Thursday, May 9, 2024

‘Love Story,’ bản tình ca bất hủ

Kalynh Ngô/Người Việt

SANTA MONICA, California (NV) – Tài tử Ryan O’Neal, người bỗng chốc trở thành hoàng tử của thế giới điện ảnh sau một ngày mùa Đông năm 1970 qua bộ phim “Love Story,” với cuộc tình đẹp nhất thế kỷ, qua đời ở tuổi 82 hôm 8 Tháng Mười Hai tại Santa Monica, California.

Nữ diễn viên Ali MacGraw vai Jennifer Cavalleri và Ryan O’Neal vai Oliver Barrett IV trong một cảnh phim “Love Story.” (Hình: Archive Photos/Getty Images)

Nói ví von theo ngữ cảnh của bộ phim, Oliver Barrett IV (do Ryan O’Neal đóng) ra đi sau nàng Jennifer (do Ali MacGraw diễn xuất) của chàng đúng 53 năm.

Trong suốt 53 năm ấy, mối tình ngang trái giữa chàng trai Oliver, sinh viên Đại Học Harvard con nhà giàu có, và cô nữ sinh nghèo Jenny, trở thành biểu tượng cho một tình yêu đẹp nhưng không thành. Nội dung (motif) phim không mới, không hư cấu, không cầu kỳ theo cách dẫn dắt, nhưng chính vì thế, mà cuộc tình đẹp trong phim trở thành kinh điển cho thể loại phim tình cảm và cả cuộc đời thật.

Không chỉ thế, nhạc phim và những câu thoại trong phim cũng trở nên bất hủ, bước ra khỏi màn ảnh để trở thành “danh ngôn tình yêu” cho cuộc sống thực tế.

“Love means never having to say you are sorry” – Yêu là không bao giờ phải nói lời xin lỗi. Viện Phim Ảnh Hoa Kỳ (AFI) đã xếp câu thoại trên ở vị trí thứ 13 trong top 100 lời thoại kinh điển nhất lịch sử màn ảnh. Nhạc phim “Love Story” đứng hạng thứ chín trong TOP 10 của 100 bản nhạc phim hay nhất mọi thời đại, theo bình chọn của Viện Phim Ảnh Hoa Kỳ.

Rất nhiều tài liệu báo chí đã ghi lại về xuất xứ của nhạc chủ đề của “Love Story.” Theo lời kể của chính tác giả bản tình ca bất tử này, cảm hứng sáng tác nhạc “Love Story” đến với ông vào lúc nửa khuya. Ban đầu, ông chỉ viết bốn nốt nhạc căn bản, nhưng như thế lại khá giống với giai điệu của một ca khúc “A Time For Us” của Nino Rota vốn đã nổ tung màn ảnh hai năm trước, đó là nhạc chủ đề cho phim “Romeo and Juliette.”

Do đó, trong câu đầu tiên của mỗi đoạn, ông thêm vào một nốt nhạc. Những câu tiếp sau chỉ có bốn nốt trầm. Có lẽ vì thế mà giai điệu trở nên mượt mà, và cũng rất bi thương. Bản tình ca “Love Story” đi vào huyền thoại chỉ với một nốt nhạc được thêm vào.

Không thể chối cãi là chính phần nhạc của phim đã làm cho cuốn phim vốn đã hay, lại càng thêm đi làm lòng người. Mỗi khi giai điệu nhẹ nhàng, réo rắt vang lên cùng từng lời ca rơi xuống “Wher do I begin?…” thì cứ như gieo vào tâm hồn người nghe một cảm giác bâng khuâng, xao xuyến. Cách nhả chữ điêu luyện của giọng ca Andy Williams như chất men, làm tăng thêm độ say tình tứ trong giai điệu của nhạc sĩ Pháp Francis Lai (1932-2018).

Một cảnh trong phim “Love Story,” khi bệnh tình của Jennifer Cavalleri đã trở nặng và sắp rời xa Oliver Barrett IV. (Hình: Archive Photos/Getty Images)

Ca khúc “Where do I begin?,” nhạc phim “Love Story,” giành được cả giải Oscar và Quả Cầu Vàng, đồng thời đạt vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng album Billboard.

Có rất nhiều yếu tố để bộ phim “Love Story” trở thành một bản tình ca nổi tiếng, trong vắt và đẫm lệ suốt hơn nửa thế kỷ đến ngày nay. Ngoài âm nhạc, “hoàng tử Oliver” Ryan O’Neal, người vừa từ giã cuộc đời, là yếu tố không hề nhỏ.

Ryan O’Neal đến với “Love Story” sau gần 10 năm hoạt động trong lĩnh vực phim truyền hình. Trước khi vào nghề diễn xuất, Ryan là một võ sĩ quyền anh. Khuôn mặt đẹp, trong vắt, mang dấu ấn của một nhân vật trong truyện cổ tích, mái tóc vàng bồng bềnh của Ryan mang về cho anh điểm tuyệt đối trong thế giới điện ảnh Hollywood thời điểm đó. Thậm chí sau này, nhà phê bình điện ảnh Bilge Ebiri đặt cho ông một cái tên “Hoàng tử bé của điện ảnh Mỹ” thập niên 1960.

Với nét đẹp ấy, Ryan là lựa chọn tuyệt vời và duy nhất cho vai chàng trai con nhà giàu có trong phim “Love Story.” Khi Ryan thử vai Oliver, nữ diễn viên Ali MacGraw, người đóng vai Jenny, đã thuyết phục chồng cô, Robert Evans, giám đốc điều hành phụ trách tại Paramount, chọn Ryan.

Ryan O’Neal được nhà phê bình điện ảnh Bilge Ebiri đặt cho cái tên “Hoàng tử bé của điện ảnh Mỹ” thập niên 1960. (Hình: Michael Ochs Archives/Getty Images)

Tuy rằng sau “Love Story,” Ryan xuất hiện trong khá nhiều phim điện ảnh khác, nhưng ông chỉ là “gương mặt quen thuộc” với khán giả, vì Ryan không thể nào nổi tiếng như ông đã từng đối với “Love Story.”

Theo một tài liệu từ The New York Times, danh tiếng của Ryan O’Neal bắt đầu tuột dốc vào năm 1978, khi hãng Paramount đề nghị cho ông $3 triệu để đóng vai chính trong phần tiếp theo của “Love Story” có tên “Oliver’s Story.” Ryan O’Neal đã chấp nhận, mặc dù ông bày tỏ thái độ không thích đối với bộ phim này.

“Có điều gì đó rẻ tiền ở các phần tiếp theo,” Ryan nói với một phóng viên. “Và phần này hoàn toàn là một trò lừa đảo.”

Khi “Oliver’s Story” ra mắt, các nhà phê bình phim đã đồng ý như thế. Kể từ đó, sự nghiệp diễn viên hạng A của Ryan bắt đầu đi vào ngõ cụt.

Sau hơn nửa thế kỷ, chàng Oliver, nàng Jenny và cả Ryan O’Neal đều ra đi, nhưng bản tình ca “Love Story” bất diệt và giai điệu của “Where do I begin?” sẽ còn mãi mãi. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT