Monday, April 29, 2024

Những phim hoạt họa nhạc kịch cuốn hút không kém gì của Disney

Thiện Lê/Người Việt

HOLLYWOOD, California (NV) – Ai cũng biết Disney là hãng phim đứng đầu về các phim hoạt họa kết hợp với nhạc kịch, nhưng có một số phim không phải của Disney cũng chinh phục được khán giả trong nhiều năm qua.

Nhân vật chính Moses của “The Prince of Egypt.” (Hình: Facebook The Prince of Egypt)

Những phim hoạt họa kết hợp với nhạc kịch không phải của Disney có câu chuyện đa dạng, độc đáo và những ca khúc trong phim cũng rất hay. Không chỉ vậy, các phim đó cùng với phim Disney tạo nên tuổi thơ của nhiều khán giả.

Dưới đây là những phim hoạt họa nhạc kịch tuy không phải của Disney, nhưng vẫn chinh phục được khán giả trong nhiều năm.

The Prince of Egypt

Vào năm 1998, hãng phim Dreamworks công chiếu phim hoạt họa nhạc kịch đến nay vẫn được coi là hay nhất mọi thời đại là “The Prince of Egypt,” có chủ đề về Kinh Thánh.

“The Prince of Egypt” nói về câu chuyện của Hoàng Tử Moses trong Kinh Thánh, sống trong nhung lụa của Ai Cập với anh trai là Ramses, nhưng sau đó biết được nguồn gốc của mình là con của nô lệ người Do Thái. Vì vậy, ông rời bỏ hoàng cung Ai Cập để tìm tự do cho người Do Thái, và điều đó dẫn đến nhiều xung đột với người mình gọi là anh trai trong nhiều năm.

Từ đoạn mở đầu đến cuối phim, “The Prince of Egypt” đầy ấn tượng trong từng giây phút trong cả mặt mỹ thuật và nội dung. Tuy là phim dựa theo Kinh Thánh, nhưng cốt truyện của phim hoạt họa này được soạn thảo rất chặt chẽ, kết hợp với sự chuyển âm thần sầu của hai vai chính là Val Kilmer trong vai Moses và Ralph Fiennes trong vai Ramses, cùng các diễn viên khác như Michelle Pfeiffer, Sandra Bullock, Jeff Goldblum, Helen Mirren, Steve Martin và Martin Short.

Phim hoạt họa này còn có nhạc nền và các ca khúc do hai nhạc sĩ lừng danh Stephen Schwartz và Hans Zimmer sáng tác, làm khán giả xúc động hơn khi kết hợp với nét vẽ và diễn xuất.

Tuy có điểm trên Rotten Tomatoes là 79%, nhưng “The Prince of Egypt” luôn được khán giả tìm xem lại, nhất là những khán giả xem vào lúc nhỏ và bây giờ đã trưởng thành vì phim hoạt họa này có nội dung rất thích hợp với người lớn.

Về mặt doanh thu, tác phẩm này kiếm được đến $218 triệu vào năm 1998, và luôn được coi là phim hoạt họa nhạc kịch không phải của Disney thành công nhất.

Một cảnh trong “Anastasia.” (Hình: Facebook Anastasia)

Anastasia

Khi một phim hoạt họa bị khán giả tưởng lầm là phim của Disney, chắc chắn là phim đó rất hay, và đó tác phẩm “Anastasia” công chiếu năm 1997 do hãng 20th Century Studios sản xuất.

Phim hoạt họa này thay đổi lịch sử của nhân vật có thật ngoài đời là Công Chúa Anastasia Romanov, người bị giết cùng với gia đình ở Nga vào năm 1918. Trong phim, công chúa này thoát chết, nhưng bị mất trí nhớ.

Sau nhiều năm, công chúa này dùng cái tên Anya, hợp tác với vài người lường gạt, giả dạng làm công chúa để kiếm tiền. Trong khi đó, Nữ Công Tước Marie đang treo tiền thưởng cho những ai giúp mình tìm lại được Anastasia.

Hai người lường gạt và Anya tìm cách đưa cô gái mồ côi đó cho vị nữ công tước vì cô có nhiều điểm giống như công chúa bị mất tích, và họ không hề biết Anya là Công Chúa Anastasia.

“Anastasia” vừa được đánh giá cao, có điểm 84% trên Rotten Tomatoes và được các nhà phê bình phim khen ngợi nội dung với các nhân vật đầy thu hút, còn có doanh thu thành công là $140 triệu với kinh phí $53 triệu.

Vai chính chuột Fievel Mousekewitz của “An American Tail.” (Hình: Facebook An American Tail)

An American Tail

Trong thập niên 1980, khi Disney tìm được nhiều thành công trong thể loại phim hoạt họa nhạc kịch, một phim có doanh thu vượt qua cả Disney lúc đó là “An American Tail” của Universal Pictures, công chiếu năm 1986.

Phim nói câu chuyện của chú chuột Fievel Mousekewitz nhập cư từ Nga đến Hoa Kỳ cùng gia đình trên tàu sau khi nhà của họ bị mèo tấn công. Khi đang đi trên tàu, một cơn bão làm Fievel rớt khỏi tàu và thất lạc gia đình, nhưng chú chuột này may mắn trôi dạt vào được New York. Với sự giúp đỡ của nhiều chuột địa phương, Fievel hành trình khắp New York để tìm lại gia đình.

“An American Tail” có doanh thu đến $84 triệu, vượt qua vài phim Disney đương thời, và từng được coi là phim hoạt họa nhạc kịch không phải của Disney có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

Nhiều thú vật thi ca hát trong “Sing.” (Hình: Facebook Sing)

Sing

Trong thập niên 2010, có thể không còn ai vượt qua được Disney trong phim hoạt họa nhạc kịch  nữa, nhưng có một phim vẫn cạnh tranh được là “Sing” của Universal Pictures công chiếu năm 2016.

Phim có câu chuyện nói về một cuộc thi ca hát của nhiều thú vật, do nhân vật chính là Dapper Koala Buster Moon tổ chức. Nhân vật này là chủ một nhà hát lớn đang bị lãng quên và muốn tìm mọi cách để bảo vệ nơi mà mình vô cùng yêu quý.

“Sing” có nội dung mới lạ vì nhiều thú vật tham gia một cuộc thi ca hát, kết hợp nhạc kịch vào một phim hoạt họa không có yếu tố thần thoại như nhiều phim hoạt họa khác. Tác phẩm này còn có thêm dàn diễn viên đầy tên tuổi như Matthew McConaughey, Reese Witherspoon, Seth MacFarlane, Scarlett Johansson, John C. Reilly, Tori Kelly, Taron Egerton và Nick Kroll.

Phim hoạt họa có doanh thu cao nhất mọi thời đại hiện nay là “Frozen II” của Disney, chiếu vào năm 2019, có doanh thu đến $1.4 tỷ. Trong khi đó, “Sing”có doanh thu $634 triệu, tuy chưa bằng một nửa của “Frozen II,” nhưng vẫn được coi là phim hoạt họa nhạc kịch không phải của Disney có doanh thu cao nhất.

Hai vai chính Tulio (trái) và Miguel của “The Road to El Dorado.” (Hình: Facebook The Road to El Dorado)

The Road to El Dorado

Sau sự thành công của “The Prince of Egypt,” hãng Dreamworks công chiếu “The Road to El Dorado” vào năm 2000, và đến nay vẫn là phim hoạt họa nhạc kịch không phải của Disney được khán giả nhớ đến.

Tác phẩm này có chủ đề vô cùng đáng nhớ là hành trình tìm đến thành phố vàng ở Nam Mỹ được nhắc đến trong nhiều truyền thuyết. Hai nhân vật chính là Tulio và Miguel, hai người Tây Ban Nha chuyên lường gạt người khác, tình cờ tìm được bản đồ tìm đến thành phố El Dorado.

Họ lên một chiếc tàu để đi tìm thành phố đó, sau đó gặp nhiều vấn đề, nhưng cuối cùng tìm được thành phố vàng trong truyền thuyết.

“The Road to El Dorado” đến nay vẫn là một phim hoạt họa quen thuộc trong tuổi thơ của nhiều khán giả vì hài hước, có nét vẽ đẹp và có nhạc hay do chính danh ca Elton John sáng tác với trình diễn.

Tuy nhiên, không ai biết tại sao “The Road to El Dorado” bị thất bại về doanh thu, chỉ kiếm được $76 triệu trong khi kinh phí lên đến $95 triệu. Phim hoạt họa này còn bị các nhà phê bình cho rằng không đủ cảm xúc và không có quy mô lớn như nhiều phim khác.

Tuy vậy, “The Road to El Dorado” vẫn là một phim được khán giả yêu quý và đến nay vẫn được xem lại. (Thiện Lê) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT