Monday, April 29, 2024

Trạm không gian Trung Quốc 8.5 tấn rơi xuống mặt đất cuối tuần này

Hà Tường Cát/Người Việt

Trạm không gian Tiangong-1 (Thiên Cung-1) của Trung Quốc đưa lên quỹ đạo năm 2011 đến nay không còn điều khiển được sẽ rớt tự do trở lại mặt đất vào cuối tuần này.

Tiangong-1 dài 10.4 mét, ngang 3.4 mét, nặng 8.5 tấn, không gian hữu dụng 15 mét khối gồm hai thành phần: bộ phận tài nguyên có động cơ và máy phát điện dùng năng lượng mặt trời; phòng thí nghiệm nơi các phi hành gia làm việc. Trạm có 2 giường ngủ và một ít dụng cụ thể dục nhưng không có bếp và phòng vệ sinh; các phi hành gia sử dụng những tiện nghi này ở phi thuyền của họ trong thời gian lên trạm.

Phi thuyền tự động Tiangong-1 được hỏa tiễn Changzheng 2F(Trường Chinh 2F) phóng lên không gian ngày 29 Tháng Chín, 2001. Phi thuyền tự động Shenzhou 8 (Thần Châu 8) phóng lên một tháng sau đã hai lần thử nghiệm ráp nối thành công với trạm Tiangong-1. Phi thuyền Shenzhou 9 và Shenzhou 10 mỗi phi thuyền đưa 3 phi hành gia lên trạm làm việc hai tuần lễ trong Tháng Sáu năm 2012 và 2013.

Theo kế hoạch ban đầu, Tiangong-1 chỉ hoạt động hai năm, sau đó kéo dài thêm hai năm nữa và sẽ được điều khiển để đi vào khí quyển và rơi có kiểm soát. Nhưng tới ngày 21 Tháng Ba, năm 2016, Cơ Quan Không Gian Trung Quốc loan báo chính thức chấm dứt nhiệm vụ của trạm và sau đó mất liên lạc điều khiển. Tiangong-1 tiếp tục bay tự do không điều kiển trên quỹ đạo trong hai năm tiếp theo.

Tiangong-1 bay quanh Trái Đất trên quỹ đạo hình ellipse, nghiêng 42.8 độ so với mặt phẳng xích đạo, cách Trái Đất gần nhất 196 km và xa nhất 215 km. Giống như các vệ tinh nhân tạo ở quỹ đạo thấp không được tiếp thêm sức đẩy, trạm Tiangong-1 giảm cao độ dần dần theo thời gian để cuối cùng đi xuống ngoại tầng khí quyển và cháy tiêu do sức nóng vì ma sát với không khí.

Theo dự đoán, Tiangong-1 sẽ đi vào khí quyển và rơi về mặt đất trong khoảng thời gian từ 30 Tháng Ba đến 2 Tháng Tư. Phần lớn trạm sẽ tan rã và cháy tiêu trên không, tuy nhiên một số bộ phận có cấu tạo kiên cố như động cơ hỏa tiễn sẽ không thể cháy hết, và còn lại những mảnh vụn có thể lớn khoảng 100 kg cháy đỏ rớt xuống tới đất hay biển.

Cơ Quan Không Gian Âu Châu ESA cầm đầu một ủy ban quốc tế theo dõi đường đi xuống của Tiangong-1 nói rằng không thể biết chính xác nơi trạm sẽ rớt. Nhưng 70% bề mặt Trái Đất là biển hay vùng hoang vu không người, cho nên hy vọng Tiangong-1 sẽ rơi xuống vùng ít dân cư hay giữa biển. Rủi ro một mảnh của trạm rớt trúng người ta gần như không có, với xác suất dưới 1 phần ngàn tỷ, rất nhỏ so với xác suất một người bị sét đánh trúng là 1/10,000.

Năm 1997, một phụ nữ bị một mảnh vụn được coi là của một hỏa tiễn Delta rớt trúng vai nhưng không bị thương. Đấy là tai nạn duy nhất từ trước đến nay một người bị trúng một mảnh vụn của những vật do con người đưa lên không gian.

Mặc dầu nặng tới 8.5 tấn, trạm Tiangong-1 chỉ đứng hàng thứ 50 trong số các phi thuyền lớn đã rớt xuống Trái Đất, hầu hết là rơi có điều khiển. Trường hợp được biết đến nhiều nhất là trạm không gian Skylab của Mỹ đưa lên không gian năm 1973, rớt trở lại mặt đất năm 1979. NASA hãy còn có thể cố gắng điều khiển cho Skylab đi vào bầu khí quyển và rớt xuống Ấn Độ Dương cách Nam Phi khoảng 1,300 km về hướng Nam-Đông Nam. Nhưng Skylab tan rã sớm và một số mảnh rơi xuống vùng sa mạc Australia phía Đông thành phố Perth. Một cộng đồng ở Australia, Shire of Esperance, kiện NASA đòi bồi hoàn $400 tiền công lượm rác.

Hiệp ước quốc tế về không gian ngoài Trái Đất (Outer Space Treaty) quy định quốc gia sở hữu những vật phóng lên không gian phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại do những mảnh vỡ gây ra trên mặt đất, mặt biển, hay phi cơ đang bay, Năm 1978, Canada kiện Liên Xô đòi bồi thường Canada $6 triệu vì phi thuyền Cosmos 954 mang động cơ nguyên tử rơi xuống miền Bắc nước họ. Sau nhiều cuộc thương lượng, Liên Xô phải đồng ý trả Canada $3 triệu.

Nếu mảnh vỡ của trạm Tiangong-1 gây tai nạn, quốc gia liên hệ chứ không phải chính nạn nhân đứng đơn kiện Trung Quốc và vụ kiện sẽ kéo dài hàng năm thông qua nhiều kênh ngoại giao.

Trạm Tiangon-1 đi một vòng quỹ đạo hết 1 giờ 28 phút và khi đã xuống thấp sẽ còn bay hơn 10 vòng trước khi đi vào khí quyển rồi cháy và tan rã. Các chuyên gia nói rằng vì không rõ trọng khối còn lại của trạm và sức cản của không khí như thế nên không thể nào dự đoán chính xác cho đến gần giờ phút cuối cùng về thời điểm và địa điểm trạm không gian roi xuống. Vận tốc của trạm 27,000 km/giờ nên thời điểm rơi chỉ thay đổi chút ít địa điểm rơi sẽ cách xa hàng ngàn cây số.

Từ giữa Tháng Ba, càng lúc Tiangong-1 càng mất cao độ nhanh hơn, từ 1.3 km một ngày hôm 15 Tháng Ba tới 5.4 km hôm 28 Tháng Ba. Cho tới giữa tuần lễ này, thời điểm Thiên Cung-1 đi vào khí quyển được dự đoán là Chủ Nhật đầu Tháng Tư với sai số trước hoặc sau 1 ngày.

Do độ nghiêng của quỹ đạo, Tiangong-1 sẽ chỉ rơi xuống khu vực giới hạn giữa hai vĩ tuyến 43 độ Bắc và 43 độ Nam. Theo tính toán của các chuyên gia, những mảnh vụn sẽ rơi trên một dải đất dài 2,000 km ngang 70 km trong khu vực này. Diện tích bề mặt Trái Đất 510 triệu km2 nên dải đất 2,000×70 = 140,000 km2 chỉ là rất nhỏ. Tuy nhiên không có gì bảo đảm là dải đất này đi ngang vùng nào, khác nhau do Tiangong-1 bay và Trái Đất quay nghĩa là tùy thuộc thời điểm.

Chuyên gia Marco Langbroek, cố vấn trung tâm an ninh không gian của Không Quân Hòa Lan và địa thiên văn Leiden, nói rằng những vùng nằm giữa vĩ tuyến 43 độ Bắc và 43 độ Nam ở Âu Châu, Á Châu, Bắc Mỹ, Australia đều có thể là nơi Tiangong-1 rơi xuống. Nhưng ông hy vọng các mảnh không cháy tiêu hết trên khí quyển sẽ rơi ngoài các thành phố, xuống những vùng hoang vu rộng lớn hay giữa biển. Ông nói: “Chúng ta đừng nên bi thảm hóa quá đáng nhưng cũng không thể xem thường.” Theo lời ông, một nguy hiểm khác nữa cần lưu ý là chớ tò mò đến gần nếu thấy vật lạ rơi xuống vì có thể có những chất độc. (Hà Tường Cát)

MỚI CẬP NHẬT