Monday, May 13, 2024

Các ca tử vong gây lo ngại về độ an toàn của thuốc điều trị Alzheimer

CHICAGO, Illinois (NV) – Hai người chết vì xuất huyết não có thể liên quan đến lecanemab, một loại thuốc trị bệnh Alzheimer đang trong quá trình thử nghiệm, đặt ra câu hỏi về sự an toàn của thuốc, theo UPI trích dẫn nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Insider hôm Thứ Ba, 29 Tháng Mười Một.

Một phụ nữ 65 tuổi mắc Alzheimer giai đoạn đầu gần đây chết vì xuất huyết não trầm trọng mà các các nhà nghiên cứu cho rằng có liên quan đến lecanemab. Đây là thuốc kháng thể được phát triển để liên kết và loại bỏ amyloid-beta ra khỏi não.

Hình chụp não bộ bệnh nhân. (Hình minh họa: Rebecca Conway/Getty Images)

Báo cáo lưu ý rằng trước đây bà này cũng từng bị đột quỵ do viêm và xuất huyết não, hiện tượng từng thấy với kháng thể này trước đây.

Bác sĩ cấp cứu tại bệnh viện Northwestern University Medical Center ở Chicago điều trị cho người này bằng một loại thuốc làm tan cục máu đông nhưng tác dụng cao có tên tissue plasminogen activator (tPA). Ngay lập tức bà bị chảy máu rất nhiều khắp lớp ngoài của não. Bà chết vài ngày sau đó.

Ca tử vong thứ hai là một người đàn ông 80 tuổi tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba của lecanemab. Cái chết của ông có khả năng liên quan đến tương tác thuốc giữa lecanemab và một chất làm loãng máu có tên apixaban (Eliquis).

Ông Rudolph Castellani, một chuyên gia thần kinh học ở bệnh viện Northwestern, người giảo nghiệm tử thi nạn nhân nữ, xác định rằng xung quanh mạch máu não của bà có nhiều chất amyloid lắng đọng.

Ông cho biết người phụ nữ được truyền lecanemab hai tuần một lần. Phương pháp này có vẻ như gây viêm và làm suy yếu các mạch máu của bà. Khi tiếp xúc với chất làm tan máu đông, các mạch máu sẽ vỡ ra, tình trạng rất giống các trường hợp đột quỵ thông thường. Ông nói rằng nếu nạn nhân không dùng lecanemab thì bà vẫn còn sống được cho đến ngày nay.

Nếu được thông qua, lecanemab sẽ trở thành thuốc chống amyloid thứ hai cho bệnh nhân Alzheimer.

Loại thuốc đầu tiên được Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm và Dược Phẩm Mỹ (FDA) thông qua là Aduhelm (aducanumab). Tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia về Alzheimer phản đối vì nghi ngờ về hiệu quả của thuốc.

Trong tuần này công ty Eisai Co. của Nhật Bản sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về giai đoạn thử nghiệm 3 của thuốc, bao gồm 1,800 người có dấu hiệu mắc Alzheimer giai đoạn đầu.

Eisai phát triển lecanemab cùng với hãng BioArctic của Thụy Điển và tài trợ cho thử nghiệm lâm sàng với công ty kỹ thuật sinh học Biogen của Mỹ.

Một thông cáo báo chí hồi Tháng Chín từ công ty cho biết người dùng lecanemab có số lượng amyloid ít hơn, suy giảm nhận thức cũng thấp hơn 27% so với những người dùng giả dược trong khoảng thời gian 18 tháng.

Eisai từ chối bình luận về trường hợp của người phụ nữ.

Người phụ nữ có thể được nhận lecanemab hoặc giả dược trong 18 tháng thử nghiệm. Tuy nhiên chắc chắn bà từng dùng lecanemab trong một tháng trước khi chết.

Cả hai nạn nhân đều mắc bệnh mạch máu não amyloid lan rộng (CAA). Đây là tình trạng các chất amyloid dần dần thay thế cơ trơn của thành mạch máu.

Các chuyên gia giải thích rằng ở những bệnh nhân này, việc dùng các loại thuốc chống amyloid như lecanemab có thể làm suy yếu mạch máu, dễ dẫn đến chảy máu nếu tiếp xúc với chất làm loãng máu hoặc làm tan cục máu đông.

Một điều đáng lưu ý rằng gần một nửa số bệnh nhân Alzheimer mắc CAA, cũng như nhiều người bị bệnh tim, thường được điều trị bằng thuốc làm loãng máu. (V.Giang) [qd]

MỚI CẬP NHẬT