Thursday, March 28, 2024

Tết của người nghèo với Xuân tha hương

Văn Lang/Người Việt 


SÀI GÒN – Hàng năm khi tiết trời Sài Gòn se lạnh, rồi đón Giáng Sinh, cho tới rằm Tháng Chạp tất cả những ngôi chợ lớn nhỏ ở Sài Gòn đều vàng rực một màu hoa cúc, con đường Hải Thượng Lãn Ông trong Chợ Lớn đoạn từ chợ Kim Biên tới vòng xoay Châu Văn Liêm hai bên đường đỏ rực những món hàng của những cửa tiệm bán hàng trang trí Tết, những “lồng đỏ treo cao,” những phong bao lì-xì… Lòng người lại nôn nao đón một mùa Xuân mới.









Chú H. sửa xe tại khu Xóm Cháy, Gò Vấp, Sài Gòn. (Hình: Văn Lang)


Trong các xóm trọ rục rịch có người về quê ăn Tết, người đi hớn hở chào mọi người, kẻ ở lại mặt mày buồn so lòng nhẩm tính thầm xem đã mấy Xuân rồi con không về?


Chú H. một cư dân kỳ cựu nhất của xóm trọ, hành nghề sửa xe tại đầu hẻm cười mà nhắm “tịt” cả hai con mắt, nói: “Vui quá! Người ta có quê để về ăn Tết, còn mình thì không.” Hỏi thăm, chú kể là gia đình chú vốn gốc Bắc, bố chú đi lính cho Tây vô Nam “đồn trú” từ năm 1940, mẹ chú từ ngoài Bắc ẵm con theo chồng, cho đến ngày ông tử trận, mẹ chú đi bước nữa. Trải qua những thăng trầm của cuộc đời, chú H. từng đi lính VNCH, sau 1975 gia đình đi kinh tế mới, sau bỏ về khu Xóm Cháy gần vành đai Tân Sơn Nhất thuê nhà ở cho tới bây giờ.










Cậu thanh niên bán vé số quê Bình Ðịnh. (Hình: Văn Lang)


Chú H. về quê duy nhất có một lần, vào khoảng năm 1980, chú nói lần đó cũng “ráng hết sức,” vì chú muốn mẹ chú một lần được nhìn lại quê hương trước khi bà nhắm mắt.


Hỏi thăm chuyện Tết nhất, chú H. cười xuề xòa, cho biết: “Thì bà con lối xóm cho gì ăn nấy.” Chú còn nói thêm: “Bà con ở đây họ rất tốt, cho gì họ cũng biểu tôi ‘ăn giùm,’ nội cái vụ ‘ăn giùm’ thôi nhiều món như gạo, nước tương, lạp xưởng ăn tới ra Giêng còn chưa hết.”


Tết với chú H. năm nào cũng đầy đủ bánh trái, rượu thịt, mứt… ngoài bà con lối xóm cho, chú còn có người cháu bên nước ngoài, cứ Tết mới gởi “lì-xì” cho 50 đô. Có năm, theo chú H. kể, có gia đình giàu trong xóm về quê ăn Tết hết nhờ chú tới ở coi nhà, vậy là tự nhiên năm đó lại được ăn Tết trong biệt thự, ra Tết chủ nhà về còn lì-xì cho 1 triệu “dằn túi.” Vậy là với hai vợ chồng già, neo đơn như chú H., ở thuê nhà trong một ngõ hẹp đến nỗi muốn dắt chiếc xe đạp vô cũng phải tháo giỏ xe ra, cũng chào đón Tết trong tình người ấm áp của bà con lối xóm.










Chi nhánh ngân hàng Ðại Dương ở Sài Gòn, góc Nguyễn Huệ-Lê Lợi
trang trí hình con rồng nhân dịp tết Nhâm Thìn sắp đến. (Hình: Văn Lang)


Trường hợp của anh M. dân Bình Ðịnh vô Sài Gòn hành nghề bán vé số hơn chục năm nay lại là một trường hợp khác.


Theo lời kể của anh M., thì năm 16 tuổi còn là một cậu học sinh còm nhom vừa thôi học, để kiếm sống M. đi làm thợ cơ khí, mấy tháng sau trong một tai nạn lao động M. bị mất một cánh tay. Ra viện, nghe ông bác nói: “Ðời mày bây giờ tàn phế rồi, ở nhà có rau ăn rau, có cháo ăn cháo đừng tính chuyện tương lai gì hết!”


Không cam phận, đang đêm M. đón xe bỏ trốn vô Sài Gòn, dù chưa biết sẽ đi đâu, làm gì. Tới bến xe miền Ðông lúc trời vừa hừng sáng, M. tần ngần đứng tại cổng bến xe ngó coi mặt trời mọc ở hướng nào. Một bà bán nước thương tình cho M. chai nước suối. Một bác xe ôm hỏi M. muốn đi đâu? M nói với bác: “Cho con tới trung tâm của một quận nào mà có nhiều người lao động nhập cư nhất!” Bác xe ôm chở M. tới ngã năm Chuồng Chó và nói với M. đây là trung tâm của quận Gò vấp với rất nhiều dân lao động nhập cư. M. đi đúng năm vòng quanh bùng binh ngã 5 Chuồng Chó vẫn chưa xác định được sẽ đi đâu. Ăn tạm dĩa cơm bụi, M. nhắm đại một con đường rồi cứ thế đi, dạt qua tới đường Thống Nhất, phường 10, khi hỏi thăm đường, thấy M. cụt tay lại xanh xao như vừa trốn ra từ bệnh viện, người kia hỏi thăm, M. thật tình kể hết và cũng nói rõ là hiện giờ chưa biết đi đâu. Người kia thương tình đem M. về nhà cho ở trọ, có chỗ ở rồi M. lân la hỏi thăm mấy bà bán vé số tới chỗ đại lý xin lấy vé số đi bán. Hai năm đầu đi bộ bán số dạo mải miết, nhiều lần M. đi lạc, vì theo M. Sài Gòn đẹp quá cứ vui chân đi miết, nhiều khi tối mịt, chín mười giờ mới tìm được đường quay về đại lý nộp tiền. Bị chị chủ la, không phải vì sợ mất tiền mà vì lo cho M. dân quê vô Sài Gòn đi lạc không biết đường đâu mà kiếm.










Hàng Tết bán tại các của tiệm đường Châu Văn Liêm Chợ Lớn. (Hình: Văn Lang)


Cho tới một ngày cuối năm 1997, M. “ôm” 20 tờ vé số loại 2 ngàn đồng, bị ông xe ôm chạy theo năn nỉ miết, M. phải “sớt” cho ổng bớt 5 tờ. Về nhà trọ tắm, trong khi bà chị làm công nhân bắt Radio nghe kết quả xổ số, đang trần truồng nghe đọc trúng số của mình, M. phóng ra la dậy nhà, bà chị ở trọ chung tưởng là M. bị điên, hết hồn. Ðến khi nghe M. nói là trúng 15 tờ giải nhất mỗi tờ được 8 triệu đồng, mọi người mừng cho M.


Với 120 triệu đồng, thời đó giá nhà đất còn rẻ, M. qua Tân Thới Hiệp, sau này thuộc quận 12 mua được 120 mét vuông đất, còn dư ít tiền M. đem tặng cho bên nội, bên ngoại mỗi người một ít.


Nhớ lúc còn ở quê, M. hay trồng mai và cũng có lúc bán được một mớ tiền không nhỏ. M lại về quê gầy dựng lại vườn mai, nhờ cha coi sóc, M. vô Sài Gòn bán vé số lại, nhưng hàng năm cứ tới ngày 24 Tết, M. thuê xe chở mai của mình ngoài quê vô rồi thuê chỗ ngồi bán cho tới chiều 30 Tết là theo xe chở mai trở về quê ăn Tết. Ðêm Giao Thừa ngủ lăn lóc trên xe, trong khi tài xế phóng hết tốc lực, sáng ngày mùng 1 Tết về tới quê. Cực nhưng mà vui, không chỉ vì được ăn Tết ở quê mà còn vì năm ngoái cặp mai mua ngoài quê với giá 6 triệu đồng, vô Sài Gòn M bán lại cho một tổng công ty lớn ở Sài Gòn trưng Tết với giá… 300 triệu đồng.


Không phải ai cũng có chí và may mắn như M. Năm ngoái, S. một thiếu nữ xinh đẹp quê miền Tây, tỉnh Sóc Trăng, đã hy sinh ba ngày Tết để ở lại Sài Gòn bán cà-phê cho một quán nước gần sân bay Tân Sơn Nhất. Kết quả, ra Tết khi cô về quê bà chủ chỉ đưa thêm cho cô có đúng 100 ngàn tiền xe, cầm tiền mà S. tủi thân đến rớt nước mắt, vì cô không ngờ trên đời này lại có người chủ “kẹo kéo” đến như vậy. Hết Tết, quay lại Sài Gòn S. xin bán cà-phê cho một quán khác, năm nay S. cũng tình nguyện ở lại Sài Gòn bán Tết vì hoàn cảnh gia đình cô đang rất khó khăn, mẹ bệnh. S. cho biết, năm nay cô đã “giao kèo” với chủ quán đàng hoàng, không có vụ muốn đưa bao nhiêu “tùy hỉ” nữa, hơn nữa chỗ chủ này cũng tốt, trong Tết đã ứng trước cho S. mượn 5 triệu gởi về quê cho mẹ chữa bệnh. Hơn nữa, theo S, đàn ông, con trai Sài Gòn cũng hào phóng lắm, đầu năm đi uống cà-phê không ít thì nhiều họ đều “lì-xì” cho nhân viên nữ bán quán. Vì nghèo nên phải ráng, nhưng rồi S. cũng thở dài, thổ lộ: “Thấy mấy đứa làm chung sửa soạn về quê ăn Tết, nôn lắm, đêm nằm nhớ mấy đứa em, nhớ mẹ là nước mắt lại tràn ra không cầm được!”


Thế đấy, mỗi năm tuy không hẹn mà nhiều người vì nghèo, vì hoàn cảnh lại cùng nhau nhủ thầm bài nhạc xưa mà chưa hề cũ: “Xuân này con không về!”… Mẹ già tựa cửa… Ðàn em ngóng trông tà áo mới!


 

MỚI CẬP NHẬT