Friday, April 19, 2024

Lòng nhân hậu của nữ nghệ sĩ Thanh Nga


Ngành Mai

Trong một lần phỏng vấn của báo chí, nữ nghệ sĩ Hồng Nga đã chia đào cải lương làm sáu loại, ngoài 5 loại nhiều người có, riêng loại thứ 6: thanh sắc, ca diễn toàn bích, loại này rất hiếm, tựa như bao nhiêu năm cải lương mới có một Thanh Nga. Với nhận xét trên hầu như mọi người mến mộ nghệ thuật cải lương ai cũng đồng ý.

Thế nhưng, nếu đi sâu hơn nữa vào bản chất người nghệ sĩ thanh sắc vẹn toàn này thì phải nói rằng Thanh Nga được cả trong và ngoài giới ngưỡng mộ thương mến. Ngoài ra Thanh Nga còn có lòng nhân hậu mà hiếm nghệ sĩ nào từng ăn cơm tổ có được, chẳng hạn như trường hợp sau đây, được ghi lại trong tình sử cải lương Cuộc Ðời Thanh Nga quyển 2:


Hữu Phước và Thanh Nga trong một cảnh của tuồng xã hội. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)

Ðêm đầu tiên gánh Thanh Minh Thanh Nga hát tại Phú Cường, Bình Dương, đã đem đến sự thành công vượt bực, khán giả đầy rạp, không những vé ngồi các hạng bán hết mà luôn cả vé đứng coi cũng không còn chỗ để bán, do đó bà Bầu Thơ vô cùng đẹp dạ, công nhân đào kép, soạn giả, giàn đờn cũng vui lây, ai nấy đều lên tinh thần. Sau khi vãn hát tất cả được bà bầu đãi cháo gà, thịt gà xé phay và gần một chục kết la ve con cọp (rượu bia khi xưa người miền Nam gọi là la ve), mọi người ăn uống phủ phê, vừa ăn nhậu, vừa khen ngợi Thanh Nga đã đề nghị đoàn đi lưu diễn đúng chỗ là Bình Dương, chớ nếu như đi tỉnh khác thì chắc gì được như thế. Một vài người lên tiếng nói rằng Thanh Nga có chơn mạng được tổ nghiệp phò trợ nên mở miệng đề nghị là “trúng tủ” ngay, và dĩ nhiên ai cũng mong đêm hát ngày mai cũng như đêm nay vậy.

Sáng hôm sau trong khi mọi người trong đoàn hát còn đang say ngủ (thông thường đào kép cải lương họ ngủ đến sau 10 giờ trưa) thì Thanh Nga đã thức dậy từ sáng sớm, cô dự định đi Bầu Bàng, Bến Cát, để thăm quê ngoại của Lý Hùng, xem nơi đây sinh hoạt người dân như thế nào, mà đối với cô hiện giờ như có cái gì lưu luyến với địa danh này.

Trong lúc Thanh Nga chuẩn bị thì bà Bảy Tầm Vu đi vào phòng chia vui với cô buổi hát thành công khi đêm, đồng thời cũng nói là vô tình mà mình được biết một gánh hát nhỏ nọ trình diễn ở một ngôi đình làng gần đây đêm qua đã không mở màn được, do bởi đoàn Thanh Minh Thanh Nga về Bình Dương đã khiến cho họ không còn khán giả, phải nghỉ hát, bị lỗ lã và hiện đang sửa soạn dọn đi nơi khác.
Nghe thế, Thanh Nga bồi hồi xúc động, bởi sự thiệt hại của gánh hát kia cũng do cô một phần lớn, đã gián tiếp gây thiệt hại cho người ta, và cô đang suy nghĩ tìm cách giúp đỡ, thì một ý nghĩ vụt hiện ra trong trí, cô nói với bà Bảy Tầm Vu;

-Thím Bảy kêu chú Tám tài xế đến đưa Nga đi liền bây giờ, và thím cũng cùng đi với Nga.

-Ði đâu mà sớm quá vậy cô?

-Thì thím Bảy cứ đi kêu chú Tám đến đây, đi đâu lát nữa thì biết chớ nói ra dài dòng mất thì giờ.

Biết ý Thanh Nga không muốn nói nhiều nên bà Bảy Tầm Vu đi ngay, và một lúc sau là chú Tám tài xế đã có mặt, Thanh Nga nói:

-Thím Bảy chỉ đường cho chú Tám đưa Nga đến ngôi đình có gánh hát mà thím vừa nói lúc nãy đi.

Bà Bảy Tầm Vu lấy làm lạ tại sao Thanh Nga lại muốn đến đó, đến để làm chi, cô có liên quan gì đến gánh hát kia? Tuy thắc mắc nhiều nhưng bà không dám hỏi, sợ rằng Thanh Nga cho rằng mình đây tò mò nên hối thúc tài xế đi lấy xe, và lúc chiếc Peugeot 203 vừa chạy đến bà vội vã lên ngồi ở băng trước hướng dẫn cho chú Tám tài xế, và chẳng mấy chốc thì chiếc xe đã chạy đến nơi. Thanh Nga thấy một số người đang thu dọn gánh hát đúng như bà Bảy Tầm Vu cho biết, cô nói:

-Thím Bảy vô trong đó coi ai là bầu gánh, nếu gặp thím mời ra đây, Nga muốn nói chuyện với người bầu gánh hát này.

Bà Bảy Tầm Vu xuống xe rồi mau lẹ đi vào ngôi đình, thì vài phút sau một người đàn ông trạc tuổi trung niên cùng đi ra với bà, và khi cả hai đi gần tới thì Thanh Nga đã vội xuống xe, cô tươi cười định hỏi có phải là người mà mình muốn gặp không, thì ông này vừa thấy cô là lên tiếng phiền trách ngay:

-Trời ơi! Cô Thanh Nga ơi, tại gánh Thanh Minh Thanh Nga của cô mà đêm qua không có con ma nào ở đây coi hát, bữa nay không gạo nấu cơm, đào kép húp cháo hết rồi đó cô!

-Chú khỏi lo, không ai ăn cháo cả, Nga nghe nói nên đến đây liền để giúp cho chú có tiền trả lương cho mấy cô chú, anh chị đào kép như là có hát vậy.

Quá bất ngờ, người bầu gánh nói nhanh:

-Thiệt không đó cô, nếu được như vậy họ mang ơn cô biết là bao.

-Cùng một tổ nghiệp với nhau mà chú, Nga rất thông cảm vấn đề này. À! Mà chú định dọn gánh đi đâu vậy?

-Chưa biết, để dọn đồ đạc cho gọn lại rồi, tôi mới đi kiếm chỗ khác.

-Nga đề nghị với chú dọn đến Bầu Bàng hát vài bữa.

-Trời ơi! Bầu Bàng dân nghèo lắm, về đó hát bán vé cho ai?

-Chú cứ dọn đến Bầu Bàng đi, Nga mua giàn cho.

Người bầu gánh vô cùng thắc mắc, nghĩ bụng không biết Thanh Nga nhắm vào cái gì mà kêu ông dọn gánh đến Bầu Bàng, một xã mà dân chúng phần lớn làm nghề cạo mủ cao su thì đâu có dư dả tiền bạc mà đi coi hát chớ! Trong quá khứ cho thấy gánh nào về đó cũng chết hết, vậy mà cô Thanh Nga lại nói là sẽ mua giàn, cô nói thiệt hay nói chơi đây? Ông định hỏi thì Thanh Nga nói tiếp:

-Chú cứ cho gánh dọn đến Bầu Bàng ngày hôm nay đi, và cho quảng cáo chiều mai mở màn, Nga sẽ có mặt hát cho bà con coi một vài lớp tuồng.

Lại càng thêm thắc mắc, người bầu gánh nói:

-Có cô hát nữa à, hát cách nào, không lẽ cô thế vai đào chánh của tôi?

-Không phải vậy đâu, đào kép của gánh vẫn hát như thường, vai người nào nấy hát, Nga sẽ hát một vài lớp tuồng ngắn của gánh Thanh Minh Thanh Nga thôi.

-Nghĩa là cô chỉ hát thêm lớp tuồng nào đó thôi, chớ không dính dáng đến tuồng của tôi?

-Ðúng vậy, Nga sẽ lựa lớp tuồng ưng ý để hát trước khi cho mở màn trình diễn tuồng chính của chú.

Sau một hồi thảo luận thì Thanh Nga móc ví trao tiền mua giàn trước cho người bầu gánh, đồng thời đưa luôn tiền thiệt hại của buổi hát đêm qua, khiến ông này mừng rỡ rối rít cám ơn và đi nhanh vào đình cho mọi trong gánh biết là ông quyết định dọn gánh đến Bầu Bàng, bởi có người mua giàn rồi. Cả gánh đều mừng rỡ và riêng Thanh Nga thì thơ thới trong lòng, cô đã giải tỏa được mối ưu tư do mình đem đến sự thiệt hại cho người khác. Còn bà Bảy Tầm Vu và chú Tám tài xế theo dõi sự việc từ đầu tới cuối, người nào cũng vô cùng thắc mắc tại sao Thanh Nga là đào chánh của đoàn hát lớn, mà lại đi hát khơi khơi cho gánh hát nhỏ, lại còn thêm cái chuyện mua giàn là điều hết sức lạ lùng. Tuy vậy cả hai người chỉ chờ sự việc xảy ra coi có gì trở ngại thì giúp cho Thanh Nga thôi, chớ không bàn ra tán vào hoặc có ý kiến gì hết.

Chiều tối hôm đó trước khi vẽ mặt sắm tuồng, Thanh Nga cho người kêu Hữu Phước và hề Kim Quang đến tiệm nước Tàu nằm ở phía bên kia đường trước rạp hát bàn chuyện chiều mai đi hát ở Bầu Bàng, mà ý định của cô là 2 người nghệ sĩ này sẽ cùng đi hát với cô. Muốn cho hai người không phải thắc mắc vấn đề, Thanh Nga nói rõ luôn là hát đền bù thiệt hại cho gánh hát nhỏ kia và cô chịu trả tiền thù lao như hát tuồng vậy.

Thấy việc làm có ý nghĩa mà trong đó cũng có phần “lấy điểm” với Thanh Nga nên Hữu Phước không nhận tiền thù lao, còn hề Kim Quang thì cũng thông cảm nhận đờ mi thôi.

Ðược hai nghệ sĩ trong đoàn đồng ý, Thanh Nga vui mừng cám ơn trước Hữu Phước, Kim Quang và cả hai cũng rất vui vẻ chớ không thắc mắc gì cả, bởi hề Kim Quang cũng muốn được lòng cô đào chánh con của bầu gánh, biết đâu nay mai sẽ có dịp nhờ cậy. Riêng về Hữu Phước thì cũng muốn đi hát với Thanh Nga, chớ nếu không thì có thể cô sẽ mời người khác thay thế, chừng đó đương nhiên sẽ lung lay ngôi vị kép chánh mà mình đang nắm trong tay? Thế nhưng, Hữu Phước đâu có ngờ rằng buổi hát chiều mai ở Bầu Bàng là món quà của Thanh Nga dành tặng cho bà con quê hương người yêu của cô.

Thật vậy, ngoài Thanh Nga ra không ai biết được Bình Dương là quê hương bên ngoại của chàng phi công Lý Hùng, kể cả bà Bầu Thơ cũng chẳng biết luôn, bởi sau ngày Ðại Hội Không Quân thì những gì thuộc về căn cội chàng phi công Phi Ðội Lôi Hổ, mà chàng ta từng kể cho Thanh Nga nghe tại cổng trại phi trường Tân Sơn Nhứt, cô chẳng hề tiết lộ với ai, thành thử ra Hữu Phước không tài nào hiểu nổi tâm sự thầm kín của cô đào chánh đang hát đóng cặp với mình trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga. Giả thử nếu như mà Hữu Phước biết được buổi hát chiều ngày mai ấy là của Thanh Nga dành tặng cho Lý Hùng thì chắc là anh ta sẽ từ chối mà còn thêm bực tức, và cũng do không biết nên Hữu Phước chỉ hỏi Thanh Nga hát tuồng gì, lớp nào để chuẩn bị mà thôi.

Tình sử cải lương “Cuộc Ðời Thanh Nga” quyển 2, do nhà xuất bản Người Việt phát hành. Quí vị mua sách liên lạc nhật báo Người Việt. Ðịa chỉ: 14771 Moran Street Westminster, CA 92683. Ðiện thoại: (714) 892-9414. Website: www.nguoi-viet.com

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT