Thursday, May 16, 2024

Phim hài kinh điển nhưng phần tiếp theo lại cười không nổi

Thiện Lê/Người Việt

HOLLYWOOD, California (NV) – Hollywood có rất nhiều phim hài kinh điển, nên các nhà sản xuất muốn làm những phần tiếp theo để kéo dài sự thành công đó, nhưng không phải lúc nào cũng làm được.

Jim Carrey (trái) và Jeff Daniels trong “Dumb & Dumber To.” (Hình: Facebook Dumb & Dumber)

Tạo ra được một phim hài kinh điển được nhiều người so sánh như trúng số, nên khả năng mà phần tiếp theo thất bại rất cao. Thể loại phim hài rất khó tái tạo được công thức giúp phim thành công vì đòi hỏi rất nhiều điều, như tác giả và diễn viên phải hợp tác chặt chẽ để tạo ra một bối cảnh độc đáo.

Có những phim quá thành công nên nhà sản xuất muốn có phần tiếp theo, nhưng những phim đó rơi vào cảnh “cười như mếu,” không tìm được sự thành công như của phần đầu.

Dumb & Dumber To

“Dumb & Dumber” công chiếu năm 1994 là một trong những phim gầy dựng danh tiếng của Jim Carrey, và ông quyết định quay lại trong phần tiếp theo là “Dumb & Dumber To” vào năm 2014, nhưng phần đó không tìm lại được sự thành công của phần đầu.

Phần hai này vẫn đưa khán giả đi theo câu chuyện của hai người bạn ngớ ngẩn do Jim Carrey và Jeff Daniels đóng. Vào năm 2003, phần tiền truyện “Dumb and Dumberer: When Harry Met Lloyd” công chiếu, nhưng không có hai diễn viên chính cũ, và những diễn viên mới như nhái theo cách diễn của Jim Carrey và Jeff Daniels.

Vì vậy, “Dumb & Dumber To” của năm 2014 có thể nói là hay hơn phần tiền truyện đó nhiều, nhưng vẫn là một thất vọng lớn so với phần đầu. Tuy hai diễn viên chính vẫn giữ được sự hài hước và thu hút khán giả, nhưng phần hai này không có cốt truyện đàng hoàng để họ thể hiện khả năng.

Phần hai còn tìm cách đưa quá nhiều chi tiết hài hước vào phim, gần như mọi cảnh đều tìm cách làm khán giả cười, và điều đó làm người xem chán rất nhanh vì thiếu sự cân bằng của phần đầu.

Steve Carell (trái) và Morgan Freeman trong “Evan Almighty.” (Hình: Facebook Evan Almighty)

Evan Almighty

Một phim có phần tiếp theo liên quan đến Jim Carrey nhưng không có ông quay lại, không thành công ở phần tiếp theo là “Evan Almighty” chiếu năm 2007, đây là phần hai của “Bruce Almighty” công chiếu vào năm 2003.

“Bruce Almighty” có Jim Carrey đóng vai chính là phóng viên Bruce, được Thiên Chúa ban cho sức mạnh toàn năng trong một tuần để đảm đương trách nhiệm trong một tuần. Trong phần đầu này, tài tử lão làng Morgan Freeman đóng vai Thiên Chúa không thể chê được, diễn rất ăn khớp với Jim Carrey, và giúp khán giả cảm thấy thần thánh cũng có nhiều điểm như một con người.

Trong phần hai “Evan Almighty,” Morgan Freeman quay lại, nhưng Jim Carrey thì biến mất, thay thế ông là Steve Carell, đóng vai chính Evan Baxter. Nhân vật đó chỉ là một vai phụ trong phần đầu, và bây giờ phải dựng lại câu chuyện tàu của Noah trong Kinh Thánh.

Vì nội dung dựa theo câu chuyện tàu của Noah, nên “Evan Almighty” không thu hút khán giả như “Bruce Almighty” với nội dung về một người sẽ làm gì khi có sức mạnh toàn năng, không cần phải theo đạo cũng hiểu được phim hay ở chỗ nào.

Với nội dung không gần gũi với khán giả, những chi tiết hài hước của “Evan Almighty” cũng không thành công, gây nhiều thất vọng vì khán giả rất yêu quý phần đầu.

Nhóm khoa học gia đối đầu với ma quỷ trong “Ghostbusters 2.” (Hình: Facebook Ghostbusters)

Ghostbusters 2

Khi nhắc đến phim hài kinh điển của Mỹ, một phim mà ai cũng nhắc đến là “Ghostbusters” chiếu năm 1984, nhưng phần hai của năm 1989 chứng minh rằng tạo ra được một phim hài thành công khó như trúng số vì không thành công như phần đầu.

Phần hai vẫn đưa khán giả đi theo câu chuyện của nhóm khoa học gia đối đầu với ma quỷ, vẫn có dàn diễn viên cũ quay lại. Không chỉ vậy, công nghệ kỹ xảo điện ảnh trong phần hai tân tiến hơn, giúp thu hút khán giả nhiều hơn. Điều đó giúp dòng phim “Ghostbusters” đến nay vẫn tồn tại và vẫn là phim kiếm được tiền.

Tuy nhiên, phần hai chứng minh tái tạo lại những gì giúp phần một thành công không dễ chút nào. Phần này có vai phản diện hay, có nhiều kỹ xảo thu hút, nhưng vẫn không sánh bằng phần đầu được.

Tài tử Bill Murray trong vai chính là Tiến Sĩ Peter Venkman từng chỉ trích phần hai trước công chúng vì các nhà sản xuất không sử dụng nội dung do chính ông sáng tác. Nhân vật chính do ông đóng là người giúp khán giả vui cười khi xem “Ghostbusters,” nhưng phần hai “Ghostbusters 2” không thể nào thành công khi ông không hài lòng với nội dung.

Cậu bé Alex, vai chính của “Home Alone 3.” (Hình: Facebook Home Alone)

Home Alone 3

Sau hai phần đầu của “Home Alone” thành công, phần thứ ba công chiếu năm 1997 làm khán giả vô cùng thất vọng vì thay thế từ diễn viên chính đến đạo diễn, còn làm mất đi nhiều thứ giúp hai phần trước thành công.

“Home Alone 3” không có vai chính là tài tử trẻ Macaulay Culkin, cũng như không còn đạo diễn Chris Columbus dẫn dắt nữa, thay vào đó là một đạo diễn mới cùng dàn diễn viên hoàn toàn mới.

Hai phần đầu nói về câu chuyện của cậu bé Kevin, bị bỏ rơi ở nhà mấy ngày và phải đối chọi với hai kẻ trộm bằng cách đặt nhiều bẫy trong nhà. Diễn xuất của Macaulay Culkin cùng hai kẻ trộm do Joe Pesci và Daniel Stern đóng đến nay vẫn làm khán giả vui cười khi xem lại.

Trong khi đó, phần ba nói về cậu bé Alex do Alex D. Linz đóng, chỉ bị bỏ rơi ở nhà có một ngày, làm mất đi cảm xúc cô đơn như hai phần trước, làm mọi bẫy mà cậu bé này đặt trong nhà chỉ là những thứ mua vui rẻ tiền cho khán giả. Không chỉ vậy, Joe Pesci và Daniel Stern cũng không quay lại trong phần ba, và diễn xuất của họ giúp khán giả thấy từng cạm bẫy vừa nguy hiểm vừa hài hước đến mức nào.

Jamie Kennedy trong “Son of the Mask.” (Hình: Facebook The Mask)

Son of the Mask

Thêm một phim phần tiếp theo của Jim Carrey mà không có ông quay lại, dẫn đến sự thất bại là “Son of The Mask” chiếu năm 2005, phần thứ hai của “The Mask” công chiếu năm 1994.

Phần hai có diễn viên Jamie Kennedy đóng vai chính, nhưng ai xem cũng công nhận ông không thể nào thay thế được sự thu hút của Jim Carrey trong “The Mask.”

Phần đầu của năm 1994 như là một sân khấu đầy tự do cho Jim Carrey thể hiện khả năng diễn xuất hài hước của mình như giả giọng nhiều người khác, nói về nhiều thứ đang phổ biến đương thời, còn có những chi tiết hài hước bất ngờ. Ít có diễn viên nào thể hiện được sự hài hước đó mà không làm khán giả bực mình hay chán được như Jim Carrey.

“Son of the Mask” vẫn có nhiều kỹ xảo thu hút như phần đầu, nhưng không có nội dung hấp dẫn và thiếu sự hài hước chỉ có Jim Carrey mới có thể mang lại được. (Thiện Lê) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT