Friday, April 26, 2024

Đừng bỏ lỡ 7 phim từng xuất sắc nhận đề cử giải Oscars

Nhất Anh/Người Việt

HOLLYWOOD, California (NV) – Từ lâu, Oscars được xem là niềm mơ ước của tất cả những ai làm việc trong giới điện ảnh. Mỗi năm, danh sách đề cử Oscars cho phim hay nhất đều tập hợp những tên tuổi làm phim lớn, đem lại cho khán giả một bữa ăn điện ảnh đầy phẩm chất.

Tuy những bộ phim này vuột mất cơ hội thắng giải “Best Pictures” của Oscars nhưng đều là những bộ phim nhân văn, đầy tính nghệ thuật, kèm theo thông điệp ẩn ý bên trong và cực kỳ xứng đáng mà bạn không nên bỏ qua.

1-Arrival

Các bộ phim thuộc thể loại về khoa học viễn tưởng thường không được các nhà phê bình phim của Oscars “dòm ngó” đến, nhưng “Arrival” là trường hợp ngoại lệ. Nằm trong danh sách đề cử “Phim xuất sắc nhất” của Oscars năm 2016, phim thành công trong việc lồng ghép một cách thông minh các lý thuyết khoa học đương đại hiện nay, đồng thời để lại nhiều câu hỏi không lời đáp để khán giả tự giải mã cho chính mình.

Phim dựa trên cuốn tiểu thuyết “The Story of Your Life” của nhà văn Ted Chiang, kể về câu chuyện 12 tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh đổ bộ lên Trái Đất với ý định tấn công và chiếm đoạt. Nhiệm vụ đè nặng trên đôi vai của nhà ngôn ngữ học Louise, do minh tinh Amy Adams thủ vai, khi cô trở thành người được chọn để học ngôn ngữ của người ngoài hành tinh để có thể giao tiếp và truyền đạt thông điệp lại cho con người ở Trái Đất. Nội dung phim tưởng chừng như cực kỳ đơn giản, thậm chí có phần hơi “chán,” nhưng đằng sau vỏ bọc của tiết tấu chậm đó chính là những tình tiết khiến người xem bị cuốn vào những thuyết khoa học về thời gian, không gian và ngôn ngữ.

Câu chuyện của “Arrival” đem lại cho bữa tiệc Oscars mang đậm tính chất tâm lý mặc dù đây là bộ phim khoa học viễn tưởng, đồng thời, những lồng ghép trong phim thể hiện tài năng và hiểu biết sâu rộng của đạo diễn Christopher Nolan. Đây chính là sự kết hợp tài tình giữa phim ảnh và khoa học.

2-A Star Is Born

Lần đầu diễn xuất nhưng Lady Gaga (phải) chạm đến trái tim khán giả qua nét diễn chân thật, mộc mạc và gần gũi trong “A Star Is Born.” (Hình: motionpictures.org)

“A Star Is Born” là bộ phim có nhiều cái đầu tiên của ekip làm phim, trong đó đây là dự án đầu tiên của tài tử Bradley Cooper trong vai trò đạo diễn và đồng thời đóng cả vai nam chính. Thứ hai, đây là dự án bén duyên điện ảnh của nữ ca sĩ Lady Gaga. Màn chào sân đầy thành công của Lady Gaga giúp cô nhận nhiều đề cử phim danh giá, trong đó có giải “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” của Oscars.

“A Star Is Born” là phiên bản làm lại của bộ phim cùng tên phát hành năm 1937, tô đậm một bản tình ca đầy ngọt ngào nhưng cũng lấy đi của khán giả biết bao nước mắt cho câu chuyện tình của chàng nghệ sĩ và nữ bồi bàn Ally.

Bộ phim là hành trình về âm nhạc, tình yêu và lòng nhân ái, chạm đến trái tim của người xem khi những mất mát và biến cố mà nhân vật trong phim trải qua, để rồi nhận ra rằng cuộc sống quá ngắn ngủi. Đến cuối phim, khán giả rời rạp sẽ đọng lại một câu hỏi trong đầu mãi không thôi. Đó chính là “Phải chăng tình đẹp nhất khi tình dang dở?”

3-Bohemian Rhapsody

“Bohemian Rhapsody” thành công tái hiện màn trình diễn LiveAid nổi tiếng khắp thế giới. (Hình: motionpictures.org)

Các bộ phim về tiểu sử luôn được các nhà phê bình của Oscars ưu ái và “Bohemian Rhapsody” cũng không ngoại lệ. Bộ phim tái hiện một cách chân thực về huyền thoại Freddie Mercury và những năm tháng đầy rực rỡ, máu lửa của nhóm nhạc Queen nổi tiếng.

Xuyên suốt hai tiếng đồng hồ phim khán giả được nghe lại các bài hát nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của Queen như “We Will Rock You,” “We Are The Champion,” “Radio Ga Ga,” “Bohemian Rhapsody” hay “Somebody To Love,” đồng thời bị cuốn theo vào cuộc đời của Freddie Mercury kể từ khi còn là chàng sinh viên gốc Zanzibar ở Middlesex, cho đến thành lập nhóm nhạc Queen, lấy người bạn gái lâu năm và cuối cùng công khai là người đồng tính. Những chuyển biến tâm lý của Freddie lồng ghép đan xen những phân cảnh anh tạo ra chất nhạc riêng cho Queen, hay những đêm trắng cả nhóm cùng nhau tạo ra từng nhịp, từng lời cho bài hát.

Đặc biệt, phân cảnh “Queen” biểu diễn tại Đại Hội Âm Nhạc Live Aid năm 1985 được thể hiện lại đầy cảm xúc khi hàng trăm ngàn người có mặt tại sân vận động Wembley cùng hòa nhau hát vang các bài hát nổi tiếng của “Queen.”

Tuy không giành được “Best Pictures” nhưng “Bohemian Rhapsody” có nam diễn viên Rami Malek trong vai Freddie Mercury xuất sắc thắng giải “Nam diễn viên xuất sắc nhất” Oscars năm 2019.

4-Call Me By Your Name

Bối cảnh đồng quê nước Ý đầy chất thơ cùng với câu chuyện tình đồng tính dang dở trong “Call Me By Your Name” để lại cho khán giả nhiều cảm xúc tiếc nuối. (Hình: motionpictures.org)

“Call Me By Your Name” của đạo diễn người Ý Luca Guadagnino là bộ phim nước ngoài được nhận đến bốn đề cử Oscars năm 2017. Phim dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn André Aciman, tái hiện lại câu chuyện đồng tính đầy lãng mạn, thơ mộng và cảm động của chàng trai người Ý Elio và chàng trai người Mỹ Oliver trong bối cảnh làng quê đầy chân chất năm 1983.

Sự diễn xuất đầy tự nhiên và chân thật của hai diễn viên chính Armie Hammer và Timothée Chalamet để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem, khi họ tái hiện câu chuyện tình yêu của hai chàng trai mới lớn, với những rung động đầu đời trong trẻo và tinh khôi.

Một điều đặc biệt khác trong “Call Me By Your Name” chính là những âm thanh mà đạo diễn cố tình nhấn mạnh, để tạo nên bữa tiệc không chỉ thị giác mà còn cả thính giác. Từ tiếng đạp xe của Elio, tiếng lá rơi, tiếng bàn chân đạp lên mỏm đá có nước chảy róc rách, tiếng đôi giày đạp lên trên nền đất đầy lá khô, cho đến tiếng khóc trào trực ra của Elio khi Oliver đi mất, khiến cho người xem có thể cảm nhận được đầy đủ cung bậc “hỉ, nộ, ái, ố” của nhân vật. Câu thoại “Call me by your name and I’ll call you by mine” có lẽ là lời tình làm rung động, lung lay nhiều trái tim nhưng cũng để lại nhiều tiếc nuối cho một cuộc tình dang dở.

5-Get Out

Nam diễn viên Daniel Kaluuya có màn diễn xuất lột xác khi hóa thân thành chàng rể người da màu với các phân cảnh sợ hãi tột đỉnh, khiến khán giả cũng rùng mình hồi hộp theo dõi phim “Get Out.” (Hình: motionpictures.org)

“Get Out” là một trong những bất ngờ khi nhận được đề cử giải Oscars năm 2017 vì đây là bộ phim kinh dị do ekip người da màu thực hiện và cũng là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Jordan Peele. Cái thành công mà đạo diễn Jordan Peele làm được chính là cái cách khéo léo, tài tình chuyển bộ phim theo nhiều dạng khác nhau, từ mang sắc thái bí ẩn ban đầu chuyển qua kinh dị tâm lý và cả tâm linh, tiếp đến lại bước đến cao trào với hình ảnh máu me, rùng rợn và kết thúc bằng một cú twist đầy giật gân, khiến khán giả không tài nào đoán được.

Thông qua cốt truyện, phim còn gài gắm một thông điệp tưởng chừng như không quá mới mẻ nhưng vẫn đâu đó nhức nhối trong xã hội; đó chính là nạn kỳ thị chủng tộc. Qua các phân đoạn nhắc nhớ về sự kiện lịch sử bi thương trong cuộc nội chiến, những cách mà người da trắng từng đối xử với người da màu, sẽ khiến người xem vừa giật mình, vừa rút ra cho mình một chân lý rằng “Xã hội luôn vốn bất công.”

6-La La Land

“La La Land” chính là bản tình ca mà đạo diễn Damien Chazelle muốn gửi tặng đến khán giả hoài niệm về một thời thanh xuân đẹp đẽ. (Hình: motionpictures.org)

Đã lâu lắm rồi khán giả mới có dịp thấy một bộ phim nhạc kịch lọt vào danh sách đề cử giải Oscars và được giới phê bình đánh giá cao. Kể từ sau các bộ phim cổ điển trong thập niên 1950 như “The Wizard of Oz,” “Singin’ In The Rain” và “The Sound of Music,” “La La Land” là bộ phim nhạc kịch duy nhất tiếp theo nhận 12 đề cử của Viện Hàn Lâm.

Đạo diễn Damien Chazelle đã tạo ra thước phim ngập chất thơ thể hiện về một thế giới đầy hoài bão của những người trẻ, những người được ví như “kẻ khờ mộng mơ,” làm sống lại một thời thanh xuân của khán giả. Ai cũng từng trải qua một tuổi trẻ đầy hoài bão, ngông cuồng và hết mình vì đam mê, và chính “La La Land” đã thành công trong việc khơi nhớ lại những năm tháng đó.

Bên cạnh kịch bản hay, thước phim sống động, hình ảnh được trau chuốt cẩn thận thì nhạc phim cũng đóng vai trò quan trọng trong “La La Land.” Từ cảnh đầu phim khi mọi người cùng nhau nhảy múa trên đường phố kẹt xe một buổi chiều đậm chất Los Angeles trên nhạc bài “Another Day of Sun,” cho đến cảnh hai nhân vật chính múa may trên nền nhạc “City of Stars” vào một đêm thành phố đầy sao, nó tô đậm lên một thông điệp rằng “một thành phố đầy sao, ý là chỉ đến Hollywood, đôi khi cũng chẳng thể soi sáng cho những kẻ lầm đường lạc lối.”

Mặc dù để vuột mất giải “Best Pictures” của Oscars năm đó, “La La Land” vẫn xứng đáng là bộ phim mà những ai thích điện ảnh nên xem qua một lần trong đời. Phim có sự tham gia của các diễn viên trẻ ở Hollywood, bao gồm Emma Stone, Ryan Gosling, gảy Gilbert và Jordan Horowitz.

7-Mad Max: Fury Road

“Mad Max: Fury Road” là tác phẩm xuất sắc và đầy chất Hollywood của đạo diễn 70 tuổi George Miller. (Hình: motionpictures.org)

Đúng như cái tên của nó, “Mad Max: Fury Road” là một màn trình diễn đầy chất điên loạn, ngông cuồng mà đạo diễn George Miller đem lại cho người xem. Sở hữu dàn diễn viên đầy tài năng thực lực như Tom Hardy, Charlize Theron, Nicolas Hoult, Abbey Lee và Courtney Eaton, “Mad Max: Fury Road” khiến người xem phải dõi theo bước chân nhân vật từng phút từng giây qua các pha hành động cực kỳ chân thật và rùng rợn. Màn rượt đuổi, tấn công máu me cộng hưởng với phần âm nhạc đầy với tiếng trống, tiếng guitar rít lên vang dội, kết hợp với hình ảnh hoang mạc màu cam rực hoang sợ trên các chiếc xe Jeep khiến bộ phim được ví là tuyệt phẩm hành động của thời đại thế kỷ 21.

Có thể nói, “Mad Max: Fury Road” là sự hóa thân đầy tuyệt vời và đồng đều của các nhân vật chính và nhân vật phụ. Phim nhận được 10 giải đề cử Oscars trong năm 2015 và giành được sáu giải. (Nhất Anh) [qd]

—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT