Tuesday, April 23, 2024

Mỹ trừng phạt Nga, trục xuất 35 nhà ngoại giao

WASHINGTON, DC (AP) – Tổng Thống Barack Obama hôm Thứ Năm chính thức đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga, trong một vụ trả đũa mà chính phủ Mỹ gọi là Moscow có “các hoạt động tin tặc vô cùng nguy hiểm.”

Các biện pháp này bao gồm trục xuất hàng chục người và đóng cửa một số cơ sở của người Nga, buộc họ phải rời khỏi Hoa Kỳ.

Một cách cụ thể, có 35 người Nga được coi là “không được hoan nghênh” phải rời Hoa Kỳ trong vòng 72 giờ.

Ngoài ra, hai cơ sở tình báo của Nga tại Maryland và New York phải đóng, cùng với hoạt động của sáu người Nga và năm hoạt động của chính phủ Nga phải ngưng lại.

“Tất cả người Mỹ nên cảnh tỉnh với các hành động của Nga,” Tổng Thống Barack Obama nói qua một tuyên bố, trong lúc ông đang nghỉ ở Hawaii. “Các hoạt động như vậy đều lãnh đủ hậu quả.”

Hoa Kỳ cũng công bố bản báo cáo chi tiết về mạng lưới tin tặc của Nga, và nói rằng, được đưa ra để giúp các chuyên viên điện toán đề phòng không bị tin tặc đột nhập vào nữa.

Ông Obama nói sẽ còn một số biện pháp trừng phạt nữa.

“Các hành động này không phải là chỉ có vậy, đối với các hoạt động gây hấn của Nga,” ông Obama cho biết.

Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng Thống Nga Vladimir Putin, nói rằng, các biện pháp này cho thấy “sự khó đoán của ông Obama và, nếu tôi có thể nói, là một chính sách ngoại giao gây hấn” và nhắm làm mất uy tín Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump.

“Chúng tôi nghĩ rằng những hành động này của chính quyền Mỹ được đưa ra trong lúc chỉ còn ba tuần trước khi chuyển giao quyền hành cho thấy hai chuyện. Đó là làm tệ hại hơn quan hệ Nga-Mỹ, mà hiện đang ở mức rất thấp, cũng như, một cách rõ ràng, là tìm cách phá hoại các kế hoạch chính sách ngoại giao của chính quyền sắp tới của vị tổng thống đắc cử,” ông Peskov nói với các nhà báo ở Moscow.

Mời độc giả xem video: Úc bắt hơn một tấn ma túy trong năm 2016

Ông Peskov cũng nói rằng “Nga rất tiếc Mỹ đưa ra lệnh trừng phạt, và đang cân nhắc các hành động trả đũa.”

Trước khi Mỹ đưa ra lệnh trừng phạt, Bộ Ngoại Giao Nga có cho biết họ sẽ có hành động trả đũa đối với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, nếu điều này xảy ra.

Tòa Bạch Ốc cũng hứa sẽ đưa ra một bản báo cáo trước khi ông Obama mãn nhiệm, cho thấy chi tiết về hoạt động tin tặc của Nga đối với bầu cử ở Mỹ, một hành động có thể trả lời cho những cáo buộc của Moscow là Washington lâu nay cứ tố cáo mà không đưa ra bằng chứng.

Dù vậy, Mỹ vẫn ra lệnh trừng phạt hôm Thứ Năm, mặc dù bản báo cáo này chưa được công bố.

Và các giới chức chính quyền Obama nói rằng, danh sách các cơ sở Nga bị trừng phạt cho thấy rõ, cá nhân nào mà Hoa Kỳ tin rằng đứng đằng sau các vụ tin tặc vào các tổ chức của đảng Dân Chủ, rồi ăn cắp email của ông John Podesta, chủ tịch ủy ban vận động của bà Hillary Clinton.

Trong sắc lệnh hành pháp do ông ký, Tổng Thống Obama ra lệnh trừng phạt hai cơ quan tình báo GRU và FSB của Nga, cộng với các công ty mà Hoa Kỳ nói rằng có làm việc với GRU.
Một công ty an ninh mạng do Ủy Ban Toàn Quốc Đảng Dân Chủ mướn điều tra vụ tin tặc email xác định hồi đầu năm rằng, các hoạt động tin tặc này xuất phát từ nhóm Fancy Bear, mà nhiều người cho rằng có hợp tác với GRU.

Lệnh trừng phạt cũng phong tỏa bất cứ tài sản nào của các cơ sở hoặc cá nhân người Nga nào tại Hoa Kỳ được nêu tên, và cũng ngăn cấm người Mỹ có hoạt động kinh doanh với họ.
Hiện chưa biết các lệnh trừng phạt này có ảnh hưởng ngay lập tức với các hoạt động tình báo hay không.

FSB là cơ quan tình báo chống khủng bố chính của Nga, được thành lập sau khi Liên Xô sụp đổ, vào lúc mà KGB được tách ra làm hai, một là FSB và cơ quan kia là cơ quan tình báo ngoại quốc SVR. GRU là cơ quan tình báo quân đội Nga.

Lệnh trừng phạt cũng nhắm vào Thiếu Tướng Igor Korobov, giám đốc GRU, và ba người phụ tá của ông. Các cá nhân khác bị trừng phạt bao gồm ông Alexei Belan và ông Yevgeny Bogachev, hai công dân Nga nằm trong danh sách truy nã của Nga vì bị tố cáo hoạt động tin tặc trong nhiều năm.

Hôm Thứ Ba, trong lúc công du tại các quốc gia vùng Baltic, Thượng Nghị Sĩ John McCain (Cộng Hòa-Arizona), chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện, và Thượng Nghị Sĩ Lindsay Graham (Cộng Hòa-South Carolina) cũng tố các hoạt động tin tặc của Nga và hứa sẽ mở các cuộc điều trần về vấn đề này khi trở về Mỹ.

“Có 100 thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, và tôi có thể nói rằng 99% chúng tôi tin rằng người Nga có can thiệp vào bầu cử, và chúng tôi sẽ làm một điều gì đó về chuyện này,” Thượng Nghị Sĩ Graham nói với nhà báo Jim Sciutto trong chương trình “The Situation Room” của đài CNN.

Hành động của ông Obama hôm Thứ Năm đẩy Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump vào một vị trí phải quyết định có thay đổi sắc lệnh hành pháp này hay không, một khi ông tuyên thệ nhậm chức.

Các giới chức Mỹ thừa nhận rằng, ông Trump có quyền làm như vậy.

Sau khi biết Hoa Kỳ đưa ra lệnh trừng phạt Nga, ông Trump nói rằng nước Mỹ nên “lo cho tương lai của mình đi” và hứa sẽ gặp các lãnh đạo tình báo Hoa Kỳ để tìm hiểu thêm.

Các tố cáo của Mỹ là người Nga đột nhập vào hệ thống điện toán trong suốt cuộc bầu cử lâu nay tạo ra một cuộc tranh luận nóng bỏng về cách hành xử của ông Trump muốn nhích lại gần với Nga và không chấp nhận đánh giá của tình báo Mỹ là chính phủ Nga chịu trách nhiệm trong các vụ tin tặc này, với mục đích giúp ông thắng cử bà Clinton.

Mặc dù nhiều nhà lập pháp Mỹ lâu nay kêu gọi ông Obama phải cứng rắn hơn với Nga, một số chính trị gia đảng Cộng Hòa thấy rằng điều này nay ít cần thiết hơn, vì ông Trump hiện đang đề nghị một thay đổi chính sách, có quan hệ gần gũi với Moscow hơn.

“Trong khi hành động của hành pháp đưa ra hôm nay là chậm, đó là cách thích hợp để chấm dứt tám năm của một chính sách thất bại đối với Nga,” Dân Biểu Paul Ryan (Cộng Hòa-Wisconsin), chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, nói.

Ông Obama nói hoạt động tin tặc này “chỉ có thể thực hiện được với sự ra lệnh của các giới chức cao cấp nhất của Nga,” một luận điểm mà Hoa Kỳ sử dụng bấy lâu nay, với ngụ ý rằng cá nhân Tổng Thống Putin có liên quan.

Mặc dù Tòa Bạch Ốc thông báo lệnh trừng phạt cùng lúc với yêu cầu người Nga rời khỏi Mỹ và đóng cửa các cơ sở, bản thông cáo cho biết thêm đây là phản ứng đối với cách cư xử có vấn đề của người Nga, đó là, cảnh sát và giới chức Nga quấy rầy các nhà ngoại giao Mỹ.

Ông Obama cho biết, 35 người bị trục xuất là nhân viên tình báo Nga. Họ bị coi là “không được hoan nghênh,” và phải rời Mỹ trong vòng 72 giờ.

Bộ Ngoại Giao Mỹ chưa công bố danh tánh những người này.

Về hai cơ sở bị đóng cửa, Tòa Bạch Ốc nói rằng Nga đã được thông báo rằng họ sẽ không vào được các cơ sở này, bắt đầu từ trưa Thứ Sáu.

Moscow cũng bác bỏ tố cáo của chính quyền Obama nói rằng các giới chức cấp cao nhất của Nga tìm cách ảnh hưởng bầu cử tổng thống Mỹ, một đánh giá mà ông Donald Trump gọi là nực cười. (Đ.D.)

MỚI CẬP NHẬT