Saturday, April 20, 2024

Thanh Nga gặp thầy Chàm ở Phan Rang


Ngành Mai

Lúc trời còn khuya, bến xe Nha Trang bắt đầu hoạt động thì Thanh Nga và bà Bảy Tầm Vu đã có mặt, mua vé lên chiếc xe chạy Sài Gòn, nhưng đến Phan Rang thì hai người xuống xe lúc trời vừa rạng sáng. Trong cái sinh hoạt rộn rịp tại đầu con lộ đi Ðà Lạt, nơi đây cũng là đường đi Tháp Chàm, bà Bảy Tầm Vu cùng Thanh Nga vào một tiệm nước vừa ăn sáng, chờ cho mặt trời lên một lúc thì mới tiếp tục cuộc hành trình.


Họa sĩ sân khấu LoKa đoàn Thanh Minh Thanh Nga, ngồi trước bức hình của nữ nghệ sĩ Thanh Nga. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)

Thanh Nga nóng lòng muốn đến nơi ngay nên vừa ăn uống xong là cô thúc giục bà Bảy Tầm Vu kêu xe đi tiếp, và bà này liền thuê bao chiếc xe lam chạy đến một vùng cách xa thị xã Phan Rang khoảng hơn 10 cây số, hướng đi lên Ðà Lạt, đây là một trong những thôn xã mà phần đông người Chàm sinh sống tại đây từ bao nhiêu đời.

Thời đầu thập niên 1960 này có loại xe lam ba bánh (do chữ Lambretta của Ý Ðại Lợi) chuyên chở khách khoảng 10 người, chạy các tuyến đường ngắn. Hiện nay ở trong nước hầu như loại xe này biến mất, không thấy ở đâu hết. Còn bà Bảy Tầm Vu thì không phải người của đoàn hát, nhưng thường hay đi theo đoàn mua bán lặt vặt cho nghệ sĩ. Bà được Thanh Nga tin cậy giao cho nhiều việc quan trọng đối với cô.

Chiếc xe lam rẽ vào con lộ nhỏ, chạy thêm độ 3 cây số thì đến một xóm nhà lưa thưa với những mái tranh, vách đất, nhà nọ cách nhà kia độ vài chục thước. Bà Bảy Tầm Vu kêu tài xế ngừng lại trước cổng rào ngôi nhà của một thầy tướng số người Chàm, và tuy là nhà tranh nhưng khang trang, sân trước khá rộng, quanh nhà trồng cây kiểng trông rất đẹp mắt.

Vừa xuống xe thì nhìn thấy ngay ở giữa sân có chiếc bàn hương án bày biện hoa quả, nhang còn bốc khói, và từ trong nhà một người đàn ông đi nhanh ra cổng. Ông này khoảng 40 tuổi ngoài, nước da ngăm đen, bà Bảy Tầm Vu biết ngay là thầy Chàm, bởi mấy ngày trước bà có đến đây gặp ông một lần rồi.

Khi hai bên sắp đối diện thì tự nhiên thầy Chàm cúi xuống lạy Thanh Nga hai lạy, khiến cô nàng hoảng vía, vội tránh sang một bên:

-Sao thầy làm như vậy, Nga còn nhỏ tuổi đáng con cháu của thầy kia mà.

Bà Bảy Tầm Vu cũng bất ngờ, lấy làm lạ nói tiếp theo liền:

-Xin thầy đừng lạy như vậy mà tổn đức cho cô Nga, cô đến đây nhờ thầy coi tướng, coi vận mạng giùm đó.

Dù cả hai đều lên tiếng với những lời vừa khuyên vừa trách, nhưng ông thầy không trả lời, mà sau khi lạy xong thì ông đứng lên hướng về phía chiếc bàn hương án, vái van lầm thầm một lúc, rồi quay lại tươi cười mời hai người vào nhà. Thầy Chàm lên tiếng:

-Bữa nay tôi không đi rẫy, vì phải ở nhà tiếp đón khách quí.

Thanh Nga ái ngại nói liền:

-Như vậy Nga tới đây có gì trở ngại cho việc tiếp đón khách của thầy không vậy?

-Cô là khách quí của nhà này đó!

-Nga chỉ là dân thường mới đến đây lần đầu, chớ có phải quan quyền gì đâu mà là khách quí, thầy có nhớ lầm ai đó chăng?

Thầy Chàm không trả lời mà nói lảng sang vấn đề khác chẳng ăn nhập vào đâu hết:

-Cô đến đây bằng xe nhà hay xe mướn?

-Nga đi xe lam, chiếc xe còn đậu chờ để rước trở về.

-Vậy là chiếc xe lam đó bữa nay cũng hân hạnh đưa đón một nữ hoàng.

Tưởng đâu vị thầy nói đùa, Thanh Nga cười:

-Nữ hoàng như Nga thì có ai mà sợ, quan quân không có, thần dân cũng không.

-Vì cô là nữ hoàng nghệ thuật, hình ảnh cô sẽ được tôn sùng trong con tim của khán giả, trong tâm tưởng của người đời.

Chủ và khách nói chuyện đến đây, chưa đi vào vấn đề chính thì có chiếc xe Mobylette ngừng lại trước cổng, người ngồi sau xuống xe, còn người kia tiếp tục chạy đi không biết đi đâu. Thầy Chàm vừa thấy người này thì ngưng ngay câu chuyện đang nói, ông đi một cách vội vã ra cổng, và người xuống xe đi vào sắp chạm mặt thì thầy Chàm cũng sụp xuống lạy hai lạy như đã lạy Thanh Nga lúc nãy, khiến cho cô không khỏi thắc mắc, quay sang hỏi bà Bảy Tầm Vu:

-Ai đến đây ông thầy cũng lạy hết, sao kỳ vậy hả thím Bảy?

-Không biết tại sao bữa nay ông làm như vậy, chớ lần trước tới đây có thấy ông quỳ lạy ai đâu.

Thật vậy, Thanh Nga đâu có biết rằng chỉ có cô và vị khách vừa đến còn ở ngoài sân kia là được Thầy Chàm quỳ lạy, chứ xưa giờ chưa có người nào đến đây mà thầy có thái độ kỳ lạ ấy. Cách đó vài tháng không biết do ai điềm chỉ mà vị tỉnh trưởng Ninh Thuận và phu nhân đến đây nhờ coi vận mạng, nhưng thầy cũng chỉ trang trọng mời ngồi mà thôi.

Riêng người khách mới đến thì ông ta khoảng chừng 35, 36 tuổi, ăn mặc bình thường áo sơ mi bỏ ngoài, chân đi dép, đầu đội nón nỉ, đến đây cùng mục đích với Thanh Nga, nghĩa là cũng coi tướng, coi vận mạng…

Tuy nhỏ tuổi hơn thầy Chàm đến một con giáp, nhưng thầy rất tôn kính và gọi ông bằng “ngài,” thưa ngài, bẩm ngài… coi như vị thế của vị khách và Thầy Chàm có một khoảng cách vô hình khá rộng. Vậy ông khách kia là ai? Do đâu mà thầy Chàm tôn kính đến thế?

Thầy Chàm nhắc lại chuyện của gần hai năm về trước, bởi thầy biết vị khách đang thắc mắc về chiếc bàn hương án, thầy nói:

-Ngài có nhớ chăng, lúc ngài đến đây lần đầu cũng có chiếc bàn hương án đặt ở đây?

Một thoáng ôn lại trong trí, vị khách gật đầu liền:

-Nhớ chứ, lúc đó vào một đêm tối trời.

Thầy Chàm nói tiếp:

-Chắc ngài còn nhớ trước đây tôi có nói đến nàng quận chúa cùng hoàng tộc với ngài, nhưng vẫn còn tiềm ẩn trong dân gian, và khi cô xuất hiện là trở thành nữ hoàng nghệ thuật, được mọi người thương mến. Cô đến đây trước ngài độ chừng 20 phút thôi, chưa kịp nói lên điều gì thì ngài tới, hiện giờ cô và một bà đi chung với cô đang ở trong nhà.

Thầy Chàm nói đến đây thì vị khách nhớ lại là lúc trước thầy có đề cập đến một nàng quận chúa, nhưng lúc ấy ông chẳng hỏi gì thêm, cũng không chú ý bao nhiêu, và hôm nay thầy lập bàn hương án để đón rước mình và cô ấy. Vậy thì câu chuyện nàng Quận Chúa kia là có thật chớ đâu phải ông nói để cho vui. Giờ đây còn một vấn đề là cô đang ở trong nhà kia có trở thành nữ hoàng nghệ thuật như thầy đã nói hay không, nếu đúng thì thêm một yếu tố để tin tưởng lời của thầy nói về vận mạng của mình.

Vị khách hỏi:

-Thưa thầy! Cô ấy đã trở thành nữ hoàng nghệ thuật hay chưa vậy?

-Quận chúa chỉ mới bắt đầu nổi tiếng ở Phan Rang trong những ngày gần đây thôi, và con đường đi đến ngôi vị nữ hoàng nghệ thuật của cô sẽ không xa.

Vị khách đang nóng lòng muốn biết cô gái ấy là ai mà thầy Chàm đã gọi là Quận Chúa. Ông định hỏi thì thầy lên tiếng:

-Xin mời ngài vào nhà, và kể từ giờ này xin ngài đừng lên tiếng nói lời nào hết, mà chỉ cần nghe những lời tôi nói với cô ấy mà thôi.

-Xin thầy cứ tự nhiên nói chuyện với cô ta, tôi sẽ không nói lên điều gì cả, chỉ im lặng nghe thôi.

Vị khách bước theo thầy Chàm vào nhà và vừa thấy Thanh Nga là ông biết ngay cô nàng đang được báo chí nói nhiều về vụ nhìn con, mà hình ảnh của cô cũng hằng ngày lên báo. Ông rất chú ý sự kiện này vì nó đang xảy ra ở Phan Rang, quê hương của ông.

Do đồng ý với đề nghị của thầy Chàm nên khi vào nhà, lúc Thanh Nga và bà Bảy Tầm Vu đứng dậy chào, ông chỉ tươi cười đáp lại: Chào cô, chào bà rồi im lặng luôn. Trong khi thầy Chàm giải thích cho Thanh Nga những điều cô đang thắc mắc thì vị khách ngồi nghe tất cả, ông nghĩ ngợi rằng, một cô đào hát cải lương đang làm xôn xao dư luận, báo chí làm rùm beng lên làm cho nổi tiếng cùng khắp, thì ngôi vị nữ hoàng nghệ thuật đặt cho cô ta cũng đúng thôi!

Trên đây là một đoạn trích ra từ trong cuốn tình sử cải lương Cuộc Ðời Thanh Nga quyển 2, do nhà xuất bản Người Việt phát hành. Quí vị mua sách liên lạc nhật báo Người Việt. Ðịa chỉ: 14771 Moran Street Westminster, CA 92683. Ðiện thoại: (714) 892-9414. Website: www.nguoi-viet.com.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT