Thursday, March 28, 2024

‘Diệu Thủ Thư Sinh’ Âu Châu

Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel

 

Những ai từng thích thú khi đọc truyện Anh Hùng Xạ Ðiêu đều nhớ trong phần đầu bộ chuyện, Kim Dung có viết hư cấu về một nhóm bảy người được mệnh danh là Giang Nam Thất Quái.

Du khách tại một quảng trường ở thủ đô Prague, Cộng Hòa Tiệp. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Nổi tiếng nhất là thủ lãnh Phi Thiên Biển Bức Kha Trấn Ác chuyên ném phi tiêu và sử dụng cây quải trượng và là đại sư phụ của Quách Tĩnh. Kế đến là Diệu Thủ Thư Sinh Chu Thông, người tinh thông sách vở và nhiều mưu mô.

Chu Thông thường ăn mặc như một thư sinh nghèo, dùng quạt làm vũ khí và chân tay quyền biến rất nhanh, lấy đồ trong túi người khác mau lẹ đến nỗi mà người mất không hề hay biết. Vì thế, giới võ lâm gán cho Chu Thông biệt danh là “Diệu Thủ Thư Sinh”.

Không biết tuyệt chiêu của Diệu Thủ Thư Sinh cao cường đến đâu qua ngòi viết của Kim Dung, nhưng những độc chiêu của chiêu thức “diệu thủ” ngày nay chúng ta không thể coi thường được. Môn võ công này có nhiều “môn phái” khác nhau, tùy theo từng châu lục, nên các chiêu thức cũng khác nhau, nhưng chúng đều vô cùng lợi hại.

Sông Danube chảy qua thủ đô Budapest, Hungary. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Âu Châu là một khu vực bao gồm các đất nước giàu nghèo nằm san sát nhau. Nước giàu thì có thể kể ra như Anh, Pháp, Ðức, Thụy Sĩ, Áo, Hòa Lan, Bỉ. Nghèo thì có các nước Cộng Sản Ðông Âu cũ, còn nợ nần thì như Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Ý… Nhưng dù ở bất cứ đất nước nào, những nơi mà du khách đổ xô đến du lịch thì các nơi đó đều có rất nhiều môn đệ của Chu Thông làm việc cật lực ngày đêm.

Du khách đến Âu Châu mà không biết sử dụng môn “lăng ba vi bộ” để tránh né thì rất dễ dàng trúng độc chiêu “diệu thủ” của họ. Các “diệu thủ” thường tụ tập thành nhóm ít nhất từ 2 người đến 5-6 người. Mục đích là để bảo vệ tương trợ lẫn nhau và tạo ra các “hư chiêu” để đánh lừa du khách. Khi họ ra chiêu thì thường thường du khách không mất tiền thì cũng mất sổ thông hành (passport), máy hình, máy quay phim, đồng hồ, và nhiều thứ khác nữa. Những “chiêu” này làm du khách bực tức, nổi nóng, cáu giận, mất thì giờ báo cáo cảnh sát và tốn thêm tiền để lo toan các phí tổn chung quanh.

Khi đi vào thành phố Âu Châu, khung cảnh đẹp đẽ của phố, di tích lịch sử nhà thờ, viện bảo tàng, sự sầm uất của quảng trường, thường lôi cuốn làm ngẩn ngơ người xem. Ai cũng mải mê chụp hình, quay phim, hay lo nói chuyện thưởng ngoạn mà không còn chú tâm đến chung quanh.

Ðây chính là lúc các “diệu thủ” ra tay rất nhanh. Bạn nên để ý xem có ai đứng gần bạn không! Bất kể người đó ăn mặc như thế nào, họ ăn mặc thật sang trọng hay thật nghèo hèn cũng không khác gì nhau. Càng bảnh trai, càng xinh gái bao nhiêu thì bạn càng nên phải cảnh giác đề phòng nhiều hơn. Sau đây là những hiểu biết và góp nhặt xin chia sẻ đến độc giả.

-Khi bạn ngồi trong lobby khách sạn hay trong tiệm ăn, nếu bạn thấy một cô xinh đẹp mà lởn vởn quanh mình, cô ta đi tay không và không đeo ví thì bạn nên cẩn thận vì cô ta có thể “mượn và đeo” ví của bạn rất nhanh mà không bị ai nghi ngờ gì cả.

-Ngắm cảnh đẹp, bạn mải mê rảo bước chân đi tìm chỗ đứng chụp hình quay phim, bạn thấy có ai đụng chạm nhẹ bạn phía sau. Quay lại bạn gặp một anh chàng bảnh bao, ăn mặc tử tế chải chuốt, trông rất thư sinh và nói câu xin lỗi. Bạn đừng vội nói: “It’s OK” hay “No problem,” mà ngay lập tức bạn nên kiểm soát lại bóp ví, tiền bạc trong túi quần sau, vì lúc đó, 90% khuy nút túi sau đã bị mở hoặc bóp ví bạn đã “ra đi”.

-Bạn đang nắm tay đi dung dăng dung dẻ nói chuyện với vợ trên con đường rộng rãi, đọc thơ Tình Già của Phan Khôi mùi mẫn nói chuyện ngày xưa. Bỗng ngược chiều, một nhóm 3-4 người, con trai có, con gái có, cười nói đùa nghịch và làm như muốn đâm sầm vào bạn. Bạn nên lùi tránh ra và sẵn sàng hét lên vì chính là chúng rồi. Thường khi bạn lùi tránh ra là chúng biết bạn đã biết nên chúng thường bỏ đi. Còn bạn không biết lùi tránh và cũng không biết hét thì bạn sẽ ngậm ngùi hát bài “Tình cầm nhầm: nếu ông còn trẻ như năm cũ, quyết đánh bỏ làng cả chúng bây.”

Quang cảnh thủ đô Paris của Pháp, nhìn từ tháp Eiffel. (Hình: ATNT Tours & Travel)

-Bạn đang ngồi chờ bạn bè ở lobby của một khách sạn 5 sao đẹp và sang trọng, bỗng có người trông rất chỉnh tề lân la đến làm quen. Người này nói đủ thứ chuyện và khen bạn, khen nước Mỹ bạn đang ở, khen ông tổng thống nước bạn đang ở rất giỏi. Cuối cùng anh/cô ta muốn bạn cho anh/cô ta mượn xem một đồng tiền đô la Mỹ mà anh/cô ta chưa bao giờ được thấy. Bạn lịch sự và đã được khen quá rồi nên không ngần ngại móc tiền trong bóp ví đưa cho anh/cô ta xem ngay. Sau khi từ giã người bạn mới, bạn đi lên phòng thì mới biết tiền và nữ trang trong ví bóp không cánh mà bay hết. Ðây là một tuyệt chiêu trong “diệu thủ pháp”. Bạn không nên quá thân thiện với người lạ và luôn luôn có một khoảng cách.

-Bạn thường rất kỹ nên lúc nào cũng cất tiền trong cặp táp với hai ba lần túi ngăn, khi cần tiền mua quà hay ăn trưa bạn mới lấy tiền từ trong cặp ra. Ðến chiều, khi ngồi nghỉ, lấy tiền để mua nước uống thì mới biết là tiền trong ngăn cặp táp không còn nữa. Ðây là một tuyệt chiêu khác! Tốt nhất là bạn không nên hớ hênh để lộ tiền bạc cho người khác nhìn thấy.

-Nếu bạn đi xe metro, thường thì đi trong đường hầm metro, các “diệu thủ” chưa làm việc vội. Họ sẽ đứng cạnh bạn đợi xe điện, xe vừa ngừng lại mở cửa là họ tung chiêu ngay. Họ làm bộ cúi xuống để cột lại dây giầy, đồng thời ôm cả hai chân bạn. Bạn sẽ ngã chúi về phía trước và đã có người đứng sẵn đó đỡ bạn. Lúc bạn đứng thẳng người lên được thì mọi sự đã xong xuôi. Chiêu thức này thường thì chỉ áp dụng cho phái mày râu. Còn phái đẹp thì các diệu thủ lịch sự hơn nên làm bộ chen lấn vào xe và dùng chiêu thức rất nhanh mở ví bóp các bà các cô, ít ai thấy kịp. Khi họ “làm bộ cúi xuống” và “làm bộ chen lấn” chỉ là hư chiêu đánh lạc hướng chú tâm của bạn. Chỉ có thế thôi và bạn sẽ ngâm thơ “Ngậm Ngùi” của Huy Cận suốt hành trình còn lại.

-Bạn hay đeo ba lô sau lưng và mỗi khi nghỉ chân ăn uống thì thường hay bỏ xuống cạnh mình, tưởng thế là an toàn. Nhưng nếu có một hai cặp tình nhân đi gần vào chỗ bạn ngồi thì bạn phải chú ý ngay bàn tay của họ. Họ dùng một ngón tay móc vào quai ba lô và đi tỉnh bơ. Nếu bạn thấy kịp và phản ứng thì cô tình nhân sẽ làm như người vô tình “chận đường” bạn, anh tình nhân sẽ buông ngón tay ra bỏ lại ba lô và họ vẫn “âu yếm” dìu nhau đi trên phố vắng như không có chuyện gì xảy ra!

-Ðang dạo chơi một thắng cảnh nào đó, có những cô bé/phụ nữ chạy đến tìm cách nói chuyện, xin chữ ký thì bạn hãy nên cẩn thận vì lòng thương người của bạn là nằm đúng trong thế “hư chiêu” của họ. Trong trường hợp này bạn chính là người hại bạn.

