, trị tim đập nhanh.

+Trị run tay.

+Trị hay ngừa nhức đầu migraines.

+Trị cườm nước (glaucoma) hay một số bệnh mắt khác (dưới dạng thuốc nhỏ mắt).

-Những người bị nhạy cảm với aspirin cũng có thể bị ho do suyễn khi dùng aspirin.

Chẩn đoán

Suyễn dạng ho, vì không có các triệu chứng khò khè, hụt hơi điển hình của hen suyễn, không phải lúc nào cũng dễ được chẩn đoán.

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách hỏi bệnh sử, khám phổi, cho chụp hình phổi (nếu ho trên tám tuần, hoặc ho nặng), đo chức năng phổi (spirometry, bằng cách cho ta thổi vào một dụng cụ gọi là spirometer sau khi hít sâu, để xem chức năng phổi của ta như thế nào). Tuy nhiên, các bệnh nhân suyễn dạng ho thường có thể có kết quả bình thường khi làm các xét nghiệm này.

Một xét nghiệm khác, được gọi là methacholine challenge test, có khi được dùng sau khi các xét nghiệm trên cho kết quả bình thường, trong khi bác sĩ vẫn nghĩ đến nguyên nhân ho có thể là do suyễn.

Methacholine là một thuốc làm co thắt phế quản, tạo ra cơn khò khè giống như suyễn, dù là bệnh nhân có bệnh nhân có bị suyễn hay không. Trong xét nghiệm này, bệnh nhân sẽ được cho hít thuốc này trước và sau khi được thử spirometry (đo chức năng phổi). Nếu chức năng phổi bị giảm ít nhất là 20% khi dùng thuốc này, thì có thể là ho này là do suyễn. Một thuốc làm giãn phế quản, dĩ nhiên, lúc nào cũng sẵn sàng để chữa cơn ho hay suyễn gây ra do methacholine (không phải ai cũng muốn “được” làm xét nghiệm này, vì cơn khò khè, khó thở gây ra do thuốc, không phải là chuyện mà ai cũng muốn “thử”).

Do đó, một cách khác mà bác sĩ dùng để chẩn đoán suyễn dạng ho, là thử trị cơn ho với các thuốc suyễn. Nếu ho thuyên giảm với thuốc suyễn, thì nhiều khả năng, chứng ho đó đúng là do suyễn.

Bệnh nhân bị ho do suyễn được điều trị y như với các bệnh nhân bị suyễn điển hình, tức là cho các thuốc hít để trị cơn suyễn. (Hình minh họa: Mohamed Hassan/Pixabay)

Điều trị

Bệnh nhân bị ho do suyễn được điều trị y như với các bệnh nhân bị suyễn điển hình (với cơn khò khè, hụt hơi, khó thở) khác: Ta sẽ được cho các thuốc hít để trị cơn suyễn (asthma inhaler như albuterol, ipratropium), và các thuốc hít để trị viêm sưng phế quản bằng chất chống viêm có chất steroid (steroid inhalers).

Nếu đúng ho này là do suyễn, ta sẽ từ từ thấy sự cải thiện của các triệu chứng trong vòng sáu đến tám tuần. Cần kiên nhẫn! [qd]

Thân mến,

(714) 531-7930, [email protected]

Mục này chỉ nhằm giải đáp các thắc mắc về sức khỏe có tính cách tổng quát. Với các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc với bác sĩ để được thăm khám trực tiếp.

Nhiều thông tin thiết thực và bổ ích khác về sức khỏe cũng được phát trên “Radio Chuyện Sáng Chủ Nhật” ở vùng Orange County, California, vào mỗi sáng Chủ Nhật từ 6 giờ đến 9 giờ, trong chương trình “Câu Chuyện Sức Khỏe Sáng Chủ Nhật.” Nhiều thông tin sức khỏe bổ ích khác cũng có thể tìm thấy trên các website www.nguyentranhoang.com và www.radiochuyensangchunhat.com.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT