Thursday, March 28, 2024

Câu chuyện đầu năm ở hè phố Sài Gòn

 


Duy Thức/Người Việt


 


SÀI GÒN – Những ngày Tháng Hai sau Tết, Sài Gòn như khựng lại. Mặc dù văn phòng hãng xưởng đã đi làm nhưng đường phố vẫn có vẻ vắng. Không còn cảnh tấp nập Tết nhất hay rủ nhau lũ lượt đi lễ đầu năm. Hàng bán dạo thưa hẳn. Dường như họ về quê ăn Tết và vẫn chưa trở lại thành phố. Cô bán hàng rong ở miền Trung vừa mới vào trông có vẻ mập hẳn ra. Cô kể chuyện dông dài:


-Về quê đi quanh quẩn chúc Tết cho bà con. Mình ở Sài Gòn cả năm về cũng phải có quà chút đỉnh, nhất là bao lì xì cho con cháu gần xa nhẩm lại cũng hao tốn khá nhiều. Mùa Ðông ở Quảng khó chịu lắm, Sài Gòn mưa rồi nắng liền chứ cái lạnh ở Quảng cứ kéo dài âm ỉ mãi. Chồng lên Lâm Ðồng chụp hình dạo, con thì gởi bà ngoại nuôi. Mấy tháng về quê thăm con, hai vợ chồng mới gặp nhau.


Cô vừa nói đến đây thì một toán công an xuất hiện chạy vào đậu lại ở quán. Nhân viên y tế đi theo bắt mấy con gà nòi của dân đá gà nhốt trong bội, lập biên bản một lát rồi kéo đi cả.


Ðó là vì dịch cúm gà đầu năm lan tràn khắp nơi. Ðã có người chết vì cúm gà H5N1 rồi.


Cô bán gỏi cuốn ngồi cạnh cột đèn nói:


-Ði bắt gà mà công an kéo đi đông quá. Ðá gà phần nhiều là các tay chơi lì lợm, anh chị. Nếu đi ít sợ làm không lại họ nên công an đi nhiều?


Tôi ngồi uống cà phê trước trạm y tế. Lại nghe anh vừa bán vé số vừa rao đậu phọng ghé vào xòe tập vé số.


-Ế quá chẳng ai mua. Hình như người ta dốc hết tiền tiêu Tết nên bây giờ ai nấy lo thắt lưng buộc bụng, thắt chặt hầu bao. Chắc là tôi phải đổi nghề chứ đi rảo từ sáng đến giờ chẳng bán được lon đậu phọng nào.


Một đám chị em nách con ngồi ăn hột vịt lộn đầu năm để xả xui vì thua bài. Quẹo qua ngã ba đường vào chợ nhỏ có một giọng rao quen thuộc vang lên. Thì ra đó là anh chàng người Bắc mới vào chạy xe ba bánh bán đủ loại rau quả. Sắp xếp mớ bắp cải, khoai lang có ngọn, anh ta mời:


-Bác lấy cái bông cải tím này mười lăm ngàn thôi.


Tôi nói:


-Mấy đứa nhỏ đi chợ rồi. Nhưng anh cho tôi mười đồng gừng và chanh để trị đầy bụng.


Hai anh chàng bán bánh chưng, bánh giò mới rao ba hôm nay, nhất là anh bán bắp luộc. Tất cả đều từ Bắc vào nhưng mấy người bán hàng cũ lại không thấy đâu.



Hàng tạp hóa bán rong. (Hình: Duy Thức/Người Việt)


Tôi có ý đợi không thấy hai cô bán hoa cảnh và chị bán tạp hóa đeo trước ngực chiếc hộp mỏng bày kim chỉ lẫn lộn với mắt kính, hộp quẹt và sách bói toán. Có lẽ họ thấy mới qua Tết bán các hàng này không ai mua. Xe bán phim ảnh, dĩa nhạc lậu bặt luôn không thấy bóng dáng đâu hết.


Cô bán tạp hóa trước Tết nói sẽ về quê bó chổi, mỗi ngày kiếm được đôi ba chục đủ mua gạo chứ tạp hóa rong mỗi ngày đi bộ rã chân từ sáng tới chiều chỉ bán được mấy tháng cuối năm thôi. Tháng Giêng ế nhệ sang tới mùa mưa càng thảm hơn.


Cô bán hoa cảnh cũng than kinh tế khó khăn, người ta dành tiền cho gạo nước mắm muối thiết yếu chứ đâu có dư mua hoa lá chơi làm chi. Cô dự định xin vào làm công nhân trong khu chế xuất. Trong khi đó nhiều người sau nhiều năm làm công nhân thành phố không để dành được đồng nào do lương quá thấp, không chịu nổi cuộc sống đắt đỏ ở thành phố nên nhân thể về quê ăn Tết ở lại tìm việc luôn.


Không khí Sài Gòn có vẻ trầm lắng xuống.


Mấy ngày qua, từ xóm Ao Cá gần đây bỗng ồn ào bà con kháo nhau chuyện ma.


Trước ngày rước dâu, một cô gái bỗng bị vong nhập xác nói cho mọi người biết:


-Tao là bà nội đây. Tết nhất mà tụi bay không thờ cúng tổ tiên ông bà gì hết. Cái mả tao cũng để nhang tàn khói lạnh, chẳng đứa vào thắp hương khói gì. May tao về đây thăm chúng bây và nói cho tụi bây biết như vậy. Bây giờ thì tao đi về nhà. Mau đưa tao về thăm nhà.


Tất cả mọi người hoảng kinh hồn vía. Bà mẹ vội sắp đặt bàn thờ thắp hương khấn vái và ra thắp hương ngoài mồ mả cho đến chiều thì vong mới chịu xuất. Sau ngày đó người trong nhà mới tin có sự linh thiêng của bà nội, và bắt đầu lo việc thờ phụng tổ tiên đường hoàng không bỏ hoang phế như trước.


Xứ này chiến tranh dai dẳng, người chết oan nhiều nên xem chừng âm khí nặng nề. Báo chí đưa tin hồn ma cứ hiện lên chỗ này chỗ nọ luôn.


Ngoài mặt tiền đường chính là văn phòng công ty và các cửa hàng lớn. Trong hẻm nhỏ là các tiệm may, uốn tóc bình dân… Ðất chật người đông, một khúc hẻm nhỏ mọc lên hai tiệm may, bốn tiệm uốn tóc, làm móng. Tiệm may đóng cửa vì người ta ra vỉa hè mua quần áo may sẵn rẻ rề. Tiệm uốn tóc ế ẩm trả nhà lại vì giá thuê nhà đắt tăng từng kỳ trong khi giá làm tóc không thể tăng cao quá.


Qua Tết, chỉ có vài bà già đi nhuộm lại tóc bạc. Tiệm uốn tóc khéo tay nhất còn trụ lại được trong hẻm cũng ế xề thay vì trước đó khách ồn ào ra vô đông nghẹt. Chủ tiệm ngồi ngáp ruồi hết ngày, rồi gọi điện thoại rủ bạn bè nhậu nhẹt hoặc xuống tỉnh dự các lễ hội đình miếu Tháng Giêng, bỏ tiệm trống không chẳng ai tới. Qua Tết rồi, số khá giả người ta ăn uống đã phủ phê thừa mứa, đã chán ngán chơi bời mệt mỏi. Số nghèo thì lo lắng nhìn cả một năm dài khó khăn trước mắt.


Người nghèo vô số. Có một anh ca sĩ ăn mày mờ mờ đôi mắt nhưng rất sáng việc làm ăn. Anh vừa đàn vừa hát qua chiếc loa nhỏ gắn trên thùng đàn những bài hát tình yêu, thất tình…


Quanh phố hẻm ai nấy nhìn thấy sự xuất hiện mới mẻ của anh ăn mày tật bệnh đều cho tiền. Ðể thực sự giúp đỡ, người ta không cho bạc lẻ mà đưa hẳn 2000, 5000, 10,000. Tờ 200 đồng hầu như không còn thấy trên thị trường, tờ 500 chỉ đi kèm vào các số tiền có lẻ chứ bố thí mấy tờ tiền đó, ăn mày chê ngay. Thành thử hành khất lại đâm ra kiếm ăn khấm khá!


Chỉ vài câu cứ ca đi ca lại nỉ non ai oán. Bước tới đâu cái nón vải anh mở ra hứng tiền. Thỉnh thoảng dừng lại, cất tiền vô túi áo cẩn thận rồi lại đi hát dạo và tiếp tục nhận tiền của bà con.


Anh ta rất tâm lý, cứ hát vài câu lại ngừng. Do chỉ thuộc có vài câu hát hay là cố ý ngừng để “rao”:


-Tôi xin lỗi bà con, tôi đi bán vé số nhiều lần bị lấy hết tiền. Bắt buộc tôi phải nhờ bà con giúp đỡ. Vì bệnh tật mà đi xin, bà con thông cảm.


Tuy nhiên nếu có ai cắc cớ lại giật tiền, chắc chắn anh ta sẽ phóng theo cho mà coi. Dù sao anh ta chỉ đi ăn mày chứ có gian tà cướp của ai đâu.


Sau Tết không nghe anh chàng mài dao ở Sơn Tinh đi mài dao nữa. Lại không thấy anh biệt kích bán hoa giả, sửa bình thủy, cũng không gặp anh chàng chùi lư hương… Những nghề ăn theo Tết đều biến mất. Cậu thanh niên tháng trước lên siêu thị khuân hàng mỗi giờ 16,000 đồng và một bữa ăn trưa, bây giờ đang gia nhập đội quân thất nghiệp sau Tết. Ði tìm một việc làm thích hợp thật khó khăn.


Cô Bảy chuyên bán cá khô, phần nhiều là loại tôm khô mẳn nát vụn, cá mối. Cô mới theo chuyến hàng từ Bến Tre lên có cái gì đó như đổi mới. Ăn mặc hấp dẫn hơn, son phấn đậm đà dù đã ngoài năm mươi.


Số là trong xóm từ hôm Tết đến nay có hai cô trong xóm lấy Việt kiều, đời sống có vẻ sung túc hơn mọi người. Cả xóm chụm đầu bàn tán háo hức. Cái ý tưởng lấy “chồng ngoại” từ các cô trẻ đến các chị sồn sồn ở thành phố, cũng như chị em cùng khổ lam lũ ở quê sâu mong được đổi đời, dù biết ra đi lấy ngoại kiều hết sức nguy hiểm, phiêu lưu. Có kẻ tự tử, bị hắt hủi, bị đày đọa bán cả mạng sống. Tuy nhiên thấy trong sắc mặt thèm lấy chồng ngoại cứ phình lên đỏ au thì biết thời buổi kinh tế đồng tiền đứng đầu mà!


Anh Việt kiều nói:


-Ở ngoại quốc bây giờ làm ăn cũng khó khăn lắm. Mỗi tháng kiếm được mấy trăm thì làm cũng bở hơi tai, đâu phải sướng gì. Buồn nhất là các anh chị gia đình tan vỡ.


Chị bán khô cá mối nói:


-Nếu có cơ hội là tôi đi ngay chứ năm tháng cứ ngay đơ như hàng dừa đứng thẳng ở cái xứ dừa thành đồng tổ quốc ngán quá trời rồi.


Nhìn quanh hè phố các anh xe ôm sắp hàng dài dài dọc đầu hẻm ngáp dài. Chỉ có các nhà biên đề thì dân chơi đề lúc nào cũng ra vào tấp nập từ sáng sớm để mua chút hy vọng.

MỚI CẬP NHẬT