Friday, April 26, 2024

Vì sao có bão?

Hà Dương Cự

Năm nay ở Hoa Kỳ và Việt Nam bão tố liên miên, gây không biết bao nhiêu thiệt hại về nhân mạng cũng như tài sản. Câu hỏi đặt ra là bão từ đâu đến? Trong bài này tôi nói về sự hình thành của một trận bão, cách xếp hạng và đặt tên bão.

Bão ở vùng Đại Tây Dương và Đông Thái Bình Dương thì được gọi là hurricane, ở vùng Tây Thái Bình Dương tức là các nước Á Châu giáp với Thái Bình Dương như Việt Nam và Đài Loan thì được gọi là typhoon và ở vùng Ấn Độ Dương thì được gọi là cyclone. Đó chỉ là những tên gọi khác nhau vì ở những vùng khác chứ bão chỗ nào cũng là bão.

Sau đây là hình chỉ ra những vùng hay có bão. Như bạn thấy trên hình, nước Việt ta không may là nằm ngay trong vùng hay bị bão cũng như vùng miền Đông Nam Hoa Kỳ.

Các vùng hay có bão. (Nguồn: pmm.nasa.gov)

Trận bão thành hình ra sao

Động cơ thúc đẩy chính của bão là không khí nóng và nhiều hơi nước. Thế cho nên bão thường chỉ xảy ra ở những vùng nhiệt đới.

Tại biển vùng nhiệt đới, nước hấp thụ năng lượng mặt trời trở nên nóng và bốc hơi. Do đó không khí  trên mặt biển cũng nóng và có nhiều hơi nước. Khi bị hâm nóng không khí sẽ giãn nở và nhẹ hơn không khí bình thường, vì vậy sẽ bay lên. Hiện tượng này tạo ra một vùng khí áp thấp. Vì áp suất thấp nên không khí chung quanh tràn vào gây ra gió. Không khí mới tràn vào lại bị hâm nóng và bay lên. Khi không khí bay lên cao thì không nóng nữa mà trở thành lạnh. Hơi nước trong không khí kết tụ lại thành mây mưa.

Cả một vùng gió xoáy và mây mưa cứ tiếp tục được châm thêm không khí nóng và hơi nước và trở thành một trận bão. Vì chiều quay của Trái Đất, bão ở miền Nam Bán Cầu xoay theo chiều kim đồng hồ và bão ở miền Bắc Bán Cầu xoay ngược chiều kim đồng hồ.

Thành phần một trận bão

Một trận bão thì có mắt, thành mắt và những giải mây mưa như hình minh họa sau đây.

Thành phần một trận bão. (Nguồn: pmm.nasa.gov)

Theo trong hình, những mũi tên đỏ nhỏ chỉ không khí ấm và nhiều hơi nước bốc lên thành những giải mây mưa chung quanh mắt bão. Mũi tên đỏ lớn chỉ vòng quay của giải mây. Mũi tên xanh cho biết là không khí khô và lạnh sẽ chìm xuống trong khoảng mắt bão.

Một khi bão đổ bộ lên đất liền thì nó sẽ yếu lần và rồi tan mất. Lý do là vì trên đất liền không khí mát và khô, nên bão không còn nhiên liệu để tồn tại.

Sắp hạng các trận bão

Các nhà khí tượng thường chia làm ba loại bão, tùy theo sức gió. Như đã diễn tả ớ trên không khí nóng và đầy hơi nước bốc hơi lên rồi thành mây. Quá trình này cứ tiếp tục sinh ra những cụm mây có sấm sét và  những cơngió xoay quanh một vùng áp thấp. Hiện tượng này được gọi là vùng xáo trộn nhiệt đới (tropical disturbance), coi như là thời kỳ tiền bão.

Áp thấp nhiệt đới

Khi gió ở vùng xáo trộn nhiệt đới xoay nhanh hơn và các cụm mây lớn mạnh hơn thì hiện tượng này trở thành vùng áp thấp nhiệt đới (tropical depression). Vận tốc gió trong vùng áp thấp là trong khoảng từ 40 tới 62 km/giờ  (25 tới 38 mph).

Bão nhiệt đới

Gió trong vùng áp thấp xoay càng lúc càng mạnh, khi gió có vận tốc trên 62 km/giờ và dưới 120 km/giờ (74 mph) thì vùng áp thấp nhiệt đới được nâng cấp lên thành một cơn bão nhiệt đới (tropical storm). Đây là lúc trận bão được đặt tên.

Bão lốc xoáy nhiệt đới hay siêu bão (tropical cyclone)

Khi gió xoay nhanh trên 120 km/giờ thì bão chính thức được gọi là tropical cyclone tạm dịch là bão lốc xoáy nhiệt đới hay là siêu bão.

Tại vùng Đại Tây Dương (tức là vùng bão hurricane) thì người ta dùng hệ thống thang Saffir-Simpson để xếp hạng loại bão lớn này.

  • Bão cấp 1 – gió từ 74 tới 95 mph (120 – 153 km/giờ)
  • Bão cấp 2 – gió từ 96 tới 110 mph (154 – 177 km/giờ)
  • Bão cấp 3 – gió từ 111 tới 130 mph (178 – 209 km/giờ)
  • Bão cấp 4 – gió từ 131 tới 155 mph (210 – 249 km/giờ)
  • Bão cấp 5 – gió trên 155 mph (250 km/giờ)

Mới đây, bão Harvey khi đổ bộ lên Texas là bão cấp 4 và bão Maria khi đổ bộ lên Puerto Rico cũng là cấp 4. Hai bão này đã gây thiệt hại nặng nề cho Texas, Puerto Rico và những vùng lân cận.

Ở Việt Nam cũng như Trung Quốc thì người ta dùng thang sức gió Beaufort. Ông Francis Beaufort, người Ái Nhĩ Lan đã làm ra thang sức gió này vào năm 1805. Lúc đầu chỉ có 13 cấp từ 0 cho tới 12. Bão cấp 12 có sức gió trong khoảng từ 72  tới 83 mph (116 đến 133 km/giờ chỉ tương đương với bão cấp 1 của thang Saffir-Simpson nên không đủ để diễn tả những trận bão lớn. Sau này thang Beaufort được mở rộng lên cho tới cấp 17. Thế vẫn chưa đủ nên lại được mở rộng thêm một lần nữa cho lên tới cấp 30.

Cách đặt tên các trận bão

Hiện nay Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới WMO (World Meteorological Organization) có trách nhiệm đặt tên cho các trận bão.

Trước năm 1953 thì có nhiều cách đặt tên cho các trận bão. Từ năm 1953, Hoa Kỳ lấy tên phụ nữ để đặt tên bão. Đến năm 1979 thì thay phiên tên nam và tên nữ. Trong vùng Đại Tây Dương thì WMO có 6 danh sách. Mỗi năm dùng một danh sách trong đó là các tên theo bảng chữ cái, luân phiên tên nam và nữ. Thí dụ năm nay bắt đầu bằng tên Arlene rồi đến Bret, sau cùng sẽ là Whitney. Nếu năm nào đó dùng hết tên mà vẫn còn bão thì dùng bảng chữ cái của Hy Lạp, thí dụ Alpha và Beta.

Vì có 6 danh sách nên cứ 6 năm thì dùng lại danh sách cũ. Trường hợp những trận bão quá tệ hại thì WMO không dùng những tên đó nữa mà thay vào một tên mới. Chắc bạn còn nhớ bão Katrina năm 2005. Vì Katrina đã gây thiệt hại nặng cho thành phố New Orleans, nên tên Katrina đã được cho về hưu.

Còn ở vùng Tây Nam Thái Bình Dương thì từ năm 2000 WMO có một danh sách 140 tên chia làm 5 nhóm. Mỗi nhóm có 28 tên. Chi nhánh của WMO tại Tokyo có nhiệm vụ đặt tên cho các trận bão theo danh sách 140 tên đó. Tuy nhiên mỗi nước có thể dùng tên riêng trong nội bộ.

Có 14 nước trong vùng, mỗi nước đóng góp 10 tên. Thế nên danh sách 140 tên đó rất là phức tạp, có tên người, địa danh, tên súc vật, tên hoa,… Việt Nam đưa ra 10 tên: Son Tinh, Lekima, Bavi, Conson, Sonca, Trami, Halong, Vamco, Songda và Saola.

Ở Việt Nam người ta thường dùng số, như trận bão số 10 mới đây đã tàn phá miền Trung. Tên chính thức của bão số 10 này là bão Doksuri.

Làm sao theo dõi và tiên đoán đường đi của một trận bão

Khi một vùng xáo trộn nhiệt đới bắt đầu hình thành ở ngoài biển khơi thì các cơ quan khí tượng bắt đầu dùng vệ tinh để theo dõi xem nó có trở thành một trận bão hay không. Tiên đoán đường đi của một trận bão là một điều quan trọng để cho mọi người biết mà chuẩn bị chống bão hay chạy lánh nạn. Tuy nhiên vì có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng tới trận bão nên khó có thể tiên đoán một cách chính xác đường đi của nó.

Hai hệ thống tiên đoán đường đi của bão có tiếng nhất là hệ thống ECMWF (European Center for Medium-Range Weather Forecasting) của Âu Châu và hệ thống GFS (Global Forecasting System) của Hoa Kỳ. Hệ thống của Âu Châu được coi là chính xác hơn hệ thống của Hoa Kỳ. (Hà Dương Cự)



Nguồn tài liệu:
https://oceanservice.noaa.gov
http://www.cwb.gov.tw
http://www.nhc.noaa.gov
https://pmm.nasa.gov
http://www.wmo.int

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Bò lúc lắc”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT