Monday, April 29, 2024

Mỹ-Nhật-Philippines liên minh, xem Trung Quốc ‘như kẻ ngoài lề’

Mai Phi Long/Người Việt (tổng hợp và phân tích)

WESTMINSTER, California (NV) – Tổng Thống Joe Biden chủ trì hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo hai quốc gia đồng minh là Nhật và Philippines, lần lượt là Thủ Tướng Fumio Kishida và Tổng Thống Ferdinand Marcos Jr, tại Toà Bạch Ốc hôm Thứ Sáu, 12 Tháng Tư.

Sự kiện này đánh dấu một bước quan trọng trong việc tái khẳng định cam kết của Mỹ với các đồng minh Thái Bình Dương trước mối lo ngại ngày càng tăng về các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. 

Tổng Thống Joe Biden đón ông Fumio Kishida, thủ tướng Nhật, và ông Ferdinand Marcos Jr, tổng thống Philippines, tại Toà Bạch Ốc. (Hình: Andrew Caballero-Reynolds/AFP via Getty Images)

Cam kết chắc chắn của Tổng Thống Biden trong việc bảo vệ các đồng minh của Mỹ và tuân thủ luật pháp quốc tế tạo tiền đề cho hành động tập thể nhằm đáp trả hành vi hung hãn của Trung Quốc, đặc biệt tại các vùng biển tranh chấp với Philippines trong khu vực Biển Đông.

Mỹ xác nhận cam kết bảo vệ Philippines và Nhật

Trong hội nghị thượng đỉnh, Tổng Thống Biden nhắc lại bản chất “đinh đóng cột” trong các cam kết phòng thủ của Mỹ với cả Nhật Bản và Philippines, nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào máy bay, tàu hoặc quân đội của Philippines ở Biển Đông sẽ được đáp trả bằng hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines, theo Washington Post.

“Các cam kết quốc phòng của Mỹ với Nhật và Philippines là đinh đóng cột. Những cam kết trên nền tảng thép,” ông Biden nói trong lời mở đầu cuộc đàm phán ba bên tại Tòa Bạch Ốc với hai ông Kishida và Marcos. “Như tôi từng tuyên bố, bất kỳ cuộc tấn công nào vào máy bay, tàu hoặc quân đội của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung của chúng ta.”

Tuyên bố này được đưa ra vào thời điểm quan trọng khi đang có những cuộc đụng độ căng thẳng liên tục giữa lực lượng tuần duyên Philippines và Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, điển hình là bãi cạn Second Thomas Shoal (Bãi Cỏ Mây theo cách gọi của Việt Nam).

Các hành động quấy rối của Trung Quốc trong khu vực bao gồm các hoạt động như chiếu tia laser cấp quân sự vào tàu Tuần Duyên Philippines, bắn vòi rồng và đâm vào tàu của Philippines gần bãi cạn Second Thomas Shoal.

Những hành động khiêu khích này làm gia tăng mối lo ngại về tham vọng bành trướng của Trung Quốc và sự coi thường luật pháp quốc tế.

Để đáp lại hành động của Bắc Kinh, chính quyền Mỹ có lập trường cứng rắn, trong đó Tổng Thống Biden đã trực tiếp đề cập vấn đề “Tuần Duyên Trung Quốc ngăn cản Philippines tiếp tế cho lực lượng nước này tại bãi cạn Second Thomas Shoal” với ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, trong cuộc điện đàm gần đây. 

Tuy nhiên, các giới  chức Trung Quốc đã phản bác, khẳng định chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải của Trung Quốc, đồng thời đổ lỗi cho Mỹ khiến căng thẳng leo thang trong khu vực.

Bà Kamala Harris tiếp đón ông Fumio Kishida tại dinh phó tổng thống hôm Thứ Bảy. (Hình: Anna Moneymaker/Getty Images)

Tòa Bạch Ốc xem hội nghị thượng đỉnh ba bên lần đầu tiên với Nhật Bản và Philippines là một phản ứng mạnh mẽ trước những nỗ lực “đe dọa” của Trung Quốc và cho biết họ sẽ gửi một thông điệp rằng Trung Quốc là “kẻ ngoài lề trong khu vực.” 

Ba nhà lãnh đạo đồng minh cũng công bố thực hiện các cuộc tuần tra chung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong năm nay, tiếp nối các cuộc tập trận được các đồng minh thực hiện vào năm ngoái ở vùng Biển Đông. 

Ngoài ra, Tổng Thống Biden còn cho phép các quân nhân Tuần Duyên Philippines và Nhật lên chiến hạm của Tuần Duyên Mỹ  trong quá trình tuần tra huấn luyện.

Trung Quốc hung hãn tại Biển Động làm Philippine kết chặt hơn với Mỹ

Tổng Thống Marcos Jr, trong lúc ban đầu bày tỏ ý định theo đuổi mối quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với Trung Quốc, giống như người tiền nhiệm là ông Rodrigo Duterte, những nhận ra mức độ nghiêm trọng của các hành động cưỡng bức leo thang của Trung Quốc, đã chuyển hướng sang mối quan hệ chặt chẽ hơn với Washington.

Trong dịp đến Mỹ dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Philippines, ông Marcos Jr nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh trong việc thay đổi động lực khu vực tại một cuộc họp báo: “Tôi cho rằng thoả thuận kết nối ba bên này là vô cùng quan trọng.”

“Thoả thuận giữa ba quốc gia này sẽ làm thay đổi khí thế trong khu vực, thay đổi khí thế ở ASEAN, và ở khu vực Biển Đông,” tổng thống Philippines nhận định, theo Reuters.

Philippines đã cấp cho Mỹ quyền tiếp cận các căn cứ bổ sung, báo hiệu một liên minh ngày càng sâu sắc nhằm chống lại sự xâm lược của Trung Quốc.

Ông Marcos nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và các nghĩa vụ hiệp ước trong hội nghị thượng đỉnh, phản ánh sự liên kết của Manila với các lợi ích chiến lược của Mỹ trong khu vực.

Tổng Thống Joe Biden và Đệ Nhất Phu Nhân Jill Biden tiếp đón tổng thống và đệ nhất phu nhân Philippines, ông Ferdinand Marcos Jr và bà Louise Araneta-Marcos tại Toà Bạch Ốc hồi Tháng năm, 2023. (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington, ông Marcos Jr cùng hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật cùng bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về “hành vi nguy hiểm và hung hăng” của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi vận chuyển hơn $3 ngàn tỷ hàng hoá thương mại hàng năm cùng với nguồn dầu khí to lớn.

Tuy nhiên, ông Marcos cho biết hội nghị thượng đỉnh Washington “không nhằm mục đích chống lại bất kỳ quốc gia nào” mà tập trung vào việc làm chắc chắn thêm mối quan hệ kinh tế và an ninh giữa Manila, Washington và Tokyo.

Dù nhà lãnh đạo Philippines muốn nói nhẹ hơn sự liên kết với Mỹ và Nhật để đối đầu Trung Quốc nhưng việc Bắc Kinh để lực lượng tuần duyên của họ uy hiếp Tuần Duyên Philippines khiến giới chức Manila rất phẫn uất.

Trong cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao và cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ và Philippines, một ngày sau khi các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Philippines gặp nhau tại Toà Bạch Ốc, ông Enrique Manalo, ngoại trưởng Philippines, tuyên bố: “Chúng tôi quyết tâm khẳng định quyền chủ quyền của mình, đặc biệt là trong vùng đặc quyền kinh tế – kinh tế của chúng tôi.”

Ông Manalo tỏ ý hy vọng cuộc gặp hôm Thứ Sáu sẽ cho phép Washington và Philippines phối hợp tốt hơn trong các phản ứng của họ trên các mặt trận ngoại giao, quốc phòng và an ninh.

Hiện tại Philippines đã cho phép quân đội Mỹ hiện diện tại chín căn cứ quân sự sau chuyến thăm của bà Kamala Harris, phó tổng thống Mỹ.

Chủ Tịch Hạ Viện Mike Johnson (phải) tiếp ông Fumio Kishida, thủ tướng Nhật, tại trụ sở Quốc Hội. (Hình: Kevin Dietsch/Getty Images)

Mối quan tâm của Nhật trong việc hợp tác chiến lược

Trong chuyến viếng thăm cấp quốc gia tại Washington, Thủ Tướng Nhật Kishida lặp lại những lo ngại tương tự về hành động khiêu khích của Trung Quốc và nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận ba bên với Mỹ và Philippines. 

Sự tham gia của Nhật Bản vào các cuộc tuần tra chung và tập trận quân sự nhấn mạnh những nỗ lực hợp tác giữa các đồng minh nhằm duy trì an ninh và ổn định khu vực trước các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Trong chuyến đi này ông Kishida nhắm vào việc nâng cấp cơ chế phối hợp giữa quân đội Mỹ và Nhật trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. 

Tokyo có kế hoạch thành lập một bộ chỉ huy tác chiến mới vào năm tới để đưa cả ba nhánh của Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản (trên biển, trên không và trên bộ) vào bộ chỉ huy tác chiến chung thường trực, theo nhận định của cơ quan phân tích chiến lược Council on Foreign Relations.

Phía Mỹ cũng đang xem xét lại cách bảo đảm các hoạt động phối hợp hiệu quả với lực lượng Nhật Bản trong trường hợp khủng hoảng. 

Cả hai nhà lãnh đạo Kishida và Biden đều nhận ra rằng những thay đổi nhanh chóng trong cán cân quân sự khu vực có nghĩa là liên minh Mỹ-Nhật có thể được huy động về mặt quân sự theo những cách mà trước đây chưa từng có.

Trong bài diễn văn tại lưỡng viện Quốc Hội Mỹ, nơi có sự đồng thuận về chống Trung Quốc mà không phải về Ukraine, Thủ Tướng Kishida nêu bật vấn đề về sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, dù ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay ở Châu Âu, là yếu tố không thể thiếu trong bối cảnh ngày càng bất ổn trên thế giới này.

Đặc biệt, trước việc Trung Quốc và Nga đang thách thức trật tự dựa trên luật lệ, và giờ đây với việc Bình Nhưỡng tham gia cung cấp vũ khí cho Moscow, sự liên kết này thậm chí còn mang đến những thách thức nặng nề hơn cho các liên minh do Mỹ dẫn đầu. 

An ninh kinh tế cũng sẽ là một phần của cuộc đối thoại Mỹ-Nhật trong chuyến thăm của thủ tướng. Giống như chính quyền Biden, nội các Kishida cũng tìm cách đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định và đã đầu tư mạnh vào sản xuất chip bán dẫn trong nước.

Chiến hạm Nhật vào cảng Subic Bay hôm 3 Tháng Tư. (Hình: Ted Aljibe/AFP via Getty Images)

Thông điệp của thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Philippines

Hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines gửi đị một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc, nhấn mạnh rằng hành động của Bắc Kinh bị xem là “sự đe dọa an ninh” và xem Trung Quốc là “kẻ ngoài lề trong khu vực.” 

Các nhà lãnh đạo đồng minh nhấn mạnh cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông và tuyên bố tuần tra chung ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thể hiện mặt trận thống nhất chống lại hành vi hung hãn của Trung Quốc.

Ngoài ra, hội nghị thượng đỉnh còn nhấn mạnh mối quan hệ đối tác kinh tế giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines, với các kế hoạch về hành lang kinh tế mới ở Philippines như một phần của Đối Tác G7 Về Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Toàn Cầu. Sáng kiến này phản ánh một chiến lược rộng lớn hơn nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách thúc đẩy phát triển kinh tế và ổn định trong khu vực.

Kết quả của hội nghị thượng đỉnh, bao gồm các cuộc tập trận quân sự chung và hợp tác kinh tế, nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của các liên minh trong việc giải quyết các hành động khiêu khích của Trung Quốc. 

Bằng cách tăng cường quan hệ đối tác với các đồng minh chủ chốt như Nhật Bản và Philippines, Mỹ đặt mục tiêu duy trì sự ổn định và duy trì các chuẩn mực quốc tế trước sự hung hãn ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. [kn]

MỚI CẬP NHẬT