Wednesday, May 15, 2024

Muốn đứng ra điều giải chiến tranh Ukraine, Tập Cận Bình thăm Pháp, Serbia, Hungary

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Tuần tới, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ viếng thăm Pháp, Serbia và Hungary vì ông muốn đóng vai trò quan trọng hơn trong việc giải quyết cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine đang gây xáo trộn thế giới về cả về chính trị lẫn kinh tế, Đài ABC News loan tin hôm Thứ Hai, 29 Tháng Tư.

Đây là cuộc công du đầu tiên của họ Tập, vừa là chủ tịch nước vừa là chủ tịch Đảng Cộng Sản cầm quyền tại Trung Quốc, từ năm năm qua. Nhà lãnh đạo cường quốc kinh tế đứng hạng nhì thế giới hy vọng sẽ “đem lại động lực mới cho tiến trình hòa bình của thế giới,” theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lâm Cẩn (Lin Jian) trong buổi thuyết trình tình hình thường lệ vào hôm Thứ Hai.

Trung Quốc vẫn ưa cho rằng họ giữ lập trường trung lập trong cuộc xung đột tại Ukraine, nhưng họ Tập và Tổng Thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố rằng hai chính phủ Nga-Trung có “tình thân hữu vô bờ bến” trước khi Nga đem quân xâm lăng Ukraine hồi Tháng Hai năm 2022. Trung Quốc không chịu coi vụ Nga đem quân đánh chiếm Ukraine là cuộc xâm lược, và vẫn bị dư luận quốc tế cáo buộc là đang cung cấp tài chánh và kỹ thuật để cho Nga có thể tiếp tục chế tạo các loại võ khí chống đánh Ukraine.

Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron ngày 7 Tháng Tư, 2023, ở Quảng Đông, Trung Quốc (Hình: JACQUES WITT/POOL/AFP/Getty Images)

Vẫn theo Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, chuyến viếng thăm của họ Tập sẽ khởi sự vào ngày 5 Tháng Năm và kết thúc vào ngày 10 Tháng Năm, nhưng không có chi tiết nào thêm cả.

Dĩ nhiên là chuyến công du Âu Châu của nhà lãnh đạo Trung Quốc lần này sẽ được Washington theo dõi sát nút để xem thử nó có gây thiệt hại cho các mục tiêu ngoại giao chính yếu của Hoa Kỳ trên toàn thế giới hay không.

Hồi năm ngoái, Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron đã khiến cho Washington đâm ra lo ngại khi ông tuyên bố trong chuyến thăm viếng Trung Quốc rằng Pháp sẽ không cứ mù quáng mà làm theo Hoa Kỳ để rồi dính líu tới các cuộc khủng hoảng không đáng cho Pháp quan tâm, ý muốn nhắn nhe rằng nếu Trung Quốc muốn thống nhất với đảo quốc Đài Loan thì Pháp sẽ lặng thinh.

Trung Quốc đã xây dựng mối quan hệ vững mạnh với Serbia bằng vụ bán một hệ thống hỏa tiễn phòng không cho quốc gia Đông Âu này hồi năm 2022. Còn với Hungary thì nước này vẫn có điểm cao với Trung Quốc khi cứ tìm mọi cách trì hoãn việc để cho Thụy Điển gia nhập Khối NATO, một sự kiện mà nước bạn Nga của Trung Quốc vừa lo vừa ghét, cho tới khi nào biết là không thể cù cưa được nữa thì mới chịu thôi. (TTHN)

MỚI CẬP NHẬT