Friday, May 17, 2024

Biden sẽ ký đối tác chiến lược với Việt Nam để đối phó với Trung Quốc

WASHINGTON, DC (NV) – Tổng Thống Joe Biden sẽ ký thỏa thuận đối tác chiến lược với Việt Nam nhân dịp đến thăm cấp nhà nước tại Hà Nội vào Tháng Chín, trong nỗ lực ứng phó với Trung Quốc trong khu vực.

Báo mạng Politico hôm Thứ Sáu, 18 Tháng Tám, cho biết như vậy, dựa theo ba người biết về kế hoạch của thỏa thuận. Họ đề nghị ẩn danh vì không được phép phát biểu trong hồ sơ về thỏa thuận.

Ông Nguyễn Phú Trọng (phải), tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, tiếp ông Anthony Blinken, ngoại trưởng Mỹ, ngày 15 Tháng Tư ở Hà Nội. (Hình minh họa: Andrew Harnik/Pool/AFP via Getty Images)

Thỏa thuận đối tác chiến lược mới mở ra cơ hội hợp tác ngoại giao, kinh tế, và công nghệ chặt chẽ hơn với Việt Nam, cựu thù và là láng giềng của Trung Quốc.

Khi ký thỏa thuận này, Tổng Thống Joe Biden sẽ đánh dấu một chiến thắng mới trong chiến dịch tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm kéo Hà Nội xích lại gần Washington vào thời điểm căng thẳng gia tăng với Bắc Kinh.

Thỏa thuận sẽ cho phép hợp tác song phương mới, thúc đẩy nỗ lực của Việt Nam phát triển lĩnh vực công nghệ cao trong các lĩnh vực bao gồm sản xuất chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Cả Tòa Bạch Ốc và tòa Đại Sứ Việt Nam tại Washington, DC đều không hồi đáp yêu cầu bình luận của Politico.

Thỏa thuận này bổ sung vào chuỗi sáng kiến ngoại giao thành công của ông Biden nhằm tái khẳng định ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Châu Á trước sức mạnh kinh tế, ngoại giao và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Chuỗi sáng kiến bao gồm hội nghị thượng đỉnh tại Camp David, Maryland, hôm Thứ Sáu, giữa ông Biden và Thủ Tướng Nhật Fumio Kishida cùng Tổng Thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol – nhằm giải quyết các mối đe dọa của Bắc Hàn và Trung Quốc trong khu vực.

Thỏa thuận với Việt Nam trùng hợp với sự gia tăng căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh về các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Việt Nam, cùng với Philippines, Malaysia và Brunei – từ lâu đã phản đối yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với Biển Đông kéo dài 1,200 dặm tính từ bờ biển của Trung Quốc.

Hồi tháng trước, Hà Nội cấm bộ phim “Barbie” do một cảnh dường như ám chỉ “đường lưỡi bò chín đoạn” mà Bắc Kinh dựa vào để tuyên bố chủ quyền gần 90% Biển Đông.

Một hình ảnh vệ tinh được công bố trong tuần này cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một phi đạo trên một hòn đảo [Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa] mà Hà Nội tuyên bố là lãnh thổ của Việt Nam.

Nhưng thỏa thuận không nhất thiết cho thấy Việt Nam đang rời xa Trung Quốc trong lúc ủng hộ quan hệ tốt hơn với Washington.

“Việt Nam không liên kết với Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc. Họ rất vui khi cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng điều đó không có nghĩa là họ đang chống lại Trung Quốc – họ sẽ tiếp tục giữ quan hệ đối ngoại cân bằng rất cẩn thận,” ông Scot Marciel, cựu đệ nhất phó phụ tá ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương, cho biết.

Ông Marciel là người từng tham gia mở văn phòng ngoại giao đầu tiên của Mỹ ở Hà Nội năm 1993.

Thỏa thuận đối tác chiến lược Việt-Mỹ tượng trưng cho sự cải thiện ổn định trong quan hệ song phương kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995, chấm dứt hai thập niên không liên hệ sau năm 1975.

Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam sau Trung Quốc.

Việt Nam cũng tự hào là nơi đón tổ chức Peace Corps (tổ chức Hòa Bình) và các nhóm hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ hồi Tháng Sáu dừng chân tại cảng Đà Nẵng.

Ông Marciel cho biết thêm, thỏa thuận hợp tác mới với Việt Nam sẽ đẩy nhanh tiến độ đó bằng cách gửi tín hiệu quan trọng tới chính phủ Việt Nam rằng mối quan hệ tốt hơn với Hoa Kỳ là ưu tiên hàng đầu.

“Tín hiệu này bật đèn xanh cho việc mở ra cơ hội hợp tác nhiều hơn với Hoa Kỳ,” ông Marciel nói.

Thỏa thuận nêu trên sẽ đánh dấu sự nâng cấp trong quan hệ Việt-Mỹ, bước kế tiếp sau thỏa thuận đối tác toàn diện được cựu Tổng Thống Barack Obama và Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang vào năm 2013 nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực bao gồm y tế công cộng, hỗ trợ lực lượng tuần duyên Việt Nam, và các hoạt động chống tội phạm xuyên quốc gia.

Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh cách Hoa Kỳ đang bắt kịp mối quan hệ sâu sắc hơn của Việt Nam với cả Trung Quốc và Nga.

Việt Nam đã có “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” với Trung Quốc từ năm 1998 và thỏa thuận tương tự với Nga trong hơn một thập niên.

Điều đó làm nổi bật chính sách thực dụng của Hà Nội trong lúc giữ quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, nước mà Việt Nam có xung đột biên giới hồi năm 1979, và có hàng thập niên nhận viện trợ của Nga từ thời Liên Xô.

Ông Biden có thể bị cáo buộc đạo đức giả vì ủng hộ chính sách đối ngoại dựa trên các giá trị trong khi nâng cấp quan hệ với nhà nước độc đảng đàn áp nhân quyền như Việt Nam.

Giáo Sư Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Viện Chính Sách RAND Corporation, cho biết: “Thành tích nhân quyền của Việt Nam thực sự đang trở nên tồi tệ hơn chứ không phải tốt hơn. Chắc chắn có những người sẽ cảm thấy bị sốc trước thỏa thuận này. Họ sẽ coi đây là một cách làm chính trị thực dụng chống lại Trung Quốc trong khi phớt lờ tình trạng nhân quyền đang diễn ra ở Việt Nam.” (N.H.K) [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT