Thursday, May 2, 2024

Trở về 1982, năm ‘bùng nổ’ phim khoa học viễn tưởng bất hủ

Nhất Anh/Người Việt

HOLLYWOOD, California (NV) – Năm 1982 có thể nói là một năm đầy thành công và bùng nổ cho các bộ phim thuộc thể loại khoa viễn tưởng ở Hollywood khi hàng loạt các tác phẩm ra đời, trở thành bất hủ và đóng vai trò quan trọng trong làng điện ảnh thế giới.

“Tron” mô phỏng áp dụng công nghệ đồ họa tiên phong tạo ra thế giới điện tử lạ mắt. (Hình: Disney)

Các bộ phim khoa học viễn tưởng trong năm 1982 đều mang giá trị cao trong bối cảnh đương đại và tồn tại một cách tuyệt vời hơn 40 năm qua.

Nhờ vào chiến thuật làm phim sáng tạo cộng với những câu chuyện mang tính biểu tượng về không gian vũ trụ, năm bộ phim dưới đây chắc chắn sẽ vẫn còn được nhắc cho đến nhiều thế hệ sau và để giải thích vì sao năm 1982 trở thành một năm thực sự đặc biệt đối với thể loại khoa học viễn tưởng.

Tron

Một trong những bộ phim khoa học viễn tưởng sáng tạo và có sức ảnh hưởng nhất từng được thực hiện chính là “Tron,” do nhà làm phim Steven Lisberger viết kịch bản và kiêm đạo diễn.

Bộ phim kể về cuộc vượt ngục của một kỹ sư nhu liệu tên là Kevin Flynn, làm việc cho tập đoàn mang tên ENCOM, sau khi gây mâu thuẫn với người chủ đứng đầu công ty, bị ném vào một thế giới kỹ thuật số, nơi anh phải chiến đấu với những kẻ phản diện để thoát thân.

Cũng giống như “Star Trek: The Wrath of Khan,” “Tron” là bộ phim có sức ảnh hưởng lớn ở Hollywood khi cũng áp dụng công nghệ đồ họa vào điện ảnh, xây dựng nên một thế giới trò chơi kỹ thuật số ấn tượng do máy tính tạo ra.

“Tron” đem lại thành công vang dội cho hãng Disney khi thu về $50 triệu trong khi kinh phí thực hiện chỉ $17 triệu, đem lại cơ hội cho các bộ phim làm tiếp theo như “Tron: Legacy” công chiếu năm 2010 và nhiều kế hoạch dự án khác chuẩn bị chiếu trên Disney +.

Hình thù gớm ghiếc của sinh vật bí ẩn khi ký sinh vào con người, đem lại nỗi ám ảnh trong phim “The Thing.” (Hình: Universal Pictures)

The Thing

“The Thing” cũng là một trong những tác phẩm được xếp vào danh sách các bộ phim khoa học viễn tưởng bất hủ và nổi bật nhất của đạo diễn John Carpenter, kết hợp với một chút kinh dị, để lại một ấn tượng khó phai trong tâm trí người xem.

So với các bộ phim khác cùng thể loại trong năm 1982, bộ phim của đạo diễn John Carpenter có phần “lép vế” hơn về mặt doanh thu nhưng không vì vậy mà nó không được chú ý đến.

Tác phẩm dựa trên cuốn tiểu thuyết “Who Goes There?” của nhà văn John W. Campbell Jr., kể về một sinh vật ngoài hành tinh bí ẩn có khả năng sống ký sinh trên vật chủ khác, mô phỏng những tập tính của vật chủ và đồng hóa dần dần. Một ngày nọ, loài sinh vật nguy hiểm này xâm nhập vào một trại nghiên cứu xa xôi ở Nam Cực, mô phỏng diện mạo của những nhà khoa học mà nó ký sinh lên, tạo nên một hiện trường hỗn độn khi sự nghi ngờ bắt đầu nhen nhóm, trở thành cuộc giết người đẫm máu.

Đặc biệt, cái kết mở của “The Thing” vẫn còn được bàn tán cho đến ngày nay, khi người xem vẫn chưa biết được liệu sinh vật ký sinh đó có được tiêu diệt hoàn toàn, hay nó đã trở thành một con người khác, đang sống len lỏi trong xã hội, trở thành một mối đe dọa tiềm tàng khác.

Ba diễn viên chính trong phim “Star Trek II: The Wrath of Khan.” (Hình: Paramount Pictures)

Star Trek II: The Wrath of Khan

“Star Trek” hay còn biết đến với cái tên “Du Hành Giữa Các Vì Sao,” là một thương hiệu truyền hình được nhà sản xuất Gene Roddenberry sáng tạo nên.

Năm 1982, hãng Paramount Pictures sản xuất phiên bản điện ảnh mang tên “Star Trek II: The Wrath of Khan,” do đạo diễn Nicholas Meyer thực hiện, dựa trên kịch bản của nhà biên kịch Jack B. Sowards. Đây là phần thứ hai trong loạt phim truyện sau “Star Trek: The Motion Picture” hồi năm 1979, vượt trội hơn nhiều so với phim tiền nhiệm.

Bộ phim lấy bối cảnh vào năm 2285, theo chân nhân vật Đô Đốc James T. Kirk, do tài tử William Shatner thủ vai, khi ông lãnh đạo phi thuyền Enterprise chiến đấu với Khan Noonien Singh, một tên bạo chúa biến đổi gene do tài tử Richard Montalbán đóng, tạo thành cuộc chiến giữa vì sao hấp dẫn và lôi cuốn từ đầu phim đến cuối phim. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên sử dụng đồ họa máy tính cho toàn bộ phân cảnh trong phim, xứng đáng là bộ phim của “Star Trek” hay nhất cho đến nay.

Khi ra mắt, “Star Trek: The Wrath of Khan” thu về $97 triệu, đoạt kỷ lục là bộ phim có doanh thu ngày đầu tiên ra mắt cao nhất năm 1982, tạo tiền đề cho các phim về “Star Trek” sau này có hướng phát triển tốt hơn.

“E.T. the Extra Terres” là bộ phim thiếu nhi nói về tình bạn giữa con người và người ngoài hành tinh. (Hình: Universal Pictures)

E.T. the Extra-Terres

“E.T. the Extra-Terres” là bộ phim của đạo diễn Steven Spielberg thực hiện vào năm 1982, được xem là bậc thầy về khoa học viễn tưởng, trở thành một tác phẩm mang tính biểu tượng của điện ảnh Mỹ mà không một ai đam mê bộ môn Nghệ Thuật Thứ Bảy có thể bỏ qua.

Bộ phim nói về cậu bé Elliot, do nam diễn viên Henry Thomas thủ vai, tình cờ bắt gặp một sinh vật ngoài hành tinh mang tên giống mình. Thay vì sợ hãi và xua đuổi, Elliot làm quen với người bạn cùng tên này, sau đó chiêu mộ tất cả các bạn thân của mình để giúp đưa Elliot người ngoài hành tinh có thể về lại hành tinh quê hương.

Không chỉ khai thác về chủ đề người ngoài hành tinh với bối cảnh được chăm chút tỉ mỉ, góc quay hấp dẫn, cộng với công nghệ CGI vẽ nhân vật đẹp mắt, “E.T. the Extra-Terres” còn chạm đến trái tim người xem qua những đoạn hội thoại đơn giản nhưng lại rất “thấm” và những đoạn nhạc tuyệt vời từ nhà soạn nhạc John Williams, truyền cảm xúc sâu sắc cho tình bạn dễ thương và thuần khiết giữa cậu bé Elliot và sinh vật Elliot.

Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 55 năm đó, tác phẩm của đạo diễn Steven Spielberg được đề cử đến chín hạng mục, và xuất sắc cầm trong tay bốn tượng vàng Oscar danh giá.

“Blade Runner” là sự kết hợp giữa hai thể loại khoa học viễn tưởng và neo-noir độc đáo. (Hình: Warner Bros. Pictures)

Blade Runner

Dựa theo cuốn tiểu thuyết “Do Androids Dream of Electric Sheep?” của nhà văn Philip K. Dick xuất bản hồi năm 1968, bộ phim “Blade Runner” được hai cây bút Hampton Fancher và David Peoples đảm nhiệm phần kịch bản, dưới bàn tay thực hiện của vị đạo diễn đa tài Ridley Scott.

Bộ phim lấy bối cảnh giả định ở tương lai khi mà cả thế giới bị không khí ô nhiễm bao trùm, đất đai bị hủy hoại, nguồn tài nguyên hoàn toàn cạn kiệt, không có một sự sống từ cây cỏ, bắt buộc con người phải đi tìm những vùng đất mới để khai thác, trong đó vùng đất Off-world là nơi vẫn còn có thể khai phá.

Những người nhân bản được con người tạo ra, được gọi là Replicant, có sức mạnh hơn, thông minh hơn nhưng tuổi đời chỉ có bốn năm, trở thành công cụ để phục vụ cho con người. Nhưng vì là có trí tuệ nên Replicant dần nhận ra giá trị tồn tại của mình và bắt đầu nổi loạn, đối đầu với đội cảnh sát Blade Runner từ Trái Đất, tạo ra các màn rượt đuổi nghẹt thở nhưng cũng đầy ý nghĩa.

Cái hay của đạo diễn Ridley Scott chính là cách ông đặt ra các tình huống trong phim của mình, để lại nhiều ngẫm nghĩ, triết lý cũng như những hoài nghi về sự tồn tại của loài người.

“Blade Runner” không chỉ là một tác phẩm khoa học viễn tưởng thông thường mà còn kết hợp cả thể loại neo-noir xuất sắc, khi các nhân vật trong phim phải đối diện với bản ngã bên trong mình và tìm ra lý tưởng sống đúng nghĩa và nhân văn nhất. (Nhất Anh) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT