Wednesday, April 24, 2024

GS Nguyễn Mạnh Hùng: ‘Chung sức đối phó với Trung Quốc là cần thiết, nhưng khó thực hiện’

Nguyễn Hòa/Người Việt (thực hiện)

LTS: Hôm 13 Tháng Mười Một, 2019, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper lên đường công du các quốc gia Á Châu gồm Nam Hàn, Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Nhân sự kiện này, nhật báo Người Việt có cuộc phỏng vấn Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, từng dạy quan hệ quốc tế tại Đại Học Georges Mason, Virginia, Hoa Kỳ, liên quan đến chuyến thăm của ông Esper, đặc biệt là Việt Nam.

* Người Việt: Chuyến đi của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Esper đến Việt Nam có ý nghĩa gì không trong tình hình Trung Quốc rất cứng rắn, xâm phạm ngày càng nhiều và kéo dài vào khu vực thềm lục địa Việt Nam?

– GS Nguyễn Mạnh Hùng: Đây là chuyến thăm Việt Nam lần đầu của Bộ Trưởng Esper, đúng một năm sau chuyến viếng thăm của người tiền nhiệm, Tướng James N. Mattis, vào Tháng Mười năm ngoái. Mục đích chính là tham dự ADMM-Plus (Hội Nghị Các Bộ Trưởng Quốc Phòng Đông Nam Á với một cường quốc) tổ chức ở Thái Lan.

Có hai điều đáng để ý.

Thứ nhất, cuộc viếng thăm của giới chức quốc phòng Mỹ có tính cách dồn dập: Bộ Trưởng Esper thăm Việt Nam chỉ một tháng sau chuyến thăm của ông Randall Schriver, phụ tá Bộ Trưởng Quốc Phòng đặc trách Á Châu-Thái Bình Dương của Mỹ.

Thứ hai, nó xảy ra ngay sau những lời chỉ trích nặng nề của môt số lãnh đạo Mỹ về chính sách “bắt nạt” các nước nhỏ ở Biển Đông của Trung Quốc.

Ngày 26 Tháng Tám, sau khi tàu Hải Dương 8 xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Bộ Quốc Phòng Mỹ ra tuyên cáo chống việc Trung Quốc “cưỡng chế” không cho Việt Nam thực hiện việc khai thác dầu khí vốn có từ lâu ở Biển Đông.

Hai tháng sau, ngày 24 Tháng Mười, trong một bài diễn văn quan trọng, Phó Tổng Thống Mike Pence, ngoài việc chỉ trích các hành vi xâm phạm nhân quyền của Trung Quốc còn than phiền về những hành động quân sự “càng ngày càng có tính cách khiêu khích” của Trung Quốc.

Tiếp theo đó, ngày 30 Tháng Mười, Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo phân biệt giữa nhân dân Trung Quốc và đảng Cộng Sản Trung Quốc, rồi tuyên bố Hoa Kỳ không chống Trung Quốc và mong muốn Trung Quốc phát triển hòa bình, nhưng cảnh báo rằng chính quyền Bắc Kinh đang tìm cách thống trị thế giới và thù nghịch với giá trị của Hoa Kỳ, và khuyến cáo Hoa Kỳ và các đồng minh phải chung sức đối đầu trực diện với thách thức của Trung Quốc.

Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng (phải) và ông Hoàng Đức Nhã, cựu Tổng Trưởng Dân Vận – Chiêu Hồi VNCH. Hình chụp tại cuộc hội thảo về VNCH, Oregon, 14-15 Tháng Mười, 2019. (Hình: Nguyễn Hòa/Người Việt)

* Người Việt: Sự hiện diện của hải đội USS Ronald Reagan tại biển Đông gửi tín hiệu gì, thưa giáo sư?

– GS Nguyễn Mạnh Hùng: Hải đội USS Ronald Reagan vào Biển Đông, ghé thăm Philippines ngày 6 Tháng Tám, với một loạt các tàu chiến rầm rộ đi kèm, 90 oanh tạc cơ và 5,000 binh sĩ. Sự xuất hiên của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan là một hình thức phô trương lực lượng đúng thời gian tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đang chạy dọc ngang khảo sát dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines (từ đầu Tháng Bảy, 2019, đến cuối Tháng Mười, 2019). Khi vào khu vực Hoàng Sa, USS Reagan bị bảy tàu chiến Trung Quốc bao vây, nhưng không có tin tức gì về sự tương tác giữa USS Reagan và Hải Dương 8.

* Người Việt: Ông Esper đến ba nước Đông Nam Á là Philippines, Việt Nam, Thái Lan, trong khi mới cách đây mấy ngày, chính phủ Mỹ chỉ cử một đại diện cấp thấp dự Thượng Đỉnh ASEAN. Giáo sư đánh giá gì về hai chuyện trái ngược này?

– GS Nguyễn Mạnh Hùng: Có vẻ trái ngược, nhưng không có gì lạ. Việc bộ quốc phòng Mỹ quan tâm đến vị trí chiến lược của các đồng minh Philippines và Thái Lan cũng như của Việt Nam, một đối tác mà Mỹ muốn nâng tầm hợp tác quốc phòng, là lẽ dĩ nhiên.

Còn đối với Tổng Thống Donald Trump, năm ngoái, ông đã không tham dự hôi nghị Thượng Đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ (ASEAN-US Summit), nhưng cử Phó Tổng Thống Pence thay thế. Năm nay cả hai ông đều không đi, cử cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Bien và Bộ Trưởng Thương Mại Wilbur Ross đại diện cho nước Mỹ. Tòa Bạch Ốc viện cớ Tổng Thống Trump và Phó Tổng Thống Pence bận vận động tranh cử cho một số ứng viên thống đốc Cộng Hòa. Thực ra, ông Trump lười đi xa và ông cũng không quan tâm nhiều đến ASEAN so với triển vọng dự hội nghị hợp tác Á Châu-Thái Bình Dương (APEC) ở Chile ngay hai tuần sau đó để ký thương ước với Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng việc này bị hủy bỏ vì nước chủ nhà xin hoãn.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper đang có chuyến công du tới một số quốc gia Á Châu, trong đó có Việt Nam. (Hình: Getty Images)

* Người Việt: Tác động của chính sách đối ngoại của Mỹ tại Châu Á, Đông Nam Á, giáo sư thấy ảnh hưởng như thế nào đối với Việt Nam?

– GS Nguyễn Mạnh Hùng: Trong bài diễn văn đọc ở Viện Nghiên Cứu Hudson ngày 30 Tháng Mười, Ngoại Trưởng Pompeo thú nhận rằng chính sách hòa hoãn và nhân nhượng Trung Quốc của Mỹ đã thất bại vì các nhà lãnh đạo Mỹ không nhận chân được “những dị biệt căn bản giữa hai hệ thống chính trị” với ảo tưởng nếu giúp cho “Trung Cộng” (communist China) phát triển thì Trung Cộng sẽ trở thành một nước “tự do hơn, theo đuổi một nền kinh tế thị trường hơn và, cuối cùng, dân chủ hơn.”

Ông Pompeo khuyến cáo Mỹ và các đồng minh phải chung sức để “đối phó trực diện” với “Trung Cộng.” Tuy nhiên, chính sách trọng Nga, o ép và gây chia rẽ giữa các đồng minh của chính quyền Trump đã làm suy yếu NATO, đồng thời gây ra những nghi kỵ và hiềm khích khiến việc chung sức đối phó với Trung Quốc tuy là một điều cần thiết nhưng lại khó thực hiện.

Đối với Đông Nam Á, chính quyền Trump đã thực hiện một số biện pháp (như rút khỏi Hiêp Ước Đối Tác Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP), hành động đơn phương đặt quyền lợi Mỹ trên hết (America First), điều đình lại các thương ước song phương, o ép đồng minh và đối tác về phương diện thương mại,) đã khiến các nước trong khu vực nghi ngờ quyết tâm và khả năng của Mỹ. Điều này tạo cơ hội cho Trung Quốc tăng cường vị thế chiến lược của mình trong cán cân lực lượng ở Đông Nam Á nói chung và ở Biển Đông nói riêng.

Vì những điều này, gần đây một số thành viên cao cấp trong chính quyền Trump, như Phó Tổng Thống Pence và Ngoại Trưởng Pompeo, đã lên tiếng chỉ trích và có thái độ tương đối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Ông Pence chỉ trích Trung Quốc hạn chế quyền tự do của người Hồng Kông, vi phạm nhân quyền đối với người Hồi Giáo ở Tân Cương, và có những hành vi quân sự có tính cách khiêu khích. Ngoại Trưởng Pompeo phân biệt giữa nhân dân Trung Quốc và đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ông tuyên bố Hoa Kỳ không chống Trung Quốc và mong muốn Trung Quốc phát triển hòa bình, nhưng cảnh báo rằng, trên thực tế, chính quyền Cộng Sản Trung Quốc đang tìm cách “thống trị thế giới và thù nghịch với các giá trị của Hoa Kỳ,” và khuyến cáo Hoa Kỳ cùng các đồng minh phải chung sức để đối đầu trực diện với thách thức của Trung Quốc.

Áp lực phải đương đầu với Trung Quốc đến từ nhiều phía và đang mạnh lên ở Mỹ, kể cả Quốc Hội, nhưng người quyết định tối hậu vẫn là Tổng Thống Donald Trump, người từng khen Tập Cận Bình hành động “có trách nhiệm” đối với các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, và đang tìm cách thương lượng một hiệp định thương mại “toàn diện” và có tính cách lịch sử với Trung Quốc.

Đối với Việt Nam thử thách rõ rệt nhất về ý định và quyết tâm chống hành động “bắt nạt” và vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông là liệu chính quyền Trump có khuyến khích và bảo vệ cho Exxon Mobil khai thác lô dầu khí Cá Voi Xanh hay không.

* Người Việt: Xin cảm ơn giáo sư về cuộc phỏng vấn này! (Nguyễn Hòa)

MỚI CẬP NHẬT