Friday, May 17, 2024

‘40 Năm Tình Ca Trúc Hồ’ đóa hoa đẹp vườn nhạc hải ngoại

Trần Chí Phúc

WESTMINSTER, California (NV) – Trong dòng nhạc mới ở hải ngoại từ 47 năm qua được một số nhạc sĩ viết, xuất hiện thời điểm lưu vong sau biến cố lịch sử 30 Tháng Tư, 1975, có một tên tuổi vang dội, nhạc sĩ Trúc Hồ.

Nhạc sĩ Trúc Hồ. (Hình: Trần Chí Phúc cung cấp)

Trúc Hồ tên là Trương Anh Hùng, sinh năm 1964 tại Sài Gòn, khi thủ đô Sài Gòn của miền Nam Việt Nam thất thủ thì cậu bé được 11 tuổi, sau đó vài năm thì vượt biên bằng đường bộ băng qua Cambodia đến trại tị nạn Thái Lan rồi định cư tại Hoa Kỳ khoảng năm 1981.

Cha của Trúc Hồ có mở lớp nhạc ở Sài Gòn, cho con trai từ thuở nhỏ học đàn với nhiều nhạc sĩ nổi tiếng nên tài nghệ vững vàng, cộng với sự đam mê âm nhạc có sẵn trong huyết thống để tạo nên một nhạc sĩ tên tuổi hôm nay ở hải ngoại.

Khi qua California, Trúc Hồ chơi đàn keyboard cho ban nhạc, cho phòng thu âm các trung tâm băng nhạc, trình diễn nhiều nơi cộng đồng Việt Nam sinh sống và học thêm nhạc ở trường đại học Mỹ.

Trung tâm Asia đầu thập niên 1980 đã mời Trúc Hồ về cộng tác và hòa âm một số ca khúc thu băng. Trung tâm Asia có thực hiện một cuốn phim và Trúc Hồ viết nhạc, nhờ Trầm Tử Thiêng đặt lời để thành ca khúc “Cơn Mưa Hạ,” là bài hát chủ đề của cuốn phim với tiếng hát Lâm Thúy Vân. Ca khúc này nét nhạc trữ tình cùng lời ca óng ả được đón nhận nồng nhiệt; mở đầu và tạo cảm hứng cho dòng sáng tác của Trúc Hồ tuôn chảy cho đến hôm nay.

Sự kết hợp khéo léo giữa ý nhạc của Trúc Hồ và lời ca của Trầm Tử Thiêng cho ra đời một số ca khúc giá trị là “Bên Em Đang Có Ta” – viết về các em bé Việt Nam ở trại tị nạn Đông Nam Á đang chờ được định cư các nước tự do, đến ca khúc “Bước Chân Việt Nam” (Asia 9), rồi “Một Ngày Việt Nam” (Asia 11). Mấy nhạc phẩm này ngoài giá trị tự có, còn được chắp cánh bay cao với dàn hợp ca gồm nhiều ca sĩ nổi tiếng, nhạc đệm công phu và dàn dựng kỹ lưỡng, thu hình trên sân khấu lớn rồi phổ biến khắp nơi qua băng hình video.

Trúc Hồ và Trầm Tử Thiêng viết thêm một số bản như “Việt Nam Niềm Nhớ,” “Hẹn Nhau Năm 2000,” “Cám Ơn Anh” trình bày hợp ca.

Bây giờ, thỉnh thoảng các đài phát thanh, các đài truyền hình của cộng đồng người Việt hải ngoại vẫn phát lại các ca khúc này, tạo không khí sống động cho người nghe.

Từ bước đầu tiên sáng tác ca khúc, Trúc Hồ viết nhạc, Trầm Tử Thiêng đặt lời tạo nên tiếng vang, chàng nhạc sĩ trẻ tuổi mạnh dạn cho ra đời những bài hát của riêng mình nhạc và lời.

Nhạc phẩm “Dòng Sông Kỷ Niệm” mà Trúc Hồ đã có ý nhạc trong đầu lúc còn ở trại tị nạn năm 1981 và khi qua Mỹ đặt lời được coi là tác phẩm đầu tay của riêng anh với tiếng hát Lâm Thúy Vân trong cuốn Asia 2.

Từ đó cho đến hôm nay năm 2022, dòng sáng tác của Trúc Hồ trải qua 40 năm với khoảng 120 ca khúc gồm chủ đề quê hương, tình yêu và những cảm xúc về thời thế (như bản “Hello, Lost Eyes” viết cho xứ Ukraine bị Nga xâm lăng năm 2022).

Với tiết tấu vui nhộn, câu nhạc gọn gàng dễ nghe, một số ca khúc Trúc Hồ được giới trẻ ưa thích, được hát trong những tiệc vui như bản “Quên Đi”: “Quên đi những điều cay đắng, quên đi những điều lo lắng, quên đi những điều gian dối, đời sống này có bao nhiêu…;” hay bài “Sẽ Hơn Bao Giờ Hết”: “Sẽ hơn bao giờ hết, anh nhớ em từng phút, sẽ hơn bao giờ hết, anh cần em đến, anh yêu em, hơn hết những gì anh có trên đời nay.”

Đặc biệt, bài “Trái Tim Mùa Đông” với giọng ca Don Hồ thập niên 1990 trở thành Top Hit có câu nhấn của bài hát “suốt đời anh vẫn mãi là người đến sau nên đành ôm trọn một mối tình câm.”

Một số tình ca Lâm Nhật Tiến hát được yêu thích như “Em Đã Quên Một Dòng Sông”: “Dòng sông hôm nào còn nhớ không em, kỷ niệm buồn vui tha thiết êm đềm;” hay “Một Lần Nữa Thôi” với “Một lần nữa thôi, người yêu một lần nữa thôi, dù nay cách xa tình yêu vẫn nồng cháy;” hoặc “Yêu Em Âm Thầm” qua “Đôi mắt em ngoan để anh xót xa đời, mái tóc em xanh để em tiếc thương ai;” rồi “Đỉnh Gió Hú” với “Tình tình yêu đêm đó, còn không em còn không em,đêm nay cô đơn vắng lạnh, đỉnh gió hú gọi tên em;” và cả “Cho Đến Cuối Cuộc Đời” là “Một mai khi em xa vắng, anh biết sẽ phải làm sao, đi về một mình buồn lắm người ơi.”

Lúc Trúc Hồ 11 tuổi, Sài Gòn mất, chưa có dịp hấp thụ những thơ văn hay đẹp của miền Nam tự do. Khi vượt biên qua Mỹ tuổi chưa đến đôi mươi, Trúc Hồ đã bỏ nhiều thời gian đọc các tác phẩm văn thơ Việt Nam thời xưa. Những kiến thức thu thập văn chương đó giúp anh đặt lời thoải mái cho những ca khúc của mình.

Một ca khúc muốn được thưởng thức trọn vẹn phải được giọng ca hay trình diễn, nhạc đệm hay và phải được phổ biến rộng rãi đến công chúng. Nhạc sĩ Trúc Hồ có được các phương tiện dễ dàng khi anh là giám đốc âm nhạc cho trung tâm Asia mấy chục năm và bây giờ là tổng giám đốc đài truyền hình SBTN.

Các nhạc phẩm của Trúc Hồ khoảng 120 bài và hầu hết đã được thực hiện qua các ca sĩ, nhạc đệm công phu và phổ biến qua phương tiện truyền thông, các ca sĩ thân hữu hát trong các sô diễn khắp nơi.

Khán thính giả Việt Nam trẻ tuổi trong nước và hải ngoại ưa thích các bài hát với câu nhạc dễ nghe, lời ca dễ hiểu, nhạc đệm tân kỳ của Trúc Hồ.

Ngoài việc viết ca khúc, Trúc Hồ trong vai trò quan trọng của trung tâm Asia và SBTN đã thực hiện nhiều cuốn băng nhạc chủ đề giá trị và những tiết mục dàn dựng công phu, đóng góp vào kho tàng ca nhạc của cộng đồng Việt Nam hải ngoại.

Thành quả của nhạc sĩ Trúc Hồ trong 40 năm sáng tác nhờ vào khả năng nhạc lý, tâm hồn âm nhạc và cơ duyên cộng tác với trung tâm Asia. Ngoài những bản tình ca, dòng ca khúc Trúc Hồ vẫn canh cánh nỗi lòng với quê nhà bên kia đại dương qua một số nhạc phẩm đấu tranh. Dòng sáng tác nồng ấm đó vẫn tiếp tục đi tới.

Khu vườn âm nhạc bên này có nhiều cây hoa mang từ quê nhà sang, có những cây hoa mới trồng, tạo nên hương sắc riêng biệt của nhánh cây văn hóa hải ngoại mà người dân Việt Nam ngưỡng mộ yêu thích. Trong khu vườn đó, có cây hoa nở những đóa rực rỡ mang tên Trúc Hồ. Hỏi chọn bài hát nào tiêu biểu, anh trả lời “Đáp Lời Sông Núi.” [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT