Sunday, May 12, 2024

Thuốc trị viêm khớp và tác dụng phụ

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Hỏi:

-Tôi nghe nói nếu bị đau bao tử thì dùng Celebrex sẽ an toàn, có đúng không? Có người lại nói là thuốc này cũng có thể hại bao tử, và lại còn có thể không tốt cho tim nữa. Xin cho biết thực hư như thế nào. Và, vậy thì trong trường hợp nào thì có thể dùng thuốc này?

-Tôi không có bị “ba cao” máu, mở và đường, mà chỉ thỉnh thoảng bị “một thấp,” tức là thấp khớp. Vậy thì khi bị đau nhức, tôi có thể dùng thuốc Motrin hay Naproxen được không? Có người nói là thuốc Celebrex hay hơn, nhưng mà thuốc này mắc hơn, bảo hiểm của tôi không trả tiền cho thuốc này, vậy thì thuốc Naproxen có thua thuốc Celebrex không? 

Đáp:

Trong bệnh viêm xương khớp, bên cạnh các phương pháp không dùng thuốc thì thuốc men thường là một thành phần quan trọng của kế hoạch điều trị. Có nhiều loại thuốc khác nhau.

Các thuốc chống viêm không phải là steroid (NSAIDs-NonSteroidal Anti-Inflammatory Drugs)

Cần nhắc lại rằng bệnh viêm xương khớp có thể xảy ra ở một trong hai dạng là có viêm (đủ cả sưng, nóng, đỏ, đau) hoặc không có viêm (chỉ đau nhưng không thấy sưng, nóng, đỏ). Thuốc chống viêm thường được dùng trong trường hợp đau nhiều không giảm đúng mức với thuốc giảm đau hoặc trong trường hợp có các triệu chứng sưng, nóng, đỏ (gọi là viêm-inflamation) bên cạnh triệu chứng đau.

Khi nói đến NSAIDs, ta thường nghe nói đến hai nhóm, là nhóm NSAIDs không có chọn lọc (Nonselective NSAIDs), và nhóm có chọn lọc (Selective NSAIDs, còn được gọi chính xác hơn là COX 2 inhibitors). Tưởng nên giải thích ngắn gọn về điều này để từ nay ta không bị lẫn lộn.

Các thuốc NSAIDs không chọn lọc: Bao gồm các thuốc bán không cần toa bác sĩ như kể trên (Motrin, Aleve, Advil, Haltran, Menadol, Midol, Nuprin…), và các thuốc này, nhưng với liều cao hơn, hoặc một số thuốc khác chưa được chuẩn thuận cho OTC (Over The Counter – mua trên quầy, không cần toa), (thì) cần có toa bác sĩ.

Các thuốc NSAIDs không chọn lọc không cần toa thường là với liều thấp và thường chỉ đủ để giảm đau. Nếu muốn giảm viêm, ta thường cần phải dùng liều cao hơn và dùng trong một thời gian nhất định (thường là hai đến bốn tuần). Do đó, nếu bác sĩ đã kê toa dùng trong hai đến bốn tuần, nếu không thấy có biến chứng gì, tốt nhất ta nên dùng đủ thời gian, vì nếu thấy bớt đau mà ngừng ngay, thì vì phản ứng viêm (là nguyên nhân của đau) vẫn chưa được trị có hiệu quả, cơn đau sẽ có thể sẽ trở lại sớm hơn.

Cũng vì lý do đó, nếu cho liều thấp mà thấy triệu chứng đau không giảm, bác sĩ sẽ có thể phải tăng liều để đánh vào nguyên nhân của đau (tức là phản ứng viêm của khớp). Và, khi đã được cho liều cao, ta nên theo dõi đều đặn với bác sĩ để để thêm bớt thuốc, điều chỉnh liều lượng thích hợp và phát hiện các tác dụng phụ sớm (nhiều khi phải thử máu mới thấy).

Đôi khi, cùng là NSAIDs, nhưng nếu dùng thuốc này không thấy hiệu quả, đổi qua thuốc khác hoặc kết hợp với một thứ nữa lại “hợp” với mình hơn.

Khi đã dùng NSAIDs, ta không nên dùng một loại NSAIDs khác cùng lúc (đó cũng là một trong những lý do cần phải tham khảo với bác sĩ khi đã dùng thuốc gì khác). Tuy nhiên, cho tới nay, các nghiên cứu cho thấy, có vẻ là nếu chỉ dùng aspirin với liều thấp thì dùng thêm một loại NSAIDs để chữa đau hay viêm vẫn an toàn.

Cũng có loại NSAIDs ngoài dạng uống, còn có dạng thoa (ví dụ như Voltaren gel), cũng có thể ít hại cho bao tử hơn là cũng thuốc đó, mà dùng dạng uống.

Celebrex được khuyên dùng, nhưng không nên sử dụng ở những người bị bệnh thận, suy tim, xơ gan, những người đang dùng thuốc lợi tiểu, dị ứng với aspirin… (Hình minh họa: Tim Sloan/AFP via Getty Images)

Các thuốc NSAIDs chọn lọc (còn gọi là COX-2 inhibitors) 

Gọi là chọn lọc vì chúng chỉ “đánh” vào các thụ thể gây đau mà ít “đánh” vào các thụ thể bảo vệ bao tử nằm lân cận đó, do đó chúng ít (chứ không phải không) gây ra biến chứng loét ruột và bao tử, hơn loại không chọn lọc.

Các thuốc này chỉ ít hại hơn cho bao tử thôi, chứ ở những người không bị đau bao tử, thì thuốc này cũng không có gì mạnh hơn các thuốc NSAIDs không chọn lọc nêu trên như là Naproxen, Motrin… Ở Hoa Kỳ, trước đây, có ba thuốc trong nhóm này là Celebrex, Vioxx và Bextra. Nay, chỉ còn lại Celebrex là được FDA (Cơ Quan Kiểm Soát Thuốc và Thực Phẩm Hoa Kỳ) cho lưu hành.

Các thuốc COX 2 inhibitors này, đôi khi được sử dụng ở những người đã từng bị loét ruột hay dạ dày hoặc bị cào bao tử khi dùng các thuốc NSAIDs không chọn lọc.

Tuy nhiên, thuốc vẫn có nguy cơ nhỏ gây ra loét ruột và dạ dày, và nếu ai đó đã từng bị loét hoặc chảy máu ruột/bao tử mà không phải là do các thuốc NSAIDs không chọn lọc, thì tốt hơn hết, bác sĩ sẽ cho thêm một loại thuốc giúp chống loét khi ta dùng thuốc này.

Hoặc nếu dùng các thuốc giảm đau hoàn toàn không có hại cho bao tử, như Tylenol, mà đã thấy đủ hiệu quả, thì tránh dùng thuốc này (một cách không thật cần thiết), là an toàn nhất.

Loại thuốc NSAIDs chọn lọc còn lại duy nhất trên thị trường Hoa Kỳ hiện nay là Celebrex, không nên được sử dụng ở những người bị bệnh thận, suy tim, xơ gan, những người đang dùng thuốc lợi tiểu và những người dị ứng với aspirin và các thuốc nhóm sulfonamides, những người có bầu ở ba tháng chót (khi đã có bầu thì dùng thuốc gì cũng nên tham khảo bác sĩ).

Những người cần phải cẩn thận khi dùng Celebrex là những ai bị cao huyết áp, bị polyp ở trong lỗ mũi, bị suyễn, người cao tuổi.

Tóm lại, cho dễ nhớ, chỉ dùng Celebrex khi được bác sĩ kê toa, không nên “mượn” người khác. Và cũng không nên vì dùng thuốc này rồi, thấy “hay quá,” mà lại đem cho “tùm lum,” thì coi chừng sẽ bị “làm ơn mắc oán.” Vì thuốc hợp với mình mà lại có thể mang họa đến cho người khác.

Thân mến

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
(714) 531-7930
[email protected]


Mục này chỉ nhằm giải đáp các thắc mắc về sức khỏe có tính cách tổng quát. Với các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc với bác sĩ để được thăm khám trực tiếp.

Nhiều thông tin thiết thực và bổ ích khác về sức khỏe cũng được phát trên “Radio Chuyện Sáng Chủ Nhật” ở vùng Orange County, California, vào mỗi sáng Chủ Nhật từ 6 giờ đến 9 giờ, trong chương trình “Câu Chuyện Sức Khỏe Sáng Chủ Nhật.” Nhiều thông tin sức khỏe bổ ích khác cũng có thể tìm thấy trên các website www.nguyentranhoang.comwww.radiochuyensangchunhat.com.


 

MỚI CẬP NHẬT