-Bạn check-in khách sạn và nhớ tuyệt đối không cất tiền bạc nữ trang trong tủ an toàn (safety box) trong phòng bạn. Khách sạn lúc nào cũng có ghi chú điều này. Tủ an toàn chỉ dùng để cất giữ giấy tờ chứ không phải là tủ cất giữ tiền bạc nữ trang. Bạn có mất thì đành ngậm đắng nuốt cay thôi vì không có khách sạn nào đền cho bạn. Dĩ nhiên là phải có bàn tay của “diệu thủ thư sinh” nhưng tuyệt chiêu như thế nào thì ngay cả khách sạn cũng không biết.

Nếu phải kể ra hết những chiêu thức của “Diệu Thủ Pháp” thì tôi chịu thua vì chiêu thức này biến hóa thường xuyên. Các môn đệ của Giang Nam Nhị Quái giỏi hơn sư phụ của họ nhiều. Họ không xấu hổ, không sợ bị bắt và cũng không sợ bị đánh. Họ làm vì nhu cầu để sống, họ không học hành, họ không có việc làm! Có những “diệu thủ” lấy hết tiền của đối phương và họ gửi trả lại giấy tờ cho người bị mất.

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Có biết bao nhiêu người quyền cao chức trọng nhưng bản chất “diệu thủ” về trộm cắp của công cũng không khác lắm, nhưng họ dùng các chiêu thức khác và hư chiêu của họ là bề ngoài giàu có, quyền thế, đóng vai đạo đức.

Một nơi nào mà trộm cắp quá nhiều thì tôi nghĩ lỗi của họ một phần mà lỗi của cả xã hội đó, lỗi của cả một tập thể lãnh đạo nơi đó đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Khổng Tử, Mạnh Tử trong một chiều hướng nào đó đã cố tạo ra một cái “Lễ” để buộc con người vào cái thiện, vào cái trật tự có trên có dưới của gia đình nhằm để giảm bớt đi nạn trộm cắp trong xã hội.

Trini-Fountain ở Rome, Ý. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Sự thiên vị đẳng cấp, giai cấp và những nghèo khó bất công trong xã hội đã góp phần không nhỏ vào sự hình thành ra một đội ngũ môn đệ của Giang Nam Nhị Quái Chu Thông vô cùng rộng lớn trên khắp địa cầu này. Võ công của sư tổ Chu Thông “Phân Cân Thác Cốt Thủ” dù ông đã luyện thành rất cao nhưng ngày nay chỉ là một hạt cát trong kho tàng võ công của các đệ tử ông. Có dịp tôi sẽ quay trở lại với đề tài này tại Á Châu và Mỹ Châu, với các chiêu thức khác với Âu Châu.

Sau 16 năm trời làm việc trong ngành du lịch, tôi tự luyện tập môn “thoái nhất bộ” (lùi một bước) để khống chế “diệu thủ pháp” của các cao thủ môn đệ Chu Thông. Chiêu thức này cần nhất sự bình tĩnh. Khi đã nghi ngờ thì luôn luôn lùi xa ra một chút và sẵn sàng có võ công “Sư Tử Hống” của Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, không để ai chen lấn đến gần, nhìn thẳng vào mặt và quan sát hành động đối phương. Thường thì tôi thành công đến 95% nhưng 5% còn lại, khi gặp tay đại cao thủ thì mình phải ngả nón bái phục và vô cùng ngưỡng mộ phép hư chiêu và võ công diệu thủ pháp tuyệt đỉnh của họ.

Vỏ quít dày, móng tay nhọn! Ai dám tự tin?

 

ATNT Tours & Travel tổ chức

-Tour Pháp-Lộ Ðức-Tây Ban Nha-Bồ Ðào Nha-Fatima (14 ngày)

Thăm các thành phố: Paris-Thánh Ðịa Lourdes-Barcelona-Valencia-Madrid-Thánh Ðịa Fatima-Évora-Lisbon

Người hướng dẫn: Trần Nguyên Thắng

Khởi hành: Tour 1: May 2 – 15, 2012; Tour 2: May 27 – Jun. 9, 2012; Tour 3: Sep. 10 – Sep. 23, 2012

-Tour South America (Nam Mỹ)-Brazil-Argentina-Chile-Peru (Tour 17 ngày, khởi hành tháng 4 & 5)

-ATNT Tours & Travel bán vé máy bay và chuyên tổ chức hướng dẫn nhiều tour du lịch khắp thế giới

Xin liên lạc ATNT Tours & Travel (Trần Nguyên Thắng)

9126 Edinger Ave., Fountain Valley, CA 92708

Tel: (714) 841-2868/(888) 811-8988

www.atnttravel.com

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT