Friday, April 26, 2024

Ðờn ca tài tử và ‘bí ẩn’ phía sau cuốn bài ca nhỏ

Ngành Mai

Trong buổi họp mặt đờn ca tài tử lần đầu tiên vừa qua tại Little Saigon, nghệ sĩ tài tử Quế Anh nói rằng, cô biết ca cổ nhạc là nhờ những cuốn bài ca nhỏ bán rất nhiều ở chợ.

Thật vậy, khi xưa nếu ai là người vốn yêu thích cổ nhạc thì khó thể bỏ qua những cuốn bài ca nhỏ, mà nội dung chỉ có sáu câu vọng cổ, hoặc nếu hơn thì có thêm một, hai tấm hình nghệ sĩ in nhòe nhoẹt, mà chữ đôi khi cũng in trật.

Một khi đã có cuốn bài ca trong tay rồi thì chỉ vài ngày sau là cất tiếng ca lên ở các buổi sinh hoạt. Người ta có thể nói rằng đa số dân đờn ca tài tử đã “xuất thân” từ cuốn bài ca nhỏ được bán ở các chợ miền quê thời thập niên 1950-1960.

Vào thời ấy hầu như các chợ ở làng quê miền Nam, và luôn cả một số tỉnh miền Trung cũng đều có những cuốn bài ca nhỏ được rao bán, để rồi thời gian sau đó thì người ta lại thấy có thêm số người biết ca vọng cổ phục vụ bà con ở thôn xóm.

Vậy từ đâu mà cuốn bài ca được phổ biến rộng rãi để rồi nhiều người trở thành tài tử giai nhân ở khắp nơi, tham gia sinh hoạt giúp vui bà con mộ điệu?

Số là những năm ấy khi một dĩa hát vọng cổ được ra đời, thì liền sau đó vô số cuốn bài ca nhỏ xuất hiện với nguyên văn lời ca của dĩa hát nói trên được tiêu thụ rất nhanh trong thời gian kỷ lục.

Lúc bấy giờ hầu hết các chợ lớn, nhỏ ở miền Nam, chợ nào cũng thấy bán cuốn bài ca nhỏ. Hình ảnh một người vai mang chiếc bị (có nơi gọi là cái tụng) tay cầm xấp bài ca vừa đi vừa cất tiếng hát vọng cổ, đã trở nên quen thuộc với tất cả những ai mua bán ở các chợ làng quê nông thôn.

Không chỉ riêng chợ xã, chợ quận mà luôn cả chợ xóm ấp cũng có, xa xôi hẻo lánh đến đâu cũng có người rao bán những cuốn bài ca này với giá bình dân, ai cũng có thể mua được.

Mời độc giả xem video: Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 14 tháng 10 năm 2016

Về hình dáng thì cuốn bài ca khuôn khổ chỉ bằng phân nửa tờ giấy tập học trò, hoặc lớn hơn đôi chút và vỏn vẹn không đầy 20 trang, tính luôn bốn trang bìa. Thông thường bìa cuốn bài ca được vẽ một cảnh nào đó trong nội dung bài ca, kèm theo bức ảnh bán thân của ca sĩ đã ca trong dĩa hát.

Tóm lại cuốn bài ca vừa ít trang, vừa trình bày đơn giản, màu sắc cũng rất sơ sài nhưng tầm phổ biến thì rất lớn, bởi bài ca bán ra thì chỉ vài tuần sau thì giới đờn ca tài tử khắp nơi đã đưa vào sinh hoạt, nhóm nào cũng có người ca, đi đâu cũng nghe ca.

Cuốn bài ca nhỏ bán ở các chợ làng quê này thành phần mua nhiều nhất là các cô gái, vì một lẽ rất dễ hiểu các cô là người đi chợ, chớ giới thanh niên thì có mấy người vào chợ đâu. Còn các chị đàn bà đã có con thì cũng rất hiếm người mua, do bởi thành phần này họ đa đoan quá nhiều công việc. Cầm cuốn bài ca lên là sợ chồng la rầy, sợ mẹ chồng, chị em bên chồng trách mắng: “Tối ngày cứ lo ca hát thì còn làm ăn gì được!”

Các cô gái mua cuốn bài ca về đợi lúc nào rảnh rỗi không có ai là các cô tập ca, nhiều cô có giọng ca rất hay, rất truyền cảm, đâu thua gì các nữ ca sĩ nổi tiếng, nhưng khổ nỗi là chỉ ca ở xó bếp, ở sau hè. Do bởi thành kiến “xướng ca vô loại” đã ăn sâu vào cội rễ của xã hội miền Nam, mà các cô đã không được xuất đầu lộ diện ở những địa điểm đờn ca tài tử. Thành kiến cổ hủ lỗi thời kia đã ngăn chặn hàng bao giọng ca hay của phái nữ, mà đáng lý ra được đem ra phục vụ cho nền cổ nhạc, phục vụ cho đời.

Một số ít các cô may mắn hơn, lớn lên trong gia đình phóng khoáng, đã được gia nhập các nhóm đờn ca tài tử, để rồi một số sau này thành danh. Chớ còn đại đa số các cô thì không được rời khỏi nhà thì nói chi là tham gia học ca học hát. Thành thử ra, bao nhiêu giọng ca trời cho đã bị chôn vùi theo thời gian khi các cô về nhà chồng.

Trong làng cổ nhạc có trên dưới 10 soạn giả viết bài ca vọng cổ, nhưng hai người soạn bài dễ ca nhất là thi sĩ kiên soạn giả Kiên Giang-Hà Huy Hà, và nhạc sĩ Bảy Bá, tức soạn giả Viễn Châu. Hai ông đã dùng lời văn đi sát với đối thoại thực tế ở ngoài đời, nên rất được nhiều tài tử giai nhân hoan nghênh.

Ngay cả chính tôi, người viết bài này, cũng đã học bài ca của hai ông và thuộc khá nhiều bài. Nhớ lại khoảng năm 1962 tôi làm việc trong địa điểm dinh điền cách thị xã Ban Mê Thuột hơn 10 cây số, nhưng đến Chủ Nhật là ngồi xe lam ra thị xã để đến trại mộc Tư Cần. Ðây là địa điểm sinh hoạt đờn ca tài tử thường xuyên, bởi phần lớn dân thợ mộc ở đây là người Long Xuyên, Chợ Mới, Mỹ Luông, rất nhiều người biết ca biết đờn.

Ngày nọ vừa ra tới chợ Ban Mê Thuột bỗng thấy người bán bài ca, có một bài mới phát hành mang tên “Tử Lộ Ðội Gạo” của Kiên Giang, tôi mua ngay rồi đi thẳng đến trại mộc Tư Cần. Phân nhịp lời ca xong, tôi kêu một anh đờn cho tôi ca. Tức thì anh này ngưng công việc và lấy cây lục huyền cầm dạo lên… Tôi nhìn vô cuốn bài ca và ca luôn đến hết bài. Vài ngày sau thì đã thuộc lòng, rồi đưa “Tử Lộ Ðội Gạo” vào sinh hoạt đờn ca tài tử ở địa phương.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về đờn ca tài tử tại Little Saigon, Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại sẽ tổ chức họp mặt đờn ca tài tử kỳ 2 vào lúc 4 giờ chiều Thứ Năm, 27 Tháng Mười, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.

Ban tổ chức mong được đón tiếp các nhạc sĩ tài tử có đờn thùng mang theo, và khán giả mộ điệu, cùng tài tử giai nhân về họp mặt. Liên lạc trưởng ban tổ chức ông Lê Quang Thế (714) 454-7851.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT