Monday, May 20, 2024

Trương mục quản thủ cho con nhỏ

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật Sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080, website: www.lylylaw.com.

Trên đất Mỹ đa số thành phần trung lưu có gia tài ở mức khiêm tốn không bõ lập tín mục cho con nhỏ. Tuy vậy họ vẫn quan tâm muốn dành dụm ít nhiều phòng trường hợp không may giữa đường đứt gánh trần tục thì vẫn có chút gì để lại cho đám con thơ sau này được sống đầy đủ đến khi chúng trưởng thành.

Theo luật Hoa Kỳ một người lúc còn sống có quyền lập một “trương mục quản thủ” (custodian account) cho các con nhỏ dưới mười tám tuổi và chuyển tiền vào trương mục này qua chúc thư. Có hai bộ luật chi phối vấn đề này là “Luật Đồng Nhất về Tặng Phẩm cho Trẻ Em” (The Uniform Gift to Minors Act – viết tắt là UGMA) và “Luật Đồng Nhất về Sang Chuyển cho Trẻ Em” (The Uniform Transfer to Minors Act – viết tắt là UTMA) đã được hầu hết các tiểu bang công nhận. Phần đông tiểu bang cho phép cha mẹ được dùng di chúc làm phương tiện chuyển tiền vào “trương mục quản thủ” cho các con.

Trước hết cả hai bộ luật UGMA hay UTMA cho phép tạo “trương mục quản thủ” cho con cái còn vị thành niên, dĩ nhiên các trương mục này khác hẳn với trương mục ngân hàng thông thường. Thủ tục theo luật này quá giản dị cho nên ai cũng tự mở lấy được tại ngân hàng hay tại các hãng tài chánh trung gian (brokage firm). Theo các luật trên ai cũng được quyền mở một “trương mục quản thủ” rồi ký thác tiền hay tài vật vào đó trong khi còn sống. Người ấy cũng tự phong cho mình là quản thủ viên (custodian) và chỉ định một người kế vị (a successor) đứng ra thay thế quản trị trương mục trong trường hợp thình lình bị chết khi con còn nhỏ dưới mười tám tuổi (hoặc hai mươi mốt hay hai mươi lăm tùy theo luật của một số tiểu bang). Khi mở “trương mục quản thủ” phải dùng số An Sinh Xã Hội (Social Security Number) của đứa trẻ.

Cả hai bộ luật trên đều cho quản thủ viên nhiều quyền hành nhưng luật UTMA có vẻ rộng rãi hơn, thí dụ theo luật UGMA không chuyển được bất động sản vào “trương mục quản thủ” nhưng luật UTMA thì được. Chính phủ liên bang sẽ đánh thuế tài sản trên các trương mục này khi đứa trẻ bắt đầu mười ba tuổi với giá biểu “thuế trẻ con” (kiddie tax) nhẹ hơn thuế người lớn. Còn trẻ con dưới tuổi này thì thuế tính theo cha mẹ. Cả hai luật UGMA lẫn UTMA có bất lợi ở điểm lúc đứa trẻ vừa đủ mười tám tuổi (hay tuổi thành niên theo luật tiểu bang) thì đương nhiên trở thành sở hữu chủ số tiền này và cha mẹ không còn quyền kiểm soát nữa dù rằng chưa đủ tin tưởng con mình biết nắm giữ tiền bạc. Lợi điểm chính của luật UGMA hay UTMA là giảm thiểu sự giám sát của tòa án cùng giấy tờ bắt buộc do đó bớt đi rất nhiều chi phí hành chánh. Nếu hầu hết của cải để lại cho con theo lối này thì có thể loại hẳn mọi dính dáng tới tòa án nên chẳng cần mất xu nào tiền lệ phí giấy tờ.

Tuy lấy của cải làm tặng phẩm cho con theo lối trên nhưng trong di chúc vẫn phải chỉ định giám hộ cá nhân (personal guardian) cho các trẻ vị thành niên. Đồng thời cũng vẫn phải chỉ định giám hộ tài sản (property guardian) để quản trị và điều hành những của cải con nhỏ nhận được trong trường hợp chết bất ngờ kể cả tài sản khác vô tình không chuyển vào trương mục theo luật UGMA hay UTMA. Có thể ủy nhiệm cùng một người đảm nhận đồng thời tất cả các trách vụ giám hộ cá nhân, giám hộ tài sản, quản thủ viên trương mục hoặc tín viên của tín mục.

Theo luật UGMA hay UTMA quản thủ viên đứng ra điều hành tài sản cho phúc lợi của đứa con vị thành niên và sẽ trao lại trọn vẹn số tiền cho đứa trẻ ấy khi đạt tuổi trưởng thành theo luật tiểu bang. Nếu bậc cha mẹ nào lo lắng con mình hãy còn non nớt khi nhận lãnh một số tiền quá lớn thì nên hội ý với luật sư trước khi đứa trẻ đáo hạn tuổi. Có hai giải pháp khả thi, một là thuyết phục đứa con đợi lúc trương mục UGMA hay UTMA chấm dứt thì chuyển tiền vào một tín mục để tiếp tục quản trị sinh lời cho tới khi đứa con hoàn toàn có khả năng nắm vững tiền bạc. Cách thứ hai là lập ra một “Tổ Hợp Gia Đình” (family partnership) theo đó cha mẹ có quyền kiểm soát tài chánh. Nếu đặt trương mục UGMA hay UTMA vào tổ hợp gia đình trước khi đáo hạn trả tiền cho đứa con thì cha mẹ vẫn còn nắm quyền tiếp tục đầu tư và kiểm soát số tiền phát ra cho đứa con.

Dĩ nhiên ai cũng muốn lo tương lai cho con nhỏ một cách chu đáo nhưng đôi khi vô tình lãng quên hay không kịp nhật tu di chúc mỗi khi có thay đổi tình trạng gia cảnh, thí dụ mới đẻ thêm con khiến di chúc không phù hợp với hiện trạng thật sự. Điều may mắn luật pháp cũng có điều khoản điều chỉnh để giải quyết những khó khăn này. Thí dụ một người sau khi lập di chúc mới sinh thêm con rồi sau đó người ấy bị chết bất đắc kỳ tử không kịp ghi tên đứa trẻ vào di chúc. Trong trường hợp này nhiều tiểu bang có luật “con bỏ sót” (pretermitted child) cho đứa trẻ đó được hưởng phần gia tài như các con khác. Tuy nhiên phần chia cho “con bỏ sót” được phân định khác nhau theo luật từng tiểu bang và còn tùy thuộc vào yếu tố đứa con đó có được hưởng gì qua hình thức khác như tín mục chẳng hạn. Thêm vào đó cũng còn tùy xem trong di chúc cha mẹ có còn chia cho trẻ nào khác không. Nói chung nếu người quá cố không có con nào khác thì đứa “con bỏ sót” sẽ được hưởng phần gia tài tương đương phần trẻ đó được hưởng trong trường hợp cha hay mẹ chết không trăng trối (không di chúc). Ngược lại nếu người quá cố còn có các con khác nhưng để lại toàn bộ gia tài chỉ cho người vợ hoặc chồng còn sống sót thì tất cả bầy con kể cả đứa con đẻ sau cũng cùng đều không được gì hết. Tuy nhiên nếu các con khác có hưởng gia tài thì đứa “con bỏ sót” cũng được cùng chia phần bằng các anh chị của nó. Lấy thí dụ một người trong di chúc để gia tài cho hai đứa con, sau đó người này sinh thêm đứa con thứ ba nhưng quên kể vào đó, nếu chết đi tòa án sẽ xử cho cả ba đứa con cùng được hưởng phần bằng nhau.

Nếu không muốn để tòa án phân chia gia tài theo luật như vậy tốt hơn hết nên thường xuyên cập nhật di chúc và xác định theo ý muốn con nào có, con nào không hay mỗi đứa được bao nhiêu tùy ý. Dĩ nhiên nếu không muốn chia phần cho các con chưa ra đời thì vẫn phải xác định như vậy trong di chúc thì luật “con bỏ sót” sẽ vô hiệu lực. Luật này thông thường cũng không áp dụng đối với các hình thức chia gia tài không qua thủ tục thanh toán di sản của tòa án thí dụ như tín mục chẳng hạn, do đó những ai không có ý định tước quyền thừa kế của các con đẻ sau thì không nên lập tín mục.

Cần nhắc lại rằng luật pháp Hoa Kỳ không bắt buộc ai cũng phải chia đều gia tài cho các con mặc dầu đây là thông lệ chung trong nhiều gia đình. Nhiều người cho các con ít nhiều dựa theo hoàn cảnh của mỗi đứa, thí dụ đứa lớn mới tốt nghiệp đại học hiển nhiên có ít nhu cầu hơn là đứa em bị tật nguyền còn đang lận đận học chưa xong trung học cần giúp nhiều hơn. Tuy nhiên muốn tránh vấn đề tâm lý không để các con có cảm nghĩ bất công thương đứa này hơn đứa kia, tốt hơn hết cha mẹ nên cẩn thận cân nhắc và giải thích rõ cho từng đứa mặc dù theo luật cha mẹ có toàn quyền muốn cho các con bao nhiêu thì cho. Bất kể chia gia tài cho các con đều hay không đều, cũng không bắt buộc cha mẹ phải đặt điều kiện giống nhau cho từng phần. Ngược lại nên chia theo nhiều lối khác nhau để không ai tỵ nạnh được ai cả.

Ngoài con ruột còn có con riêng của vợ hay chồng trước hoặc con nuôi (adopted child). Theo luật của nhiều tiểu bang trong di chúc con nuôi được coi như con ruột trừ phi có ấn định khác. Nếu trong di chúc chỉ viết câu tổng quát “chia gia tài cho các con tôi” (bequest to my children) thì tòa án sẽ chia đều cho tất cả các con ruột của người quá cố (do mọi hôn nhân) cộng thêm các con nuôi của người ấy. Mặt khác nếu người quá cố tái hôn với một người ly dị trước đó đã có con riêng (step children), sau khi cưới lại không thừa nhận thì những đứa con riêng này không được hưởng gì trừ phi có ấn định trong di chúc. Tuy nhiên vài tiểu bang có ngoại lệ, nếu người quá cố là người cha để lại gia tài chung cho các con thì chỉ kể các con ruột (của nhiều đời vợ) cùng con nuôi như đã nêu trên, ngược lại nếu người quá cố là người mẹ để lại gia tài chung cho các con thì kể luôn tất cả con ruột (của nhiều đời chồng), con nuôi, lẫn con riêng của chồng. Ngoài ra luật này không những chỉ áp dụng cho các con người quá cố, nếu có chia gia tài cho con của thừa kế thì cũng áp dụng luật trên để phân định ai là người được (hay không được) hưởng phần trong số của cải để lại.

Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị. (Luật Sư LyLy Nguyễn)

Video: Giờ Giải Ảo Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT