Thursday, May 2, 2024

Tâm lý trị liệu (kỳ 1)

Mục này chỉ nhằm giải đáp các thắc mắc về sức khỏe có tính cách tổng quát. Với các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc với bác sĩ để được thăm khám trực tiếp. Nhiều thông tin thiết thực và bổ ích khác về sức khỏe cũng được phát trên đài Radio Chuyện Sáng Chủ Nhật ở vùng Orange County, California, vào mỗi sáng Chủ Nhật từ 6 đến 9 giờ, trong chương trình “Câu Chuyện Sức Khỏe Sáng Chủ Nhật” và mục “Bác Sĩ Của Tôi” trực tiếp mỗi chiều Thứ Sáu từ 3 đến 4 giờ trên đài TV AVA 57.7 ở vùng Orange County, California. Nhiều thông tin sức khỏe bổ ích khác cũng có thể tìm thấy trên các website nguyentranhoang.com và radiochuyensangchunhat.com. Quý vị có thể liên lạc bác sĩ qua email: [email protected] hoặc điện thoại (714) 531-7930.

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Tâm lý trị liệu (psychotherapy) là một phương pháp điều trị rối loạn lo âu rất hiệu quả và không sử dụng thuốc. (Hình minh họa: Robyn Beck/AFP via Getty Images)

Khi sống với chứng lo âu, có thể ta đã quen với các triệu chứng gây trở ngại cho cuộc sống hàng ngày của mình. Ta có thể thấy nguy hiểm xung quanh mọi góc đường, hoài nghi mối quan hệ của mình, hoặc thậm chí chỉ nhận ra những điều tồi tệ nhất về bản thân trong nhiều tình huống.

Chứng lo âu có thể làm cho những nỗi sợ hãi tồi tệ của ta trông có vẻ nguy hiểm hơn nhiều so với thực tế – nhưng ngay cả khi đã nhận thức được điều này, việc loại bỏ những lo lắng đó cũng có thể không dễ chút nào.

Tâm lý trị liệu (psychotherapy) là một phương pháp điều trị rối loạn lo âu rất hiệu quả và không sử dụng thuốc.

Nó có thể được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với thuốc để đạt được kết quả tốt nhất.

Các loại rối loạn lo âu khác nhau lại đều có một đặc điểm chung là sự căng thẳng, sợ hãi, hoang mang và cảm giác bất an không thực sự có căn nguyên hợp lý.

Tâm lý trị liệu tập trung vào việc giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về cảm xúc và suy nghĩ của mình. Bằng cách đào sâu vào những suy nghĩ tiêu cực, những nỗi lo âu và sự lo lắng không kiểm soát, các nhà tâm lý trị liệu có thể giúp bệnh nhân tìm ra những giải pháp tích cực hơn để đối phó với tình trạng lo âu của mình.

Trong tâm lý trị liệu, các nhà tâm lý trị liệu sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để giúp bệnh nhân vượt qua rối loạn lo âu. Các phương pháp này có thể bao gồm:

  • Cognitive Behavioral Therapy (CBT) – Trị liệu hành vi-nhận thức
  • Exposure Therapy – Trị liệu tiếp xúc
  • Acceptance and Commitment Therapy (ACT) – Trị liệu chấp nhận và cam kết
  • Mindfulness-Based Stress Reduction (MBSR) – Trị liệu giảm căng thẳng dựa trên tỉnh thức
  • Dialectical Behavior Therapy (DBT) – Trị liệu hành vi bằng cách so sánh với chiều ngược lại
  • Interpersonal Therapy (IPT) – Trị liệu quan hệ cá nhân
  • Psychodynamic Therapy – Trị liệu động lực tâm lý
  • Eye Movement Desensitization and Reprocessing (EMDR) – Trị liệu giảm nhạy cảm và xử lý lại chuyển động mắt
  • Group Therapy – Trị liệu tập thể
  • Family Therapy – Trị liệu gia đình

Cognitive Behavioral Therapy (CBT) – Trị liệu hành vi nhận thức 

CBT (Trị liệu hành vi nhận thức) là một trong những phương pháp trị liệu phổ biến nhất. Theo Hiệp Hội Tâm Lý Học Mỹ (APA), nó có thể giúp điều trị nhiều rối loạn  khác nhau, như trầm cảm, lo âu, nghiện ngập.

Một điểm chính của trị liệu hành vi nhận thức là niềm tin rằng các rối loạn tâm lý (như lo âu) có phần dựa trên các mẫu tư duy, và phần dựa trên hành vi đã học được. Do đó,trị liệu hành vi nhận thức nhằm giải quyết và điều chỉnh các mẫu tư duy không có lợi cho bệnh nhân, và cung cấp cho họ các công cụ để giúp đối phó với lo âu khi nó tái phát.

Trong CBT, ta có thể học cách nhận biết các mẫu tư duy sai lệch và sau đó đánh giá lại những suy nghĩ đó. Ta cũng có thể luyện tập đối mặt với nguồn gốc của lo âu, với các kỹ thuật thư giãn và làm dịu.

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng CBT có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả cho các thanh thiếu niên mắc rối loạn lo âu xã hội, đặc biệt là khi bắt đầu sớm. Nhiều nghiên cứu cũng ủng hộ việc sử dụng CBT trong điều trị nhiều loại rối loạn lo âu khác nhau.

Tâm lý trị liệu tập trung vào việc giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về cảm xúc và suy nghĩ của mình. (Hình minh họa: Gerd Altmann/Pixabay)

Các rối loạn nhận thức là gì?

Suy nghĩ bị méo mó hay rối loạn nhận thức (cognitive distortions) là những mẫu suy nghĩ cường điệu không dựa trên sự thật. Điều này dẫn đến việc ta nhìn nhận sự việc một cách tiêu cực hơn so với thực tế.

Nói cách khác, rối loạn nhận thức là khi tâm trí của ta thuyết phục ta tin vào những điều tiêu cực về chính ta và thế giới xung quanh ta, mà không hẳn là đúng sự thật.

Suy nghĩ của chúng ta ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc và hành vi của mình. Khi coi những suy nghĩ tiêu cực này là sự thật, ta có thể nhìn nhận sự việc dựa trên cái nhìn, nghe, cảm nhận chủ quan, không chính xác của chính mình và hành xử dựa trên giả định sai lầm.

Đa số mọi người đều bị rơi vào rối loạn nhận thức nhiều lần trong đời. Điều này thường xảy ra thường xuyên hơn khi chúng ta cảm thấy buồn chán.

Nhưng nếu quá thường xuyên rơi vào suy nghĩ tiêu cực, sức khỏe tâm thần của ta có thể bị ảnh hưởng.

Ta có thể  học cách nhận biết rối loạn nhận thức để biết khi nào tâm trí của ta đang chọc phá ta. Sau đó, ta có thể thay đổi và điều chỉnh suy nghĩ của mình để chúng có ít tác động tiêu cực đến tâm trạng và hành vi của bạn.

Sau đây là một số dạng suy nghĩ bị méo mó (cognitive distortions) thường gặp:

  • Lọc thông tin
  • Cực đoan hóa
  • Khái quát hóa quá mức
  • Khước từ những điểm tích cực
  • Rút ra kết luận quá sớm
  • Phóng đại hóa vấn đề
  • Cá nhân hóa quá mức
  • Giả định sai lầm về việc kiểm soát
  • Định kiến về sự công bằng
  • Chỉ trích người khác
  • “Nên phải”
  • Lý do cảm xúc
  • Giả định thay đổi
  • Gán nhãn
  • “Luôn luôn đúng.”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT