Luật Bảo Vệ Tài Sản: Tại sao tài sản cần được che chở?

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật Sư tại California và tiểu bang Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. website: www.lylylaw.com

Trong bài báo trước chúng tôi trình bày một vài phương cách thường được luật sư chuyên môn về bảo vệ tài sản áp dụng cho thân chủ trong mục đích bớt thuế khi rút tiền lời từ trương mục đầu tư hoặc với mục đích che chở tài sản khỏi bị tịch biên hay xiết nợ vì bị thưa kiện. Như vậy tài sản được luật pháp bảo vệ ra sao?

Từ ngữ “bảo vệ tài sản” dùng trong luật pháp Hoa Kỳ để chỉ hành động bảo toàn hay che chở tài sản của một cá nhân bất luận loại nào như vật dụng riêng tư, bất động sản, chứng khoán hay tiền bạc hoặc các món trân quí khác trước nguy cơ bị người khác tước đoạt vì thua kiện. Dù dưới hình thức nào chăng nữa mọi người trong cuộc sống ít nhiều gì đều từng áp dụng một vài biện pháp bảo vệ tài sản, thí dụ như bảo hiểm nhà cửa xe cộ, gắn hệ thống báo động trong nhà, lập di chúc chỉ định thừa kế khi qua đời định rõ tài sản sẽ để lại cho ai, hoặc ký thác tiền bạc vào ngân hàng. Có thủ tục bắt buộc phải thi hành do luật định nhưng cũng có thủ tục do tự ý lựa chọn. Sở dĩ mọi người lựa chọn thực thi các thủ tục an toàn đó có thể do kinh nghiệm hiểu biết bản thân hoặc vì chứng kiến tai họa từng xảy ra cho người khác do thiếu biện pháp phòng vệ nên phải gánh hậu quả đau thương mất mát tài sản hay các thứ quí giá khác khi tai biến đến bất chợt mà không tiên đoán trước được.

Vậy tai họa bất trắc nào cần phải đề phòng và những tài sản nào cần được bảo vệ? Tất nhiên những mục được chọn bảo vệ là những mục được biết có bị đe dọa nên được coi như hành động “bảo vệ phản ứng” (reactive protections). Những biện pháp phòng ngừa này được mọi người thi hành cốt để bảo toàn cho chính mình nếu có chuyện bất hạnh xảy ra vào một lúc không may nào đó có thể đưa đến thiệt hại trầm trọng. Cũng có người nghĩ rằng “ai bị xui xẻo chớ tôi thì không.” Nhận định sai lầm đó khiến cho tài sản bị rơi vào tình trạng không được bảo vệ trong lúc người ấy không lưu ý đến nguy cơ đáng lẽ tiên đoán được lại để xảy ra, thí dụ như kinh doanh bị thất bại; hoặc không biết để ý đến một nguồn đe dọa khó đoán hơn có thể đưa đến đe dọa trầm trọng cho an toàn tài chánh, đó là phản ứng của chủ nợ là những người ngoài chuyên dùng pháp luật để xiết đoạt tài sản của con nợ bằng phương pháp cổ điển nhất là đem ra tòa kiện tụng. Có những vụ chủ nợ kiện với lý do chính đáng và hợp pháp được tòa bênh vực thí dụ như những lỗi bội ước vi phạm hợp đồng hay quỵt nợ. Ngoài ra còn nhan nhản những vụ kiện khác càng ngày càng tăng trong xã hội thời nay vốn đã tràn ngập chuyện kiện cáo thí dụ như đòi bồi thường thương tích do bất cẩn, hay đòi cấp dưỡng ly dị nuôi con thơ, hoặc mất mát trong những cuộc mạo hiểm kinh doanh bị thất bại. Xã hội Hoa Kỳ thời nay càng ngày càng đẻ ra thêm nhiều luật lệ mới áp đặt đủ mọi thứ trách nhiệm liên đới nếu dính dáng sẽ phải đền bồi rất nặng, thí dụ như trách nhiệm chủ đất trong các khu vực làm sạch sẽ ô nhiễm môi trường, trách nhiệm chủ hãng sở kinh doanh trong việc bồi thường cho công nhân theo luật trợ giúp người tàn tật (Americans with Disabilities Act), luật Y Tế Gia Đình (Family Medical Leave Act), hay bồi thường nạn nhân sách nhiễu tình dục (sexual harassement claims).

Các thí dụ trên có ý nghĩa rằng trong kế hoạch phòng vệ toàn thể ngoài các biện pháp “bảo vệ phản ứng” chúng ta còn phải có “bảo vệ cố hữu” (proactive protections) là những biện pháp che chở những mục trọng yếu đã có sẵn từ trước. Nhân vật có đủ khả năng bảo vệ an toàn cho tiền mồ hôi nước mắt cùng những tài sản giá trị của thân chủ chính là một luật sư chuyên môn đặc biệt trong lãnh vực luật bảo vệ tài sản vốn bao gồm cả hai bộ môn luật rắc rối luôn luôn thay đổi là luật tài sản lẫn luật thuế.

Dĩ nhiên khi đề cập đến việc bị kiện cáo thì phản ứng đầu tiên của quí vị là nghĩ đến ai kiện và vì sao mà kiện được một khi mình là người làm ăn đứng đắn và là công dân thượng tôn pháp luật và như vậy chắc sẽ chẳng bao giờ có ai theo sau làm hại mình cả. Điều đó có thể đúng trong hiện tại, nhưng quan niệm chính của luật bảo vệ tài sản là tiên liệu trước những bất trắc có thể xẩy ra trong tương lai càng tính xa được tới đâu thì hay tới đó để mà phòng ngừa trước cho chắc ăn. Nên dành ra đôi lúc để suy nghĩ tại sao đã có vài biện pháp đang áp dụng. Giả sử có động đất với độ địa chấn 8.0 xảy ra ngay tại chỗ đang ở và đánh sụp đổ hoàn toàn cơ nghiệp trong phút giây trọn vẹn cơ nghiệp biến thành đống gạch vụn tan hoang. Theo thống kê tính ra nguy cơ này rất mong manh nhưng nếu đã mua bảo hiểm động đất thì có thể ăn ngon ngủ yên không phải lo âu gì, có thể sẽ chẳng bao giờ phải đòi bảo hiểm bồi thường thiệt hại nhưng bao giờ cũng được bảo đảm hoàn toàn chẳng bị mất mát gì nếu động đất có xẩy ra chăng nữa. Bảo hiểm xe cộ cũng có cùng một triết lý như vậy, dĩ nhiên chẳng ai dại dột cầu mong cho tai nạn xảy ra, nhưng nếu lỡ không may bị tai nạn thật thì ít ra cũng có tiền điều trị thuốc men và sửa chữa hư hỏng hay mua xe khác. Tương tự một kế hoạch bảo vệ tài sản được ví giống như một hợp đồng bảo hiểm toàn bộ gia sản để bảo vệ quí vị tránh bị mất trọn gia sản trong trường hợp vướng trách nhiệm cá nhân liên quan đến nghiệp vụ kinh doanh hoặc bồi thường dân sự. Nếu một phần hoặc toàn bộ tài sản của một nghiệp chủ được bảo vệ theo luật thì khi tai biến xảy ra người ấy vẫn còn đầy đủ tài nguyên để tạo dựng lại cơ nghiệp.

Liệu quí vị có thể tưởng tượng ra được hoàn cảnh nào khiến mình bị kiện? Tùy theo nghề nghiệp và tùy theo địa vị cao thấp trong xã hội cùng tùy theo khả năng thanh toán tài sản của thân chủ, người luật sư có thể tiên đoán và đặt giả thuyết đối lại từng hoàn cảnh hay tai biến có thể xẩy ra với phản ứng của tất cả chủ nợ rồi từ đó luật sư sẽ sắp đặt biện pháp phòng vệ thích ứng sẵn sàng đối phó với bất cứ nghịch cảnh nào.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục trình bày thêm về Luật Bảo Vệ Tài Sản Hoa Kỳ và nêu trường hợp điển hình về những thành phần thường gặp nguy cơ cần bảo vệ tài sản. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với LyLy Nguyễn, Esq. tại văn phòng chính ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708. Điện thoại: (714) 531-7080; 114 E. Chance A La Mer, Suite 100, Ocean Shores Washington. Điện thoại: (360) 633-8880, website:lylylaw.com. (Luật Sư LyLy Nguyễn)