Friday, May 17, 2024

4 chuyện tình tay ba đầy tranh cãi trên màn ảnh rộng Hollywood

Nhất Anh/Người Việt

HOLLYWOOD, California (NV) – Tình yêu là đề tài vô tận đối với các nhà làm phim Hollywood và còn được mở rộng ra những tình cảm và rung động phức tạp khác, tạo ra một tam giác tình yêu đầy ly kỳ, hồi hộp và rạo rực.

Mối tình vụng trộm của Chris (trái) và Nola trong “Match Point” kết thúc bằng cái chết thương tâm của Nola do chính người tình mình gây ra. (Hình: DreamWorks Pictures)

Dưới đây là bốn tác phẩm về tình yêu không chỉ gói gọn hai người mà trở thành câu chuyện tình tay ba đủ mọi cung bậc “hỉ nộ ái ố,” đọng lại cho người xem nhiều suy nghĩ và cảm xúc trong cuộc sống.

Match Point (2005)

“Match Point” là một trong những bộ phim nổi tiếng của vị đạo diễn tài ba Woody Allen, được xem là “cây đa cây đề” ở Hollywood. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên mà Woody Allen quyết định lấy bối cảnh ở London, Anh, phá bỏ quy tắc luôn làm phim tại nước Mỹ của nhà làm phim 81 tuổi, thuộc thể loại tâm lý xã hội ly kỳ.

Bộ phim xoay quanh nhân vật Chris Wilton (do Jonathan Rhys Meyers đóng), một vận động viên tennis người Mỹ nhưng mãi không thể bứt phá nổi tiếng được. Cuộc đời vô tình đưa đẩy cho Chris có dịp gặp gỡ Tom Hewett (do Matthew Goode đóng), xuất thân trong một gia đình thượng lưu ở Anh, và trở thành huấn luyện viên cá nhân cho Tom và cả gia đình quý tộc của Tom. Người chị gái của Tom, Chloe Hewett (do Emily Mortimer đóng), lại đem lòng thầm thương Chris trong khi trái tim của anh lại thổn thức trước Nola Rice (do Scarlett Johansson đóng), một cô đào người Mỹ, và cũng là vợ chưa cưới của Tom.

Dù chấp nhận tình yêu của Chloe nhưng Chris vẫn không thể cưỡng lại sức hút của Nola Rice và vì thế cả hai đến với nhau như con thiêu thân, để rồi khi phải lựa chọn, Chris lại quyết định chọn cuộc sống giàu sang danh giá mà anh hằng mơ ước, nhẫn tâm ra tay sát hại người tình và đứa con trong bụng.

“Match Point” là một bộ phim tâm lý nặng nề, phơi bày những mặt trái của con người khi vấn đề về đạo đức bị chôn vùi để thay thế cho những tham vọng về quyền lực, giàu sang và tiền bạc, khiến người xem phải rùng mình cho dù nó không phải là một tác phẩm hù ma kinh dị.

Nhân vật Connie của minh tinh Diane Lane (trái) trong “Unfaithful” có cuộc tình vụng trộm mãnh liệt với chàng họa sĩ trẻ thích sưu tầm sách Paul, do tài tử Olivier Martinez đóng. (Hình: 20th Century Fox)

Unfaithful (2002)

Năm 2002, minh tinh Diane Lane gây sốt trên màn ảnh rộng khi nhận vai chính Connie Sumner trong bộ phim tâm lý “Unfaithful” của đạo diễn Adrian Lyne với những cảnh nóng bỏng bên bạn diễn nam nhỏ tuổi hơn Olivier Martinez.

“Unfaithful” là bộ phim được làm lại từ bộ phim “La Femme Infidele” của nhà làm phim người Pháp và Ý hồi năm 1969, xoay quanh cuộc ngoại tình vụng trộm của người vợ Connie với một chàng trai họa sĩ người Pháp trẻ tuổi tên Paul (do Olivier Martinez đóng) trong khi đang có một cuộc hôn nhân êm đềm với người chồng Ed Sumner (do Richard Gere đóng).

Trong một lần tình cờ chạm mặt Paul tại một trung tâm mua sắm, con tim của người vợ trung niên dường như đập mạnh hơn. Cô nhanh chóng vướng vào mối tình đầy say đắm và mãnh liệt bất chấp đang có một cậu con trai 8 tuổi với chồng và một gia đình hạnh phúc.

Cho đến khi Connie nhận ra cô muốn dừng lại vì không muốn đánh mất đi gia đình thì mọi chuyện đã quá muộn khi mà giờ đây, một người chết, một người bị bắt và gia đình cô chính thức tan vỡ.

“Unfaithful” không thiếu những phân đoạn mùi mẫn, hoan lạc và nóng bỏng để thể hiện những khát khao về tình dục của Connie khi vướng vào cuộc tình bất chính, khiến người xem phải đỏ mặt. Với cái kết bất ngờ, bộ phim chắc chắn sẽ để lại nhiều suy nghĩ về hôn nhân và gia đình.

Nhân vật Julianne của minh tinh Julia Roberts trong phim “My Best Friend’s Wedding” lên kế hoạch phá hoại đám cưới của người bạn thân mình vì ghen. (Hình: Sony Pictures)

My Best Friend’s Wedding (1997)

“My Best Friend’s Wedding” của đạo diễn P. J. Hogan là một trong những bộ phim tình cảm hài lãng mạn nói về mối quan hệ tay ba hóm hỉnh và hài hước.

Trong phim, minh tinh Julia Roberts thủ vai Julianne Potter, một người bạn thân của nhân vật Michael O’Neal (do Dermot Mulroney đóng) từ thuở nhỏ. Mặc cho Michael luôn quan tâm và dành tình cảm chân thành cho Julianne, cô nàng vẫn luôn từ chối và cho rằng anh chỉ một người bạn tâm giao và tri kỷ đúng nghĩa.

Mọi thứ trở nên rắc rối hơn khi cuối cùng Michael từ bỏ mối tình đơn phương của mình, quen với bạn gái mới, quyết định đám cưới và mời Julianne làm phụ dâu trong ngày trọng đại. Đến lúc này, Julianne lại nhận ra tình cảm thật sự của mình dành cho Michael, khiến cô đứng trước sự lựa chọn một là phá đám cưới, giành lại tình yêu cho mình hay thật tâm buông xuôi để chúc phúc cho người bạn tri kỷ.

“My Best Friend’s Wedding” đem lại những câu thoại hài hước, vui nhộn, cộng với lối diễn xuất đầy dễ thương và duyên dáng của Julia Roberts càng khiến cho câu chuyện tình cảm tay ba không gây phản cảm mà ngược lại còn đem lại nhiều tràng cười thư giãn.

“The Apartment” là một trong những bộ phim về tình tay ba đời đầu ở Hollywood. (Hình: United Artists)

The Apartment (1960)

“The Apartment” của đạo diễn Billy Wilder được xem là một trong những bộ phim trắng đen bất hủ của Hollywood trong thập niên 1960 và xứng đáng nhận năm giải Oscar danh giá với màn trình diễn ấn tượng của dàn diễn viên cùng cốt truyện hay ho.

Bộ phim xoay quanh nhân vật C.C. “Bud” Baxter, do tài tử Jack Lemmon đóng, làm việc cho một công ty bảo hiểm. Để có thể nhanh chóng được thăng chức, anh buộc phải nhường lại căn chung cư của mình mỗi đêm cho những vị sếp của mình có một nơi để hẹn hò lén lút với người tình. Không có cách nào khác, anh phải lang thang ngoài đường.

Tình cờ, anh phát hiện ra rằng, vị sếp Jeff D. Sheldrake (do Fred MacMurray đóng) đang cặp kè với Fran Kubelik (do Shirley MacLaine đóng), là cô gái mà Baxter đang “thầm thương trộm nhớ,” khiến anh đứng giữa ngã ba đường với mông lung suy nghĩ rằng có nên đấu tranh giành lấy tình yêu hay chấp nhận nhường lại cho sếp để con đường sự nghiệp thăng chức rộng mở hơn.

Điều khiến “The Apartment” trở nên đặc biệt là cách mà đạo diễn lồng ghép những hình ảnh căn chung cư nho nhỏ, be bé như hàm ý ẩn dụ như một cái hộp đóng gói con người và tâm tư của họ vào đó, chật chội và gò bó không có lối thoát như cách mà nhân vật cô gái Fran Kubelik cứ lẩn quẩn không thể thoát ra được những lời “đường mật” từ vị sếp Sheldrake lăng nhăng khét tiếng.

Đồng thời qua đó, bộ phim phản ảnh một cách trần trụi về xã hội Mỹ khi chủ nghĩa thực dụng được đưa lên hàng đầu, khi mà tiền và tài đi trước luôn cả tình. (Nhất Anh) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT